Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 1189-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1956 |
VỀ VIỆC XÂY DỰNG VÀ CHẤP HÀNH KẾ HOẠCH TIỀN MẶT
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: | - Các Bộ, các ngành và các đoàn thể ở trung ương |
Ngày 01-5-1952, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định số 169-TTg quy định việc quản lý tiền mặt và ngày 27-11-1955 đã ra thông tư số 622-TTg quy định các biện pháp thi hành quản lý tiền mặt đối với các cơ quan và doanh nghiệp quốc gia.
Đến nay nói chung công tác quản lý tiền mặt đã thu được một số kết quả. Tuy nhiên do việc xây dựng và chấp hành kế hoạch tiền mặt chưa được chính thức quy định một cách cụ thể, việc quản lý tiền mặt còn gặp nhiều khó khăn.
Để góp phần ổn định vật giá, củng cố giá trị tiền tệ,việc quản lý tiền mặt cần phải thi hành chặt chẽ, chu đáo và có kế hoạch hơn. Từ nay tất cả các cơ quan Chính phủ, đoàn thể, đơn vị bộ đội, xí nghiệp quốc gia, mậu dịch quốc doanh, nông trường quốc doanh, hợp tác xã mua bán v.v… chịu sự quản lý tiền mặt đều phải xây dựng kế hoạch tiền mặt theo các thể thức dưới đây và chấp hành nghiêm chỉnh kế hoạch tiền mặt đã xây dựng.
I. – XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TIỀN MẶT
Kế hoạch tiền mặt chia làm hai loại:
a) Kế hoạch của đơn vị: do tất cả các đơn vị nói trên xây dựng và gửi cho ngân hàng nơi những đơn vị này mở tài khoản.
b) Kế hoạch tổng hợp: do các cấp ngân hàng xây dựng căn cứ vào kế hoạch của các đơn vị gửi đến.
Đơn vị cơ sở làm kế hoạch tổng hợp hiện nay là chi nhánh ngân hàng tỉnh, thành phố, khu Tự trị.
Ở các tỉnh, Ty tài chính chịu trách nhiệm lập kế hoạch tiền mặt cho Ủy ban hành chính các huyện và các xã trong toàn tỉnh.
Các Bộ, các ngành chủ quản ở trung ương xây dựng và cung cấp cho Ngân hàng trung ương những tài liệu có liên quan đến kế hoạch của các ngành, các tổ chức trực thuộc.
Nội dung kế hoạch tiền mặt phải ghi chi tiết các nguồn tiền theo mẫu quy định của Ngân hàng.
Kế hoạch tiền mặt làm từng quý, chia ra từng tháng.
II. – XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH TIỀN MẶT
Kế hoạch tiền mặt toàn quốc do Ngân hàng quốc gia trung ương tổng hợp và trình Hội đồng Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ chuẩn y. Căn cứ vào mức kế hoạch toàn quốc được chuẩn y, Ngân hàng trung ương xét duyệt và điều chỉnh kế hoạch do các ngân hàng tỉnh, thành phố, khu Tự trị xây dựng.
Các chi nhánh ngân hàng tỉnh, thành phố, khu tự trị căn cứ vào kế hoạch đã được Ngân hàng trung ương chuẩn y, sẽ cùng các ngành chủ quản cấp tỉnh, thành phố, khu Tự trị, dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban Hành chính tỉnh, thành phố, khu Tự trị, xét duyệt kế hoạch của các đơn vị.
III. - CHẤP HÀNH KẾ HOẠCH TIỀN MẶT.
Các đơn vị phải bảo đảm thu tiền mặt theo kế hoạch đã duyệt và chỉ được chi trong phạm vi kế hoạch đã duyệt. Trường hợp xét cần phải thay đổi kế hoạch thu chi tiền mặt thì phải có sự thỏa thuận trước của ngân hàng mới được thi hành.
Trong khi thực hiện kế hoạch tiền mặt, các đơn vị phải thường xuyên mỗi tuần kỳ mười ngày báo cáo và cung cấp chứng từ, bảng kê cho ngân hàng nơi đơn vị mở tài khoản.
Ngân hàng các cấp phải luôn luôn cử cán bộ kiểm tra tình hình thu chi và giúp đỡ các đơn vị có tài khoản thực hiện tốt kế hoạch tiền mặt, và tổng hợp tình hình báo cáo lên Ngân hàng trung ương.
Để việc thi hành kế hoạch tiền mặt có kết quả tốt, Ngân hàng quốc gia trung ương phối hợp với Cục Thống kê, quy định các mẫu biểu lập kế hoạch tiền mặt, và hướng dẫn cụ thể cho các cấp, các ngành, các đơn vị thi hành.
Các Bộ, các ngành trực thuộc Thủ tướng phủ, các đoàn thể ở trung ương, các Uỷ ban Hành chính liên khu và khu, tỉnh, thành phố cần phổ biến các điều quy định trên đây thật rộng rãi để tất cả các đơn vị đều thông suốt và chấp hành nghiêm chỉnh.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Thông tư 1189-TTg năm 1956 về việc xây dựng và chấp hành kế hoạch tiền mặt do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- Số hiệu: 1189-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/12/1956
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Đồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: 06/01/1957
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra