BỘ NỘI VỤ | VIỆT |
Số: 09-NV | Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 1974 |
Ngày 04 tháng 07 năm 1974, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163-CP sửa đổi, bổ sung một số điểm về chế độ thôi việc vì mất sức lao động trong Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước và sửa đổi điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí quy định tại Thông tư số 84-TTg ngày 20-08-1963 của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ vào điều 5 của Nghị định, sau khi đã bàn bạc với Bộ Lao động, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Ban tổ chức của Chính phủ, Bộ Nội vụ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định trên như sau.
MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHÍNH SÁCH
Chế độ thôi việc vì mất sức lao động và chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức Nhà nước được ban hành từ đầu năm 1962 là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế và xã hội của nước ta. Qua chính sách, mọi người thấy được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với người lao động, thấy rõ tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; do đó mà nâng cao thêm lòng tin tưởng, phấn khởi, hăng hái sản xuất, công tác. Tuy nhiên vì chế độ đựơc xây dựng và ban hành sau ngày hòa bình mới được thành lập lại và có tính chất tạm thời, nên đến nay có nhiều điểm không còn phù hợp nữa.
Trong khi chờ cải tiến toàn bộ chính sách tiền lương và chế độ bảo hiểm xã hội, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, Hội đồng Chính phủ đã quyết định sửa đổi, bổ sung kịp thời một số điểm không còn thích hợp trong chế độ thôi việc vì mất sức lao động quy định tại Điều lệ bảo hiểm xã hội và sửa đổi điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí quy định tại Thông tư số 84-TTg ngày 20-08-1963 của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung chính sách lần này, chủ yếu chỉ mới giải quyết mặt không hợp lý về điều kiện và thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động đối với công nhân, viên chức nói chung, và điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí đối với cán bộ đã hoạt động trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và công nhân, viên chức kháng chiến nhằm:
1. Củng cố thêm một bước nguyên tắc phân phối theo lao động, chiếu cố thích đáng đến những người có cống hiến khác nhau, những người phục vụ trong các nghề nặng nhọc, độc hại, những người công tác ở vùng khí hậu xấu, bảo đảm mối tương quan với các chính sách khác của Đảng và Nhà nước và mối quan hệ tốt giữa các đối tượng được ưu đãi trong nhân dân, góp phần động viên hơn nữa phong trào lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
2. Nâng cao thêm trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc tuyển dụng, bồi dưỡng sức khỏe của cán bộ, công nhân, viên chức; bảo đảm quản lý và sử dụng tốt sức lao động, nhất là đối với lực lượng lao động có kỹ thuật, có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời bảo đảm quyền nghỉ ngơi chính đáng của người lao động.
3. Động viên công nhân, viên chức đề cao kỷ luật lao động, ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện tiêu cực xin về nghỉ mất sức, về hưu sớm của một số người và làm cho họ thấy rõ trách nhiệm về nghĩa vụ lao động, ra sức cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trong khi thi hành nghị đinh, ngoài mặt thuận lợi nêu trên là chủ yếu, cũng cần thấy hết để giải thích, những khó khăn do chính sách được sửa đổi, bổ sung có liên quan ngay đến một số người đã hết thời hạn được hưởng trợ cấp và do điều kiện chung hiện nay chưa cho phép sửa đổi chế độ một cách toàn diện nên vẫn còn những điểm không hợp lý khác chưa đựơc giải quyết.
NỘI DUNG NHỮNG ĐIỂM ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
I. VỀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG
1. Kể từ ngày ban hành Nghị định số 163-CP ngày 04-07-1974, công nhân, viên chức Nhà nước đã được chính thức tuyển dụng, nếu vì ốm đau (không phải là do bệnh nghề nghiệp), vì tai nạn (không thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp về tai nạn lao động) được Hội đồng giám định y khoa kết luận là mất sức lao động, hoặc vì già yếu phải nghỉ việc, theo Nghị định đều phải có đủ điều kiện dưới đây mới được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng:
a) Những người mất từ 70% sức lao động trở lên và đã công tác liên tục từ 10 năm trở lên.
b) Những người mất từ 60% sức lao động trở lên và đã công tác liên tục từ 8 năm trở lên trong nghề được coi là nặng nhọc, có hại sức khỏe hoặc làm việc ở vùng khí hậu xấu; hay đã công tác liên tục từ 6 năm trở lên trong những ngành nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe.
c) Những người già yếu hết tuổi lao động (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) và những quân nhân chuyển ngành đã có thời gian phục vụ trong Quân đội đủ 5 năm, nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi mà không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí, nhưng đã có đủ thời gian công tác liên tục (10 năm, 8 năm, 6 năm) theo quy định cho từng loại lao động.
Trong khi chờ nghiên cứu ban hành văn bản bổ sung danh sách những nghề được coi là nặng nhọc, có hại sức khỏe và danh sách những vùng khí hậu xấu được ưu đãi trong các chế độ bảo hiểm xã hội thì những nghề đã quy định trong Thông tư liên Bộ Lao động - Nội vụ - Y tế số 8-LB ngày 24-03-1962 ở điểm B mục II được coi là nghề đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe. Ở điểm A mục II được coi là nghề đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe.
Còn những vùng khí hậu xấu nói ở điểm b là những địa phương đã được quy định tại thông liên Bộ Lao động - Nội vụ - Y tế số 7-TT/LB ngày 24-03-1962; những người làm việc ở vùng khí hậu xấu là kể cả người ở tại địa phương và người nơi khác đến.
Những công nhân, viên chức là thương binh (hay có trợ cấp thương tật như thương binh) đã có đủ 6 năm công tác liên tục ở các chiến trường xa, mà mất từ 60% sức lao động trở lên, cũng được coi như công nhân, viên chức làm nghề đặc biệt nặng nhọc.
2. Điều kiện thời gian công tác liên tục được quy định là 10 năm, 8 năm, 6 năm cho mỗi loại lao động để được hưởng chế độ trợ cấp mất sức hàng thàng nói ở các điểm trên phải là thời gian thực sự làm việc ; nếu chưa đủ điều kiện thời gian công tác đó mà người công nhân viên chức đó bệnh kinh niên, mãn tính, ốm đau phải nghỉ việc từ một tháng trở lên thì những thời gian nghỉ ốm đó không được tính là thời gian công tác.
1. Nghị định số 163-CP ngày 04-07-1974 của Hội đồng Chính phủ chưa sửa đổi tỷ lệ trợ cấp mất sức lao động; do đó, cách tính tỷ lệ trợ cấp và mức trợ cấp của công nhân, viên chức (kể chung cho cả 3 loại lao động) có đủ điều kiện hưởng trợ cấp mất sức hàng tháng nói ở mục A trên đây vẫn áp dụng theo quy định tại điều 35 của Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội, cụ thể là:
- Thời gian công tác liên lục đủ 6 năm được trợ cấp hàng tháng bằng 36%; đủ 8 năm được trợ cấp hàng tháng bằng 38%; đủ 10 năm được trợ cấp hàng tháng bằng 40% lương chính.
- Thời gian công tác liên tục trên 10 năm thì từ năm thứ 11 trở đi, mỗi năm thêm 2% lương chính, nhưng nhiều nhất, trợ cấp hàng tháng không quá 65% lương chính.
2. Công nhân, viên chức mất sức lao động phải nghỉ việc, nếu không đủ điều kiện thời gian công tác đã quy định cho mỗi loại để hưởng trợ cấp hàng tháng thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần. Khoản trợ cấp này được tính theo số năm làm việc, cứ mỗi năm thực sự làm việc được trợ cấp bằng một tháng lương nhưng thấp nhất cũng bằng 2 tháng lương, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có) và do quỹ hưu trí đài thọ.
Nghị định của Hội đồng Chính phủ đã quy định việc khám lại sức khỏe cho công nhân, viên chức sau khi nghỉ việc vì mất sức lao động và chế độ đối với những người sức khỏe đã hồi phục; dưới đây nói rõ thêm:
1. Tính từ ngày về nghỉ mất sức lao động, cứ mỗi năm một lần, những công nhân, viên chức còn trong độ tuổi lao động sẽ được Hội đồng giám định y khoa nơi cư trú khám lại sức khỏe để tuyển làm việc.
2. Những người xác định là sức khỏe đã hồi phục thì được xét tuyển lại làm việc trong cơ quan, xí nghiệp Nhà nước như đã quy định tại Thông tư số 15-CP ngày 24-01-1969 của Hội đồng Chính phủ đã hướng dẫn tại điểm 3 Thông tư Liên Bộ Nội vụ - Lao động số 20-TT/LB ngày 04-08-1969, cụ thể là:
- Công nhân, viên chức mất sức lao động nay sức khỏe đã hồi phục, trước công tác ở cơ quan, xí nghiệp nào thì cơ quan, xí nghiệp đó có trách nhiệm thu nhận lại trước khi tiếp nhận người ở nơi khác điều động đến, hoặc trước khi tuyển dụng người mới theo quy định của Nhà nước.
Nếu cơ quan, xí nghiệp cũ đã giải thể hoặc đã đủ lao động không thể nhận thêm người thì do Bộ, ngành, chủ quản điều chỉnh sang cơ quan, xí nghiệp khác trong ngành (nếu là cơ quan, xí nghiệp của trung ương); hoặc do Sở Ty lao động và Ban tổ chức của Ủy ban hành chính điều chỉnh sang cơ quan, xí nghiệp khác thuộc địa phương (nếu là cơ quan, xí nghiệp của địa phương). Chỉ khi nào không thể điều chỉnh trong ngành được thì Bộ, ngành chủ quản mới bàn bạc với Bộ Lao động (nếu là công nhân sản xuất) hoặc với Ban tổ chức của Chính phủ (nếu là cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp) để nghiên cứu điều chỉnh sang những ngành khác còn thiếu lao động.
Những người sau khi nghỉ việc đã về quê quán, nếu sức khỏe hồi phục, mà không có điều kiện trở lại cơ quan, xí nghiệp cũ (vì ở xa quá) thì cũng có thể đề nghị ngành chủ quản điều chỉnh sang một cơ quan, xí nghiệp khác cùng ngành ở địa phương (nếu có), hoặc đề nghị Sở, Ty lao động hay Ban tổ chức của Ủy ban hành chính địa phương nơi cư trú giải quyết. Những người không muốn trở lại cơ quan, xí nghiệp cũ thì có thể tự đi liên hệ để xin tuyển vào cơ quan, xí nghiệp khác đang cần lao động; trường hợp này, nếu họ yêu cầu cơ quan, xí nghiệp cũ giúp đỡ bằng cách cung cấp các hồ sơ, giấy tờ cần thiết và chứng nhận quá trình công tác…để người công nhân, viên chức có thuận lợi xin được việc làm ở cơ quan, xí nghiệp mới và để nơi muốn tuyển người có cơ sở xem xét.
3. Để cơ quan, xí nghiệp hay ngành chủ quản có đủ thời gian sắp xếp việc làm cho công nhân, viên chức cũ của mình, cơ quan thương binh và xã hội địa phương sẽ tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà cho anh chị em được tiếp tục hưởng thêm từ 1 đến 3 tháng tiền trợ cấp mất sức (kể từ ngày thông báo cho cơ quan, xí nghiệp) và thu hồi sổ trợ cấp mất sức. Trong khoảng thời gian này, kể từ ngày đã được sắp xếp làm việc thì công nhân, viên chức không được hưởng trợ cấp nữa.
Ngoài ra, nếu ở xa cơ quan, xí nghiệp cũ thì công nhân, viên chức còn được cấp tiền đi đường (cả đi và về) theo chế độ đi công tác, nhưng nhiều nhất không quá 2 lần, để liên hệ với cơ quan, xí nghiệp của mình giải quyết việc làm. Khoản tiền này do cơ quan thương binh và xã hội thanh toán vào quỹ hưu trí.
4. Trường hợp đặc biệt, cơ quan, xí nghiệp cũ và ngành chủ quản đã tìm hết cách rồi mà vẫn không thể bố trí được việc làm và cũng không thể chuyển sang ngành khác hoặc điều đi địa phương khác được thì cơ quan, xí nghiệp cũ hay ngành chủ quản ra quyết định cho họ được hưởng trợ cấp thôi việc theo Thông tư số 88-TTg ngày 01-10-1964 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, những người này về cư trú ở địa phương nào thì Ủy ban hành chính địa phương nơi đó có trách nhiệm giúp đỡ họ có công việc làm (ở hợp tác xã thủ công nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp…) để ổn định đời sống.
5. Những người sức khỏe đã hồi phục, có quyết định tuyển lại mà không đi nhận việc, và những người có việc làm khác, không muốn được tuyển lại thì không được hưởng trợ cấp thôi việc; trường hợp có lý do chính đáng như gia đình thực sự có khó khăn không thể đi nhận việc ở xa được thì có thể được cơ quan, xí nghiệp cũ hoặc ngành chủ quản cho hưởng trợ cấp thôi việc theo Thông tư số 88-TTg như đã nói ở điểm 4 trên đây.
6. Những người được gọi đi khám lại sức khỏe theo kỳ hạn mà không đến (trừ trường hợp đang ốm phải điều trị hoặc gia đình gặp việc bất trắc) thì cơ quan thương binh và xã hội tạm hoãn việc trợ cấp mất sức cho đến khi đi khám.
Những người đã được gọi đến 3 lần mà không chịu đi khám thì không cho hưởng trợ cấp nữa.
D. THỜI HẠN HƯỞNG TRỢ CẤP VÀ QUYỀN LỢI CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC SỨC KHỎE CHƯA HỒI PHỤC
Nghị định số 163-CP của Hội đồng Chính phủ đã quy định thời hạn được hưởng trợ cấp của công nhân, viên chức sức khỏe chưa hồi phục dựa trên sự cống hiến của từng người, cụ thể là:
1. Đối với những người được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng từ sau khi có Nghị định số 163-CP ngày 07-04-1974 của Hội dồng Chính phủ:
a) Công nhân, viên chức nghỉ mất sức sau 3 lần khám lại (sau 3 năm nghỉ việc rồi) mà sức khỏe vẫn chưa hồi phục thì thôi không phải khám lại nữa và được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức, nhưng thời hạn được hưởng trợ cấp nhiều nhất không quá một nửa (1/2) thời gian công tác liên tục của mỗi người, tính từ ngày về nghỉ mất sức. Riêng những người làm nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe, khi về nghỉ mất sức lao động, thời gian công tác liên tục chỉ mới đủ 6 năm hoặc chưa đủ 8 năm, thì được hưởng trợ cấp mất sức hàng tháng trong thời hạn 4 năm.
Còn những người đã hết tuổi lao động thì thời hạn được hưởng trợ cấp mất sức cũng chỉ bằng một nửa (1/2) thời gian công tác liên tục của mỗi người.
b) Riêng những người nghỉ việc vì mất sức lao động đã có thời gian công tác liên tục từ 25 năm trở lên, những người là thương binh được cấp sổ trợ cấp thương binh (hay có trợ cấp thương tật như thương binh), những người đã được xếp hạng thương tật vì tai nạn lao động mà có sổ trợ cấp thương tật hàng tháng, nếu sau 3 lần khám lại mà sức khỏe chưa hồi phục thì vẫn được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức. Khi xét thấy sức khỏe có khả năng hồi phục thì có thể xin được khám lại để trở lại làm việc và thôi không hưởng trợ cấp nữa.
2. Đối với những người đã hưởng trợ cấp mất sức lao động từ trước khi có Nghị định số 163-CP ngày 04-07-1974 của Hội đồng Chính phủ:
a) Những công nhân, viên chức đã nghỉ việc vì mất sức lao động từ trước ngày 04-07-1974 và hiện nay đang còn hưởng trợ cấp mất sức cũng được khám lại sức khỏe (nếu còn trong độ tuổi lao động). Nếu sức khỏe đã hồi phục thì cũng được giải quyết như đã quy định ở điều 2 trong Nghị định của Hội đồng Chính phủ và đã được hướng dẫn ở mục C của Thông tư này.
Còn đối với những người đã được xác định là sức khỏe không có khả năng hồi phục thì thời hạn được hưởng trợ cấp cụ thể như sau:
- Những người chưa hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức sẽ được tiếp tục hưởng trợ cấp đến hết thời hạn quy định là nhiều nhất không quá một nửa thời gian công tác liên tục của mỗi người (kể từ ngày được nghỉ việc). Khi cấp phát trợ cấp lần cuối cùng, cơ quan thương binh và xã hội sẽ thu hồi sổ trợ cấp.
- Những người đã trợ cấp hết thời hạn quy định trên thì thôi không hưởng trợ cấp nữa. Riêng những người tính đến năm 1974 đã hết thời hạn hưởng trợ cấp thì được trợ cấp cho đến hết quý I năm 1975 để giảm bớt khó khăn lúc đầu.
- Những người đã có từ 25 năm công tác trở lên, những người là thương binh (được cấp sổ trợ cấp thương binh) hay có trợ cấp thương tật như thương binh, những người đã được xếp hạng thương tật vì tai nạn lao động mà có sổ trợ cấp thương tật hàng tháng thì vẫn được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức.
Ngoài ra, những người đã nghỉ mất sức trước đây, nếu lại được xác định là mất sức do bệnh nghề nghiệp thì sẽ được chuyển sang hưởng chế độ đãi ngộ về bệnh nghề nghiệp.
b) Riêng những người khi nghỉ việc đã già yếu và tính đến ngày ban hành Nghị định, đã hết tuổi lao động (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi), những quân nhân chuyển ngành đã có thời gian phục vụ trong Quân đội đủ 5 năm, tính đến ngày ban hành Nghị định, nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi và những người đã được xác định là tàn phế thì không phải khám lại sức khỏe và được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức.
Những người được xác định là tàn phế trên đây phải là những người khi nghỉ việc vì mất sức lao động, đã được Hội đồng giám định y khoa kết luận là tàn phế, cần phải có người phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày và đã được trợ cấp thêm 10% lương chính (kể cả những người sau khi đã nghỉ việc vì mất sức lao động, do bệnh cũ phát triển nặng thêm đã được Hội đồng giám định y khoa kết luận là tàn phế).
3. Việc giải quyết đời sống cho những người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động:
Đối với những người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức, nếu đời sống thực sự có khó khăn thì Ủy ban hành chính địa phương tìm cách giúp đỡ cho gia đình họ có việc làm thêm để tăng thu nhập, hoặc xét cứu tế đột xuất hay thường xuyên. Khi xét cứu tế, cần có sự phân biệt và chiếu cố thích đáng đến những người này.
Nghị định số 163-CP ngày 04-07-1974 của Hội đồng Chính phủ đã sửa đổi điểm I của Thông tư số 84-TTg ngày 20-08-1963 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho cán bộ hoạt động trước Cách mạng tháng tám năm 1945 và công nhân, viên chức kháng chiến chống Pháp có đủ 25 năm công tác liên tục, ốm đau già yếu mà mất sức lao động được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí dù chưa có điều kiện về tuổi đời.
Như vậy, trong khi chờ sửa đổi toàn bộ chế độ bảo hiểm xã hội thì điều kiện về tuổi đời cũng như về thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước về hưu nói chung, vẫn áp dụng theo quy định ở các điều 42, 43, 44 và 45 của Điều lệ bảo hiểm xã hội.
Riêng những công nhân, viên chức đã hoạt động trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 hoặc đã công tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và được tặng thưởng huân chương hay huy chương thì nam 52 tuổi, nữ 47 tuổi, có đủ 25 năm công tác liên tục, mà ốm đau, không còn khả năng lao động cũng được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.
Những người này chỉ cần mất 60% sức lao động cũng được về nghỉ (được coi như làm nghề nặng nhọc, có hại sức khởe).
2. Những người được xác định là mất sức lao động nhưng chưa có đủ điều kiện (về tuổi đời, về thời gian công tác liên tục, về khen thưởng huân chương, huy chương) nói trong điều 4 của Nghị định và đã được giải thích ở điểm 1 trên đây thì được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động như đã hướng dẫn trong mục I của Thông tư này.
Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đã quy định là công nhân, viên chức đang bị án phạt giam không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội; nay theo Nghị định số 163-CP thì công nhân, viên chức hưởng trợ cấp mất sức hoặc trợ cấp hưu trí mà vi phạm pháp luật đang bị án phạt giam, không được hưởng trợ cấp mất sức hay trợ cấp hưu trí. Sau khi hết hạn phạt giam sẽ tùy theo từng trường hợp mà xét cho hoặc không cho tiếp tục hưởng trợ cấp; dưới đây nói rõ thêm:
1. Những người đang hưởng trợ cấp mất sức hoặc trợ cấp hưu trí mà vi phạm pháp luật, bị kết án phạt giam thì trong thời gian đang bị phạt giam không được hưởng trợ cấp hàng tháng; còn thời gian bị tạm giam thì được hưởng một nửa (1/2) số tiền trợ cấp hàng tháng.
Những người bị tạm giam, sau khi xét ra là vô can thì sẽ được hưởng lại trợ cấp và được truy lĩnh đủ tiền trợ cấp trong cả thời gian bị tạm giam.
2. Đối với những người đã hết hạn phạt giam việc xét cho hưởng lại trợ cấp sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ tội lỗi, trường hợp phạm pháp và sự cống hiến cho xã hội trong quá trình hoạt động của từng người. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần trao đổi với Bộ Nội vụ từng trường hợp cụ thể trước khi quyết định.
Trên đây, Bộ Nội vụ quy định chi tiết và hướng dẫn thêm một số điểm cần thiết, đề nghị các Bộ, các ngành ở trung ương và Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh cho phổ biến và giải thích thật kỹ ý nghĩa, mục đích, nội dung của Nghị định số 163-CP trong toàn thể công nhân, viên chức tại chức và những công nhân, viên chức đã về nghỉ mất sức; đôn đốc các cơ quan, xí nghiệp thi hành tích cực, nghiêm chỉnh, chu đáo và phải rất coi trọng công tác tư tưởng, chính trị.
Trong khi thực hiện, nếu có trường hợp vướng mắc, đề nghị cho Bộ Nội vụ biết cụ thể để góp ý kiến giải quyết.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
- 1Thông tư 84-TTg năm 1963 áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 163-CP năm 1974 sửa đổi chế độ thôi việc vì mất sức lao động và chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Công văn về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước
- 4Thông tư 15/2008/TT-BCA hướng dẫn chế độ hưu trí của công an nhân dân do Bộ Công an ban hành
Thông tư 09-NV-1974 hướng dẫn thi hành Nghị định 163-CP-1974 sửa đổi chế độ thôi việc vì mất sức lao động và chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 09-NV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 18/10/1974
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Lê Tất Đắc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 18
- Ngày hiệu lực: 02/11/1974
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định