BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11-TM/TT | Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 1992 |
Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Nghị định số 115-HĐBT, ngày 13-4-1991 quy định thi hành Pháp lệnh Đo lường và Nghị định 327-HĐBT, ngày 19-10-1991 quy định thi hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá. Bộ Thương mại hướng dẫn một số điểm trong việc thực hiện các Nghị định trên thuộc phạm vi quản lý của ngành như sau:
- Tất cả các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh hàng hoá và dịch vụ trên thị trường có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh Đo lường, Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá và các văn bản pháp quy, đồng thời phải chịu sự kiểm tra, thanh tra về chất lượng hàng hoá và đo lường của các cơ quan chức năng Nhà nước và cơ quan chuyên trách của Bộ Thương mại.
- Mọi tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng hoá và dịch vụ phải chịu trách nhiệm về hàng hoá mà mình kinh doanh; nghiêm cấm mọi hành vi cân đong, đo, đếm sai và kinh doanh hàng giả, hàng rởm, hàng kém phẩm chất có hại cho người tiêu dùng.
1. Đối với đơn vị sản xuất chế biến trong ngành Thương mại:
- Phải đăng ký chất lượng sản phẩm của mình nếu sản phẩm đó thuộc danh mục hàng hóa phải đăng ký chất lượng với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hoặc với cơ quan được Tổng cục chỉ định. Danh mục hàng hoá phải đăng ký chất lượng do Uỷ ban Khoa học Nhà nước (nay là khoa học - công nghệ và môi trường) công bố theo từng thời kỳ.
- Tự tổ chức kiểm tra để đảm bảo sản phẩm xuất xưởng đạt chất lượng đã đăng ký hoặc đã công bố. Thông tin trung thực về chất lượng, có nhãn sản phẩm, trên đó ghi rõ đặc tính, công dụng của sản phẩm, nơi sản xuất, thời hạn lưu hành hoặc sử dụng.
- Phải áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam đã quy định là bắt buộc áp dụng.
2. Đối với các đơn vị kinh doanh Thương mại và dịch vụ trong nước:
- Phải biết rõ nguồn gốc và chất lượng hàng hoá mà mình bán ra. Thông tin trung thực về chất lượng hàng hoá, hướng dẫn khách hàng lựa chọn, sử dụng, bảo quản hàng hoá và chịu trách nhiệm trực tiếp trước khách hàng về chất lượng hàng hoá.
- Phải công bố thời hạn, điều kiện và hình thức bảo hành đối với từng loại hàng hoá.
- Nghiêm cấm việc kinh doanh hàng giả và mọi hành vi gian dối về chất lượng hàng hoá.
- Các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo lường phải thực hiện đúng các quy định về bảo quản và sử dụng phương tiện đo lường, bảo đảm đo lường được thống nhất và chính xác.
- Nghiêm cấm việc lưu hành, buôn bán, sử dụng phương tiện đo lường không hợp pháp như: không có dấu kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực đối với phương tiện đo; phương tiện đo lường bị sai, hỏng, không đạt yêu cầu kĩ thuật về đo lường.
- Nghiêm cấm việc giả mạo dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định hoặc sử dụng dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định với mục đích lừa đảo.
- Nghiêm cấm việc kinh doanh hàng hoá thuộc diện tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng mà không có giấy chứng nhận và dấu phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam, hoặc ghi dấu phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam trên sản phẩm hàng hoá khi chưa được cấp giấy chứng nhận nhận và dấu phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam.
3. Đối với các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu:
- Phải đăng ký xin kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với những mặt hàng quy định trong danh mục "hàng hoá xuất nhập khẩu", phải chịu sự kiểm tra Nhà nước về chất lượng.
- Căn cứ để kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu là tiêu chuẩn Việt Nam hoặc các quy định khác về chất lượng ghi trong hợp đồng xuất nhập khẩu. Hàng hoá đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam được miễn kiểm tra Nhà nước khi xuất khẩu.
- Đối với những hàng hoá xuất nhập khẩu trong danh mục được kiểm tra Nhà nước cần có giấy xác nhận chất lượng của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hoặc của cơ quan được uỷ quyền trước khi xuất khẩu hoặc trước khi đưa ra lưu thông nội địa với hàng nhập khẩu.
- Cơ quan chuyên trách về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của Bộ Thương mại là Cục quản lý chất lượng hàng hoá và đo lường. Theo chức năng nhiệm vụ của mình, Cục Quản lý chất lượng hàng hoá và đo lường có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý thị trường các cấp, các Chi cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng của các địa phương và các Trung tâm thuộc hệ thống Tổng cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng kiểm tra, thanh tra các đơn vị, cá nhân kinh doanh trên thị trường về chất lượng hàng hoá và đo lường, xử lý các trường hợp vi phạm; tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật nhằm kết luận chính xác, kịp thời về chất lượng hàng hoá và đo lường phục vụ công tác kiểm tra xử lý.
- Mọi tổ chức và cá nhân kinh doanh trên thị trường đều phải hiểu biết cần thiết về pháp lệnh đo lường cùng các văn bản pháp quy của Nhà nước có liên quan đến chất lượng hàng hoá và đo lường, đồng thời có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng và đo lường.
- Đối với các đơn vị kinh tế trong ngành Thương mại, Cục Quản lý chất lượng hàng hoá và đo lường có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý giúp các đơn vị thực hiện tốt 3 mặt công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Đối với các thành phần kinh tế khác tham gia kinh doanh trên thị trường, Cục Quản lý chất lượng hàng hoá và đo lường có trách nhiệm kiểm tra xử lý các vi phạm về chất lưoựng và đo lường.
- Sở Thương mại ở các địa phương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và Ban quản lý thị trường ở địa phương chỉ đạo công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đối với các đơn vị kinh doanh ở địa phương mình và kiểm tra, kiểm soát thị trường.
- Mọi vi phạm về chất lượng và đo lường trong kinh doanh thương mại và dịch vụ đều bị sử lý theo quy định hiện hành.
Lê Hữu Duyên (Đã Ký) |
Thông tư 11-TM/TT năm 1992 hướng dẫn thi hành Nghị định 115-HĐBT và 327-HĐBT trong lĩnh vực mua bán hàng hoá và kinh doanh dịch vụ trên thị trường do Bộ Thương mại ban hành
- Số hiệu: 11-TM/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 04/12/1992
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Lê Hữu Duyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/12/1992
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định