Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về hoạt động mua, bán nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay (kể cả khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động mua nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Thông tư này không áp dụng đối với hoạt động mua, bán nợ của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); hoạt động mua bán nợ phát sinh từ hợp đồng vay, cho vay giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

2. Các cá nhân, tổ chức khác liên quan đến việc mua, bán khoản nợ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ.

2.Khoản nợ được mua, bánlà khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay và khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh theo hợp đồng cấp tín dụng đã ký của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đang được theo dõi hạch toán nội bảng, ngoại bảng tại bảng cân đối kế toán hoặc đã xuất toán ra khỏi bảng cân đối kế toán của bên bán nợ có đủ điều kiện quy định tạiĐiều 4 Thông tư nàyvà bên nợ có nghĩa vụ thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Bên bán nợ là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khoản nợ được bán theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4.Bên mua nợlà tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân là người cư trú sau:

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng nước chấp thuận hoạt động mua nợ;

- Tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ (không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ.

b) Tổ chức, cá nhân là người không cư trú.

5. Bên nợ là tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được mua, bán theo quy định tại hợp đồng cấp tín dụng.

6. Bên môi giới là bên trung gian trong giao dịch mua, bán nợ giữa bên mua nợ và bên bán nợ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.

7.Giá trị ghi sổ khoản nợ được mua, bángồm giá trị ghi số số dư nợ gốc, dư nợ lãi của khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ (nếu có) đến thời điểm mua, bán nợ đối với các khoản nợ đang được hạch toán nội bảng, ngoại bảng; hoặc giá trị theo dõi trên so sách tại thời điểm xuất toán ngoại bảng hoặc tại thời điểm mua, bán nợ đối với khoản nợ đã xuất toán ra khỏi bảng cân đối kế toán.

8. Giá mua, bán nợ là số tiền bên mua nợ phải thanh toán cho bên bán nợ theo hợp đồng mua, bán nợ.

Điều 4. Điều kiện khoản nợ được mua, bán

Các khoản nợ được mua, bán phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan của khoản nợ được mua, bán, hợp đồng bảo đảm (nếu có) do bên bán nợ cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ.

3. Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua, bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.

Điều 5. Nguyên tắc thực hiện mua, bán nợ

1. Hoạt động mua, bán nợ không trái với nội dung quy định tại hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm đã ký kết giữa bên bán nợ, khách hàng và bên bảo đảm.

2. Hoạt động mua, bán nợ do các bên tự thỏa thuận, tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép) và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.

4. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ (trong đó có quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ; quy trình mua, bán nợ; quy trình định giá khoản nợ; quy trình bán đấu giá khoản nợ trong trường hợp tự đấu giá khoản nợ và quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ) trước thực hiện mua, bán nợ.

5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua nợ phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6. Bên bán nợ không mua lại các khoản nợ đã bán.

7. Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

8. Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

9. Trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ, thì bên bán nợ và các bên mua nợ thỏa thuận với nhau về tỷ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, phân chia giá trị tài sản đảm bảo (nếu có) cho phần nợ được mua, bán và các nội dung cụ thể khác tại hợp đồng mua, bán nợ đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

10. Các khoản nợ được mua, bán nợ phải được theo dõi, hạch toán kế toán và báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động mua nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Nguyên tắc lập hồ sơ:

a) Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải có xác nhận của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Đơn đề nghị chấp thuận hoạt động mua nợ phải do người đại diện pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ký.

2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động mua nợ bao gồm:

a) Đơn đề nghị chấp thuận hoạt động mua nợ theo mẫu tại Phụ lục số 01 đính kèm Thông tư này. Đối với ngân hàng 100% vốn nước ngoài, cam kết mua nợ là hoạt động mà chủ sở hữu, ngân hàng nước ngoài sở hữu 50% vốn điều lệ của ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang được phép thực hiện tại nước nơi chủ sở hữu, ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính. Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cam kết mua nợ là hoạt động ngân hàng mẹ được phép thực hiện tại nước nguyên xứ;

b) Nghị quyết của Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên) của tổ chức tín dụng thông qua việc đề nghị chấp thuận hoạt động mua nợ; văn bản và bản dịch của ngân hàng mẹ do người đại diện hợp pháp ký đồng ý đề nghị chấp thuận hoạt động mua nợ đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài,

Điều 7. Trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động mua nợ

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhu cầu được chấp thuận hoạt động mua nợ lập 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tạiĐiều 6 Thông tư nàygửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).

2. Trong thời hạn 40 (bốn mươi) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bằng Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép. Văn bản này là một bộ phận không tách rời của Giấy phép. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nêu rõ lý do.

Điều 8. Đồng tiền giao dịch

1. Đồng tiền sử dụng trong mua, bán nợ là đồng Việt Nam. Việc sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền thanh toán trong giao dịch mua, bán nợ chỉ được thực hiện trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán khoản nợ bằng ngoại tệ cho bên mua nợ là người không cư trú.

2. Đồng tiền thu hồi nợ là đồng tiền của khoản nợ hoặc đồng tiền khác theo thỏa thuận giữa bên mua nợ và bên nợ phù hợp với quy định của pháp luật về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 9. Quy định về quản lý ngoại hối trong hoạt động mua, bán nợ

1. Bên mua nợ, bên bán nợ, bên nợ và các bên liên quan khác có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam khi thực hiện mua, bán nợ và thu hồi khoản nợ được mua.

2. Khi thực hiện mua, bán nợ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:

a) Bên mua nợ sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam để thực hiện thanh toán cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiền mua nợ và các chi phí có liên quan theo hợp đồng mua, bán nợ đối với trường hợp sử dụng đồng tiền mua nợ là đồng Việt Nam;

b) Bên mua nợ là người không cư trú sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam hoặc tài khoản ngoại tệ của Bên mua nợ tại nước ngoài để thực hiện thanh toán cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiền mua nợ và các chi phí có liên quan theo hợp đồng mua, bán nợ đối với trường hợp sử dụng đồng tiền mua nợ là ngoại tệ.

3. Khi thu hồi nợ từ các khoản nợ được mua, số tiền thu hồi nợ phải được chuyển vào 01 (một) tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam và 01 (một) tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ (đối với trường hợp khoản nợ được thu hồi bằng ngoại tệ) của bên mua nợ mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

4. Trường hợp mua, bán khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay ra nước ngoài hoặc nợ phát sinh do trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh cho bên được lãnh là người không cư trú:

a) Bên bán nợ thực hiện đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài, khoản thu hồi nợ bảo lãnh theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú;

b) Bên mua nợ là người cư trú thực hiện đăng ký kế hoạch thu hồi nợ theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối đối với việc thu hồi nợ nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ mua, bán nợ.

Điều 10. Phương thức mua, bán nợ

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định lựa chọn một trong các phương thức mua, bán nợ sau:

1. Thỏa thuận: thông qua đàm phán trực tiếp giữa bên bán nợ và bên mua nợ hoặc gián tiếp thông qua bên môi giới.

2. Đấu giá: bên bán nợ thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp theo định của pháp luật về bán đấu giá tài sản hoặc tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ.

Điều 11. Hội đồng mua, bán nợ

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thành lập Hội đồng mua, bán nợ phù hợp với điều lệ, quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn (bao gồm cả việc xác định giá mua, nợ trong trường hợp mua bán theo thỏa thuận, giá khởi điểm trong trường hợp bán đấu giá khoản nợ) do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định.

Điều 12. Định giá khoản nợ

Việc xác định giá mua, bán nợ đối với mua, bán nợ theo phương thức thỏa thuận, giá khởi điểm đối với mua, bán nợ theo phương thức bán đấu giá được thực hiện như sau:

1. Giá mua, bán nợ, giá khởi điểm được xác định trên cơ sở giá trị ghi sổ khoản nợ, khoản lãi mà bên nợ sẽ phải trả trong tương lai, phân loại nhóm khả năng thu hồi của khoản nợ và giá trị tài sản bảo đảm (nếu có).

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá thực hiện định giá mua, bán nợ đối với mua bán nợ theo phương thức thỏa thuận, giá khởi điểm đối với mua, bán nợ phương thức bán đấu giá để Hội đồng mua, bán nợ quyết định.

Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 09/2015/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/07/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 877 đến số 878
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH