Hệ thống pháp luật

Điều 15 Thông tư 10/2019/TT-BKHCN quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Điều 15. Nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự và nội dung làm việc của Hội đồng tuyển chọn

1. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng:

a) Hội đồng chỉ họp khi có mặt ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch được ủy quyền và 02 ủy viên phản biện đối với mỗi nhiệm vụ;

b) Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp Hội đồng. Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt, Chủ tịch Hội đồng có thể ủy quyền bằng văn bản cho Phó chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.

2. Trách nhiệm của các thành viên Hội đồng:

a) Đánh giá trung thực, khách quan và công bằng: chịu trách nhiệm cá nhân và kết quả đánh giá của mình và trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Hội đồng. Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan đến quá trình đánh giá hồ sơ tuyển chọn;

b) Nghiên cứu, phân tích từng nội dung và thông tin trong hồ sơ, nhận xét, đánh giá từng hồ sơ theo yêu cầu; nhận xét, đánh giá và luận giải cho việc đánh giá.

3. Trong trường hợp cần thiết. Hội đồng có thể kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập tổ kiểm tra thực tế cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực và năng lực tài chính của tổ chức đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư.

4. Trình tự và nội dung làm việc của Hội đồng tuyển chọn:

a) Thư ký hành chính đọc quyết định thành lập Hội đồng, Biên bản mở hồ sơ, giới thiệu thành phần Hội đồng và các đại biểu tham dự;

b) Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nêu yêu cầu và nội dung chủ yếu về việc tuyển chọn nhiệm vụ Nghị định thư;

c) Hội đồng trao đổi thống nhất quy trình làm việc và bầu thư ký khoa học của Hội đồng;

d) Hội đồng tiến hành đánh giá các hồ sơ tham gia tuyển chọn:

- Các ủy viên phản biện, ủy viên của Hội đồng trình bày nhận xét đánh giá từng hồ sơ;

- Thư ký khoa học đọc ý kiến nhận xét bằng văn bản của thành viên vắng mặt (nếu có) để Hội đồng tham khảo;

đ) Đối với những hồ sơ đáp ứng yêu cầu của Thông báo tuyển chọn, Hội đồng đánh giá và chấm điểm cho từng hồ sơ theo Mẫu số 8 của Phụ lục ban hành kèm Thông tư này. Phiếu đánh giá hợp lệ là phiếu được thực hiện theo đúng quy định. Hội đồng chấm tối đa 100 điểm theo các tiêu chí đánh giá và thang điểm như sau:

- Giá trị khoa học, tối đa 35 điểm;

- Giá trị hợp tác quốc tế, tối đa 30 điểm;

- Giá trị kết quả, tính khả thi và tính ứng dụng, tối đa 35 điểm;

e) Hội đồng bầu Ban kiểm phiếu gồm 03 người là ủy viên của Hội đồng, trong đó có Trưởng ban và 02 thành viên. Thư ký hành chính giúp Ban kiểm phiếu tổng hợp kết quả bỏ phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng theo Mẫu số 9 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; tổng hợp kết quả đánh giá các hồ sơ theo tổng số điểm trung bình từ cao xuống thấp theo Mẫu số 10 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và các điều kiện sau đây:

- Hồ sơ đạt yêu cầu về chuyên môn có tổng số điểm trung bình của các tiêu chí phải đạt tối thiểu 70/100 điểm: trong đó không có tiêu chí nào 1/3 số thành viên Hội đồng có mặt đánh giá không điểm (0 điểm); điểm giá trị hợp tác quốc tế phải đạt tối thiểu 20/30 điểm; điểm giá trị khoa học phải đạt tối thiểu 25/35 điểm;

- Đối với các hồ sơ có tổng số điểm trung bình bằng nhau, hồ sơ có điểm giá trị hợp tác quốc tế cao hơn sẽ được xếp hạng ưu tiên hơn. Trong trường hợp các hồ sơ có tổng số điểm trung bình bằng nhau, điểm giá trị hợp tác quốc tế bằng nhau thì hồ sơ được Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó chủ tịch được ủy quyền) cho điểm cao hơn sẽ được xếp hạng ưu tiên hơn:

g) Hội đồng thông qua Biên bản phiên họp, danh sách các hồ sơ không đủ điều kiện, danh sách xếp hạng theo thứ tự ưu tiên các hồ sơ đủ điều kiện. Đối với các hồ sơ đủ điều kiện đưa ra thực hiện, Hội đồng kiến nghị những nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa (nếu có).

5. Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng, xem xét các ý kiến tư vấn của Hội đồng.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Khoa học và Công nghệ có thể lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trong nước, nước ngoài hoặc thành lập Hội đồng tuyển chọn khác. Việc lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập thực hiện theo quy định tại các Điều 18, 19 và Điều 20 Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN.

6. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng tuyển chọn hoặc ý kiến của các chuyên gia tư vấn độc lập. Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát và đàm phán với đối tác nước ngoài để thống nhất danh sách các nhiệm vụ cùng thực hiện. Trong thời hạn tối đa 07 ngày kể từ khi có kết quả đàm phán với đối tác nước ngoài, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo bằng văn bản cho các tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ Nghị định thư được tuyển chọn và các nhiệm vụ không được tuyển chọn.

Thông tư 10/2019/TT-BKHCN quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 10/2019/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/10/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Thế Duy
  • Ngày công báo: 15/01/2020
  • Số công báo: Từ số 37 đến số 38
  • Ngày hiệu lực: 13/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH