Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2016/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT DANH MỤC, ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG, PHẠM VI, CHẤT LƯỢNG, GIÁ CƯỚC, KHUNG GIÁ CƯỚC SỬ DỤNG VÀ MỨC HỖ TRỢ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Viễn thông,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư Quy định chi Tiết danh Mục, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, chất lượng, giá cước, khung giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Thông tư này quy định chi Tiết danh Mục dịch vụ viễn thông công ích, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, chất lượng, giá cước, khung giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tới quản lý dịch vụ viễn thông công ích tại Việt Nam.

Chương II

DANH MỤC DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH

Điều 3. Danh Mục dịch vụ viễn thông công ích bắt buộc

Dịch vụ viễn thông công ích bắt buộc bao gồm:

1. Dịch vụ viễn thông công ích khẩn cấp (dịch vụ gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp, bao gồm số dịch vụ gọi Công an 113, số dịch vụ gọi Cứu hỏa 114, số dịch vụ gọi Cấp cứu y tế 115).

2. Dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển qua hệ thống đài thông tin duyên hải.

3. Dịch vụ viễn thông công ích vệ tinh phục vụ hoạt động chỉ đạo, Điều hành phòng, chống thiên tai.

Điều 4. Danh Mục dịch vụ viễn thông công ích phổ cập

Dịch vụ viễn thông công ích phổ cập bao gồm:

1. Dịch vụ viễn thông công ích trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định (dịch vụ gọi đến số trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại mạng viễn thông cố định mặt đất 116).

2. Dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau.

3. Dịch vụ viễn thông công ích thông tin di động mặt đất trả sau.

4. Dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải cho tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển qua hệ thống đài thông tin duyên hải.

5. Dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng cố định trả sau.

6. Dịch vụ viễn thông công ích kênh thuê riêng cố định mặt đất.

7. Dịch vụ viễn thông công ích truyền dẫn tín hiệu truyền hình số qua vệ tinh VINASAT.

8. Dịch vụ viễn thông công ích thuê kênh truyền dẫn cáp quang trên cơ sở hạ tầng cáp quang của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Chương III

ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG, PHẠM VI, GIÁ CƯỚC SỬ DỤNG VÀ MỨC HỖ TRỢ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH BẮT BUỘC

Điều 5. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi, giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích khẩn cấp

1. Đối tượng được hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích khẩn cấp là người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định mặt đất nội hạt gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp.

2. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích khẩn cấp là các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ điện thoại cố định mặt đất nội hạt gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp.

3. Giá cước dịch vụ viễn thông công ích khẩn cấp áp dụng cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 0 đồng/phút.

4. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông tại Khoản 2 Điều này để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích khẩn cấp cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 200 đồng/phút (Hai trăm đồng một phút). Thời gian tính hỗ trợ làm tròn theo phút của mỗi liên lạc. Thời gian liên lạc từ một phút trở xuống làm tròn 01 (một) phút. Thời gian liên lạc hơn 01 (một) phút thì thời gian của phút cuối cùng của một liên lạc dưới 30 (ba mươi) giây làm tròn bằng 0, từ 30 (ba mươi) giây trở đi làm tròn là một phút.

Điều 6. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi, giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển

1. Đối tượng được hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải phục vụ hoạt động trong các sự kiện tìm kiếm, cứu nạn trên biển là ngư dân Việt Nam trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển sử dụng dịch vụ này trong phạm vi vùng biển Việt Nam.

2. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn qua hệ thống đài thông tin duyên hải là doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ này cho các đối tượng thụ hưởng tại Khoản 1 Điều này.

3. Giá cước dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn qua hệ thống đài thông tin duyên hải áp dụng cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 0 đồng/phút/sự kiện.

4. Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp tại Khoản 2 Điều này để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn qua hệ thống đài thông tin duyên hải cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 6.500 đồng/phút/sự kiện (Sáu nghìn năm trăm đồng một phút cho mỗi sự kiện). Thời gian tính hỗ trợ làm tròn theo phút của mỗi sự kiện (tổng thời gian của một sự kiện từ 01 (một) phút trở xuống làm tròn 01 (một) phút, tổng thời gian của một sự kiện lớn hơn 01 (một) phút thì thời gian của phút cuối cùng của một sự kiện dưới 30 (ba mươi) giây làm tròn bằng 0, từ 30 (ba mươi) giây trở đi làm tròn là một phút). Tổng số thời gian hoạt động tìm kiếm cứu nạn doanh nghiệp được nhận hỗ trợ tối đa trong một năm không quá 16.000 giờ/năm (Mười sáu nghìn giờ một năm). Tổng thời gian hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong năm được làm tròn theo giờ, tổng thời gian hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong năm từ 01 (một) giờ trở xuống được làm tròn là 01 (một) giờ, tổng thời gian hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong năm lớn hơn 01 (một) giờ thì thời gian của giờ cuối cùng của tổng thời gian hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong năm dưới 30 (ba mươi) phút làm tròn bằng 0, từ 30 (ba mươi) phút trở đi làm tròn là 01 (một) giờ. Tổng thời gian hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong năm lớn hơn 16.000 (mười sáu nghìn) giờ làm tròn là 16.000 giờ.

Điều 7. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi, giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích vệ tinh phục vụ hoạt động chỉ đạo, Điều hành phòng, chống thiên tai

1. Đối tượng được hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích vệ tinh phục vụ hoạt động chỉ đạo, Điều hành phòng, chống thiên tai là các thành viên thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sử dụng dịch vụ viễn thông công ích vệ tinh phục vụ hoạt động chỉ đạo, Điều hành, phòng, chống thiên tai.

2. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích vệ tinh phục vụ hoạt động chỉ đạo, Điều hành phòng, chống thiên tai là các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ này cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này.

3. Giá cước dịch vụ viễn thông công ích vệ tinh phục vụ hoạt động chỉ đạo, Điều hành phòng, chống thiên tai áp dụng cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 0 đồng/đơn vị sử dụng tương ứng.

4. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông tại Khoản 2 Điều này để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích vệ tinh phục vụ hoạt động chỉ đạo, Điều hành phòng, chống thiên tai áp dụng cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Mức hỗ trợ để thuê kênh băng tần C vệ tinh VINASAT là 36.450.000 đồng/MHz/tháng (Ba mươi sáu triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng cho một Megahertz một tháng);

b) Khi đối tượng tại Khoản 1 Điều này sử dụng dịch vụ viễn thông VSAT- IP thuê bao, mức hỗ trợ giá cước thuê bao là 27.000 đồng/máy/tháng (Hai mươi bảy nghìn đồng một máy một tháng) và mức hỗ trợ giá cước dịch vụ thoại, fax là 1.744 đồng/phút (Một nghìn bảy trăm bốn mươi bốn đồng một phút);

c) Khi đối tượng tại Khoản 1 Điều này sử dụng dịch vụ viễn thông truy nhập Internet tốc độ 3.072/384 kbps của trạm VSAT-IP, mức hỗ trợ đối với dịch vụ này là 53.000 đồng/ngày (Năm mươi ba nghìn đồng một ngày);

d) Khi đối tượng tại Khoản 1 Điều này sử dụng dịch vụ kênh thuê riêng IP và dịch vụ thiết lập mạng dùng riêng VPN sử dụng kênh 2 chiều đối xứng của trạm VSAT-IP, mức hỗ trợ theo tốc độ đối với dịch vụ kênh thuê riêng IP và dịch vụ thiết lập mạng dùng riêng VPN sử dụng kênh 2 chiều đối xứng quy định như sau:

Số TT

Tốc độ

Dịch vụ kênh thuê riêng IP
(đồng/ngày/kênh)

Dịch vụ thiết lập mạng dùng riêng VPN
(đồng/ngày/kênh)

1

2 Mbps

6.218.000

4.133.000

2

1 Mbps

3.117.000

2.006.000

3

512 kbps

1.567.000

1.033.000

4

256 kbps

792.000

516.000

5

128 kbps

405.000

258.000

6

64 kbps

211.000

129.000

đ) Khi đối tượng tại Khoản 1 Điều này sử dụng dịch vụ viễn thông vệ tinh Inmarsat, mức hỗ trợ theo dịch vụ quy định như sau:

Số TT

Dịch vụ

Đơn vị

Mức hỗ trợ

1

Thoại/Fax/Truyền số liệu của Inmarsat M đến mạng viễn thông cố định mặt đất

đồng/phút

56.000

2

Inmarsat trả sau loại IsatPhonePro

đồng/thuê bao/tháng

900.000

3

Inmarsat trả sau loại BGAN

đồng/thuê bao/tháng

1.800.000

4

Inmarsat trả trước

đồng/thuê bao/tháng

600.000

Chương IV

ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG, PHẠM VI, GIÁ CƯỚC, KHUNG GIÁ CƯỚC SỬ DỤNG VÀ MỨC HỖ TRỢ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH PHỔ CẬP

Điều 8. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi, giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định mặt đất

1. Đối tượng được hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định mặt đất là người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định mặt đất nội hạt để gọi đến số dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định mặt đất.

2. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định mặt đất là doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định mặt đất của doanh nghiệp.

3. Giá cước dịch vụ viễn thông công ích trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định mặt đất áp dụng cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 0 đồng/phút.

4. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông tại Khoản 2 Điều này để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định mặt đất cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 300 đồng/phút (Ba trăm đồng một phút). Thời gian tính hỗ trợ làm tròn theo phút của mỗi liên lạc. Thời gian liên lạc từ 01 (một) phút trở xuống làm tròn 01 (một) phút, thời gian liên lạc lớn hơn 01 (một) phút thì thời gian của phút cuối cùng của một liên lạc dưới 30 (ba mươi) giây làm tròn bằng 0, từ 30 (ba mươi) giây trở đi làm tròn là 01 (một) phút.

Điều 9. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi, giá cước, khung giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau, dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau

1. Đối tượng được hưởng giá cước thuê bao tháng dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau hoặc dịch vụ viễn thông công ích thông tin di động mặt đất trả sau là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn cận nghèo quốc gia sử dụng dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau hoặc dịch vụ viễn thông công ích thông tin di động mặt đất trả sau.

2. Mỗi hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo tại Khoản 1 Điều này chỉ được hưởng giá cước thuê bao tháng của một dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau hoặc của một dịch vụ viễn thông công ích thông tin di động mặt đất trả sau gắn với số thuê bao của chỉ một doanh nghiệp viễn thông.

3. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau hoặc dịch vụ viễn thông công ích thông tin di động mặt đất trả sau là các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Khoản 1 Điều này.

4. Giá cước, khung giá cước thuê bao tháng dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau, dịch vụ viễn thông công ích thông tin di động mặt đất trả sau áp dụng cho các đối tượng tại Khoản 1 và 2 Điều này được quy định như sau:

a) Giá cước thuê bao tháng dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau là 0 đồng/tháng/thuê bao;

b) Khung giá cước thuê bao tháng dịch vụ viễn thông công ích thông tin di động mặt đất trả sau là từ 15.000 đồng/tháng/thuê bao (Mười lăm nghìn đồng một tháng một thuê bao) đến 25.000 đồng/tháng/thuê bao (Hai mươi lăm nghìn đồng một tháng một thuê bao).

5. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông tại Khoản 3 Điều này để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau hoặc dịch vụ viễn thông công ích thông tin di động mặt đất trả sau cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 20.000 đồng/tháng/thuê bao (Hai mươi nghìn đồng một tháng một thuê bao).

6. Giá cước liên lạc, giá cước thông tin áp dụng đối với các đối tượng tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này như giá cước liên lạc, giá cước thông tin thông thường của dịch vụ điện thoại cố định mặt đất trả sau, dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau do doanh nghiệp viễn thông quy định.

Điều 10. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi, giá cước, khung giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải

1. Đối tượng được hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải là ngư dân Việt Nam trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển sử dụng dịch vụ này xuất phát trong phạm vi vùng biển Việt Nam.

2. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải là doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ này cho các đối tượng thụ hưởng tại Khoản 1 Điều này.

3. Khung giá cước dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải áp dụng cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Đối với cuộc gọi đến điện thoại cố định trong phạm vi nội hạt là từ 400 đồng/phút (Bốn trăm đồng một phút) đến 800 đồng/phút (Tám trăm đồng một phút);

b) Đối với cuộc gọi đến điện thoại cố định trong phạm vi đường dài trong nước là từ 900 đồng/phút (Chín trăm đồng một phút) đến 1.600 đồng/phút (Một nghìn sáu trăm đồng một phút);

c) Đối với cuộc gọi đến điện thoại di động là từ 1.000 đồng/phút (Một nghìn đồng một phút) đến 1.900 đồng/phút (Một nghìn chín trăm đồng một phút).

4. Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp viễn thông tại Khoản 2 Điều này để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 1.000 đồng/phút (Một nghìn đồng một phút).

Điều 11. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi và mức hỗ trợ duy trì cho Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng

1. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ duy trì hoạt động của Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng là doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng thuộc phạm vi Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Mức hỗ trợ cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này để duy trì hoạt động của Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng là 700.000 đồng/tháng/Điểm (Bảy trăm nghìn đồng một tháng một Điểm).

3. Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng được hưởng mức hỗ trợ quy định tại Khoản 2 Điều này phải đáp ứng đủ các Điều kiện sau:

a) Là các Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng còn đang hoạt động thuộc phạm vi Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010 theo Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và 500 Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng được phát triển tại các xã có tỷ lệ hộ gia đình là thuê bao sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định thấp và chưa có Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ;

b) Là Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng có ít nhất 03 máy tính truy nhập Internet để trực tiếp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng dịch vụ;

c) Là Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng sử dụng gói cước dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau từ 200.000 đồng/tháng (Hai trăm nghìn đồng một tháng) trở lên.

Điều 12. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi, giá cước, khung giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau

1. Đối tượng được hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau là thuê bao sử dụng dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau và thuộc các tổ chức sau:

a) Trường mầm non theo quyết định thành lập của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

b) Trường tiểu học;

c) Trường trung học, bao gồm trường có một cấp học và trường có nhiều cấp học;

d) Trường trung cấp;

đ) Trường cao đẳng;

e) Trường đại học;

g) Bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp huyện, tỉnh và trung ương; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tư nhân; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa có vốn đầu tư nước ngoài;

h) Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ khi cung cấp dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau là các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này.

3. Tốc độ định danh của gói dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định trả sau là tốc độ tải thông tin xuống từ 256 kb/s trở lên đến tốc độ tối đa của gói dịch vụ được ghi trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng.

4. Khung giá cước dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau áp dụng cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Khung giá cước áp dụng cho trường mầm non theo quyết định thành lập của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; trường tiểu học; Ủy ban nhân dân cấp xã là từ 50.000 đồng/tháng/tổ chức (Năm mươi nghìn đồng một tháng một tổ chức) đến 75.000 đồng/tháng/tổ chức (Bảy mươi lăm nghìn đồng một tháng một tổ chức) với Điều kiện các tổ chức trên phải sử dụng gói dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau định danh 4 Mbps;

b) Khung giá cước áp dụng cho bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp huyện; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tư nhân; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa có vốn đầu tư nước ngoài từ 75.000 đồng/tháng/tổ chức (Bảy mươi lăm nghìn đồng một tháng một tổ chức) đến 100.000 đồng/tháng/tổ chức (Một trăm nghìn đồng một tháng một tổ chức) với Điều kiện các tổ chức trên phải sử dụng gói dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau định danh 12 Mbps;

c) Khung giá cước áp dụng cho trường trung học, bao gồm trường có một cấp học và trường có nhiều cấp học; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp tỉnh là từ 200.000 đồng/tháng/tổ chức (Hai trăm nghìn đồng một tháng một tổ chức) đến 250.000 đồng/tháng/tổ chức (Hai trăm năm mươi nghìn đồng một tháng một tổ chức) với Điều kiện các tổ chức trên phải sử dụng gói dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau định danh 32 Mbps;

d) Khung giá cước áp dụng cho trường trung cấp; trường cao đẳng; trường đại học; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp trung ương là từ 350.000 đồng/tháng/tổ chức (Ba trăm năm mươi nghìn đồng một tháng một tổ chức) đến 450.000 đồng/tháng/tổ chức (Bốn trăm năm mươi nghìn đồng một tháng một tổ chức) với Điều kiện các tổ chức trên phải sử dụng gói dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau định danh 45 Mbps.

5. Mỗi tổ chức tại Khoản 1 Điều này chỉ được hưởng một gói dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau định danh tại Khoản 3 Điều này của chỉ một doanh nghiệp viễn thông.

6. Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp viễn thông tại Khoản 2 Điều này để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho trường mầm non theo quyết định thành lập của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; trường tiểu học; Ủy ban nhân dân cấp xã là 50.000 đồng/tháng/tổ chức (Năm mươi nghìn đồng một tháng một tổ chức) khi doanh nghiệp cung cấp gói dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau định danh 4 Mbps;

b) Mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp huyện; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tư nhân; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa có vốn đầu tư nước ngoài là 100.000 đồng/tháng/tổ chức (Một trăm nghìn đồng một tháng một tổ chức) khi doanh nghiệp cung cấp gói dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau định danh 12 Mbps;

c) Mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho trường trung học, bao gồm trường có một cấp học và trường có nhiều cấp học; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp tỉnh là 150.000 đồng/tháng/tổ chức (Một trăm năm mươi nghìn đồng một tháng một tổ chức) khi doanh nghiệp cung cấp gói dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau định danh 32 Mbps;

d) Mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho trường trung cấp; trường cao đẳng; trường đại học; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp trung ương là 250.000 đồng/tháng/tổ chức (Hai trăm năm mươi nghìn đồng một tháng một tổ chức) khi doanh nghiệp cung cấp gói dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau định danh 45 Mbps.

Điều 13. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi, giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích kênh thuê riêng cố định mặt đất

1. Đối tượng được hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích kênh thuê riêng cố định mặt đất tốc độ 2 Mbps có dự phòng là các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện hạt nhân của Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế sử dụng dịch vụ kênh thuê riêng cố định mặt đất tốc độ 2 Mbps có dự phòng để kết nối bệnh viện vệ tinh với bệnh viện hạt nhân của nhóm.

2. Mỗi bệnh viện vệ tinh hoặc bệnh viện hạt nhân tại Khoản 1 Điều này chỉ được hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích cho một kênh thuê riêng cố định mặt đất tốc độ 2 Mbps có dự phòng của chỉ một doanh nghiệp viễn thông để kết nối đến bệnh viện hạt nhân hoặc bệnh viện vệ tinh của nhóm khi có xác nhận của Sở Y tế về việc bệnh viện đang triển khai Đề án tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (Đề án Telemedicine) theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích kênh thuê riêng cố định mặt đất tốc độ 2 Mbps có dự phòng là các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên cho các đối tượng đáp ứng Điều kiện tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

4. Giá cước dịch vụ viễn thông công ích kênh thuê riêng cố định mặt đất tốc độ 2 Mbps có dự phòng áp dụng cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 0 đồng/tháng/kênh tốc độ 2 Mbps có dự phòng.

5. Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp viễn thông tại Khoản 3 Điều này để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích kênh thuê riêng cố định mặt đất tốc độ 2 Mbps có dự phòng cho các đối tượng tại Khoản 1 Điều này là 15.000.000 đồng/tháng/kênh tốc độ 2 Mbps có dự phòng (Mười lăm triệu đồng một tháng một kênh tốc độ 2 Mbps có dự phòng).

Điều 14. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi, giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích truyền dẫn tín hiệu truyền hình số phục vụ cho một kênh chương trình truyền hình sử dụng băng tần Ku của vệ tinh VINASAT

1. Đối tượng được hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích truyền dẫn tín hiệu truyền hình số cho một kênh chương trình truyền hình địa phương sử dụng băng tần Ku của vệ tinh VINASAT là các Đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh chưa tự chủ về tài chính sử dụng dịch vụ này để phát chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu cho các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, các vùng lõm khó thu được tín hiệu truyền hình số mặt đất.

2. Mỗi Đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh tại Khoản 1 Điều này chỉ được hưởng giá cước dịch vụ viễn thông công ích truyền dẫn tín hiệu truyền hình số cho một kênh chương trình truyền hình tiêu chuẩn SD sử dụng băng tần Ku của vệ tinh VINASAT của chỉ một doanh nghiệp viễn thông có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trực tiếp qua vệ tinh và đang thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền dẫn quảng bá trên băng tần Ku của vệ tinh VINASAT cho các Đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh.

3. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích truyền dẫn tín hiệu truyền hình số phục vụ cho một kênh chương trình truyền hình sử dụng băng tần Ku của vệ tinh VINASAT là doanh nghiệp viễn thông có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trực tiếp qua vệ tinh và đang thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền dẫn quảng bá trên băng tần Ku của vệ tinh VINASAT cho các Đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này.

4. Giá cước dịch vụ viễn thông công ích truyền dẫn tín hiệu truyền hình số cho một kênh chương trình truyền hình tiêu chuẩn SD sử dụng băng tần Ku của vệ tinh VINASAT áp dụng cho các đối tượng tại Khoản 1 và 2 Điều này là 0 đồng/tháng/kênh chương trình truyền hình sử dụng băng tần Ku (bao gồm cả phần truyền dẫn từ Đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh đến địa Điểm phát lên vệ tinh VINASAT).

5. Mức hỗ trợ cho đối tượng tại Khoản 3 Điều này để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích truyền dẫn tín hiệu truyền hình số phục vụ cho một kênh chương trình truyền hình sử dụng băng tần Ku của vệ tinh VINASAT cho các đối tượng tại Khoản 1 và 2 Điều này là 200.000.000 đồng/tháng/kênh chương trình truyền hình (Hai trăm triệu đồng một tháng một kênh chương trình truyền hình sử dụng băng tần Ku của vệ tinh VINASAT).

Điều 15. Đối tượng thụ hưởng và mức hỗ trợ thiết lập đường truyền dẫn cáp quang kết nối từ đất liền đến trung tâm hành chính của các huyện đảo

1. Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ thiết lập đường truyền dẫn cáp quang kết nối từ đất liền đến trung tâm hành chính của các huyện đảo trên cơ sở hạ tầng cáp quang của đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích là các doanh nghiệp viễn thông thuê sợi cáp quang của đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam để kết nối từ đất liền tới trung tâm hành chính của các huyện đảo Cát Hải, Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc, Vân Đồn.

2. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông tại Khoản 1 Điều này để thiết lập đường truyền dẫn cáp quang kết nối từ đất liền đến trung tâm hành chính của các huyện đảo là 20% trị giá hóa đơn thuê sợi cáp quang trước thuế giá trị gia tăng mà đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xuất hóa đơn cho doanh nghiệp viễn thông khi thuê sợi cáp quang của đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam để kết nối từ đất liền tới trung tâm hành chính của các huyện đảo Cát Hải, Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc, Vân Đồn.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Quy định về thuế giá trị gia tăng (VAT)

Các quy định về giá cước, khung giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp tại Thông tư này không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).

Điều 17. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông về chất lượng khi cung cấp các dịch vụ viễn thông công ích

Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp dịch vụ viễn thông công ích với chất lượng theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ viễn thông hiện hành.

Điều 18. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông về giá cước khi cung cấp dịch vụ viễn thông công ích

1. Đối với dịch vụ viễn thông công ích Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định giá cước cụ thể tại Thông tư này, doanh nghiệp viễn thông thực hiện cung cấp cho các đối tượng được hưởng dịch vụ viễn thông công ích theo đúng giá cước, cách xác định thời gian sử dụng và phương thức tính giá cước theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Đối với dịch vụ viễn thông công ích Bộ Thông tin và Truyền thông quy định khung giá cước tại Thông tư này:

a) Doanh nghiệp viễn thông ban hành quyết định giá cước cụ thể dịch vụ viễn thông công ích do doanh nghiệp cung cấp đảm bảo không cao hơn giá cước tối đa và không thấp hơn giá cước tối thiểu Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định;

b) Cách xác định (thời gian và phương thức) tính giá cước sử dụng, cách xác định (thời gian và phương thức) tính mức hỗ trợ cung cấp đối với dịch vụ viễn thông công ích thực hiện theo đúng quy định về cách xác định (thời gian và phương thức) tính giá cước của doanh nghiệp viễn thông áp dụng đối với khách hàng thông thường;

c) Doanh nghiệp viễn thông gửi thông báo giá cước đến Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi quyết định của doanh nghiệp viễn thông có hiệu lực ít nhất trước 03 (ba) ngày làm việc.

3. Trường hợp doanh nghiệp viễn thông có nhu cầu Điều chỉnh giá cước dịch vụ viễn thông công ích khác giá cước cụ thể Bộ Thông tin và Truyền Thông đã quy định hoặc thấp hơn giá cước tối thiểu hoặc cao hơn giá cước tối đa dịch vụ viễn thông công ích Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định, doanh nghiệp viễn thông lập Hồ sơ phương án giá cước gửi Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Đối với các dịch vụ viễn thông giống như các dịch vụ viễn thông công ích, khi doanh nghiệp Điều chỉnh giá cước của các dịch vụ viễn thông này mà giá cước sau Điều chỉnh khác với giá cước cụ thể của dịch vụ viễn thông công ích Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cộng với mức hỗ trợ tương ứng, hoặc giá cước của các dịch vụ viễn thông này sau Điều chỉnh thấp hơn giá cước tối thiểu, hoặc cao hơn giá cước tối đa dịch vụ viễn thông công ích Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định cộng với mức hỗ trợ tương ứng, doanh nghiệp viễn thông lập Hồ sơ phương án giá cước gửi Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi doanh nghiệp dự kiến triển khai giá cước mới ít nhất 120 (một trăm hai mươi) ngày làm việc.

Điều 19. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông khi lập hóa đơn trong đó có dịch vụ viễn thông công ích

Khi doanh nghiệp viễn thông lập hóa đơn trong đó có dịch vụ viễn thông công ích phải ghi rõ các nội dung sau:

1. Dịch vụ viễn thông công ích (tên dịch vụ sử dụng): Đơn vị tính; Số lượng; Đơn giá; Thành tiền (không chịu thuế VAT).

2. Hỗ trợ của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích (tên dịch vụ sử dụng được hỗ trợ): Đơn vị tính; Số lượng; Đơn giá; Thành tiền (không chịu thuế VAT).

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Các quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 10 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Các quy định khác của Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016.

Điều 21. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Giám đốc Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP Trung ương Đảng;
- VP Tổng bí thư;
- VP Chủ tịch nước;
- VP Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBND các tỉnh thành phố trực thuộc TƯ;
- Cơ quan TƯ của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các doanh nghiệp viễn thông;
- Các Đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, Các cơ quan và đơn vị thuộc Bộ, Cổng thông tin điện tử;
- Lưu: VT, CVT.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Bắc Son

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 09/2016/TT-BTTTT Quy định chi tiết danh mục, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, chất lượng, giá cước, khung giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 09/2016/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/03/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Bắc Son
  • Ngày công báo: 20/04/2016
  • Số công báo: Từ số 293 đến số 294
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 01/04/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản