Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

SỐ 12/2006/TT-BCN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2006

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2005/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ AN TOÀN HOÁ CHẤT

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28 tháng 5 năm 2003 quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 68/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về an toàn hoá chất;
Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 68/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về an toàn hoá chất (sau đây gọi là Nghị định số 68/2005/NĐ-CP) như sau:

A. QUY ĐỊNH CHUNG

I. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn các hoạt động về quản lý an toàn hóa chất bao gồm: khai báo hoá chất nguy hiểm; đánh giá hoá chất mới; phiếu an toàn hoá chất; phân loại và ghi nhãn hóa chất; kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất; khoảng cách an toàn và báo cáo an toàn hoá chất.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động hoá chất nguy hiểm theo quy định tại Nghị định số 68/2005/NĐ-CP, trừ một trong các hoá chất sau:

a) Hóa chất quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị định số 68/2005/NĐ-CP;

b) Hóa chất phục vụ cho mục đích an ninh, quốc phòng;

c) Các loại sản phẩm, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học phục vụ cho mục đích chữa bệnh, nuôi trồng động thực vật, trừ dịch hại, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng, y tế, thủy sản, nông nghiệp;

d) Hóa chất có trong thiên nhiên và chưa qua chế biến, xử lý;

đ) Các kim loại, hợp kim, thủy tinh, gốm sứ sử dụng trong lĩnh vực xây dựng, gia dụng hoặc gia công cơ khí;

e) Các chất phát sinh ngoài ý muốn trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng hóa chất;

g) Các hoá chất trung gian tạo thành trong quá trình sản xuất và không tồn tại khi kết thúc sản xuất;

h) Các sản phẩm polyme hoặc các hợp chất polyme có hóa chất mới hoặc hóa chất nguy hiểm ở hàm lượng nhỏ hơn 2% theo khối lượng.

II. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Danh mục hoá chất nước ngoài” là bản liệt kê hóa chất được phép lưu hành trong các quốc gia là thành viên của EU hoặc quốc gia là thành viên của OECD, do cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia đó ban hành.

2. “Khai báo hóa chất nguy hiểm” là thủ tục mà tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thực hiện khi có các hoạt động liên quan đến hóa chất nguy hiểm theo quy định tại phần B Thông tư này.

3. Khoảng cách an toàn” là khoảng cách theo mọi hướng tính từ tâm đặt thiết bị sản xuất, chứa đựng hoá chất nguy hiểm đến một vị trí, địa điểm bất kỳ quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị định số 68/2005/NĐ-CP của Chính phủ về An toàn hoá chất, sao cho tại vị trí đó nồng độ hoá chất nguy hiểm do cháy, nổ lan truyền từ các thiết bị trong trường hợp sự cố đạt mức nhỏ hơn ngưỡng định lượng quy định tại khoản 1, mục I, phần G Thông tư này.

4. IUPAC là tên viết tắt của Hiệp hội hoá học cơ bản và ứng dụng (International Union of Pure and Applied Chemistry).

5. “Mã số CAS”của một hóa chất là dãy các chữ số duy nhất ấn định cho mỗi hoá chất theo quy tắc của tổ chức Chemical Abstracts Service (CAS).

6. “OECD” là tên viết tắt của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development).

7. “Phiếu an toàn hóa chất” là tài liệu ở dạng văn bản được biên soạn theo quy định tại phần D Thông tư này. Phiếu an toàn hóa chất còn có tên thông dụng bằng tiếng Anh là Material safety data sheet (MSDS) hoặc Safety data sheets (SDS).

III. Phân loại hoá chất nguy hiểm

1. Căn cứ vào đặc tính nguy hiểm hoá chất nguy hiểm được phân loại thành các dạng sau:

a) Dễ nổ;

b) Ôxi hoá mạnh;

c) Ăn mòn mạnh;

d) Dễ cháy;

đ) Độc cấp tính;

e) Độc mãn tính;

g) Gây kích ứng với con người;

h) Gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư;

i) Gây biến đổi gen;

k) Độc đối với sinh sản;

l) Tích luỹ sinh học;

m) Ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ;

n) Độc hại đến môi trường.

Tiêu chí để phân loại hóa chất nguy hiểm, chỉ thị mức nguy hiểm và các biểu tượng nguy hiểm quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

2. Mọi hoá chất xuất hiện trong các hoạt động hoá chất theo quy định của Thông tư này đều phải được phân loại. Hóa chất có ít nhất một trong những tính chất nguy hiểm quy định tại khoản 1 mục này phải được phân loại là hóa chất nguy hiểm.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm thu thập, xác lập các thông tin về đặc tính hoá lý cũng như các ảnh hưởng có hại của hóa chất và tiến hành phân loại hóa chất trước khi sản xuất hoặc nhập khẩu.

4. Việc xếp loại hóa chất phải dựa trên các bằng chứng khoa học hoặc các kết quả thử nghiệm từ một trong các nguồn thông tin hợp lệ sau:

a) Báo cáo kết quả thử nghiệm, đánh giá hoá chất của tổ chức được Bộ Công nghiệp chỉ định hoặc tổ chức thử nghiệm nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi tổ chức đó có trụ sở công nhận.

b) Các bằng chứng chỉ rõ loại hóa chất sản xuất, nhập khẩu đã được xếp loại theo phương pháp phân loại hoặc theo danh mục hóa chất nguy hiểm của các quốc gia thuộc khối EU hoặc quốc gia là thành viên của tổ chức OECD.

5. Trường hợp có sự khác biệt về bằng chứng hoặc kết quả đánh giá từ nhiều nguồn thông tin hợp lệ khác nhau, những bằng chứng hoặc kết quả chỉ ra đặc tính hoá chất có mức độ nguy hiểm cao hơn sẽ được sử dụng để xếp loại.

6. Trường hợp có những bằng chứng hoặc kết quả thử nghiệm mới cho thấy hoá chất đã phân loại biểu hiện một mức độ nguy hiểm khác với mức phân loại ban đầu, tổ chức cá nhân sản xuất, nhập khẩu hoá chất có trách nhiệm sửa đổi lại mức phân loại hoá chất nguy hiểm.

7. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hoá chất phải chịu trách nhiệm về thông tin phân loại hoá chất do mình cung cấp. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hoá chất phải bồi thường các thiệt hại cho người sử dụng trong trường hợp tai nạn, sự cố xẩy ra có nguyên nhân do thông tin phân loại đã cung cấp được chứng minh là không chính xác hoặc không được cập nhật do lỗi của người cung cấp hoá chất.

B. KHAI BÁO HOÁ CHẤT NGUY HIỂM

I. Trách nhiệm khai báo hóa chất nguy hiểm

1. Vào tháng 01 hàng năm, tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất nguy hiểm với khối lượng hạn định quy định tại Phụ lục 9 của Thông tư này phải khai báo bằng văn bản đến cơ quan tiếp nhận khai báo quy định tại khoản 1, mục II phần này.

2. Ngoại trừ các hoá chất thuộc danh mục cấm kinh doanh và các chất có khả năng gây ung thư, tổ chức, cá nhân có hoạt động hoá chất phục vụ cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học với khối lượng hoá chất nguy hiểm nhỏ hơn 10 kg trong thời gian một năm được miễn trừ các hình thức khai báo quy định tại mục II phần này.

II. Thủ tục khai báo hoá chất nguy hiểm

1. Cơ quan tiếp nhận khai báo:

Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Sở Công nghiệp) tiếp nhận hồ sơ khai báo đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng hóa chất nguy hiểm quy định tại khoản 1 mục I phần này thuộc địa bàn quản lý.

Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hoá chất tiếp nhận hồ sơ khai báo đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoá chất nguy hiểm quy định tại khoản 1 mục I phần này.

2. Hồ sơ khai báo

Tổ chức, cá nhân khai báo lập 02 hai bộ hồ sơ gồm các tài liệu sau:

a) Phiếu an toàn hóa chất tiếng Việt và bản tiếng nguyên gốc hoặc tiếng Anh của hoá chất phải khai báo. Trường hợp hoá chất đã được khai báo trước đó, tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất nguy hiểm không phải nộp lại phiếu an toàn hoá chất và thay bằng bản xác nhận khai báo ở thời điểm gần nhất.

b) Bản khai báo hoá chất nguy hiểm có chữ ký của người đứng đầu cơ sở hoạt động hoá chất và theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này.

III. Quản lý khai báo hóa chất nguy hiểm

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất nguy hiểm phải lưu giữ hồ sơ khai báo, tài liệu liên quan đến xếp loại hoá chất và báo cáo kịp thời trong các trường hợp xảy ra sự cố về hoá chất nguy hiểm. Khi chấm dứt hoạt động hoá chất nguy hiểm phải thông báo cho cơ quan tiếp nhận khai báo.

2. Sở Công nghiệp lập sổ quản lý khai báo và tổng hợp tình hình, kết quả khai báo về hoá chất nguy hiểm của địa phương, định kỳ tháng 3 hàng năm báo cáo Bộ Công nghiệp.

3. Tổ chức, cá nhân đã thực hiện đăng ký các hoá chất theo quy định tại Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Bộ Công nghiệp được miễn thực hiện việc khai báo trong năm đầu tiên sau khi Thông tư này có hiệu lực.

C. ĐÁNH GIÁ HOÁ CHẤT MỚI

I. Đánh giá hóa chất mới

1. Việc đánh giá hóa chất mới được thực hiện tại các tổ chức khoa học về hóa học, y học và độc học môi trường có đủ năng lực chuyên môn do Bộ Công nghiệp chỉ định.

2. Bộ Công nghiệp thừa nhận kết quả thử nghiệm, đánh giá hoá chất mới của các tổ chức đánh giá hoá chất mới được chỉ định tại các quốc gia thuộc khối OECD.

3. Kết quả của quá trình đánh giá là thông tin đầy đủ về các đặc tính của hoá chất, thông tin để xây dựng phiếu an toàn hóa chất đối với các hoá chất nguy hiểm mới với các nội dung được quy định theo hướng dẫn tại Phần C của Thông tư này.

4. Miễn trừ đánh giá hóa chất đối với các trường hợp sau:

a) Sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới phục vụ cho mục đích nghiên cứu, khoa học với khối lượng nhỏ hơn 10 kg trong thời hạn một năm.

b) Nhập khẩu mẫu hóa chất mới phục vụ cho việc đánh giá hóa chất theo yêu cầu của cơ quan tiếp nhận hồ sơ báo cáo đánh giá hóa chất mới quy định tại khoản 1 mục III phần này (sau đây gọi là cơ quan đánh giá hóa chất).

5. Chi phí cho quá trình đánh giá và phân loại do cơ sở có hoạt động hóa chất mới chi trả.

II. Trình tự đăng ký đánh giá hóa chất mới

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới lập ba bộ hồ sơ đánh giá hoá chất mới gửi Bộ Công nghiệp thẩm tra, phê duyệt. Hồ sơ đánh giá hoá chất mới bao gồm:

a) Bản tóm tắt báo cáo đánh giá hóa chất mới của tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất. Nội dung báo cáo quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này.

b) Bản sao hợp lệ các tài liệu gốc bao gồm phiếu hoặc biên bản thử nghiệm các đặc tính hóa lý, đặc tính nguy hiểm do tổ chức thử nghiệm hợp lệ quy định tại khoản 1 và khoản 2 mục I phần này thực hiện.

2. Đối với trường hợp hoá chất mới đã được liệt kê ít nhất trong hai danh mục hoá chất nước ngoài, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hoá chất mới chỉ cần lập bản tóm tắt báo cáo đánh giá hoá chất kèm theo mã số CAS của hoá chất mới ở hai danh mục hoá chất kể trên.

3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoá chất mới phải nộp các hồ sơ, tài liệu liên quan quy định tại khoản 1 mục II Phần này đến Bộ Công nghiệp ít nhất sáu mươi ngày trước khi thực hiện nhập khẩu.

III. Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá hóa chất mới

1. Vụ Khoa học, Công nghệ là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định báo cáo đánh giá hóa chất mới trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt.

2. Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Vụ Khoa học, Công nghệ thông báo cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới về tình trạng hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan tiếp nhận có văn bản yêu cầu khắc phục, bổ sung trong thời hạn thích hợp.

3. Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày hồ sơ được chấp thuận, Vụ Khoa học, Công nghệ tiến hành thẩm tra, xác định mức xếp loại nguy hiểm của hóa chất mới và trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định, cụ thể:

a) Trường hợp cần đánh giá bổ sung các nội dung báo cáo, thử nghiệm một số hoặc toàn bộ đặc tính của hóa chất mới, Vụ Khoa học, Công nghệ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới và yêu cầu thời hạn hoàn thành. Thời gian thực hiện bổ sung hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định báo cáo đánh giá hóa chất;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới không đáp ứng đúng các yêu cầu thẩm định và quá thời hạn quy định, Vụ Khoa học, Công nghệ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới;

c) Trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá hóa chất mới phát hiện hóa chất mới có đặc tính nguy hiểm cao, cần cấm đưa vào sản xuất, sử dụng theo quy định của pháp luật, Vụ Khoa học, Công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định không cho phép hóa chất mới được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam và thông báo cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới biết; đồng thời tiến hành các thủ tục bổ sung vào danh mục hoá chất cấm sử dụng.

d) Trường hợp kết quả đánh giá hoá chất mới cho thấy hoá chất mới không có các đặc tính nguy hiểm, độc hại đặc biệt, Vụ Khoa học, Công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định cho phép hóa chất mới được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam và nêu rõ các điều kiện phải tuân thủ khi thực hiện hoạt động liên quan đến hóa chất mới;

đ) Trường hợp tổ chức, cá nhân tự hủy bỏ việc đánh giá hóa chất mới sau khi nộp hồ sơ báo cáo đánh giá hóa chất mới, việc thẩm tra sẽ chấm dứt ngay khi có thông báo của tổ chức, cá nhân sản xuất nhập khẩu hóa chất mới.

3. Phí thẩm định báo cáo đánh giá hóa chất mới

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất mới phải nộp phí thẩm định báo cáo đánh giá hóa chất mới. Phí thẩm định không bao gồm chi phí để thử nghiệm đặc tính hóa chất mới.

b) Mức phí thẩm định, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

IV. Quản lý, giám sát hoá chất mới

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất mới có trách nhiệm thực hiện quy định sau:

a) Trong thời gian 5 năm, kể từ khi có quyết định cho phép sản xuất, nhập khẩu hoá chất mới, tổ chức, cá nhân có hoạt động hoá chất mới phải thiết lập và duy trì hệ thống giám sát, lập hồ sơ theo dõi các ảnh hưởng, tai nạn, sự cố liên quan đến hoá chất mới, định kỳ 12 tháng một lần tổng hợp, báo cáo Bộ Công nghiệp;

b) Trường hợp hóa chất mới phát sinh những biểu hiện nguy hiểm chưa được đánh giá, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất mới phải báo cáo kịp thời với cơ quan đánh giá hoá chất thực hiện đánh giá bổ sung và áp dụng các điều kiện tương ứng với kết quả đánh giá bổ sung.

2. Sau 5 năm, kể từ ngày cho phép hoạt động, nếu hóa chất mới không phát sinh các ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng có mức nguy hiểm khác với kết luận đánh giá hoá chất mới ban đầu, hoá chất mới được bổ sung vào danh mục hoá chất.

2. Bộ Công nghiệp tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về điều kiện hoạt động hoá chất mới; xử lý theo pháp luật hoặc tổ chức đánh giá bổ sung khi có bằng chứng cho thấy hóa chất mới có ảnh hưởng nghiêm trọng khác với kết luận đánh giá; thông báo cho cơ quan Hải quan về kết quả đánh giá sau khi kết thúc thẩm tra, đánh giá hoá chất mới.

D. PHIẾU AN TOÀN HOÁ CHẤT

I. Xây dựng và chuyển giao phiếu an toàn hoá chất

1. Tất cả các hóa chất đã được phân loại là hóa chất nguy hiểm phải xây dựng phiếu an toàn hoá chất.

2. Các hỗn hợp có chứa hóa chất nguy hiểm với hàm lượng từ 0,1% trở lên đối với các chất gây ung thư, các chất có độc tính sinh sản; từ 1% trở lên các chất độc đối với các bộ phận nội tạng khác phải xây dựng phiếu an toàn hóa chất.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hoá chất nguy hiểm phải xây dựng và chuyển giao miễn phí phiếu an toàn hoá chất cho tổ chức, cá nhân tiếp nhận hoá chất nguy hiểm ngay tại thời điểm giao nhận hóa chất lần đầu và mỗi khi có sự sửa đổi nội dung về phiếu an toàn hoá chất.

4. Trường hợp những bằng chứng khoa học cho thấy có sự thay đổi về đặc tính nguy hiểm của hoá chất, tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất nguy hiểm phải tiến hành sửa đổi, bổ sung phiếu an toàn hoá chất trong thời gian 3 tháng kể từ ngày có thông tin mới. Phiếu an toàn hoá chất sửa đổi phải được cung cấp ngay cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoá chất đó. Ngày tháng sửa đổi và những nội dung sửa đổi phải thể hiện bằng dấu hiệu rõ ràng lưu ý người sử dụng phiếu an toàn hoá chất.

5. Các trường hợp sau đây không phải chuyển giao phiếu an toàn hoá chất:

a) Hoá chất nguy hiểm tồn tại ở dạng kín trong các thiết bị, sản phẩm tiêu dùng;

b) Hoá chất nguy hiểm bán lẻ với khối lượng nhỏ hơn 0,1 kilôgam và được chứa đựng trong bao bì kín có ghi rõ nhãn, mác chỉ dẫn nguy hiểm;

c) Các hỗn hợp có chứa hoá chất nguy hiểm bán lẻ với khối lượng nhỏ hơn 10 kilôgam được chứa đựng trong bao bì kín có ghi rõ nhãn, chỉ dẫn nguy hiểm.

6. Lưu giữ và phổ biến thông tin phiếu an toàn hóa chất

a) Tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất phải lưu giữ phiếu an toàn hóa chất cho tất cả các hóa chất nguy hiểm tồn tại trong cơ sở của mình và xuất trình khi có yêu cầu;

b) Đảm bảo tất cả các đối tượng có liên quan đến hóa chất nguy hiểm có thể truy cập, nắm được các thông tin trong phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm đó.

II. Hình thức và nội dung phiếu an toàn hoá chất

1. Phiếu an toàn hoá chất phải thể hiện bằng tiếng Việt và bản nguyên gốc của nhà sản xuất ở dạng bản in, trừ trường hợp giữa các bên giao nhận hoá chất nguy hiểm có thoả thuận về hình thức phiếu an toàn hóa chất được chuyển giao theo dạng văn bản điện tử.

2. Trường hợp phiếu an toàn hoá chất có nhiều trang, các trang phải được đánh số liên tiếp từ trang đầu đến trang cuối. Số đánh trên mỗi trang phải bao gồm số thứ tự của trang và số chỉ thị tổng số trang của toàn bộ phiếu an toàn hoá chất.

3. Phiếu an toàn hóa chất phải bao gồm những thông tin sau:

a) Tên hoá chất, xuất xứ, nơi sản xuất;

b) Thành phần, công thức hoá học;

c) Đặc tính hoá lý, tính độc;

d) Tính ổn định và hoạt tính;

đ) Mức độ nguy hiểm;

e) Mức độ rủi ro đối với sức khoẻ;

g) Mức độ rủi ro đối với môi trường;

h) Tác động lên người và yêu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân;

i) Biện pháp sơ cứu về mặt y tế khi cần thiết;

k) Biện pháp xử lý khi có hoả hoạn;

l) Biện pháp ngăn ngừa rủi ro hoá chất, ngăn ngừa tai nạn;

m)Biện pháp cất giữ;

n) Biện pháp quản lý chất thải;

o) Các yêu cầu trong vận chuyển;

p) Các TCVN và quy định luật pháp phải tuân thủ;

q)Các thông tin cần thiết khác.

Mẫu phiếu an toàn hoá chất và hướng dẫn chi tiết quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này.

Đ. GHI NHÃN HÓA CHẤT

Đối với các hóa chất nguy hiểm, ngoài các thông tin thông thường quy định về ghi nhãn hàng hóa tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ, cần bổ sung các thông tin sau:

1. Biểu tượng phân loại nguy hiểm theo tiêu chí quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này. Kích thước trình bày của biểu tượng nguy hiểm có thể bố trí tuỳ theo kích thước bao gói sản phẩm nhưng không được nhỏ hơn 1,5 x 1,5cm.

2. Tiêu ngữ cảnh báo đặc tính nguy hiểm quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này. Các tiêu ngữ phải được thể hiện bằng tiếng Việt, kích thước đủ để người sử dụng có thể đọc được bằng mắt thường.

E. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NGĂN NGỪA, KHẮC PHỤC SỰ CỐ HOÁ CHẤT TRONG CÁC DỰ ÁN CÓ HOẠT ĐỘNG HOÁ CHẤT

I. Xây dựng kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng, cất giữ hoá chất nguy hiểm với khối lượng vượt ngưỡng tương ứng quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư này phải lập kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất.

2. Kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất phải được lập thành ba (03) bộ hồ sơ, gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 mục III phần này. Kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất phải được trình đồng thời với thiết kế cơ sở của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.

3. Cơ sở sản xuất, sử dụng, cất giữ hoá chất nguy hiểm đã hoạt động trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01 tháng 10 năm 2007.

II. Nội dung kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hóa chất

1. Các yêu cầu cơ bản của kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hóa chất được quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư này.

2. Cơ sở hoạt động hóa chất nguy hiểm có thể tự xây dựng kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoặc thuê các đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch.

III. Phê duyệt kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất

1. Cơ quan phê duyệt:

a) Bộ Công nghiệp phê duyệt kế hoạch ngăn ngừa khắc phục sự cố hoá chất đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm A và dự án đầu tư sản xuất, cất giữ các hoá chất nguy hiểm thuộc loại cực độc, gây ung thư, biến đổi gen, ảnh hưởng đến quá trình sinh sản;

b) Sở Công nghiệp phê duyệt kế hoạch ngăn ngừa khắc phục sự cố hoá chất đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm B, C và dự án đầu tư sản xuất, cất giữ các loại hoá chất nguy hiểm còn lại.

2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất:

a) Văn bản đề nghị của chủ đầu tư dự án sản xuất, cất giữ hoá chất nguy hiểm;

b) Nội dung chi tiết kế hoạch ngăn ngừa và khắc phục sự cố hoá chất theo quy định tại Phụ lục 7 Thông tư này và các tài liệu kèm theo (nếu có).

3. Thủ tục phê duyệt

a) Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thẩm định và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm về tình trạng hồ sơ hợp lệ đủ điều kiện để thẩm định hoặc tình trạng hồ sơ chưa hợp lệ cũng như yêu cầu khắc phục, bổ sung và thời hạn để hoàn thành.

b) Hồ sơ hợp lệ phải được tổ chức đánh giá, thẩm định chậm nhất sau 30 ngày làm việc, kể từ khi cơ quan tiếp nhận hoàn thành thẩm tra hồ sơ.

c) Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ khi có kết luận đánh giá, thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm:

- Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất trong trường hợp kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất thoả mãn các quy định của Thông tư này;

- Thông báo không chấp thuận phê duyệt kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất đến tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư, thông báo phải nêu rõ lý do không chấp thuận. Trường hợp này, tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư phải xây dựng lại kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố và trình phê duyệt như trình tự ban đầu.

4. Phí thẩm định kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất nguy hiểm

a) Tổ chức, cá nhân có dự án có hoạt động hóa chất nguy hiểm phải nộp phí thẩm định kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất.

b) Mức phí thẩm định, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

IV. Quản lý kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất

1. Trong quá trình thực hiện dự án có hoạt động hóa chất nguy hiểm, chủ đầu tư phải bảo đảm đúng các yêu cầu trong quyết định phê duyệt kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất.

2. Trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư, xây dựng làm thay đổi yêu cầu an toàn đã phê duyệt, chủ đầu tư phải báo cáo cơ quan phê duyệt kế hoạch xem xét, quyết định.

3. Kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hoá chất phải được lưu trữ tại cơ sở sản xuất, cất giữ hoá chất và là cơ sở để xây dựng kế hoạch quản lý an toàn hoá chất trong hoạt động sản xuất, cất giữ hoá chất.

G. KHOẢNG CÁCH AN TOÀN CỦA CƠ SỞ HOÁ CHẤT ĐỐI VỚI KHU DÂN CƯ VÀ NƠI CÔNG CỘNG

I. Xác định khoảng cách an toàn

1. Tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất, cất giữ các loại hoá chất nguy hiểm quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư này phải xác định khoảng cách an toàn sao cho tại địa điểm, vị trí cần bảo vệ theo quy định của pháp luật các yếu tố nguy hiểm nằm dưới ngưỡng định lượng.

a) Trường hợp hoá chất nguy hiểm thoát ra từ các sự cố ở dạng hơi, khí độc hoặc tạo thành hơi, khí độc, ngưỡng định lượng là nồng độ chất độc trong không khí (miligam/m3) mà tại đó người tiếp xúc trong vòng 60 phút không bị ảnh hưởng khó hồi phục hoặc tổn thương đến mức phải sử dụng các phương tiện hoặc hành động bảo vệ tương ứng.

b) Trường hợp hoá chất nguy hiểm thoát ra từ các sự cố ở dạng hơi, khí dễ cháy nổ hoặc tạo thành hơi, khí dễ cháy nổ, ngưỡng định lượng là khối lượng chất dễ cháy, nổ trong không khí quy ra % thể tích hoặc mg/l có giá trị thấp hơn giới hạn dưới của nồng độ cháy hoặc thấp hơn giới hạn nổ dưới.

c) Trường hợp sóng nổ lan truyền từ sự cố nổ hoá chất nguy hiểm, ngưỡng định lượng là mức tăng áp suất không khí do lan truyền sóng nổ gây ra bằng 6,9 kPa.

2. Việc xác định khoảng cách an toàn phải căn cứ vào điều kiện cụ thể về khí tượng thủy văn, địa hình địa vật của nơi đặt cơ sở sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm và các điều kiện công nghệ của quá trình sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm

3. Đối với hóa chất vừa có tính nguy hiểm cháy, nổ, vừa có tính độc, khoảng cách an toàn trong trường hợp sự cố được xác định riêng cho từng tính chất nguy hiểm và được lấy giá trị lớn nhất để áp dụng.

4. Trong cơ sở có nhiều loại hoá chất nguy hiểm, khoảng cách an toàn được xác định riêng cho từng loại hoá chất và lấy khoảng cách an toàn lớn nhất để áp dụng.

5. Trong cơ sở có nhiều thiết bị sản xuất, chứa đựng hóa chất nguy hiểm đặt tại các vị trí khác nhau, khoảng cách an toàn được xác định riêng cho từng thiết bị sản xuất, chứa đựng; khoảng cách an toàn áp dụng chung cho toàn bộ cụm thiết bị phải có giá trị bao hàm khoảng cách an toàn riêng của từng thiết bị sản xuất, chứa đựng hóa chất nguy hiểm.

II. Các mô hình, phương pháp xác định khoảng cách an toàn

Việc xác định khoảng cách an toàn dựa trên quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc áp dụng các mô hình, phương pháp dự đoán khoảng cách an toàn do cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia là thành viên khối EU, quốc gia là thành viên của tổ chức OECD ban hành.

III. Thay đổi khoảng cách an toàn

Khoảng cách an toàn phải được thay đổi phù hợp trong trường hợp sau:

1. Cơ sở sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm có sự thay đổi về công nghệ, khối lượng sản xuất, cất giữ hoặc có sự thay đổi bất kỳ dẫn đến thay đổi về khoảng cách an toàn.

2. Số liệu thống kê về sự cố hóa chất nguy hiểm trong vòng 5 năm trở lại cho thấy khoảng cách an toàn dự đoán có sự khác biệt lớn so với thực tế.

3. Trường hợp khoảng cách an toàn từ nơi đặt thiết bị đến vị trí, địa điểm cần bảo vệ không đạt yêu cầu về ngưỡng định lượng cho phép, cơ sở sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm phải áp dụng các biện pháp để bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định, cụ thể:

a) Giảm khối lượng sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm;

b) Bổ sung các biện pháp che chắn hoặc sử dụng các phương tiện giảm nhẹ sự thoát ra của hóa chất nguy hiểm;

c) Thay đổi điều kiện công nghệ sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm để có kết quả theo hướng giảm khối lượng, áp suất, nhiệt độ sản xuất, cất giữ hóa chất.

IV. Lưu giữ tài liệu liên quan đến khoảng cách an toàn

Tài liệu về xác định khoảng cách an toàn phải được lưu trữ tại cơ sở sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm.

Tổ chức, cá nhân sản xuất cất giữ hóa chất nguy hiểm có trách nhiệm báo cáo về khoảng cách an toàn với cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3, Điều 12 Nghị định số 68/2005/NĐ-CP.

H. BÁO CÁO AN TOÀN HÓA CHẤT

1. Định kỳ hàng năm, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất nguy hiểm quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư này có trách nhiệm báo cáo về tình hình an toàn hóa chất với Sở Công nghiệp nơi đặt cơ sở hoạt động. Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 8, Thông tư này.

2. Sở Công nghiệp có trách nhiệm tổng hợp báo cáo an toàn hóa chất gửi về Bộ Công nghiệp trước ngày 30 tháng 03 hàng năm.

I. KHOẢN THI HÀNH

I. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Khoa học, Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định về khai báo, đánh giá hóa chất mới; thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt quyết định cho phép hoá chất mới lưu thông trên thị trường;

b) Xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp sửa đổi, bổ sung Danh mục hoá chất thuộc Phụ lục 6 và Phụ lục 9 của Thông tư này.

2. Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hoá chất chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tổ chức hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch ngăn ngừa và khắc phục sự cố hoá chất;

b) Tổ chức tiếp nhận hồ sơ khai báo hoá chất nguy hiểm theo quy định tại khoản 1, mục II, Phần B Thông tư này.

3. Cục Kỹ thuật an toàn Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kỹ thuật an toàn trong sản xuất, cất giữ và sử dụng hóa chất nguy hiểm; khoảng cách an toàn và xây dựng kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hóa chất;

b) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ quy định về phiếu an toàn hóa chất, phân loại, ghi nhãn hóa chất nguy hiểm của doanh nghiệp;

c) Tiếp nhận báo cáo định kỳ các thông tin về an toàn hóa chất quy định tại khoản 1, Phần H của Thông tư này, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công nghiệp.

d) Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn hóa chất trình cấp có thẩm quyền ban hành;

II. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

III. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Quy định về khai báo hoá chất nguy hiểm trong Thông tư này thay thế các quy định về đăng ký hoá chất đặc thù công nghiệp tại Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19/11/2004 ban hành Danh mục các máy, thiết bị, hoá chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp và Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hoá chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp.

3. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hoá chất đã thực hiện khai báo hàng năm theo quy định của Nghị định 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học được miễn thực hiện nghĩa vụ khai báo tại Thông tư này.

4. Đối với các sản phẩm hoá chất đã ghi nhãn và xuất xưởng trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn còn hạn sử dụng thì được tiếp tục lưu thông cho đến hết thời hạn sử dụng.

5. Đối với nhãn hoá chất nguy hiểm của các doanh nghiệp đã in chưa gắn lên sản phẩm được phép sử dụng đến hết ngày 30 tháng 5 năm 2007.

6. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công nghiệp để kịp thời xử lý./.

Nơi nhận
Văn phòng Chính phủ,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương,
Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc TW,
Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp),
Website Chính phủ, website Bộ, Công báo,
Bộ CN: Bộ trưởng, các Thứ trưởng,
các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ,
- Lưu: VT, PC, KHCN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hữu Hào

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN