BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 107TC/ĐT | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1994 |
Căn cứ điều lệ "quản lý đầu tư và xây dựng" ban hành kèm theo Nghị định số 177 CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước như sau:
1- Ngân sách Nhà nước chỉ cấp phát vốn đầu tư cho các dự án có đầy đủ thủ tục đầu tư và xây dựng theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành và đã ghi kế hoạch đầu tư XDCB được duyệt hàng năm.
2- Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước do Hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển thuộc Bộ Tài chính trực tiếp quản lý, cấp phát vốn.
3- Đối với các dự án do địa phương quản lý thì cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư là Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; Đối với các dự án do các ngành Trung ương quản lý thì cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Cơ quan cấp trên của Chủ đầu tư, chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả.
I- ĐỐI TƯỢNG CÁC DỰ ÁN ĐƯỢC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP PHÁT VỐN ĐẦU TƯ
Các dự án không có khả năng trực tiếp thu hồi vốn, bao gồm:
- Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế (giao thông, thuỷ lợi...).
- Các dự án trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
- Các trạm trại thú y, động, thực vật để nghiên cứu giống mới và cải tạo giống.
- Các dự án đầu tư xây dựng công trình văn hoá, xã hội, thể dục thể thao, phúc lợi công cộng.
- Các dự án đầu tư xây dựng công trình giáo dục đào tạo, y tế.
- Các dự án đầu tư xây dựng công trình quản lý Nhà nước, khoa học kỹ thuật.
- Dự án bảo vệ môi trường sinh thái hoặc khu vực, vùng, lãnh thổ.
- Các dự án đầu tư xây dựng công trình an ninh, quốc phòng.
- Các dự án trọng điểm của Nhà nước do Chính phủ quyết định.
II- KẾ HOẠCH CẤP PHÁT VỐN ĐẦU TƯ HÀNG NĂM
1- Nội dung kế hoạch cấp phát vốn đầu tư hàng năm:
Kế hoạch cấp phát vốn đầu tư hàng năm bao gồm các nội dung:
- Vốn cho công tác quy hoạch.
- Vốn chuẩn bị đầu tư.
- Giá trị khối lượng XDCB hoàn thành (xây lắp, thiết bị, chi phí khác) trong kế hoạch tính đến cuối năm báo cáo chưa được cấp phát vốn đầu tư.
- Giá trị khối lượng XDCB (xây lắp, thiết bị, chi phí khác) sẽ hoàn thành trong năm kế hoạch đủ điều kiện cấp phát vốn đầu tư.
2- Căn cứ lập kế hoạch cấp phát vốn đầu tư:
a) Kế hoạch hướng dẫn của UBKHNN về:
- Vốn cho công tác quy hoạch;
- Chuẩn bị thực hiện dự án.
b) Thực hiện dự án:
- Quyết định đầu tư, tổng dự toán dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Giá trị khối lượng và vốn đầu tư thực hiện luỹ kế đến hết năm báo cáo.
- Kế hoạch đầu tư được duyệt trong năm kế hoạch.
- Các hợp đồng kinh tế ký kết giữa chủ đầu tư với các tổ chức nhận thầu.
3- Trình tự lập, xét duyệt kế hoạch cấp phát vốn đầu tư hàng năm:
- Hàng năm căn cứ định hướng, mục tiêu kế hoạch; Tổng mức vốn đầu tư và danh mục công trình thuộc nhóm A đã được chính phủ phê duyệt; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các chủ đầu tư lập kế hoạch cấp phát vốn đầu tư các công trình thuộc phạm vi quản lý như nội dung nêu tại điểm 1 trên đây, để tổng hợp (theo biểu số KH1 TC/ĐT của thông tư này) gửi và bảo vệ với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Bộ Tài chính thông báo kế hoạch cấp phát vốn đầu tư cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố và hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển làm căn cứ cấp phát vốn.
III- TẠM ỨNG; CẤP PHÁT - THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ
1- Nguyên tắc tạm ứng; cấp phát - thanh toán vốn đầu tư:
1.1/ Đối với các dự án thực hiện đấu thầu, chọn thầu: Trong năm chủ đầu tư được cơ quan cấp vốn tạm ứng một phần vốn đầu tư theo quy chế đấu thầu hoặc chọn thầu do Nhà nước quy định. Số vốn này sẽ được trừ dần trong các lần cấp phát vốn vào những tháng cuối năm.
1.2/ Việc cấp phát - thanh toán vốn đầu tư của của các dự án chỉ định thầu được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo giá trị khối lượng XDCB hoàn thành hàng tháng. Giá trị khối lượng XDCB hoàn thành hàng tháng được cấp phát vốn đầu tư trong phạm vi kế hoạch năm được duyệt và đã được nghiệm thu theo chế độ quy định.
1.3/ Trong năm kết thúc dự án, chủ đầu tư chỉ được cấp phát tối đa 95% giá trị khối lượng được ghi năm kế hoạch. Số tiền còn lại 5% sẽ được cấp phát sau khi chủ đầu tư nộp báo cáo quyết toán dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1.4/ Để được nhận vốn tạm ứng hoặc cấp phát các chủ đầu tư có trách nhiệm:
- Thực hiện việc mở tài khoản (theo chế độ quy định mở tài khoản hiện hành) tại Cục (hoặc Chi cục) đầu tư phát triển nơi giao dịch.
- Trong lần nhận vốn tạm ứng hoặc cấp phát đầu tiên, chủ đầu tư gửi đến Cục (hoặc Chi cục) đầu tư phát triển trực tiếp giao dịch các tài liệu sau đây:
+ Quyết định đầu tư dự án của cấp có thẩm quyền.
+ Tổng dự toán và dự toán các hạng mục của dự án.
+ Kế hoạch cấp phát vốn đầu tư được duyệt hàng năm.
+ Các hợp đồng kinh tế chủ đầu tư đã ký với các tổ chức nhận thầu.
1.5/ Các Cục (Chi cục) đầu tư phát triển trong vòng 5 ngày làm việc (kể từ khi nhận đủ các tài liệu quy định trong thông tư này) làm thủ tục tạm ứng hoặc cấp phát vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời thanh toán cho các tổ chức nhận thầu có liên quan.
2. Tạm ứng - thanh toán vốn đầu tư:
- Đối với các công trình đấu thầu và chọn thầu thực hiện theo quy chế đấu thầu của Nhà nước.
- Đối với các dự án sử dụng tư vấn xây dựng trong nước thì chủ đầu tư được tạm ứng số vốn bằng 25% giá trị hợp đồng tư vấn trong năm kế hoạch.
- Căn cứ các quy định hiện hành, các Cục (hoặc Chi cục) đầu tư phát triển làm thủ tục tạm ứng - thanh toán vốn cho chủ đầu tư và có trách nhiệm theo dõi để trừ dần vào các lần cấp phát vốn cho giá trị khối lượng hoàn thành vào những tháng cuối năm.
3- Cấp phát - thanh toán vốn đầu tư:
3.1/ Từng lần vốn cấp phát, ngoài giấy đề nghị cấp phát, thanh toán (theo mẫu đính kèm) chủ đầu tư gửi đến Cục (hoặc Chi cục) đầu tư phát triển nơi giao dịch các tài liệu sau:
- Biên bản nghiệm thu (có xác nhận của tổ chức tư vấn hoặc kiểm toán) kèm phiếu giá: Đối với giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành hàng tháng.
- Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho và các chứng từ có liên quan: Đối với việc mua sắm hoặc sản xuất gia công máy móc, thiết bị trong nước.
- Bộ chứng từ hàng nhập khẩu: Đối với việc mua sắm máy móc, thiết bị nhập khẩu.
- Bộ chứng từ đòi tiền của các tổ chức thực hiện hợp đồng: Đối với công việc vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản, gia công máy móc, thiết bị.
- Quyết định chuẩn bị đầu tư, kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm, dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư do cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với công tác chuẩn bị đầu tư).
- Dự toán chi phí thiết kế được duyệt; biên bản giao nhận hồ sơ thiết kế (đối với công tác thiết kế).
- Dự toán chi phí lán trại được duyệt; kế hoạch tiến độ xây dựng lán trại, nhu cầu sử dụng vốn lán trại (đối với chi phí lán trại), được cấp có thẩm quyền cho phép.
- Phương án đền bù, giải phóng mặt bằng kèm theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảng kê đối tượng đền bù (đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng).
3.2/ Căn cứ vào các quy định trên đây, các Cục (hoặc Chi cục) đầu tư phát triển làm thủ tục cấp phát - thanh toán vốn cho chủ đầu tư (theo quy định tại điểm 1.5 mục 1 nói trên).
3.3/ Riêng đối với các loại máy móc, thiết bị, (không kể thiết bị thi công) vật tư nhập khẩu của các dự án thiết bị toàn bộ được đầu tư bằng nguồn vốn do Nhà nước vay nợ hoặc nhận viện trợ của nước ngoài; Trong vòng 5 ngày làm việc (kể từ khi nhận đủ tài liệu) Tổng cục Đầu tư phát triển làm thủ tục để Bộ Tài chính ghi thu ngân sách Nhà nước, đồng thời ghi chi cấp phát - thanh toán vốn cho chủ đầu tư.
1- Hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư sử dụng vốn tạm ứng, cấp phát đúng mục đích và chế độ, có hiệu quả; Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển có quyền tạm ngừng tạm ứng, cấp phát - thanh toán vốn đầu tư hoặc thu hồi vốn đã tạm ứng, cấp phát theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đầu tư phát triển khi phát hiện các chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, sai chế độ. Việc ngừng tạm ứng, cấp phát do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển.
2- Định kỳ ngày 5 hàng tháng các chủ đầu tư có khối lượng thanh toán có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện đầu tư và sử dụng vốn đầu tư của tháng trước cho Cục (hoặc chi cục) đầu tư phát triển nơi giao dịch.
Thông tư này được thực hiện 01/01/1995. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, các địa phương và đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.
Nguyễn Đoan Hùng (Đã Ký) |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
- Tên dự án:...................................
- Tổng số :...................................
Kính gửi: Cục, Chi cục đầu tư phát triển
Nội dung sử dụng vốn | Số vốn đề nghị cấp phát hoặc tạm ứng kỳ: (Này) | Đơn vị được thanh toán | Ghi chú |
Đề nghị Cục, Chi cục đầu tư phát triển..... cấp phát, tạm ứng vốn tài khoản........
Ngày..... tháng..... năm 199....
(Chủ đầu tư ký tên đóng dấu)
Duyệt cấp kỳ này: .......................
Ngày tháng năm 199....
Cán bộ Trưởng phòng cấp phát (Cục trưởng, hoặc
cấp phát (Cục, Chi cục đầu tư Chi cục trưởng ĐTPT
phát triển.... ký tên) ký tên đóng dấu)
Thông tư 107TC/ĐT năm 1994 hướng dẫn quản lý, cấp phát vốn đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 107TC/ĐT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 08/12/1994
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Đoan Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/12/1994
- Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực