Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 115-HĐBT

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 1991

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 115-HĐBT NGÀY 13-4-1991 BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH ĐO LƯỜNG

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh đo lường ngày 6 tháng 7 năm 1990;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định về việc thi hành pháp lệnh đo lường.

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành.

Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 4.- Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH ĐO LƯỜNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 115 - HĐBT ngày 13 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng)

Chương 1:

TRÁCH NHIỆM CÁC NGÀNH, CÁC CẤP ĐỐI VỚI ĐO LƯỜNG

Điều 1.- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các Ngành trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm sau đây đối với đo lường:

1. Khi lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển ngành phải đồng thời lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đo lường làm cơ sở cho việc cải tiến công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học của ngành.

2. Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, xây dựng và ban hành các quy định, định mức cần thiết cho công tác quản lý đo lường của ngành.

3. Xây dựng và phát triển các cơ quan đo lường của ngành, của cơ sở; tổ chức việc phối hợp và liên kết các tiềm năng về đo lường của cơ sở nhằm phục vụ thiết thực và có hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu khoa học của ngành, của cơ sở.

4. Kiểm tra, giám sát các hoạt động về đo lường của ngành, của cơ sở để thúc đẩy việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của ngành về đo lường.

Điều 2.- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã trên địa bàn lãnh thổ mình quản lý có trách nhiệm sau đây đối với đo lường:

1. Dành kinh phí để mua sắm trang thiết bị và xây dựng các cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết cho việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về đo lường nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống ở địa phương.

2. Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, ban hành các văn bản cần thiết cho công tác quản lý đo lường của địa phương.

3. Kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước, của địa phương về đo lường.

4. Tiếp nhận và giải quyết trong phạm vi quyền hạn được giao hoặc chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về đo lường.

Điều 3.- Người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học trong phạm vi mình phụ trách có trách nhiệm sau đây đối với đo lường:

1. Trang bị phương tiện đo và tổ chức việc sử dụng, bảo quản phương tiện đo, việc thực hiện phép đo nhằm bảo đảm cho đo lường thống nhất và chính xác phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học của cơ sở; đặc biệt là ở những khâu hoạt động có liên quan đến việc mua bán, giao nhận hàng hoá bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ và môi trường.

2. Thực hiện các quy định, các định mức có liên quan của Nhà nước, của ngành, của địa phương sở tại về đo lường.

3. Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, xây dựng và ban hành các quy định, định mức cần thiết cho công tác quản lý đo lường của cơ sở.

4. Tổ chức việc tự kiểm tra, hiệu chỉnh, sửa chữa phương tiện đo của cơ sở.

5. Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nhân viên đo lường của cơ sở.

Chương 2:

CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG

Điều 4. - Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về đo lường của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trung tâm đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng là cơ quan giúp Tổng cục chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ và kiểm tra về đo lường trên phạm vi cả nước và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đo lường trên địa bàn do Uỷ ban Khoa học Nhà nước phân công.

Điều 5.- Các Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đo lường trên địa bàn do Uỷ ban Khoa học Nhà nước phân công.

Điều 6.- Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thuộc Ban Khoa học - Kỹ thuật tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc khu theo phân cấp của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường cấp trên trực tiếp.

Điều 7.- Trung tâm Đo lường, Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường quy định tại Điều 9 Pháp lệnh đo lường theo phạm vi phân cấp ở Điều 4, 5 và 6 của Nghị định này.

Chương 3:

HỆ ĐƠN VỊ ĐO LƯỜNG QUỐC TẾ; CHUẨN QUỐC GIA; MẪU CHUẨN

Điều 8.

1. Hệ đơn vị đo lường quốc tế, viết tắt là SL, ở Điều 10 Pháp lệnh đo lường là hệ đơn vị đã được Đại hội cân đo quốc tế lần thứ XI họp tại Paris năm 1960 thông qua.

2. Hệ đơn vị đo lường quốc tế gồm 7 đơn vị cơ bản và các đơn vị dẫn xuất được suy ra từ các đơn vị cơ bản này.

3. Các đơn vị cơ bản của hệ đơn vị quốc tế là:

- Mét, ký hiệu là m, là đơn vị đo độ dài.

- Kilôgam, ký hiệu là kg, là đơn vị đo khối lượng.

- Giây, ký hiệu là s, là đơn vị đo thời gian.

- Ampe, ký hiệu là A, là đơn vị đo cường độ dòng điện.

- Kenvin, ký hiệu là K, là đơn vị đo nhiệt độ.

- Candela, ký hiệu là cd, là đơn vị đo cường độ ánh sáng.

- Mol, ký hiệu là mol, là đơn vị đo lượng vật chất.

Điều 9.

1. Chuẩn quốc gia là chuẩn đơn vị đo lường (gọi tắt là chuẩn đo lường hoặc chuẩn) có độ chính xác đạt chuẩn đầu hoặc chuẩn thứ theo quy định quốc tế được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt là cơ sở để xác định giá trị tất cả các chuẩn khác còn lại của một lĩnh vực đo trong nước. Trường hợp chưa có chuẩn đạt độ chính xác của chuẩn đầu hoặc chuẩn thứ, Hội đồng bộ trưởng sẽ phê duyệt chuẩn đo lường cao nhất (gọi tắt là chuẩn cao nhất) thay cho chuẩn quốc gia ở lĩnh vực đó.

2. Nhà nước quan tâm xây dựng và phát triển hệ thống chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất tại cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường. Uỷ ban Khoa học Nhà nước phải có quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống chuẩn này phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của khoa học - Kỹ thuật đo lường trên thế giới.

3. Đối với những lĩnh vực đo mà cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường chưa có chuẩn hoặc trình độ chuẩn còn thấp, việc phê duyệt chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất do các tổ chức đo lường ngành, cơ sở tiến hành. Việc phê duyệt này được thực hiện cùng với việc uỷ quyền kiểm định Nhà nước cho các tổ chức đo lường này.

Điều 10.- Cơ sở để phê duyệt chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất là:

1. Trình độ kỹ thuật và do lường của chuẩn.

2. Các điều kiện cần thiết phục vụ việc bảo quản, duy trì và dẫn xuất chuẩn, bao gồm phương tiện so sánh, trang thiết bị phụ, điều kiện môi trường, mặt bằng làm việc và cán bộ đủ trình độ.

3. Tiêu chuẩn Việt Nam và các quy định có liên quan của Nhà nước về sơ đồ kiểm định, về phân loại, phân cấp chuẩn.

4. Khả năng và yêu cầu của nền kinh tế quốc dân.

Điều 11.- Hồ sơ để tiến hành thẩm xét, phê duyệt chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất gồm:

1. Tài liệu về yêu cầu kỹ thuật và đo lường của chuẩn.

2. Quy định về bảo quản, sử dụng chuẩn.

3. Biên bản thử nghiệm nghiệm thu chuẩn (nếu là chuẩn nghiên cứu, chế tạo ở trong nước).

4. Giấy chứng nhận kiểm định chuẩn.

5. Bản thuyết minh về cơ sở kinh tế và kỹ thuật của chuẩn.

Điều 12.- Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước chịu trách nhiệm thẩm xét để trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phê duyệt chuẩn quốc gia và được uỷ nhiệm thay mặt Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ký quyết định phê duyệt chuẩn đo lường cao nhất.

Giúp Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước tiến hành thẩm xét chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất là Hội đồng thẩm xét quốc gia.

Điều 13.- Hội đồng thẩm xét quốc gia là tổ chức tư vấn về khoa học - kỹ thuật và kinh tế do một chuyên gia đo lường đầu ngành làm Chủ tịch và một số thành viên là chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước quyết định thành lập theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường- Chất lượng.

Uỷ viên thường trực của Hội đồng thẩm xét quốc gia là chuyên gia của Trung tâm đo lường.

Kết luận của Hội đồng thẩm xét quốc gia là căn cứ để Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước quyết định phê duyệt chuẩn cao nhất hoặc trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt chuẩn quốc gia.

Trung tâm đo lường chịu trách nhiệm tiếp nhận các hồ sơ cần thiết và tố chức hoạt động của Hội đồng thẩm xét quốc gia theo quy định.

Điều 14.- Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về kinh phí, hợp tác kinh tế và các điều kiện vật chất - kỹ thuật cần thiết khác để thực hiện quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất, để cơ sở có chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất đã được phê duyệt thực hiện được việc bảo quản, sử dụng các chuẩn này đúng quy định, bảo đảm các chuẩn này được so sánh đúng kỳ hạn với chuẩn quốc tế hoặc chuẩn có độ chính xác cao hơn của nước ngoài theo điều 12 của Pháp lệnh đo lường.

Điều 15.- Cơ sở có chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất đã được phê duyệt phải bảo quản, sử dụng các chuẩn này theo đúng quy định về quản lý chuẩn do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng ban hành để đáp ứng yêu cầu về đo lường chung cho tất cả các ngành kinh tế quốc dân trong nước.

Điều 16.- Trường hợp chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất đã được phê duyệt không còn đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế quốc dân hoặc không còn duy trì được trình độ kỹ thuật theo quy định, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước có trách nhiệm xem xét, trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định bãi bỏ hiệu lực của chuẩn quốc gia và được uỷ nhiệm quyết định bãi bỏ hiệu lực của chuẩn cao nhất.

Điều 17.- Mẫu chuẩn về thành phần và tính chất của các chất và vật liệu (gọi tắt là mẫu chuẩn) là chất hay vật liệu mà giá trị của một hay nhiều đại lượng biểu thị thành phần hay tính chất của nó được xác định một cách chính xác và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Mẫu chuẩn là một dạng đặc biệt của chuẩn đơn vị đo lường.

Điều 18.- Mẫu chuẩn được chứng nhận theo hai hình thức : Chứng nhận mẫu chuẩn Nhà nước và chứng nhận mẫu chuẩn ngành.

Chứng nhận mẫu chuẩn Nhà nước do cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường thực hiện.

Chứng nhận mẫu chuẩn ngành do cơ quan quản lý đo lường ngành thực hiện.

Điều 19.- Các mẫu chuẩn phải được chứng nhận Nhà nước bao gồm :

a) Mẫu chuẩn dùng để kiểm định hoặc khắc độ phương tiện đo.

b) Mẫu chuẩn có liên quan đến việc xác định lượng hàng hoá khi mua bán, giao nhận.

c) Mẫu chuẩn có liên quan đến việc bảo đảm an toàn lao động bảo vệ sức khoẻ và môi trường.

d) Mẫu chuẩn có liên quan đến việc giám định tư pháp và các hoạt động công cụ khác của Nhà nước.

Các mẫu chuẩn phải được chứng nhận ngành do các Bộ, ngành quy định theo yêu cầu quản lý sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học của ngành.

Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định cụ thể về nội dung, thủ tục, trình tự chứng nhận mẫu chuẩn Nhà nước.

Chương 4:

LỆ PHÍ KIỂM ĐỊNH

Điều 20.- Lệ phí kiểm định phương tiện đo được tính dựa trên các căn cứ dưới đây :

1. Trình độ kỹ thuật và tầm quan trọng của phương tiện đo.

2. Trình độ chuẩn và trang thiết bị phụ cần thiết để kiểm định.

3. Thời gian và mức độ phức tạp của việc kiểm định.

Mức lệ phí kiểm định đối với từng loại phương tiện đo cụ thể được quy định trong phụ lục kèm theo nghị định này.

Khi giá trị thực tế của mức lệ phí kiểm định chỉ còn bằng 70% giá trị ở thời điểm ban hành, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước được quyền điều chỉnh để giá trị thực tế của các mức lệ phí kiểm định ngang bằng với giá trị ở thời điểm ban hành

Điều 21.- Lệ phí kiểm định phương tiện đo do cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường thu được phân phối như sau :

Cơ sở kiểm định được sử dụng 15% lệ phí, số còn lại nộp ngân sách Nhà nước. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể việc sử dụng số tiền lệ phí kiểm định dành cho việc khen thưởng.

Chương 5:

THANH TRA NHà NướC Về đO LườNG

Điều 22.- Thanh tra Nhà nước về đo lường (gọi tắt là thanh tra đo lường hoặc thanh tra) là hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường để thanh tra việc chấp hành pháp luật về đo lường và đề ra các biện pháp nhằm phòng ngừa và chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường.

Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường các cấp chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện nhiệm vụ thanh tra Nhà nước về đo lường trong phạm vị nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

Điều 23.- Việc Tổ chức và thực hiện nhiệm vụ thanh tra Nhà nước về đo lường được quy định như sau:

1. Trung tâm đo lường tiến hành thanh tra Nhà nước về đo lường các đối tượng sau :

- Các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn do Uỷ ban khoa học Nhà nước phân công.

- Các cơ sở sử dụng, sản xuất, sửa chữa, nhập khẩu, kinh doanh, kiểm định phương tiện đo thuộc quyền quản lý của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn nói trên.

- Các cơ sở thuộc phạm vi phân cấp của các Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực, các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố nhưng có trình độ đo lường vượt quá khả năng đáp ứng của các Trung tâm khu vực và Chi cục này.

2. Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực tiến hành thanh tra Nhà nước về đo lường các đối tượng sau:

- Các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn khu vực.

- Các cơ sở sử dụng, sản xuất, sửa chữa, nhập khẩu, kinh doanh kiểm định phương tiện đo thuộc quyền quản lý của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn khu vực.

- Các cơ sở thuộc phạm vi phân cấp của Chi cục nhưng có trình độ đo lường vượt quá khả năng đáp ứng của các Chi cục này.

3. Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra Nhà nước về đo lường các đối tượng sau:

- Các cơ sở sử dụng, sản xuất, sửa chữa, nhập khẩu, kinh doanh, kiểm định, phương tiện đo thuộc quyền quản lý của các cơ quan tỉnh, thành phố.

- Các cơ sở thuộc quyền quản lý của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố đã được Trung tâm Đo lường hoặc Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực phân cấp cho Chi cục.

Điều 24.- Nội dung của Thanh tra Nhà nước về đo lường là thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về đơn vị, chuẩn và mẫu chuẩn; về kiểm định Nhà nước phương tiện đo; về sử dụng phương tiện đo và hàng bao bì đóng gói theo định lượng; về sản xuất; sửa chữa, lưu thông phương tiện đo; về việc thực hiện phép đo và các quy định có liên quan khác.

Uỷ ban Khoa học Nhà nước quy định nội dung cụ thể của Thanh tra Nhà nước về đo lường đối với các đối tượng thanh tra khác nhau.

Điều 25.- Chế độ Thanh tra Nhà nước về đo lường bao gồm:

1. Thanh tra định kỳ được tiến hành theo quy định hoặc kế hoạch thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường và có thông báo trước cho cơ sở.

2. Thanh tra bất thường được tiến hành khi cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường thấy cần thiết hoặc để giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đo lường. Thanh tra bất thường không cần thông báo trước cho cơ sở.

Điều 26.- Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường ra quyết định thanh tra đối với các cơ sở thuộc phạm vi phân cấp quy định tại Điều 23 của Nghị định này dựa vào các căn cứ sau đây:

1. Chương trình, kế hoạch thanh tra được lập ra theo yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về đo lường.

2. Yêu cầu của việc giải quyết thanh chấp, khiếu nại, tố cáo về đo lường.

3. Những vụ việc vi phạm pháp luật đo lường do tự phát hiện, hoặc do cấp trên giao.

Quyết định thanh tra phải ghi rõ nội dung, thời hạn tiến hành thanh tra.

Quyết định thanh tra định kỳ phải gửi cho cơ sở trước thời hạn thanh tra ít nhất là 10 ngày.

Quyết định thanh tra do Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên Nhà nước về đo lường (gọi tắt là thanh tra viên) thực hiện theo điều 29 Pháp lệnh đo lường.

Điều 27.- Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường quyết định thành lập các Đoàn thanh tra.

Đoàn thanh tra gồm Trưởng đoàn và các thành viên là cán bộ của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường.

Trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường có thể mời đại diện các cơ quan liên quan tham gia Đoàn thanh tra.

Khi tiến hành thanh tra để giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đo lường, trong thành phần Đoàn thanh tra phải có đại diện có thẩm quyền của các bên liên quan. Trường hợp một trong các bên liên quan từ chối tham gia Đoàn thanh tra thì kết luận của Đoàn thanh tra vẫn có giá trị pháp lý.

Điều 28.- Thanh tra viên Nhà nước về đo lường là cán bộ của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường được giao nhiệm vụ thanh tra Nhà nước về đo lường trên những địa bàn và đối với những lĩnh vực đo nhất định.

Thanh tra viên Nhà nước về đo lường được cấp thẻ "Thanh tra viên Nhà nước về đo lường".

Thanh tra viên Nhà nước về đo lường được quyền dùng thẻ để tiến hành thanh tra bất thường khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đo lường.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước ban hành quy chế cụ thể về thanh tra viên Nhà nước về đo lường.

Điều 29.- Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra và thanh tra viên Nhà nước về đo lường theo quy định ở điều 30 Pháp lệnh đo lường. Khi tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh viên thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phạm vi phân cấp quy định ở Điều 23 của Nghị định này và theo nhiệm vụ được ghi ở thẻ thanh tra viên.

Điều 30.- Nội dung thanh tra, các kết luận và hình thức xử lý đã áp dụng khi thanh tra Nhà nước về đo lường phải được ghi vào biên bản thanh tra. Biên bản thanh tra phải có chữ ký của Trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên về đo lường và của địa diện cơ sở được thanh tra.

Trường hợp đại diện cơ sở được thanh tra không ký biên bản thì phải ghi rõ lý do vào biên bản và biên bản vẫn có giá trị pháp lý.

Biên bản thanh tra lưu tại cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường, tại cơ sở được thanh tra và được gửi tới các cơ quan có liên quan.

Điều 31.- Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường đã ra quyết định thanh tra phải xem xét quyết định các biện pháp xử lý cần thiết hoặc kiến nghị các vấn đề cần giải quyết với cấp có thẩm quyền.

Điều 32.- Cơ sở được thanh tra phải thực hiện đúng các yêu cầu nêu trong quyết định thanh tra và các yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên Nhà nước về đo lường và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp.

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang và mọi công dân có trách nhiệm giúp Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên Nhà nước về đo lường trong việc thi hành nhiệm vụ thanh tra.

Điều 33.- Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của cơ sở về những kết luận và các biện pháp xử lý khi thanh tra đo lường, cũng như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đo lường tiến hành theo quy định ở điều 31, 32 Pháp lệnh đo lường và theo phân cấp quy định ở điều 23 của Nghị định này.

Cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường phải tiến hành thanh tra để giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đo lường theo quy định, chậm nhất là sau 15 ngày kể từ khi nhân được yêu cầu của cơ sở.

Điều 34.- Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên Nhà nước về đo lường chịu trách nhiệm trước pháp luật về các kết luận và biện pháp xử lý trong quá trình thanh tra theo điều 30 Pháp lệnh đo lường.

Trưởng đoàn, các thành viên của đoàn Thanh tra, Thanh tra viên Nhà nước về đo lường nếu lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ của mình, vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà vi phạm các quy định về công tác thanh tra để kết luận và xử lý không đúng thì tuỳ theo mức độ nhẹ, nặng sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 6:

XỬ PHẠT CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐO LƯỜNG.

Điều 35.- Các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường được quy định như sau:

1. Sử dụng phương tiện đo thuộc các trường hợp bị cấm quy định ở mục 1, mục 2 điều 22 Pháp lệnh đo lường:

- Trường hợp phương tiện đo đơn giản, ít quan trọng, nếu là vi phạm lần đầu sẽ bị cảnh cáo, đình chỉ sử dụng và buộc phải kiểm định; từ lần thứ hai, cùng với việc đình chỉ sử dụng và buộc phải kiểm định còn bị phạt tiền từ 1.000 đến 20.000 đồng, nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm sẽ bị phạt từ 20.000 đến 50.000 đồng.

- Trường hợp phương tiện đo có phạm vi đo lớn, vai trò quan trọng trong mua bán, giao nhận, trong việc đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ và môi trường (dưới đây gọi chung là có vai trò quan trọng) bị phạt tiền từ 20.000 đến 500.000 đồng, nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần có thể bị phạt từ 500.000 đồng trở lên, buộc đình chỉ sử dụng và buộc phải kiểm định phương tiện đo.

2. Sử dụng phương tiện đo sai hỏng thuộc trường hợp bị cấm được quy định ở mục 3 điều 22 Pháp lệnh đo lường:

- Trường hợp phương tiện đo đơn giản, ít quan trọng, bị phạt tiền từ 20.000 đến 200.000 đồng, bị thu hồi toàn bộ tiền thu bất chính hoặc buộc bồi thường những thiệt hại do phương tiên đo sai hỏng gây ra.

- Trường hợp phương tiện đo có phạm vi đo lớn, vai trò quan trọng, bị phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng, nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần có thể bị phạt từ 500.000 đồng trở lên, bị thu hồi toàn bộ tiền thu bất chính hoặc buộc bồi thường những thiệt hại do phương tiện đo sau hỏng gây ra.

3. Kinh doanh hàng bao bì đóng gói theo định lượng không đạt yêu cầu về đo lường theo quy định:

- Trường hợp quy mô kinh doanh nhỏ bị phạt tiền từ 1.000 đến 20.000 đồng và buộc phải đóng gói lại đúng định lượng; nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần bị phạt từ 20.000 đến 50.000 đồng.

- Trường hợp quy mô kinh doanh lớn, bị phạt tiền từ 20.000 đến 500.000 đồng, buộc đóng gói lại đúng định lượng, bị thu hồi toàn bộ tiền thu bất chính hoặc buộc bồi thường những thiệt hại do hàng đóng gói sai định lượng gây ra; nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần có thể bị phạt từ 500.000 đồng trở lên.

4. Bán phương tiện đo sai hỏng, phương tiện đo thuộc diện phải kiểm đinh Nhà nước nhưng chưa qua kiểm định ban đầu hoặc được sản xuất mà chưa qua duyệt mẫu và cho phép sản xuất:

- Phương tiện đo đơn giản, ít quan trọng, quy mô kinh doanh nhỏ, bị phạt tiền từ 1.000 đến 20.000 đồng, nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, bị phạt từ 20.000 đến 50.000 đồng, buộc phải kiểm định ban đầu và buộc đình chỉ việc bán những phương tiên chưa được duyệt mẫu.

- Phương tiện đo phức tạp, phạm vi đo rộng, có vai trò quan trọng, quy mô kinh doanh lớn, bị phạt tiền từ 20.000 đến 500.000 đồng, nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần có thể bị phạt từ 500.000 đồng trở lên, buộc phải kiểm định ban đầu và buộc đình chỉ việc bán phương tiện đo chưa được duyệt mẫu.

5. Sản xuất, sửa chữa phương tiện đo nhưng không đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường theo quy định:

- Sản xuất, sửa chữa phương tiên đo đơn giản, ít quan trọng, quy mô nhỏ bị phạt tiền từ 20.000 đến 100.000 đồng đối với cơ sở sửa chữa và phạt từ 100.000 đến 500.000 đồng đối với cơ sở sản xuất, đình chỉ việc sản xuất, sửa chữa cho tới khi làm xong thủ tục đăng ký.

- Sản xuất, sửa chữa phương tiện đo phức tạp, phạm vi đo rộng, có vai trò quan trọng, quy mô lớn, bị phạt từ 100.000 đến 500.000 đồng đối với cơ sở sửa chữa, phạt từ 500.000 đồng trở lên đối với cơ sở sản xuất, đình chỉ sản xuất, sửa chữa cho tới khi làm xong thủ tục đăng ký.

6. Sản xuất, sửa chữa phương tiện đo nhưng không đúng những nội dung đã đăng ký và các quy định về đơn vị đo lường hợp pháp:

- Sản xuất, sửa chữa những phương tiện đo ngoài danh mục đã đăng ký bị phạt tiền từ 20.000 đến 100.000 đồng đối với cơ sở sửa chữa và từ 100.00 đến 500.000 đồng đối với cơ sở sản xuất, đình chỉ sản xuất, sửa chữa loại phương tiện đo này cho đến khi làm xong thủ tục đăng ký.

- Sản xuất phương tiện đo không đạt các chỉ tiêu như đã đăng ký hoặc ghi khắc phương tiện đo theo đơn vị không hợp pháp bị phạt tiền từ 500.000 đồng trở lên, buộc phải sửa chữa, hiệu chỉnh những phương tiện đo đã sản xuất cho đúng với các chỉ tiêu kỹ thuật đã đăng ký.

7. Sản xuất, sửa chữa phương tiện đo thuộc diện phải kiểm định Nhà nước nhưng không thực hiện việc kiểm định ban đầu:

- Sản xuất, sửa chữa phương tiện đo đơn giản, ít quan trọng, quy mô nhỏ bị phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng và buộc phải thực hiện kiểm định ban đầu.

- Sản xuất, sửa chữa phương tiện đo phức tạp, phạm vi đo rộng, có vai trò quan trọng, quy mô sản xuất, sửa chữa lớn bị phạt tiền từ 500.000 đồng trở lên và buộc phải thực hiện kiểm định ban đầu.

8. Sản xuất phương tiện đo thuộc diện phải kiểm định Nhà nước nhưng không duyệt mẫu và xin phép sản xuất:

- Sản xuất phương tiện đo đơn giản, ít quan trọng, quy mô nhỏ bị phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng, đình chỉ sản xuất, đưa vào lưu thông những phương tiện đo này và buộc phải thực hiện việc duyệt mẫu và xin phép sản xuất.

- Sản xuất phương tiện đo phức tạp, phạm vi đo rộng, có vai trò quan trọng, quy mô sản xuất lớn, bị phạt tiền từ 500.000 đồng trở lên, đình chỉ việc sản xuất và đưa vào lưu thông những phương tiện đo này, buộc phải thực hiện việc duyệt mẫu và xin phép sản xuất.

9. Gian lận trong cân, đong, đo, đếm, trong sử dụng phương tiện đo và thực hiện các phép đo khi mua bán, giao nhận:

- Trường hợp lượng hàng hoá nhỏ, giá trị thấp bị phạt tiền từ 1.000 đến 20.000 đồng, nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm bị phạt từ 20.000 đến 50.000 đồng.

- Trường hợp lượng hàng hoá lớn, giá trị cao bị phạt tiền từ 20.000 đến 500.000 đồng, nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm có thể bị phạt từ 500.000 đồng trở lên; bị thu hồi toàn bộ tiền thu bất chính do gian lận về đo lường, đồng thời bị xử lý theo trách nhiệm hình sự.

10. Giả mạo dấu, giấy chứng nhận kiểm định hoặc sử dụng dấu, giấy chứng nhận kiểm định với mục đích lừa đảo:

Trường hợp hậu quả gây ra nhỏ, ít quan trọng, bị phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng, nếu hậu quả gây ra lớn và nghiêm trọng bị phạt từ 500.000 đồng trở lên; bị thu hồi tiền thu bất chính hoặc buộc bồi thường các thiệt hại do giả mạo hoặc sử dụng dấu và giấy chứng nhận kiểm định gây ra, đồng thời bị xử lý theo trách nhiệm hình sự.

Khi giá trị thực tế của các mức phạt trên chỉ còn bằng 70% giá trị thời điểm ban hành, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước được quyền điều chỉnh để giá trị thực tế của các mức phạt ngang bằng với giá trị ở thời điểm ban hành.

Điều 36.- Trường hợp hậu quả do các hành vi vi phạm pháp luật đo lường quy định ở điều 35 gây ra là nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự.

Cá nhân hoặc tổ chức thực hiện nhiều vi phạm quy định ở điều 35 thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

Điều 37.- Thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường quy định như sau:

- Trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên Nhà nước về đo lường đang thi hành công vụ, ngoài các quyền theo quy định ở điều 30 Pháp lệnh đo lường, được quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 100.000 đồng.

- Thủ trường cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường các cấp được quyền áp dụng tất cả các hình thực xử phạt quy định ở điều 35 của Nghị định này.

Điều 38.- Thủ tục xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường quy định như sau:

1. Thủ tục đơn giản.

Trường hợp xử phạt bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền tới 20.00 đồng thì Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường, Trưởng đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên Nhà nước về đo lường quyết định phạt tại chỗ. Người bị phạt tiền phải nộp tiền và được nhận biên lai thu tiền phạt.

2. Quyết định xử phạt.

Biên bản thanh tra Nhà nước về đo lường là căn cứ để thực hiện các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về đo lường.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường cấp có thẩm quyền phải ra quyết định phạt.

Việc ra quyết định xử phạt thực hiện theo điều 28 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

3. Việc chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật về đo lường để truy cứu trách nhiệm hình sự thực hiện theo điều 30, việc thi hành quyết định xử phạt, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt thực hiện theo điều 31 và 32 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 39.- Tiền phạt thu được phân phối như sau:

Cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường được sử dụng 15% số tiền phạt để khen thưởng đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện các vi phạm pháp luật đo lường, phần còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước.

Điều 40.- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt về các hành vi vi phạm pháp luật đo lường có quyền khiếu nại quyết định xử phạt.

Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại thực hiện theo điều 36 và 37 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 41.- Việc giải quyết các tố cáo và việc xử lý đối với những vi phạm các quy định về xử phạt đo lường thực hiện theo các điều 38 và 40 của Pháp lệnh xử phạt các vi phạm hành chính.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 42.- Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 115-HĐBT năm 1991 thi hành Pháp lệnh Đo lường do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 115-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 13/04/1991
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 13/04/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản