Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 11/2018/TT-BKHCN quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định định mức kinh tế - kỹ thuật về mức hao phí cần thiết đối với lao động công nghệ, thiết bị, dụng cụ và vật liệu để hoàn thành một bước công việc hoặc toàn bộ công việc theo quy trình kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục phục vụ xây dựng dự toán và đơn giá cho hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn có sử dụng kinh phí theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Trung tâm quan trắc môi trường, trạm quan trắc môi trường ở Trung ương và địa phương.

2. Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn được chỉ định bởi cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền.

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ và quy định chữ viết tắt

1. Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.

2. Phương tiện đo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo nồng độ 01 hoặc các thông số trong môi trường không khí.

3. Kiểm định là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

4. Hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của phương tiện đo, chuẩn đo lường với giá trị đo của đại lượng cần đo.

5. Khí “không”: là khí có nồng độ nhỏ hơn giới hạn phát hiện mà phương tiện đo có thể phát hiện được.

6. Thiết bị tạo khí “không”: là thiết bị tạo ra khí “không” trong đó các thành phần khí làm ảnh hưởng đến các thành phần khí thuộc đối tượng cần đo có nồng độ dưới ngưỡng phát hiện.

7. Khí chuẩn (hỗn hợp khí chuẩn): là chất chuẩn ở thể khí được chứng nhận có các thành phần khí chuẩn ổn định với nồng độ xác định thường được nén với áp suất cao trong bình kim loại.

8. Thiết bị pha loãng khí chuẩn: là thiết bị có khả năng pha loãng khí chuẩn thành khí có nồng độ mong muốn theo nguyên lý pha khí chuẩn với khí “không”.

9. Quy định các chữ viết tắt

Chữ viết tắt

Nội dung viết tắt

BHLĐ

Bảo hộ lao động

ĐKĐB

Độ không bảo đảm đo

ĐLVN

Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam

ĐVT

Đơn vị tính

PTĐ

Phương tiện đo

KS1, KS2, KS3, KS4

Kỹ sư bậc 1, kỹ sư bậc 2, kỹ sư bậc 3, kỹ sư bậc 4

TT

Thứ tự

Điều 4. Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Định mức lao động công nghệ xây dựng theo phương pháp tổng hợp (phương pháp thống kê, kinh nghiệm và phương pháp ước lượng so sánh) và phương pháp phân tích (phương pháp phân tích tính toán và phương pháp phân tích khảo sát).

2. Định mức thiết bị, dụng cụ, vật liệu được xây dựng theo phương pháp tổng hợp (phương pháp thống kê, kinh nghiệm và phương pháp ước lượng so sánh).

3. Định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động kiểm định phương tiện đo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục được xây dựng theo quy trình quy định tại Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) tương ứng. Định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục được quy định có cùng mức tiêu hao lao động, thiết bị, dụng cụ, vật liệu như hoạt động kiểm định phương tiện đo đó.

Điều 5. Nội dung của định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm các định mức thành phần sau:

a) Định mức lao động công nghệ

Định mức lao động công nghệ (sau đây viết tắt là định mức lao động) là thời gian lao động trực tiếp cần thiết để thực hiện bước công việc hoặc toàn bộ công việc theo quy trình kiểm định, hiệu chuẩn.

Định mức lao động thể hiện các nội dung sau:

- Nội dung công việc: các thao tác cơ bản, thao tác chính thực hiện bước công việc cho quá trình kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo.

- Định biên: quy định số lượng lao động và cấp bậc kỹ thuật công việc; lao động tham gia kiểm định, hiệu chuẩn đáp ứng yêu cầu về kiểm định viên, hiệu chuẩn viên theo quy định của pháp luật.

- Định mức: quy định thời gian lao động trực tiếp thực hiện bước công việc hoặc toàn bộ công việc theo quy trình kiểm định, hiệu chuẩn. Đơn vị tính là công cá nhân hoặc công nhóm/bước công việc hoặc toàn bộ công việc theo quy trình kiểm định, hiệu chuẩn và một ngày công làm việc được tính là 8 giờ.

b) Định mức thiết bị

- Định mức thiết bị là thời gian người lao động sử dụng thiết bị, máy móc cần thiết để thực hiện một bước công việc hoặc toàn bộ công việc theo quy trình kiểm định, hiệu chuẩn. Đơn vị tính là ca/bước công việc hoặc toàn bộ công việc theo quy trình kiểm định, hiệu chuẩn.

- Thời hạn sử dụng thiết bị (thời gian tính khấu hao) là thời gian dự kiến sử dụng thiết bị vào hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn trong điều kiện bình thường, phù hợp với các thông số kinh tế - kỹ thuật của thiết bị. Đơn vị tính là năm.

- Thời hạn sử dụng thiết bị áp dụng theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định và Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước.

- Số ca máy sử dụng một năm: máy ngoại nghiệp là 250 ca, máy nội nghiệp là 500 ca.

c) Định mức dụng cụ

- Định mức sử dụng dụng cụ được tính bằng thời gian người lao động trực tiếp sử dụng dụng cụ cần thiết để thực hiện bước công việc hoặc toàn bộ công việc theo quy trình kiểm định, hiệu chuẩn. Đơn vị tính là ca/bước công việc hoặc toàn bộ công việc theo quy trình kiểm định, hiệu chuẩn.

- Mức cho các dụng cụ nhỏ, phụ được tính bằng 5% mức dụng cụ trong Bảng định mức dụng cụ.

- Thời hạn sử dụng dụng cụ là thời gian dự kiến sử dụng dụng cụ vào hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn trong điều kiện bình thường, phù hợp với các thông số kinh tế - kỹ thuật của dụng cụ, đơn vị tính thời gian là tháng.

d) Định mức vật liệu:

- Định mức sử dụng vật liệu là số lượng vật liệu cần thiết để thực hiện bước công việc (hoặc toàn bộ công việc theo quy trình) kiểm định, hiệu chuẩn.

- Mức vật liệu nhỏ và hao hụt được tính bằng 8% mức vật liệu trong Bảng định mức vật liệu.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật này không bao gồm việc vận chuyển phục vụ hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục.

Thông tư 11/2018/TT-BKHCN quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 11/2018/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/08/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 911 đến số 912
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra