Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1908/HT
V/v tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 1973

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 1908/HT NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 1973 VỀ VIỆC TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

Kính gửi:

- Các bộ, các cơ quan Trung ương
- Các Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh

 

Ngày 4-9-1972, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 13-NV tổng hợp lại những quy định hiện hành về cách tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Qua phản ánh của một số cơ quan, xí nghiệp về các trường hợp khi giải quyết còn vướng mắc, Bộ Nội vụ có ý kiến chung như sau:

1. Đối với cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm và công nhân, viên chức kháng chiến chống Pháp có thời gian bị gián đoạn:

a. Nếu quá trình hoạt động từ trước ngày 19-8-1945 hoặc trong thời gian kháng chiến chống Pháp, cán bộ, công nhân, viên chức thuộc đối tượng thi hành của Thông tư số 84/TTg ngày 20-6-1963 của Hội đồng Chính phủ có những quãng thời gian bị gián đoạn công tác, hoặc gián đoạn đến sau ngày hoà bình lập lại (7-1954) mới trở lại công tác (vì các lý do đã nói ở đoạn a, điểm 2, phần II Thông tư số 13-NV ngày 4-9-1972) thì tất cả những thời gian đã thực sự công tác đều được cộng lại để tính là thời gian công tác liên tục.

Những công nhân, viên chức đã công tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tuy không thuộc đối tượng thi hành của Thông tư số 84-TTg vì không đủ thời gian tối thiểu để được xét khen thưởng trong dịp tổng kết thành tích kháng chiến, nhưng nếu trong thời kỳ đó, do giảm nhẹ biên chế cơ quan, xí nghiệp giải thể (hoặc quân nhân được xuất ngũ do yêu cầu của quân đội) mà bị gián đoạn công tác, thì thời gian đã công tác trước đấy cũng được cộng lại để tính là thời gian công tác liên tục.

b. Còn từ sau ngày hoà bình lập lại (7-1954), nếu cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm và công nhân, viên chức kháng chiến (thuộc đối tượng thi hành của Thông tư số 84-TTg) lại có thời gian bị gián đoạn có lý do chính đáng như: hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, bản thân ốm đau, v.v... phải nghỉ việc và đã được tổ chức đồng ý, thì cần được xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết cho tính thời gian đã công tác trước khi nghỉ việc là thời gian công tác liên tục.

c. Những cán bộ đã tham gia hoạt động cách mạng ở ngoài nước (hoạt động bí mật) nay cũng được xét giải quyết như trên.

2. Đối với công nhân, viên chức có thời gian bị gián đoạn vì tự ý bỏ việc:

Để tăng cường kỷ luật lao động trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, nói chung công nhân, viên chức Nhà nước (kể cả cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm và công nhân, viên chức kháng chiến) đã tự ý bỏ việc thì thời gian công tác liên tục chỉ được tính kể từ ngày trở lại làm việc, còn thời gian công tác trước khi bỏ việc được tính là thời gian công tác nói chung (nếu trong thời gian bỏ việc không có hành động chống đối chính sách, chế độ).

Riêng trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nếu có công nhân, viên chức đã tự ý nghỉ việc một thời gian ngắn vì thực sự gặp khó khăn (gia đình có người ốm đau, không ai chăm sóc, hoặc bị tai nạn chiến tranh, phụ nữ phải nuôi con mọn...) sau đó đã được cơ quan, xí nghiệp cũ gọi trở lại kiểm điểm và tiếp tục làm việc (không bị kỷ luật buộc phải thôi việc) thì có thể được xét cho tính thời gian công tác trước khi nghỉ việc là thời gian công tác liên tục.

3. Đối với công nhân, viên chức có thời gian công tác nửa thoát ly ở xã bị gián đoạn:

Theo quy trình chung thì chỉ những công nhân, viên chức có thời gian giữ chức vụ chủ chốt ở xã, tiếp sau đó được điều động vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hay vào bộ đội, mới được tính thời gian đã giữ chức vụ chủ chốt là thời gian công tác liên tục.

Nhưng đối với những người, nếu trong khi giữ chức vụ chủ chốt lại có thời gian bị gián đoạn do ốm đau, sinh đẻ, gia đình gặp khó khăn, được tổ chức đồng ý cho nghỉ việc, hoặc do được phân công làm nhiệm vụ khác một thời gian ngắn (không quá 1 năm) sau đó lại giữ chức vụ chủ chốt cho đến khi đi công tác thoát ly, hoặc sau đó lại được chuyển vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hay đi bộ đội, thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết thoả đáng cho anh chị em được tính tất cả thời gian đã giữ chức vụ chủ chốt ở xã là thời gian công tác liên tục. Đề nghị các uỷ ban chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ khi có người về hưu, về mất sức lao động phạm pháp phải bắt giam và cần thông báo ngay cho Ty, Sở Thương binh và Xã hội biết để ngừng việc cấp phát tiền trợ cấp như đã hướng dẫn trong Thông tư số 09/NV ngày 18-10-1974 của Bộ, trước mắt, cần xét giải quyết ngay những trường hợp đã hết hạn tù đang tạm đình trợ cấp để cho các đương sự khỏi phải chờ đợi.

 

 

Lê Đình Hiệp

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước

  • Số hiệu: 1908/HT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/08/1973
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Đình Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/08/1973
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản