UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1141-KHKT/TĐC | Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 1983 |
UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC SỐ 1141-KHKT/TĐC NGÀY 24-9-1983 HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ TIÊU CHUẨN
1. Theo điều 22 của Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá ban hành kèm theo nghị định số 141-HĐBT ngày 24-8-1982 của Hội đồng bộ trưởng, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn địa phương, sau khi được xét duyệt, ban hành đều phải xin đăng ký tại Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.
2. Những văn bản sửa đổi tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn địa phương, sau khi được xét duyệt, ban hành cũng đều phải xin đăng ký như tiêu chuẩn (dưới đây gọi chung tiêu chuẩn và văn bản sửa đổi tiêu chuẩn là tiêu chuẩn).
3. Việc đăng ký tiêu chuẩn nhằm mục đích:
- Thực hiện việc đăng ký tập trung và thống nhất các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn địa phương;
- Bảo đảm cho tiêu chuẩn các cấp được phù hợp với nhau;
- Loại bỏ sự trùng lặp về nội dung giữa các tiêu chuẩn;
- Bảo đảm việc thông tin tập trung về các tiêu chuẩn đã đăng ký.
4. Tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành được đăng ký tại Cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Nhà nước, tiêu chuẩn địa phương được đăng ký tại trung tâm khu vực tương ứng của Cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Nhà nước.
5. Tiêu chuẩn Việt Nam do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng hoặc chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước xét duyệt, ban hành được đăng ký ngay, không phải qua thủ tục quy định ở phẩn II và phần III.
Tiêu chuẩn Việt Nam do thủ trưởng các ngành được uỷ nhiệm xét duyệt, ban hành được đăng ký nếu đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Được xây dựng theo kế hoạch Nhà nước về xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam;
- Không trái và không trùng lặp về nội dung với các tiêu chuẩn Việt Nam khác;
- Theo đúng các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và của Cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Nhà nước;
- Trình bày theo đúng quy định.
6. Tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn địa phương được đăng ký nếu đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Không trái và không trùng lặp về nội dung với các tiêu chuẩn cấp trên, với các tiêu chuẩn ngành mà Bộ hoặc địa phương xin đăng ký, phải áp dụng các tiêu chuẩn mà Bộ hoặc địa phương đó đã xét duyệt, ban hành;
- Theo đúng các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và của Cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Nhà nước;
- Trình bày theo đúng quy định.
7. Tiêu chuẩn chưa đăng ký thì không được phổ biến áp dụng vào nền kinh tế quốc dân.
8. Cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Nhà nước là cơ quan giúp Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước đăng ký các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành, còn các Trung tâm khu vực của Cục đăng ký các tiêu chuẩn địa phương (dưới đây gọi chung các cơ quan trên là cơ quan đăng lý).
9. Các cơ quan quản lý tiêu chuẩn hoá thuộc các Bộ, Tổng cục hoặc địa phương (các Vụ quản lý khoa học và kỹ thuật thuộc các Bộ, Tổng cục, các Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương) (dưới đây gọi tắt là cơ quan tiêu chuẩn) chịu trách nhiệm xin đăng ký các tiêu chuẩn do các Bộ, Tổng cục hoặc địa phương đó xét duyệt, ban hành.
10. Khi tiêu chuẩn đã được đăng ký, bị huỷ bỏ, cơ quan tiêu chuẩn phải báo cáo cho cơ quan đăng ký tương ứng biết để huỷ bỏ việc đăng ký.
II. THỦ TỤC CHUẨN BỊ XIN ĐĂNG KÝ
1. Tiêu chuẩn xin đăng ký phải được xây dựng và xét duyệt, ban hành theo đúng Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá, các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và của Cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Nhà nước.
2. Để thuận tiện cho việc xét đăng ký tiêu chuẩn, các cơ quan tiêu chuẩn cần gửi dự thảo tiêu chuẩn lần cuối đến cơ quan đăng ký để lấy ý kiến trước khi xét duyệt, ban hành tiêu chuẩn đó. Kèm theo dự thảo tiêu chuẩn phai có bản thuyết minh.
Sau khi nhận được dự thảo tiêu chuẩn, cơ quan đăng ký xem xét dự thảo xem có phù hợp với các yêu cầu quy định ở điểm 5 hoặc 6 của phần I không.
Trong vòng 30 ngày sau khi nhận được dự thảo tiêu chuẩn, cơ quan đăng ký báo cho cơ quan tiêu chuẩn biết là dự thảo tiêu chuẩn đã có đủ điều kiện để đăng ký hay chưa, kèm theo là các kiến nghị của mình, nếu có, để cơ quan tiêu chuẩn tổ chức việc sửa chữa, bổ sung dự thảo đó.
3. Không quá 30 ngày sau khi tiêu chuẩn được xét duyệt, ban hành, các cơ quan tiêu chuẩn phải gửi tiêu chuẩn đó xin đăng ký chính thức.
Các tiêu chuẩn gửi đến xin đăng ký gồm 3 (hoặc 5, đối với các tiêu chuẩn Việt Nam mà Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước chịu trách nhiệm in) bản đánh máy rõ ràng với đầy đủ hình vẽ (nếu có), có chữ ký của thủ trưởng cơ quan xét duyệt, ban hành tiêu chuẩn đó và đóng dấu. Những chỗ tẩy xoá, sửa chữa trong bản đánh máy cũng đều phải có xác nhận của cơ quan xét duyệt, ban hành tiêu chuẩn. Các bản tiêu chuẩn đánh máy đều phải có bìa.
Các văn bản gửi kèm theo tiêu chuẩn bao gồm đơn xin đăng ký; bản quyết định xét duyệt, ban hành tiêu chuẩn (kèm theo danh mục tiêu chuẩn, nếu có); bản thuyết minh đăng ký tiêu chuẩn.
1. Trước khi đăng ký, cơ quan đăng ký phải thẩm tra xem tiêu chuẩn xin đăng ký có đáp ứng các yêu cầu quy định ở điểm 5 hoặc 6 của phần I không.
2. Trường hợp tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thì được đăng ký. Trên tờ bìa bản tiêu chuẩn đó phải đóng dấu, ghi rõ ngày và số đăng ký. Số đăng ký tiêu chuẩn Việt Nam đồng thời cũng là số hiệu của tiêu chuẩn (đặt sau ký hiệu TCVN), còn số đăng ký tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn địa phương là số thứ tự trong sổ đăng ký. Hai bản tiêu chuẩn được lưu lại ở cơ quan đăng ký, còn một bản được gửi trả lại cho cơ quan tiêu chuẩn, kèm theo thông báo tiêu chuẩn được đăng ký. Đối với tiêu chuẩn Việt Nam mà Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước chịu trách nhiệm in, cơ quan đăng ký giữ bốn bản (hai bản lưu và hai bản giao phòng xuất bản) và gửi lại cho cơ quan tiêu chuẩn một bản.
Đối với tiêu chuẩn địa phương, trong vòng 15 ngày sau khi đăng ký, các Trung tâm khu vực phải gửi một bản về Cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Nhà nước.
3. Trường hợp tiêu chuẩn không đáp ứng yêu cầu thì không được đăng ký. Hồ sơ tiêu chuẩn được gửi trả lại cho cơ quan tiêu chuẩn, kèm theo thông báo tiêu chuẩn không được đăng ký, có ghi rõ lý do. Sau khi nhận lại hồ sơ, cơ quan tiêu chuẩn cần nhanh chóng tổ chức việc sửa chữa, bổ sung tiêu chuẩn đó và xin đăng ký lại.
4. Việc đăng ký tiêu chuẩn phải kết thúc trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được bản tiêu chuẩn xin đăng ký.
5. Đối với những tiêu chuẩn đã được đăng ký, khi xét thấy không còn đáp ứng các yêu cầu quy định ở điểm 5 hoặc 6 của phần I nữa thì cơ quan đăng ký phải thông báo cho cơ quan tiêu chuẩn có liên quan biết để kịp thời tổ chức việc soát xét tiêu chuẩn đó.
6. Cơ quan đăng ký cần phải có sổ sách theo dõi, thống kê việc đăng ký, không đăng ký hoặc huỷ bỏ đăng ký tiêu chuẩn.
1. Thông tư này áp dụng đối với các tiêu chuẩn xét duyệt ban hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1984.
2. Đối với các tiêu chuẩn đã xét duyệt, ban hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1984, các Vụ kỹ thuật các Bộ, Tổng cục, các Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương cần xúc tiến ngay những việc sau đây:
- Xem xét lại tất cả các tiêu chuẩn, có đối chiếu với yêu cầu nêu ở điểm 5 và 6 của phần I; trên cơ sở này có kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền soát xét các tiêu chuẩn cũ hoặc xây dựng các tiêu chuẩn mới;
- Đối với các tiêu chuẩn vẫn còn có hiệu lực, làm thủ tục xin đăng ký với các cơ quan có liên quan.
Tất cả các công việc trên đây cần phải hoàn thành trong thời gian 6 tháng kể từ ngày thông tư này được ban hành.
3. Trong quá trình thực hiện thông tư này, nếu gặp những khó khăn vướng mắc, đề nghị kịp thời trao đổi với Cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Nhà nước thuộc Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.
Đoàn Phương (Đã ký) |
Thông tư 1141-KHKT/TĐC-1983 hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn do Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 1141-KHKT/TĐC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/09/1983
- Nơi ban hành: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước
- Người ký: Đoàn Phương
- Ngày công báo: 15/10/1983
- Số công báo: Số 17
- Ngày hiệu lực: 01/01/1984
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định