Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-LN/TT

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 1960

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHỤ CẤP THÂM NIÊN ĐẶC BIỆT

CHỦ NHIỆM TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành
- Các Khu, Ty Lâm nghiệp
- Các Lâm trường quốc doanh
- Các Cục, Vụ thuộc Tổng cục
- Bộ Lao động
- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
- Ban cán sự Công đoàn lâm nghiệp Việt Nam

Ban cán sự Công đoàn lâm nghiệp Việt Nam.

Căn cứ Thông tư số 24-LĐ/TT ngày 08-8-1960 của Bộ Lao động quy định nguyên tắc, nội dung chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt.

Tổng cục quy định thêm một số điểm như sau:

Ngoài những điều chung đã nêu trong Thông tư của Bộ Lao động, Tổng cục nói rõ thêm.

Ngành Lâm nghiệp công tác hiện đang phát triển và bao gồm nhiều nghề khác nhau, công tác trong những điều kiện khác nhau.Theo tinh thần Thông tư của Bộ Lao động cần đãi ngộ thích đáng và khuyến khích công nhân, viên chức, cán bộ hăng hái phục vụ lâu dài trong một số nghề có khó khăn thường xuyên và lâu dài. Điều kiện lao động nặng nhọc vất vả nguy hiểm hoặc do sinh hoạt vật chất, văn hóa thường xuyên không ổn định. Nên dù được chú ý cải tiến mà đời sống vẫn còn kém mức sinh hoạt của ngành nghề và khu vực khác.

Những trường hợp trên không phải là trường hợp chung cho toàn ngành Lâm nghiệp, nên trong quy định cụ thể không phải là cán bộ toàn ngành được hưởng. Do đó các địa phương phải chú ý tuyên truyền giải thích làm cho cán bộ công nhân nhận rõ mục đích ý nghĩa của chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt, để tránh tư tưởng bình quân so bì, ảnh hưởng không tốt đến đoàn kết nội bộ và việc thực hiện kế hoạch. Trái lại, phải nhận thấy rõ chính sách của Chính phủ trong điều kiện khó khăn đã có sự cố gắng cải tiến thêm một bước chế độ tiền lương, khiến cho những anh em được phụ cấp thâm niên đặc biệt phấn khởi, mà cán bộ, công nhân toàn ngành đều phấn khởi hăng hái làm tròn nhiệm vụ chung.

I. KIỆN VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP THÂM NIÊN ĐẶC BIỆT

Căn cứ vào những kiện chung đã quy định trong Thông tư của Bộ Lao động, Tổng cục quy định cụ thể như sau:

1. Cán bộ, công nhân các đội, tổ điều tra quy hoạch rừng (kể cả trung ương và địa phương).

2. Công nhân khai thác gỗ, củi, tre, nứa, than của xí nghiệp quốc doanh. (Riêng công nhân lái ô tô nếu ăn ở tại khu vực khai thác). Công nhân lấy lá cọ, song, mây nếu trong biên chế, điều kiện ăn ở như các loại công nhân nói trên cũng được hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt.

3. Cán bộ, công nhân kỹ thuật, nghiệp vụ của xí nghiệp thường xuyên trực tiếp hướng dẫn sản xuất trong rừng. Chịu mọi khó khăn gian khổ đặc biệt như công nhân ở đó cũng được hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt; dù cơ quan đóng ở ngoài khu vực rừng khai thác. Không kể cán bộ, nhân viên của Khu, Ty Lâm nghiệp thỉnh thoảng vào rừng kiểm tra hướng dẫn sản xuất.

4. Cán bộ, nhân viên cơ quan quản lý xí nghiệp đóng ở Ngã đôi Hà Tĩnh, Yên Cát Thanh Hóa. Vì cơ sở này do Lâm nghiệp trực tiếp xây dựng, chịu mọi điều kiện khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, có tính chất đặc biệt xa chợ, phố, huyện lỵ, thị trấn không có cơ sở phục vụ công cộng cho nhân dân như: mậu dịch, rạp chiếu bóng, rạp hát, bưu điện, v.v… thì cũng được hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt.

Các Khu, Ty Lâm nghiệp căn cứ vào tinh thần nói trên nghiên cứu thống nhất ý kiến với các Khu, Ty Lao động, đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh, khu quy định phụ cấp thâm niên đặc biệt cho công nhân và cán bộ, nhân viên cơ quan quản lý xí nghiệp các hạt, trạm lâm nghiệp, báo cáo cho Tổng cục biết. Đối với một số đối tượng khác điều kiện công tác giống như công nhân khai thác, điều tra rừng nhưng chưa được quy định trong Thông tư này, các Khu, Ty, xí nghiệp nghiên cứu xin ý kiến của Ủy ban hành chính địa phương và đề nghị về Tổng cục nghiên cứu quy định sau.

II. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

Như trong Thông tư của Bộ Lao động quy định và hướng dẫn, Tổng cục nhắc thêm:

1. Phải coi trọng công tác phổ biến học tập Thông tư của Bộ Lao động và Tổng cục, làm cho mỗi cán bộ, công nhân nhận rõ ý nghĩa, mục đích, nội dung của chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt, động viên tinh phấn khởi của mọi người, đoàn kết giúp đỡ nhau tích cực sản xuất. Tránh tình trạng so bì tỵ nạnh, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến sản xuất.

2. Việc viết bản tự kê khai phải xác định rõ trách nhiệm cho mọi người tự nguyện, tự giác kê khai cho đúng. Sau khi anh em kê khai xong xí nghiệp thu lại xét và thẩm tra thật kỹ, chỗ nào không rõ phải điều tra xác minh.

3. Nghiên cứu nắm vững tiêu chuẩn quy định đối tượng từng loại để chuẩn bị xét duyệt cho nhanh chóng.

4. Việc xét duyệt để cấp sổ:

- Những cán bộ, công nhân, viên chức đủ tiêu chuẩn được hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt của các cơ quan xí nghiệp thuộc Khu, Ty quản lý, thì Khu, Ty xét và báo cáo cho Tổng cục tham gia ý kiến trước khi đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh quyết định.

- Những cán bộ, công nhân, viên chức đủ tiêu chuẩn được hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt của các xí nghiệp lâm nghiệp quốc doanh do trung ương quản lý, thì lâm trường xét đề nghị Tổng cục quyết định.

5. Các địa phương chuẩn bị tiền khi duyệt xong có thể cấp phát cho anh em ngay được.

III. THỜI GIAN TIẾN HÀNH

Khi nhận được Thông tư này các Khu, Ty, lâm trường phổ biến cho cán bộ, công nhân học tập Thông tư của Bộ Lao động và Thông tư của Tổng cục. Xong sẽ căn cứ vào Thông tư số 1242-LĐ/TL ngày 20-8-1960 của Bộ Lao động hướng dẫn cho anh em viết bản tự kê khai cho đúng (theo biểu mẫu). Đồng thời xí nghiệp và Khu, Ty xác minh tờ khai.

Lập danh sách đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt. Làm bản thống kê từng loại theo tỷ lệ phần trăm, cử cán bộ mang về Khu, Ty xét và đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh quyết định. Các lâm trường thì Giám đốc xét và đề nghị Tổng cục quyết định.

Đầu tháng 1-1961 các Khu, Ty, lâm trường cử cán bộ về Tổng cục lĩnh sổ phụ cấp “Thâm niên đặc biệt” về phát cho anh em đến 28-2-1961 phải xong, từ 28 tháng 2 đến 15-3-1961 các Khu, Ty, lâm trường báo cáo tình hình kết quả thực hiện cấp phát về Tổng cục.

Chủ trương quy định chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt lần này là bước đầu. Các địa phương cần nghiên cứu kỹ phổ biến cho anh em, làm cho anh em thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, càng phấn khởi, hăng hái thi đua hoàn thành nhiệm vụ của mình, để góp phần xây dựng ngành ta ngày càng lớn mạnh.

Trong khi thi hành có khó khăn mắc mứu gì các Khu, Ty, lâm trường phản ảnh ngay về Tổng cục, để Tổng cục kịp thời góp ý kiến giải quyết.

CHỦ NHIỆM TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP




Nguyễn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08-LN/TT năm 1960 hướng dẫn thi hành phụ cấp thâm niên đặc biệt do Tổng Cục Lâm Nghiệp ban hành.

  • Số hiệu: 08-LN/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/12/1960
  • Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 55
  • Ngày hiệu lực: 31/12/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản