Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 12/2011/TT-NHNN quy định về quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong giao dịch điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kho bạc Nhà nước.

2. Tổ chức khác lựa chọn sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước trong các hoạt động giao dịch điện tử do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Chứng thư số” là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước cấp.

2. “Dịch vụ chứng thực chữ ký số” là một loại hình dịch vụ do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước cấp. Dịch vụ chứng thực chữ ký số bao gồm:

a) Tạo cặp khóa bao gồm khóa công khai và khóa bí mật cho thuê bao;

b) Cấp, gia hạn, tạm dừng, phục hồi và thu hồi chứng thư số của thuê bao;

c) Duy trì trực tuyến cơ sở dữ liệu về chứng thư số;

d) Những dịch vụ khác theo quy định của Nghị định chữ ký số.

3. “Thuê bao” là tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Thông tư này; được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước cấp chứng thư số; chấp nhận chứng thư số và giữ khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số được cấp.

4. “Tổ chức quản lý thuê bao” là các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước hoặc các tổ chức khác đề nghị cấp chứng thư số cho tổ chức, cá nhân thuộc tổ chức mình và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quản lý tổ chức, cá nhân đó.

5. “Giao dịch điện tử của Ngân hàng Nhà nước” là các hoạt động, nghiệp vụ được tiến hành bằng phương thức điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

6. “Nghị định chữ ký số” là Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Điều 4. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước

1. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước (gọi tắt là tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số) do Cục Công nghệ tin học quản lý, điều hành và là tổ chức duy nhất của Ngân hàng Nhà nước cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Địa chỉ: Số 64 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: (04) 3835 4775 / (04) 3773 1386

Fax: (04) 3835 8135 / 3834 5180

Phòng đầu mối: Phòng An ninh công nghệ thông tin và quản lý, cấp phát chữ ký điện tử (Phòng CA).

2. Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước thuộc loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng.

Điều 5. Chứng thư số

1. Nội dung chứng thư số:

a) Tên tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số;

b) Tên của thuê bao;

c) Tên tổ chức quản lý thuê bao;

d) Số hiệu của chứng thư số;

đ) Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số;

e) Các khóa công khai của thuê bao;

g) Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số;

h) Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số;

i) Các hạn chế về trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số;

k) Các thông tin khác do mục đích quản lý, sử dụng, an toàn, bảo mật do tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số quy định.

2. Thời gian có hiệu lực của chứng thư số:

a) Không quá 10 năm đối với chứng thư số của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số;

b) Không quá 05 năm đối với chứng thư số của thuê bao.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của các bên

1. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số:

a) Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số có các quyền sau:

- Cấp phát, gia hạn, tạm dừng, thu hồi, khôi phục chứng thư số và thay đổi cặp khóa cho thuê bao khi có yêu cầu;

- Lưu giữ bảo sao khóa bí mật thuộc cặp khóa mã hóa của thuê bao và chỉ được sử dụng khóa bí mật này khi được phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc người được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền;

b) Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số có các nghĩa vụ sau:

- Quản lý, vận hành hệ thống trang thiết bị kỹ thuật cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước;

- Có phương án dự phòng đảm bảo duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước an toàn, liên tục;

- Lưu trữ đầy đủ, chính xác và cập nhật thông tin của thuê bao phục vụ cho việc quản lý chứng thư số trong suốt thời gian chứng thư số có hiệu lực;

- Phân phối khóa và chứng thư số cho thuê bao;

- Công bố danh sách các chứng thư số đã cấp, tạm dừng hoặc thu hồi;

- Đảm bảo an toàn, bí mật khóa bí mật của thuê bao trong trường hợp đồng ý nhận ủy quyền lưu giữ bản sao khóa bí mật của thuê bao;

- Lưu trữ các thông tin chứng thư số của thuê bao trong thời hạn ít nhất 05 năm kể từ khi chứng thư số bị thu hồi;

- Tổ chức tiêu hủy chứng thư số và các dữ liệu liên quan đã hết hạn lưu trữ theo quy định tại Điều 19 Thông tư này nếu không có chỉ định nào khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Hướng dẫn và tạo điều kiện cho tổ chức quản lý thuê bao, thuê bao thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này.

c) Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số không có nghĩa vụ kiểm tra từng giao dịch điện tử cụ thể của thuê bao.

2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức quản lý thuê bao:

a) Tổ chức quản lý thuê bao có các quyền sau:

- Được cung cấp các thông tin hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp phát, quản lý và sử dụng chứng thư số;

- Được yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số cấp, gia hạn, tạm dừng, khôi phục, thu hồi chứng thư số hoặc thay đổi cặp khóa cho các thuê bao do mình quản lý.

b) Tổ chức quản lý thuê bao có các nghĩa vụ sau:

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên đơn đề nghị cấp, gia hạn, tạm dừng, khôi phục, thu hồi chứng thư số và thay đổi cặp khóa của thuê bao do mình quản lý;

- Có trách nhiệm gửi hồ sơ về chứng thư số theo đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp về tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số;

- Hướng dẫn, kiểm tra và tạo điều kiện cho các thuê bao thuộc tổ chức mình quản lý, sử dụng chứng thư số và khóa bí mật theo đúng các quy định tại Thông tư này;

- Thông báo kịp thời bằng văn bản cho tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số tạm dừng hoặc thu hồi chứng thư số của thuê bao trong các trường hợp: thuê bao tạm nghỉ việc, nghỉ việc hoặc chuyển sang tổ chức khác; thuê bao chuyển công việc mới và không sử dụng chứng thư số đã cấp và các trường hợp khác xuất phát từ nhu cầu của tổ chức quản lý thuê bao.

3. Quyền và nghĩa vụ của thuê bao:

a) Thuê bao có các quyền sau:

- Được cung cấp các thông tin hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp phát, quản lý và sử dụng chứng thư số;

- Thông qua tổ chức quản lý thuê bao của mình để đề nghị cấp, gia hạn, tạm dừng, khôi phục, thu hồi chứng thư số hoặc thay đổi cặp khóa;

- Trong trường hợp cần thiết, thuê bao có thể trực tiếp gửi văn bản đề nghị tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số tạm dừng chứng thư số của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đề nghị đó.

b) Thuê bao có các nghĩa vụ sau:

- Sử dụng chứng thư số đúng mục đích đã đăng ký;

- Bảo quản và sử dụng khóa bí mật, các dữ liệu trong thiết bị lưu giữ khóa bí mật theo chế độ “Mật”;

- Thông báo kịp thời cho tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số và tổ chức quản lý thuê bao của mình trong trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ chứng thư số, khóa bí mật không còn an toàn;

- Tuân thủ các quy định khác về cất phát, quản lý và sử dụng chứng thư số.

Thông tư 12/2011/TT-NHNN quy định về quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 12/2011/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/05/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Toàn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 349 đến số 350
  • Ngày hiệu lực: 30/06/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra