Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-NV

Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 1971

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 169-CP NGÀY 07-9-1971CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VÀ HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO VÙNG BỊ LỤT

Thi hànhnghị quyết số 169-CP ngày 07-9-1971 của Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ về một số chính sách đối với đồng bào vùng bị lụt, sau khi đã bàn bạc thống nhất trong Ban đời sống của Chính phủ với các Bộ Tài chính, Lương thực và thực phẩm, Nội thương, Y tế, Bộ Nội vụ quy định và hướng dẫn một số vấn đề trước mắt và cụ thể về việc cứu tế như sau:

I. YÊU CẦU CỦA VIỆC CỨU TẾ

Trong việc cứu giúp nhân dân vùng bị lụt, trước hết cần quán triệt tinh thần tự lực cánh sinh, đoàn kết tương trợ, dựa vào tập thể, địa phương là chính, kết hợp với sự giúp đỡ tích cực của Nhà nước. Vì vậy, để sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị lụt, việc cứu tế cần đạt ba yêu cầu chính sau đây:

1. Trước hết, phải giáo dục kỹ cho nhân dân ý thức tự lực cánh sinh, không ỷ lại vào Nhà nước, có tinh thần nhường nhịn và tương trợ nhau, ưu tiên cho gia đình có nhiều khó khăn, nhất là gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội, thương binh, gia đình có người đi công tác xa, gia đình neo đơn.

2. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các ngành, nhất là các ngành nội thương, lương thực và thực phẩm, y tế và các cấp, trước hết là cấp xã, trước đời sống nhân dân. Mỗi ngành, mỗi cấp trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải có kế hoạch cụ thể và biện pháp tổ chức chu đáo để cứu giúp nhân dân vùng bị lụt được nhanh chóng và có hiệu quả.

3. Đảm bảo cứu tế công bằng, hợp lý, đúng đối tượng, đúng chính sách, đảm bảo tiền và hiện vật cứu tế đến tay nhân dân nhanh chóng. Căn cứ vào mức độ thiệt hại và tình hình khó khăn thực tế của nhân dân ở từng vùng mà xét cứu tế, nơi thiệt hại nhiều, vùng có khó khăn nhiều, thì Nhà nước cứu trợ nhiều hơn, nơi thiệt hại ít, vùng có khó khăn ít, thì Nhà nước cứu trợ ít hơn, không cứu trợ tràn lan hoặc nhỏ giọt. Phải giải quyết nhanh, gọn việc cứu tế để làm cho đồng bào yên tâm, tin tưởng, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống. Phải giải quyết xong căn bản việc cứu tế đột xuất trong tháng 9 năm 1971.

Để đảm bảo việc cứu tế được công bằng, hợp lý và kịp thời, cần tránh các hình thức bình nghị phiền phức, phải phát huy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương để xem xét các trường hợp cần cứu giúp một cách hợp lý và nhanh chóng. Việc cấp phát phải phân minh, chặt chẽ và khẩn trương, tránh tình trạng để hiện vật cứu tế ứ đọng, mất mát, hao hụt, hư hỏng. Danh sách những đồng bào được cứu tế với các khoản tiền, hiện vật cứu tế cần được công bố công khai. Các Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố cần theo dõi sát tình hình, phát hiện những trường hợp sai sót và kịp thời ngăn chặn tình trạng tham ô, lợi dụng tiền, hiện vật cứu tế. Mọi hành động tham ô, lợi dụng cần được xử lý thích đáng, trước hết là phải truy hoàn dù là một vật nhỏ.

II. NỘI DUNG CỨU TẾ

Quyết định số 169-CP ngày 07-9-1971 của Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã nêu rõ: “Trong vùng bị ngập lụt, đời sống nhân dân có nhiều khó khăn. Cần phải gấp rút giải quyết một số vấn đề về đời sống cho nhân dân, chủ yếu là vấn đề ăn, ở, phòng bệnh, chữa bệnh”.

Bởi vậy, việc cứu tế đột xuất lần này phải thể hiện đúng đắn tinh thần và nội dung quyết định trên đây và phải có hiệu lực góp phần nhanh chóng giải quyết các khó khăn trước mắt của đời sống nhân dân vùng bị lụt. Nội dung cứu tế gồm các mặt sau đây:

1. Lương thực: Mức 13 kilôgam lương thực quy gạo phải giải quyết trong tháng 9 là nhằm phục hồi sức khỏe đồng bào vùng bị lụt và chỉ giải quyết trong tháng 9 để giảm bớt khó khăn trong những tháng sau.

Đối với những hộ bị mất hết lương ăn, trong tháng 9 năm 1971, Nhà nước trợ cấp bình quân 13 kilôgam lương thực quy gạo.

Đối với những bộ bị mất một phần lương thực hoặc thu nhập mức ăn chia vụ chiêm vừa qua quá thấp, không đảm bảo đủ 13 klôgam lương thực quy gạo, thì riêng tháng 9 này, nhà nước trợ cấp thêm cho đủ 13 kilôgam lươngthực quy gạo.

Đối với những hộ phi nông nghiệp, lâu nay không thuộc diện Nhà nước cung cấp lương thực và những hộ nông dân cá thể nếu bị mất hết hoặc mất một phần lương thực, thì trong tháng 9 cũng được trợ cấp như đối với nông dân xã viên.

Đối với những người trồng cây công nghiệp trong vùng bị lụt, nếu bị mất cả lương thực hay bị thiếu lương thực, thì trong tháng 9 cũng được giải quyết cho đủ 13 kilôgam lương thực quy gạo.

Đối với những người có sức lao động mà không chịu sự quản lý lao động của hợp tác xã, của Ủy ban hành chính thị xã, thị trấn, xã lâu nay làm ăn tự do, không có hoặc thiếu lương ăn trong tháng 9 năm 1971, thì có thể xét bán lương thực theo mức thấp hơn. Trường hợp cá biệt, xét kỹ, có thể cứu tế theo định mức thường lệ.

Việc xét cứu tế lương thực phải do tập thể Ủy ban hành chính xã phụ trách với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, Ủy ban hành chính xã dựa vào Ban quản trị hợp tác xã xem xét cụ thể trường hợp từng hộ, lập danh sách báo cáo lên huyện. Ủy ban hành chính huyện xét duyệt ngay để kịp thời tiến hành việc cấp phát.

2. Nhà ở: Trên cơ sở phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, đoàn kết tương trợ, dựa vào tập thể, địa phương là chính. Nhà nước trợ cấp chất lợp và một số tiền tối thiểu cần thiết để làm lại nhà ở, theo quy định như sau:

- Đối với những hộ ít người hoặc đông người ở thành thị hay là ở đồng bằng, miền núi, tùy theo nhà bị trôi hẳn hoặc bị đổ nát, không còn chất lợp, Nhà nước trợ cấp giấy dầu từ 30 đến 50 mét và thêm một số tiền từ 10 đến 40 đồng là mức tối đa để mua thêm các vật liệu khác… do các địa phương phụ trách.

Ở những nơi nhất là miền núi, Nhà nước không có khả năng cấp giấy dầu, địa phương tự giải quyết về chất lợp và sẽ có quy định riêng giữa Bộ Nội vụ và địa phương cho từng nơi đó.

- Đối với vườn trẻ, trạm xá, trường mẫu giáo, vỡ lòng và các trường cấp I, cấp II bị trôi hoặc đổ nát, Nhà nước trợ cấp chất lợp cho yêu cầu rất cần thiết, tính theo diện tích nhà chính cũ, còn các vật liệu khác, địa phương phải tự túc.

3. Thuốc phòng bệnh và chữa bệnh. Tinh thần chung là phải đảm bảo đủ thuốc phòng bệnh và chữa bệnh. Số thuốc này được thanh toán theo thực tế bằng tiền cứu tế, tính bình quân từ 0đ50 đến 1 đồng mỗi người (kể cả thuốc khử trùng trong nước).

Đối với những người bị ốm nặng, thì sẽ được điều trị tại các bệnh xá, bệnh viện. Viện phí sẽ do ngân sách địa phương đài thọ theo chế độ hiện hành.

4. Đường sữa và một số thuốc bổ cần thiết:

- Đối với người ốm đau (bao gồm cả người lớn và trẻ em), phụ nữ sinh đẻ trong tháng 9 năm 1971, khi các bác sĩ, y sĩ khám và chữa bệnh nếu xét thấy cần bồi dưỡng, thì được cấp đường và sữa, nhưng mỗi người không được cấp quá 0,500 kilôgam đường và 0,500 kilôgam sữa.

- Đối với cán bộ, công nhân, viên chức, nhất là cán bộ huyện, xã, do phải dốc sức ngày đêm lăn lộn cùng đồng bào chống lụt, đã bị giảm sút sức khỏe hoặc bị đau ốm, cần được quan tâm chăm sóc, mỗi người được cấp 0,500 kilôgam đường và 0,500 kilôgam sữa và do Ủy ban hành chính xã, huyện, tỉnh xét quyết định.

5. Quần áo, chiếu, màn, bát ăn cơm, phèn chua:

Đối với những người mất quần áo, những hộ mất tài sản, đồ dùng, cũng cần được xét cứu tế để giúp đồng bào giảm bớt khó khăn lúc đầu. Tùy tình hình cụ thể của từng hộ mà xét, giải quyết cho sát đúng: mất hoặc thiếu thứ gì cần thiết nhất thì mới giúp, nếu không, thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến sinh hoạt của đồng bào. Không nhất thiết hộ nào bị thiệt hại cũng được cấp hoặc mỗi hộ phải được cấp toàn bộ các thứ ghi trên đây, mà chỉ được cấp một hoặc hai thứ, đặc biệt mới được cấp ba thứ cùng một lúc.

- Về quần áo: Những người mất hết quần áo và những người bị hư hại quần áo nhiều trong khi phải lánh lụt lâu ngày, thì có thể cấp vải từ 2 đến 4 mét hoặc quần áo may sẵn, trên tinh thần là thiếu áo thì cấp áo, thiếu quần thì cấp quần. Ngoài ra, Nhà nước có thể xét bán thêm cho những người mất hết quần áo nói trên mỗi người từ 2 đến 4 mét vải theo giá cung cấp và không thu phiếu.

- Về chiếu, màn: Đối với những hộ bị trôi mất chiếu, màn, thì có thể cấp mỗi hộ từ một đến bốn chiếc chiếu cá nhân và một màn đôi.

Đối với vườn trẻ ở vùng bị ngập lụt sâu và lâu, thì cấp cứ hai, ba cháu một chiếc chiếu và không quá 5 chiếc, tập thể vườn trẻ được cấp một hay hai màn đôi.

Các khoản trợ cấp trên đây, kể cả gạo, giấy dầu, đồng bào không được bán lại. Việc sử dụng tiền và hiện vật cứu tế vừa phải bảo đảm chặt chẽ chính sách, vừa phải hết sức tiết kiệm.

Trong khi cấp phát, cần chú ý trước hết bảo đảm đúng chính sách, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, chú ý những người khó khăn, chật vật nhất. Nếu thiếu hiện vật, thì phải khẩn trương báo cáo lên cấp trên để giải quyết. Nếu thừa hiện vật cứu tế - do dự trù không sát – thì cũng phải gấp rút trả lên trên để trên điều chỉnh đi những nơi cần thiết. Đấy là thể hiện tinh thần tự lực cánh sinh và đoàn kết tương trợ.

Những khoản quy định trên đây cũng áp dụng đối với những cán bộ và đồng bào lâu nay thường hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng, hàng quý như trợ cấp tuất, trợ cấp B, C, trợ cấp khó khăn… nếu những cán bộ và đồng bào này cũng bị thiệt hại nhiều do lũ lụt gây nên.

III. PHƯƠNG THỨC PHÂN PHỐI VÀ THỂ THỨC THANH TOÁN

Quyết định số 169-CP ngày 07-9-1971 của Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã nêu rõ: “… các ngành thương nghiệp, y tế, lương thực và thực phẩm phải có kế hoạch cụ thể và biện pháp tổ chức chu đáo, bảo đảm việc phân phối được kịp thời, công bằng, hợp lý, vệ sinh và đến tận tay nhân dân”

Phương thức phân phối và thể thức thanh toán phải thể hiện đúng tinh thần và nội dung của quyết định trên đây, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng ba yêu cầu chính của việc cứu tế nêu ở phần I của thông tư này.

Quỹ cứu giúp nhân dân vùng bị lụt của mỗi tỉnh, thành phố (có vùng bị ngập lụt) là tổng số tiền do ngân sách trung ương (quỹ cứu tế đột xuất) cấp cho địa phương.

Quỹ cứu tế cho nhân dân vùng bị ngập lụt này bao gồm 3 phần:

1. Phần lương thực, chất lợp, thuốc phòng bệnh và chữa bệnh, phèn chua, đường sữa do Ban đời sống Chính phủ đã phân phối bằng hiện vật cho các tỉnh (chỉ tiêu hiện vật phân phối cho các tỉnh do Bộ Nội vụ công bố).

2. Phần quỹ bằng tiền (do Bộ Nội vụ công bố chỉ tiêu phân phối cho các tỉnh) dùng để thanh toán số hiện vật khác (như vải, quần áo may sẵn, chiếu, màn v.v…) mà Trung ương chỉ quy định tiêu chuẩn, chính sách cứu tế, chứ không quy định chỉ tiêu hiện vật cụ thể. Ủy ban hành chính các tỉnh sẽ căn cứ vào chính sách, tiêu chuẩn hướng dẫn, dự tính số hiện vật cần phải trích quỹ hàng hóa sẵn có ở địa phương để dự trữ cứu tế cho nhân dân vùng bị ngập lụt.

3. Phần bằng tiền mặtnhỏ cứu tế cho những hộ quá túng thiếu để mua sắm thêm vật liệu sửa nhà…

Việc phân phối tiền và hàng cứu giúp nhân dân vùng bị lụt tiến hành nhanh, gọn sẽ góp phần tích cực trong việc ổn định đời sống nhân dân. Vì vậy, việc phân phối phải được chỉ đạo thống nhất, tập trung vào cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.

Việc phân bổ và điều động vật tư, hàng hóa, từ tỉnh đến huyện và từ huyện về xã do các ngành nội thương, lương thực và thực phẩm, y tế chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm giao vật tư, hàng hóa này đến nhân dân, phẩm chất bảo đảm. Ủy ban hành chính các cấp, trong phạm vi trách nhiệm của mình, chỉ đạo việc phối hợp được chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho viêc phân phối đạt kết quả tốt.

Việc phân phối tiền cho từng địa phương phải cân đối với số vật tư, hàng hóa được phân bổ, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chính sách, tiêu chuẩn, mức cứu tế về phần tiền mặt cho từng hộ được cứu tế, không gây trở ngại cho sự hoạt động của các ngành, các cấp.

Việc thanh toán giữa các ngành, các cấp với nhau phải bảo đảm được những nguyên tắc, chế độ quản lý của các ngành, đề phòng tham ô, lợi dụng, xâm phạm của công. Về thể thức thanh toán giữa các ngành, các cấp, thì tiến hành theo hai hệ thống sau đây: một mặt, các ngành nội thương, lương thực và thực phẩm, y tế thanh toán tiền bán hàng cứu tế với cơ quan tài chính tỉnh, thành phố kèm theo giấy biên nhận của huyện. Mặt khác, Ủy ban hành chính các xã phải thanh toán về số tiền và hiện vật cứu tế vớiỦy banhành chính huyện bằng các bản danh sách số hộ được cứu tế (có chữ ký của mỗi hộ). Dựa vào đó, Ủy ban hành chính huyện thanh toán với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố. Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố sẽ thanh, quyết toán với Bộ Nội vụ để Bộ Nội vụ thanh quyết toán với Chính phủ (Bộ Tài chính).

IV. TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Căn cứ vào quyết định số 169-CP ngày 07-9-1971, để giúp cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp chỉ đạo giải quyết các vấn đề về đời sống nhân dân, từ tỉnh, thành phố đến huyện, xã cần tổ chức một Ban chuyên trách về đời sống (gọi là Ban đời sống).

Ở các tỉnh, thành phố và ở các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, các Ban đời sống phải do đồng chí thường vụ cấp ủy, phó chủ tịch, Ủy ban hành chính phụ trách và gồm các đồng chí phụ trách các ngành thương binh xã hội, quân đội, thương nghiệp, lương thực và thực phẩm, y tế, tài chính. Ngoài ra, có đại biểu của các đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, công đoàn, phụ nữ, thanh niên tham gia. Ban thương binh xã hội là thường trực của Ban đời sống.

Ở xã, Ban đời sống do đồng chí thường vụ Đảng ủy, phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã phụ trách với sự tham gia của các ngành và các tổ chức quần chúng. Ở những xã chưa thành lập Ban thương binh xã hội, thì cử đồng chí ủy viên Ủy ban hành chính xã phụ trách công tác thương binh xã hội tham gia thường trực Ban đời sống xã.

Về nhiệm vụ của Ban đời sống các cấp, được quy định như sau:

- Nắm tình hình thiệt hại của các vùng và của nhân dân, đồng thời nắm vững các chính sách, nguyên tắc, tiêu chuẩn, mức cứu tế, phương thức phân phối, thể thức thanh toán để giúp cấp ủy Đảng và chính quyền giải quyết tốt các chính sách đối với đồng bào vùng bị lụt;

- Giúp cấp ủy và chính quyền tổ chức việc tiếp nhận, điều động, giữ gìn và phân phối tiền, hiện vật cứu tế.

- Theo dõi, phát hiện những trường hợp cứu tế sai, sót; tổng hợp tình hình, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những khó khăn trong đời sống của nhân dân ở địa phương mình.

Nhận được thông tư này, Ủy ban hành chính, các tỉnh, thành phố có các vùng bị ngập lụt cần tăng cường chỉ đạo thực hiện cho tốt, đồng thờ tập trung một số cán bộ trực tiếp xuống các huyện, xã để giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc thực hiện ở dưới.

Trong quá trình tiến hành, nếu có khó khăn, mắc míu gì, đề nghị các Ủy ban cho Bộ Nội vụ và các Bộ có liên quan biết kịp thời.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 12-NV-1971 hướng dẫn thi hành Quyết định 169-CP-1971 về một số chính sách đối với đồng bào vùng bị lụt do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 12-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/09/1971
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản