Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 10/2012/TT-NHNN quy định xử lý sau thanh tra, giám sát đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương 2.

XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI PHẠM CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI SAU THANH TRA, GIẢM SÁT

MỤC 1. XỬ LÝ VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 7. Kết luận thanh tra

Các nội dung kiến nghị được nêu tại kết luận thanh tra mà đối tượng thanh tra phải thực hiện, bao gồm:

1. Nội dung phải thực hiện trong thời hạn cụ thể.

2. Nội dung không phải thực hiện trong thời hạn cụ thể là các khuyến nghị về cơ chế, chính sách, tổ chức, hoạt động và quản trị rủi ro mà đối tượng thanh tra phải nghiên cứu xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

Điều 8. Thực hiện kết luận thanh tra

1. Đối với Cơ quan thanh tra, giám sát

a) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra, các đơn vị thuộc Cơ quan thanh tra, giám sát căn cứ vào tính chất, mức độ các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra (nếu có) để đề nghị Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

(i) Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này;

(ii) Quyết định thu hồi hoặc nộp ngân sách số tiền, tài sản mà đối tượng thanh tra vi phạm được phát hiện qua thanh tra;

(ii) Yêu cầu hoặc kiến nghị Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật.

b) Theo dõi, đôn đốc đối tượng thanh tra thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra theo đúng thời hạn quy định tại Điều 7 và tiết (i), tiết (ii) điểm a khoản 1 Điều này (nếu có);

e) Căn cứ vào báo cáo của đối tượng thanh tra về giải pháp, thời hạn trong kế hoạch thực hiện các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này, Cơ quan thanh tra, giám sát sẽ giám sát, kiểm tra việc thực hiện của đối tượng thanh tra.

2. Đối tượng thanh tra có trách nhiệm:

a) Thi hành đầy đủ, kịp thời và đúng thời hạn các nội dung bắt buộc phải thực hiện trong thời hạn cụ thể nêu trong kết luận thanh tra và quyết định xử lý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quyết định xử lý của Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau kết luận thanh tra nêu tại tiết (i), tiết (ii) điểm a khoản 1 Điều này (nếu có);

b) Gửi Cơ quan thanh tra, giám sát báo cáo về giải pháp, thời hạn và kế hoạch thực hiện các nội dung không bắt buộc phải thực hiện trong thời hạn cụ thể nêu trong kết luận thanh tra được quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này.

3. Trong thời gian chưa thực hiện xong các yêu cầu nêu tại điểm a khoản 2 Điều này, đối tượng thanh tra bị áp dụng các biện pháp nêu tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

4. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các yêu cầu nêu tại khoản 2 Điều này, đối tượng thanh tra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Nếu đối tượng thanh tra không bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật thì bị áp dụng các biện pháp nêu tại điểm c, điểm k khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

MỤC 2. XỬ LÝ SAU KHI TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI BỊ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 9. Xử phạt vi phạm hành chính

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

Điều 10. Xử lý sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Cơ quan thanh tra, giám sát có trách nhiệm theo dõi việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn và đúng quy định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cơ quan thanh tra, giám sát.

3. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị áp dụng biện pháp nêu tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

4. Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bị xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị áp dụng biện pháp nêu tại điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

5. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Cơ quan thanh tra, giám sát căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện biện pháp nêu tại điểm c khoản 2 Điều 6 Thông tư này hoặc miễn nhiệm, không bổ nhiệm lại, không bổ nhiệm vào cấp lãnh đạo tương đương hoặc cao hơn đối với cá nhân vi phạm.

MỤC 3. XỬ LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Điều 11. Nội dung xử lý trong hoạt động giám sát

1. Trong quá trình hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật sau:

a) Về tổ chức, quản trị và điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Về dự trữ bắt buộc, báo cáo thống kê, các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

c) Về huy động vốn, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản;

d) Việc thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng được quy định trong giấy pháp thành lập và hoạt động hoặc trong văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;

đ) Về phòng, chống rửa tiền;

e) Về quản lý ngoại hối và các sản phẩm phái sinh;

g) Về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu và việc góp vốn, mua cổ phần;

h) Các hoạt động kinh doanh khác;

k) Việc thực hiện các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không tuân thủ các quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa đến mức xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ không tuân thủ, Cơ quan thanh tra, giám sát sẽ áp dụng các biện pháp xử lý sau:

a) Thông báo vi phạm;

b) Cảnh báo vi phạm.

Điều 12. Xử lý trong hoạt động giám sát

1. Cơ quan thanh tra, giám sát có trách nhiệm theo dõi việc chấp hành các nội dung vi phạm đã được nêu trong thông báo vi phạm, cảnh báo vi phạm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này có trách nhiệm thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với nội dung yêu cầu đã được nêu trong thông báo vi phạm hoặc cảnh báo vi phạm của Cơ quan thanh tra, giám sát.

3. Trong năm tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị cảnh báo vi phạm từ 3 lần trở lên phải thực hiện biện pháp nêu tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư này trong thời hạn 6 tháng của năm tài chính tiếp theo.

4. Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện hoặc tiếp tục vi phạm nội dung đã được nêu trong cảnh báo vi phạm, Cơ quan thanh tra, giám sát sẽ áp dụng một hoặc một số các biện pháp sau:

a) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật;

b) Tổ chức kiểm tra hoặc thanh tra đột xuất nội dung vi phạm để đưa ra kiến nghị xử lý kỷ luật, hoặc đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hạn chế, đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ việc thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến hành vi vi phạm;

c) Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này.

Thông tư 10/2012/TT-NHNN quy định xử lý sau thanh tra, giám sát đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 10/2012/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/04/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đặng Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 355 đến số 356
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH