Điều 3 Thông tư 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giám sát ngân hàng bao gồm giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô.
2. Giám sát an toàn vi mô là hình thức giám sát an toàn đối với từng đối tượng giám sát vi mô.
3. Giám sát an toàn vĩ mô là hình thức giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
4. Đối tượng giám sát ngân hàng bao gồm:
a) Đối tượng giám sát an toàn vi mô bao gồm:
(i) Tổ chức tín dụng, trừ ngân hàng chính sách thực hiện theo các quy định của pháp luật;
(ii) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
(iii) Chi nhánh của tổ chức tín dụng. Đối với phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân thì giám sát thông qua quỹ tín dụng nhân dân. Đối với phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng khác thì giám sát chung thông qua chi nhánh quản lý phòng giao dịch đó;
(iv) Đối tượng khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
b) Đối tượng giám sát an toàn vĩ mô là hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó bao gồm nhóm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống và nhóm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân theo loại hình hoạt động, loại hình sở hữu.
5. Đơn vị thực hiện giám sát an toàn vi mô là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, được giao nhiệm vụ giám sát an toàn vi mô theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật.
6. Đơn vị thực hiện giám sát an toàn vĩ mô là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, được giao nhiệm vụ giám sát an toàn vĩ mô theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật.
7. Giám sát tuân thủ là việc xem xét, theo dõi, phân tích, nhận định (sau đây gọi tắt là phân tích, nhận định) về tình hình tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn hoạt động ngân hàng, các quy định khác của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; tình hình thực hiện chỉ đạo, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định tại khoản 9 Điều này.
8. Giám sát tăng cường là giám sát an toàn vi mô áp dụng đối với đối tượng giám sát an toàn vi mô thông qua việc bổ sung một số nội dung giám sát, tần suất báo cáo theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đối với từng trường hợp cụ thể.
9. Chỉ đạo, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với đối tượng giám sát ngân hàng là việc Ngân hàng Nhà nước (hoặc Ngân hàng Nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác đề nghị) chỉ đạo, yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng thực hiện một số nội dung, công việc tại các văn bản sau đây:
a) Kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán, kết quả kiểm tra, quyết định xử lý về thanh tra;
b) Văn bản khuyến nghị, cảnh báo trong giám sát ngân hàng;
c) Văn bản khác của Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu nội dung, công việc cụ thể.
10. Giám sát rủi ro là việc phân tích, nhận định về tình hình rủi ro (bao gồm cả rủi ro hệ thống) để cảnh báo, khuyến nghị đối với đối tượng giám sát ngân hàng.
11. Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất (tổn thất tài chính, tổn thất phi tài chính) làm giảm doanh thu, vốn tự có dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
12. Rủi ro hệ thống là khả năng xảy ra tổn thất lan truyền từ sự gián đoạn hoạt động, đổ vỡ của một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài riêng lẻ tới hệ thống hoặc nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, làm gián đoạn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
13. Khủng hoảng hệ thống ngân hàng là sự đổ vỡ ngân hàng mang tính hệ thống, xảy ra khi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán, phá sản. Khủng hoảng hệ thống ngân hàng thường gắn liền với sự rút tiền đột ngột của người gửi tiền lan rộng trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
14. Tiếp xúc đối tượng giám sát ngân hàng là việc đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng giải trình, cung cấp tài liệu chứng minh tính chính xác, đầy đủ của tài liệu, thông tin, báo cáo và làm rõ những vấn đề có liên quan đến rủi ro và việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động tiền tệ, ngân hàng phục vụ hoạt động giám sát ngân hàng.
15. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà khi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài này mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán, phá sản thì có khả năng gây tác động tiêu cực lên toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và/hoặc gây ra rủi ro hệ thống làm gián đoạn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ nền kinh tế.
16. Quản lý cơ sở dữ liệu là việc xây dựng, cập nhật, duy trì đáp ứng các yêu cầu truy cập, sử dụng tài liệu, thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động giám sát ngân hàng.
17. Sổ tay giám sát ngân hàng là tài liệu hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành, tối thiểu bao gồm các nội dung sau:
a) Thu thập, tổng hợp, xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu;
b) Hướng dẫn về hoạt động giám sát;
c) Các công cụ hỗ trợ giám sát;
d) Các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng;
đ) Hồ sơ giám sát ngân hàng.
18. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thông tư 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 08/2022/TT-NHNN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/06/2022
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Đoàn Thái Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 627 đến số 628
- Ngày hiệu lực: 01/09/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc giám sát ngân hàng
- Điều 5. Trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng
- Điều 6. Quản lý, lưu trữ tài liệu, thông tin, dữ liệu
- Điều 7. Thu thập tài liệu, thông tin, dữ liệu
- Điều 8. Xử lý, cập nhật, tổng hợp tài liệu, thông tin, dữ liệu
- Điều 9. Nội dung giám sát an toàn vi mô đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
- Điều 10. Nội dung giám sát an toàn vi mô đối với chi nhánh của tổ chức tín dụng
- Điều 11. Giám sát tăng cường
- Điều 12. Lập báo cáo giám sát an toàn vi mô và đề xuất, thực hiện biện pháp xử lý
- Điều 13. Hồ sơ giám sát an toàn vi mô
- Điều 16. Lập báo cáo giám sát an toàn vĩ mô và đề xuất, thực hiện biện pháp xử lý
- Điều 17. Hồ sơ giám sát an toàn vĩ mô
- Điều 18. Hình thức tiếp xúc đối tượng giám sát ngân hàng
- Điều 19. Yêu cầu giải trình bằng văn bản
- Điều 20. Làm việc trực tiếp
- Điều 21. Các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng
- Điều 22. Khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng
- Điều 23. Áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng
- Điều 24. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng
- Điều 25. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
- Điều 26. Trách nhiệm của đơn vị thực hiện giám sát an toàn vi mô
- Điều 27. Trách nhiệm của đơn vị thực hiện giám sát an toàn vĩ mô
- Điều 28. Trách nhiệm của các đơn vị khác có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước
- Điều 29. Trách nhiệm của đối tượng giám sát ngân hàng