Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 09/2016/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 112/2014/NĐ-CP về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung sau:

1. Xác định tính chất cửa khẩu biên giới đất liền.

2. Mẫu các loại biển báo, biển chỉ dẫn, bảng niêm yết tại cửa khẩu biên giới đất liền.

3. Hệ thống Ba-ri-e kiểm soát tại cửa khẩu biên giới đất liền.

4. Bố trí dây chuyền kiểm soát tại cửa khẩu biên giới đất liền trong trường hợp xảy ra dịch bệnh và phân luồng kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh.

5. Giấy tờ của người xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

6. Công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát của Bộ đội Biên phòng tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

7. Nguyên tắc, trình tự xác định phạm vi khu vực cửa khẩu biên giới đất liền.

8. Trình tự, thủ tục thực hiện thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu biên giới đất liền hoặc mở cửa khẩu biên giới đất liền ngoài thời gian làm việc trong ngày.

9. Thực hiện hạn chế hoặc tạm dừng và mẫu văn bản liên quan đến hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, ra, vào, lưu trú, hoạt động trong khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thủ tục Biên phòng tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền là quy trình nghiệp vụ do cán bộ Biên phòng cửa khẩu thực hiện để xem xét, giải quyết cho người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh và các quy định về thủ tục giấy tờ mà người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp, xuất trình khi xuất, nhập qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

2. Công dân tỉnh biên giới Việt Nam là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại tỉnh hoặc đơn vị hành chính tương đương của Việt Nam có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia trên đất liền.

3. Công dân huyện biên giới Việt Nam (cư dân vùng biên giới) là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương của Việt Nam có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia trên đất liền.

Điều 4. Xác định tính chất cửa khẩu biên giới đất liền theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP

1. Cửa khẩu biên giới đất liền chỉ được xác định chính thức là cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), cửa khẩu phụ sau khi Chính phủ hai nước có chung cửa khẩu quyết định đồng ý mở, nâng cấp cửa khẩu và chính quyền cấp tỉnh biên giới hai bên phối hợp tổ chức lễ công bố khai trương mở, nâng cấp cửa khẩu theo trình tự thủ tục quy định tại Điều 20 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây viết gọn là Nghị định số 112/2014/NĐ-CP).

2. Ngoài các loại hình cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), cửa khẩu phụ đã được xác định chính thức theo quy định tại Khoản 1 Điều này, đối với các địa điểm trên biên giới hiện đang tồn tại các hoạt động xuất, nhập của người, phương tiện và hàng hóa nhưng chưa được mở chính thức theo trình tự thủ tục mở lối mở biên giới quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP. Để đảm bảo cho công tác quản lý, việc xác định tạm thời là lối mở biên giới căn cứ các điều kiện sau:

a) Những địa điểm truyền thống (lối mở truyền thống) dành cho cư dân biên giới Việt Nam và cư dân biên giới nước láng giềng (sau đây viết gọn là cư dân biên giới hai Bên) qua lại, được chính quyền cấp tỉnh Việt Nam và chính quyền cấp tỉnh nước láng giềng thừa nhận (thống nhất bằng văn bản hoặc mặc nhiên thừa nhận), không có bất cứ hình thức nào ngăn chặn hoặc phản đối việc qua lại biên giới bình thường của cư dân biên giới hai Bên;

b) Những địa điểm được hình thành từ các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết với nước láng giềng, hiện nay chưa được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước láng giềng thống nhất mở chính thức nhưng đang tồn tại các hoạt động xuất, nhập bình thường và không Bên nào có bất cứ hình thức ngăn chặn hoặc phản đối việc qua lại biên giới của cư dân biên giới hai Bên;

c) Những địa điểm do cấp có thẩm quyền mở, đảm bảo các yêu cầu về cơ sở hạ tầng và lực lượng quản lý theo quy định, đang thực hiện chính sách thương mại biên giới có hiệu quả, được chính quyền cấp tỉnh Việt Nam và chính quyền cấp tỉnh nước láng giềng mặc nhiên thừa nhận;

d) Trường hợp vì yêu cầu quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quản lý và bảo vệ biên giới hoặc các yêu cầu, lợi ích hợp pháp khác, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng các hoạt động xuất, nhập tại các địa điểm quy định tại các Điểm b, c Khoản này.

3. Hoạt động xuất, nhập hàng hóa (không phải là hàng hóa của cư dân biên giới hai Bên) qua các địa điểm quy định tại các Điểm a, b, c, Khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP.

Điều 5. Mẫu các loại biển báo, biển chỉ dẫn, bảng niêm yết tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền quy định tại Khoản 7 Điều 11 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP

1. Biển báo “Khu vực cửa khẩu” cắm bên phải trên các trục đường giao thông theo hướng từ nội địa ra biên giới, tại vị trí ranh giới giữa nội địa với khu vực cửa khẩu, ở nơi dễ nhận biết; chất liệu, kích thước biển báo, chữ viết trên biển báo theo Mẫu số 1 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, bảng niêm yết tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền theo các mẫu tại Phụ lục 1Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

Căn cứ thực tế từng cửa khẩu, kích thước biển báo, biển chỉ dẫn, bảng niêm yết tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền có thể lớn hoặc nhỏ hơn nhưng không quá 1/3 so với kích thước các mẫu tại Phụ lục 1Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Hệ thống Ba-ri-e kiểm soát tại cửa khẩu biên giới đất liền quy định tại Khoản 6 Điều 11 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP

1. Ba-ri-e kiểm soát số 1 được thiết lập phía trước Nhà kiểm soát liên hợp cửa khẩu hướng ra đường biên giới quốc gia;

Bộ đội Biên phòng bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ đóng, mở Ba-ri-e, điều tiết, hướng dẫn người, phương tiện, hàng hóa vào làm thủ tục tại Nhà kiểm soát liên hợp và kiểm tra, giám sát trước khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; tổ chức điều hành, giám sát các hoạt động lưu thông biên giới. Duy trì an ninh trật tự, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép; buôn lậu và gian lận thương mại.

2. Ba-ri-e kiểm soát số 2 được thiết lập phía sau Nhà kiểm soát liên hợp, hướng đi vào nội địa, tại ranh giới giữa khu vực cửa khẩu với khu vực khác trong nội địa;

Bộ đội Biên phòng bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ đóng, mở Ba-ri-e, điều tiết, hướng dẫn người, phương tiện, hàng hóa vào làm thủ tục tại Nhà kiểm soát liên hợp; kiểm tra, giám sát người, phương tiện và hàng hóa ra, vào khu vực cửa khẩu; tổ chức điều hành, giám sát các hoạt động lưu thông biên giới. Duy trì an ninh trật tự, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại.

Điều 7. Dây chuyền kiểm soát tại cửa khẩu biên giới đất liền trong trường hợp xảy ra dịch bệnh quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP

1. Khi có dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh có cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền thông báo với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh và Ban Quản lý cửa khẩu;

Căn cứ thông báo dịch của Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh và Ban Quản lý cửa khẩu điều chỉnh dây chuyền kiểm soát tại cửa khẩu.

2. Khi hết dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh thông báo với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh và Ban Quản lý cửa khẩu;

Căn cứ thông báo của Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh và Ban Quản lý cửa khẩu điều chỉnh dây chuyền kiểm soát tại cửa khẩu theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP.

Điều 8. Giấy tờ của người xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền quy định tại Điều 8 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP

1. Công dân Việt Nam

a) Công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (song phương) phải có một trong các loại giấy tờ sau:

- Hộ chiếu ngoại giao; Hộ chiếu công vụ; Hộ chiếu phổ thông (gọi chung là hộ chiếu);

- Hộ chiếu thuyền viên; Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành nhập xuất cảnh; Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới; Giấy thông hành hồi hương; Giấy thông hành; Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ Căn cước công dân (đối với cư dân biên giới Việt Nam trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia);

- Các giấy tờ khác phù hợp để xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

b) Công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu phụ phải có một trong các loại giấy tờ sau:

- Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành nhập xuất cảnh; Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới; Giấy thông hành hồi hương; Giấy thông hành; Giấy chứng minh nhân dân; Thẻ Căn cước công dân (đối với cư dân biên giới Việt Nam trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia);

- Các giấy tờ khác phù hợp để xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

c) Cư dân biên giới Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh qua lối mở biên giới sử dụng giấy tờ phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Người nước ngoài

a) Người nước thứ 3 nhập cảnh, xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hợp lệ và thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc do Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho công dân quốc gia đó hoặc theo quy định khác của pháp luật Việt Nam về miễn thị thực).

b) Người nước ngoài là công dân nước láng giềng nhập cảnh, xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) phải có một trong các loại giấy tờ sau:

- Giấy tờ quy định tại Điểm a, Khoản này;

- Giấy thông hành biên giới; Giấy chứng minh nhân dân (đối với cư dân biên giới Lào, Campuchia); Giấy chứng nhận biên giới (đối với cư dân biên giới Lào);

- Các giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với nước có chung biên giới.

c) Công dân tỉnh biên giới, huyện biên giới, cư dân biên giới nước láng giềng nhập cảnh, xuất cảnh qua cửa khẩu phụ phải có một trong các loại giấy tờ sau:

- Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới (đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc); Giấy chứng minh nhân dân (đối với cư dân biên giới Lào, Campuchia); Giấy chứng nhận biên giới (đối với cư dân biên giới Lào);

- Các giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với nước có chung biên giới.

d) Công dân nước láng giềng xuất, nhập qua lối mở biên giới sử dụng giấy tờ phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với nước có chung biên giới.

3. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thống nhất với cơ quan chức năng của Bộ Công an về giấy tờ qua lại lối mở biên giới để thực hiện chính sách thương mại biên giới theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP.

Thông tư 09/2016/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 112/2014/NĐ-CP về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 09/2016/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/02/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Bá Tỵ
  • Ngày công báo: 08/03/2016
  • Số công báo: Từ số 217 đến số 218
  • Ngày hiệu lực: 19/03/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH