Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-NN/TL/TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 1972

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THÂM NIÊN ĐẶC BIỆT CHO CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC THUỘC CÁC ĐỘI KHẢO SÁT, ĐO ĐẠC THỔ NHƯỠNG,QUY HOẠCH VÙNG NÔNG NGHIỆP THUỘC ỦY BAN NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

CHỦ NHIỆM ỦY BAN NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Năm 1960 trong việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương, Chính phủ đã có quyết định đặt một khoản phụ cấp thâm niên cho một số ngành nghề mà điều kiện lao động và sinh hoạt đặc biệt khó khăn. Ngày 08 tháng 08 năm 1960 Bộ Lao động ban hành thông tư số 24-LĐ/TT quy định nguyên tắc, nội dung chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt cho một số ngành nghề trong nền kinh quốc dân.

Căn cứ quyết định của Hội đồng Chính phủ, được sự thoả thuận của Bộ Lao động (công văn số 181-LĐ/TL ngày 13-02-1972), Ủy ban Nông nghiệp trung ương ra thông tư này quy định thi hành chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt cho công nhân, viên chức làm công tác khảo sát thủy địa chất, đo đạc thổ nhưỡng, quy hoạch vùng nông nghiệp thuộc Ủy ban Nông nghiệp trung ương.

Những công nhân, viên chức trong các đoàn, đội khảo sát thủy địa chất, đo đạc thổ nhưỡng, quy hoạch thường xuyên phải công tác lưu động, phần nhiều ở vùng rừng núi, do tính chất công tác nặng nhọc và điều kiện sinh hoạt vật chất, văn hóa không ổn định, dù đã được cải tiến nhưng vẫn kém so với công nhân, viên chức làm các nghề khác. Việc thi hành chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt cho các đối tượng trên là cần thiết nhằm đãi ngộ một cách thích đáng; khuyến khích công nhân, viên chức hăng hái phục vụ lâu dài trong những ngành nghề đó.

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP THÂM NIÊN

Những công nhân, viên chức trong biênchế Nhà nước làm các nghề sau đây được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt: công nhân, viên chức làm công tác ở các đội khảo sát, thủy địa chất, đo đạc thổ nhưỡng, quy họach vùng nông nghiệp.

II. NGUYÊN TẮC ĐỊNH PHỤ CẤP VÀ MỨC PHỤ CẤP

1. Nguyên tắc định phụ cấp thâm niên đặc biệt.

a) Những công nhân, viên chức càng phục vụ được nhiều năm trong nghề thì càng được khuyến khích nhiều hơn.

b) Phụ cấp định mức theo lương cấp bậc hay chức vụ của công nhân, viên chức tùy theo thời gian làm việc trong nghề.

2. Mức phụ cấp.

Mức phụ cấp thống nhất thi hành theo thông tư số 24-LĐ/TT ngày 8-8-1960 của Bộ Lao động quy định:

Thời gian phục vụ:

Tỷ lệ phụ cấp

Từ 3 năm đến 6 năm:

5% lương cấp bậc

Từ trên 6 năm đến 9 năm:

8% nt

Từ trên 9 năm đến 12 năm:

11% nt

Trên 12 năm:

15% nt

III. CÁCH TÍNH PHỤ CẤP THÂM NIÊN

Thời gian được tính thâm niên và cách tính phụ cấp căn cứ vào thông tư số 24-LĐ/TT ngày 08-08-1960 của Bộ Lao động hướng dẫn.

Những công nhân, viên chức thuộc các đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt phải làm đúng thủ tục hướng dẫn ở công văn số 1242-LĐ/TL ngày 20-8-1960 của Bộ Lao động.

IV. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

Các đơn vị có công nhân, viên chức được hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt tổ chức giải thích ý nghĩa, mục đích chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt, làm cho mọi người thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ để có trách nhiệm xây dựng nghề nghiệp của mình.

Đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt được cấp một quyển sổ (quy cách về nội dung theo hướng dẫn của công văn số 1242-LĐ/TL ngày 20-08-1960 của Bộ Lao động). Những công nhân, viên chức chưa xác định rõ ràng được thời gian thâm niên công tác thì cơ quan có trách nhiệm phải thẩm tra rõ ràng rồi mới cấp sổ.

Để Ủy ban theo dõi và quản lý chặt chẽ việc thi hành chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt cho công nhân, viên chức, các đơn vị phải lập kế hoạch dự toán hàng năm, và sau mỗiquý thực hiện, báo cáo về Ủy ban một lần, (Vụ Lao động nông nghiệp và lao động tiền lương) theo mẫu hướng dẫn ở công văn số 1242 của Bộ Lao động.

Thông tư này hướng dẫn và quy định cụ thể một số đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đặc biệt thuộc Ủy ban Nông nghiệp trung ương.

Thông tư này thi hành kể từ ngày 01 tháng 03 năm 1972. Trong khi thi hành có gì khó khăn, trở ngại hoặc chưa rõ điểm nào, đề nghị đơn vị phát hiện, phản ảnh đến Ủy ban Nông nghiệp trung ương (Vụ Lao động nông nghiệp và lao động tiền lương) biết để giải quyết.

KT. CHỦ NHIỆM ỦY BAN NÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG
ỦY VIÊN




Lê Duy Trinh