Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2018

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Căn cứ Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày ngày 14 tháng 11 năm 2008 và sửa đổi, bổ sung ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán;

Căn cứ Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;

Căn cứ Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội tự nguyện;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kế toán Bảo hiểm xã hội.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính, báo cáo nghiệp vụ quỹ bảo hiểm áp dụng cho các đơn vị quy định tại Điều 2 Thông tư này để hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến hoạt động bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các hoạt động khác của cơ quan bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là hoạt động bảo hiểm xã hội).

2. Những nội dung không hướng dẫn trong Thông tư này, đơn vị thực hiện theo Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 107/2017/TT-BTC) và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư số 107/2017/TT-BTC.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho các cơ quan BHXH gồm:

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Văn phòng BHXH Việt Nam; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; các Ban quản lý dự án trực thuộc BHXH Việt Nam;

2. Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là BHXH tỉnh);

3. Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là BHXH huyện).

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy định về hệ thống chứng từ kế toán

1. Ngoài các chứng từ kế toán ban hành theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC, Thông tư này hướng dẫn bổ sung 30 chứng từ kế toán áp dụng cho các cơ quan BHXH.

2. Danh mục, biểu mẫu, giải thích nội dung và phương pháp lập 30 chứng từ kế toán bổ sung tại Khoản 1, Điều này được quy định tại Phụ lục số 01 “Hệ thống chứng từ kế toán Bảo hiểm xã hội Việt Nam” ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Quy định về hệ thống tài khoản kế toán

1. Ngoài các tài khoản (TK) kế toán ban hành theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC, Thông tư này hướng dẫn bổ sung 15 TK cấp 1 áp dụng cho các cơ quan BHXH như sau:

a) Tài khoản 135- Ứng trước cho NSNN: Tài khoản này sử dụng cho BHXH Việt Nam để phản ánh các khoản phải thu và tình hình thanh toán các khoản phải thu của BHXH Việt Nam với NSNN về các khoản kinh phí đã ứng trước để chi cho các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm từ nguồn NSNN đảm bảo, chi phí khám chữa bệnh BHYT của đối tượng quân nhân, công an nhân dân do BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân phát hành thẻ BHYT và người làm công tác cơ yếu đang công tác tại các Bộ, ngành địa phương trong trường hợp vượt quỹ khám chữa bệnh là chi phí ngoài phạm vi mức hưởng.

b) Tài khoản 139- Phải thu của các đối tượng đóng bảo hiểm: Tài khoản này phản ánh các khoản phải thu và tình hình thanh toán các khoản phải thu về các loại bảo hiểm, lãi chậm đóng các loại bảo hiểm; phải thu về số chi sai các chế độ bảo hiểm của đối tượng; phải thu bảo hiểm của đối tượng quân nhân, công an nhân dân và các khoản phải thu bảo hiểm khác.

c) Tài khoản 142- Phải thu nghiệp vụ thanh toán quỹ bảo hiểm: Tài khoản này sử dụng cho BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, BHXH huyện phản ánh quan hệ phải thu nghiệp vụ quỹ bảo hiểm giữa cơ quan BHXH cấp trên với cơ quan BHXH cấp dưới hoặc ngược lại về các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm.

d) Tài khoản 145- Phải thu hoạt động đầu tư quỹ: Tài khoản này phản ánh các khoản phải thu về hoạt động đầu tư quỹ như tiền lãi đầu tư tài chính; cổ tức, lợi nhuận được chia và các khoản phải thu khác.

đ) Tài khoản 175- Chi các loại bảo hiểm của tỉnh, huyện: Tài khoản này sử dụng cho BHXH tỉnh, BHXH huyện để phản ánh số chi các loại bảo hiểm từ quỹ bảo hiểm và NSNN đảm bảo cho các đối tượng.

e) Tài khoản 335- Tạm thu các loại bảo hiểm, lãi chậm đóng: Tài khoản này dùng cho BHXH tỉnh, BHXH huyện để phản ánh các khoản tạm thu các loại bảo hiểm, lãi chậm đóng và các khoản tạm thu khác (nếu có) phát sinh tại cơ quan BHXH.

g) Tài khoản 339- Phải trả của các quỹ bảo hiểm: Tài khoản này phản ánh các khoản phải trả giữa cơ quan BHXH tỉnh, BHXH huyện với các tổ chức, cá nhân là đối tượng có trách nhiệm đóng các loại bảo hiểm.

h) Tài khoản 342- Phải trả nghiệp vụ thanh toán quỹ bảo hiểm: Tài khoản này sử dụng cho BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, BHXH huyện phản ánh quan hệ phải trả nghiệp vụ quỹ bảo hiểm giữa cơ quan BHXH cấp trên với cơ quan BHXH cấp dưới hoặc ngược lại về các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm.

i) Tài khoản 343- Thanh toán về chi bảo hiểm với các đơn vị ngoài ngành: Tài khoản này sử dụng ở BHXH tỉnh, BHXH huyện để phản ánh các khoản thanh toán với đại diện chi trả; đơn vị sử dụng lao động; cơ sở khám chữa bệnh; cơ sở dạy nghề; trường học; cơ quan lao động và các khoản phải thanh toán khác.

k) Tài khoản 346- Kinh phí cấp cho cấp dưới: Tài khoản này chỉ mở ở các đơn vị cấp trên để theo dõi tình hình kinh phí đã cấp cho các đơn vị cấp dưới có tổ chức kế toán riêng bằng tiền hoặc hiện vật. Các đơn vị cấp dưới khi nhận được kinh phí của đơn vị cấp trên cấp xuống không phản ánh ở tài khoản này mà phản ánh vào các tài khoản liên quan theo nội dung từng khoản kinh phí đơn vị cấp trên cấp.

l) Tài khoản 375- Thu các loại bảo hiểm của tỉnh, huyện: Tài khoản này sử dụng BHXH tỉnh, BHXH huyện để phản ánh số thu các loại bảo hiểm và lãi chậm đóng các loại bảo hiểm trên địa bàn tỉnh, huyện.

m) Tài khoản 422- Quỹ dự phòng rủi ro trong hoạt động đầu tư tài chính: Tài khoản này sử dụng ở BHXH Việt Nam để phản ánh sự hình thành và tình hình sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro trong hoạt động đầu tư tài chính của BHXH.

n) Tài khoản 475- Quỹ bảo hiểm: Tài khoản này chỉ sử dụng ở BHXH Việt Nam để phản ánh sự hình thành và tình hình sử dụng các loại quỹ bảo hiểm, bao gồm: quỹ BHXH; quỹ BHYT; quỹ BHTN.

o) Tài khoản 575- Thu các loại bảo hiểm: Tài khoản này chỉ sử dụng ở cơ quan BHXH Việt Nam để phản ánh và tổng hợp số thu các loại bảo hiểm đã thực hiện trên địa bàn cả nước.

p) Tài khoản 675- Chi từ quỹ bảo hiểm: Tài khoản này sử dụng ở BHXH Việt Nam để phản ánh số thực chi lương hưu và trợ cấp BHXH cho các đối tượng do quỹ BHXH đảm bảo; chi BHYT; BHTN và chi BHXH do NSNN đảm bảo trên địa bàn cả nước.

2. Danh mục tài khoản kế toán, nguyên tắc, kết cấu nội dung, phương pháp hạch toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu của các TK bổ sung tại Khoản 1, Điều này được quy định tại Phụ lục số 02 “Hệ thống Tài khoản kế toán Bảo hiểm xã hội Việt Nam” ban hành kèm theo Thông tư này.

Hướng dẫn bổ sung một số nghiệp vụ kinh tế có liên quan được quy định lại Phụ lục số 05 “Hướng dẫn bổ sung một số nghiệp vụ kinh tế” ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Quy định về hệ thống sổ kế toán

1. Ngoài các sổ kế toán ban hành theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC, Thông tư này hướng dẫn bổ sung 16 sổ kế toán chi tiết áp dụng cho các cơ quan BHXH.

2. Danh mục, biểu mẫu 16 sổ kế toán bổ sung tại khoản 1 Điều này được quy định tại Phụ lục số 03 “Hệ thống sổ kế toán Bảo hiểm xã hội Việt Nam” ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Quy định về hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hoạt động tài chính nội ngành của hệ thống BHXH Việt Nam

Các đơn vị kế toán cơ sở thuộc hệ thống BHXH Việt Nam phải lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán cho hoạt động tài chính nội ngành của đơn vị theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC.

Đơn vị kế toán cấp trên thuộc hệ thống BHXH Việt Nam phải lập báo cáo tài chính tổng hợp theo quy định tại Thông tư số 99/2018/TT-BTC ngày 01/11/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quy định lập các báo cáo khác liên quan đến hoạt động tài chính nội ngành của đơn vị thì các đơn vị còn phải lập các báo cáo này theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 7. Quy định về hệ thống báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm và báo cáo nghiệp vụ quỹ bảo hiểm

1. Báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm

a) Đối tượng lập báo cáo

- Các đơn vị kế toán cơ sở thuộc hệ thống BHXH Việt Nam phải lập Báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm theo quy định của Thông tư này.

- Đơn vị kế toán cấp trên thuộc hệ thống BHXH Việt Nam có các đơn vị trực thuộc (BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh) phải tổng hợp báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm từ các đơn vị trực thuộc theo quy định của Thông tư này.

Để tổng hợp số liệu từ các đơn vị trực thuộc, đơn vị kế toán cấp trên phải lập Bảng tổng hợp các chỉ tiêu báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm (Mẫu B01/BTH-QBH, quy định tại phụ lục số 04) để hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm của các đơn vị kế toán cấp dưới trực tiếp thuộc phạm vi lập báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm tổng hợp, đồng thời đơn vị kế toán cấp trên phải xác định các giao dịch nội bộ thuộc hoạt động quỹ bảo hiểm để loại trừ khi tổng hợp. BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn các giao dịch nội bộ phải loại trừ khi tổng hợp báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên đối với hoạt động quỹ bảo hiểm.

Bảng tổng hợp các chỉ tiêu báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm (Mẫu B01/BTH-QBH) được lưu trữ tại đơn vị lập như đối với sổ kế toán.

b) Mục đích của báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm

Báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm của đơn vị kế toán dùng để cung cấp thông tin tài chính về hoạt động các quỹ BHXH, BHYT, BHTN (ngoài hoạt động tài chính nội ngành đã được quy định tại Điều 6 Thông tư này) mà nhà nước giao cho cơ quan BHXH quản lý nhằm cung cấp cho những người có liên quan để xem xét và đưa ra các quyết định về hoạt động của các quỹ này.

Báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm của đơn vị kế toán cơ sở còn đồng thời là thông tin cơ sở để tổng hợp báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm của đơn vị kế toán cấp trên trực tiếp.

Báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm tổng hợp do BHXH Việt Nam lập đồng thời được sử dụng để cung cấp thông tin cho KBNN lập báo cáo tài chính nhà nước theo quy định.

c) Thời hạn nộp báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm

Thời hạn nộp báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm do BHXH Việt Nam quy định để đảm bảo thời gian tổng hợp số liệu cho lập báo cáo tài chính nhà nước và báo cáo các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định.

d) Công khai báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm

Báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm được công khai theo quy định của pháp luật kế toán, pháp luật quy định về quỹ BHXH, BHYT, BHTN và các văn bản khác có liên quan.

đ) Danh mục, mẫu biểu, giải thích nội dung và phương pháp lập hệ thống báo cáo tài chính quỹ bảo hiểm quy định tại Phụ lục số 04 “Hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo nghiệp vụ quỹ bảo hiểm do hệ thống BHXH Việt Nam quản lý” ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Báo cáo nghiệp vụ về hoạt động quỹ bảo hiểm

a) Danh mục, mẫu biểu của hệ thống báo cáo nghiệp vụ về hoạt động quỹ bảo hiểm quy định tại Phụ lục số 04 “Hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo nghiệp vụ quỹ bảo hiểm do hệ thống BHXH Việt Nam quản lý” ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Giải thích nội dung, phương pháp lập và kỳ hạn lập hệ thống báo cáo nghiệp vụ về hoạt động quỹ bảo hiểm do BHXH Việt Nam hướng dẫn nhằm phù hợp với yêu cầu quản lý và báo cáo cơ quan có thẩm quyền,

c) Ngoài các báo cáo quy định tại chế độ này, các đơn vị trong hệ thống BHXH Việt Nam còn phải lập các báo cáo khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (nếu có). Các yêu cầu báo cáo số liệu khác giữa các đơn vị trong nội bộ hệ thống BHXH do BHXH Việt Nam hướng dẫn phù hợp với yêu cầu quản lý.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 178/2012/TT-BTC ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kế toán BHXH.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Cục trưởng Cục quản lý giám sát kế toán, kiểm toán; Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư này.

2. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm quy định và hướng dẫn các cơ quan BHXH cấp dưới về nội dung và phương pháp ghi chép sổ kế toán nghiệp vụ quỹ bảo hiểm; nội dung và phương pháp lập báo cáo nghiệp vụ quỹ bảo hiểm theo mẫu biểu đã được quy định tại Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBND, Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Cục QLKT (300 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn