Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07TT-LB

Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 1962

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC MIỄN GIẢM TIỀN LÂM SẢN ĐỐI VỚI GỖ CÀNH NGỌN

Để đẩy mạnh việc tận dụng gỗ cành ngọn cung cấp cho nhu cầu kiến thiết trong nước và xuất khẩu, phục vụ cho nhu cầu của nhân dân về gỗ, củi, ngày 29-10-1958, Bộ nông lâm đã ban hành chỉ thị số 816-NL-LN giảm tiền lâm sản từ 25% đến 75% đối với gỗ cành ngọn. Lúc ra chỉ thị này, Bộ Nông lâm đã thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính.

Từ trước tới nay các địa phương đã thi hành chỉ thị trên nên đã có tác dụng thúc đẩy sản xuất, tăng thêm sản phẩm cho xã hội, mặt khác cũng đã đẩy mạnh tái sinh rừng và giảm bớt sâu bệnh trong năm 1961 và 1962, Tổng cục Lâm nghiệp đã có chỉ thị nhắc nhở các địa phương thi hành đúng chỉ thị số 816 NL-LN của Bộ Nông lâm và cụ thể hóa một số điểm. Lúc lập ngân sách 1962, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã căn cứ theo tinh thần miễn giảm tiền lâm sản của chỉ thị này để dự tính số tiền lãi phải nạp cho Nhà nước, và trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã tính tỷ lệ điều tiết đủ đảm bảo thăng bằng ngân sách địa phương.

Nhưng hiện nay có một số tỉnh chưa chấp hành đầy đủ chỉ thị số 816 NL-LN của Bộ Nông lâm, chưa vận dụng tốt chính sách thu để đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm tài nguyên mà lo ngại nếu miễn giảm thì nguồn thu của ngân sách địa phương sẽ bị hụt, do đó đã làm ảnh huởng đến sản xuất gỗ cành ngọn, bỏ phí trong rừng, trong khi đó nhân dân thiếu gỗ củi, nhất là ở các thành phố lớn.

Để khuyến khích việc khai thác gỗ cành ngọn, chấp hành nghiêm chỉnh Nghị định số 10-CP ngày 26-04-1960 của Hội đồng Chính phủ về chế độ tiết kiệm bảo quản và sử dụng gỗ liên Bộ Tổng cục lâm nghiệp - Tài chính ra thông tư này nhắc các địa phương tinh thần chỉ thị số 816 NL-LN và quy định cụ thể việc miễn giảm tiền lâm sản đối với gỗ cành ngọn như sau:

1. Gỗ cành ngọn dùng vào tạo tác (công trình xây dựng) hoặc nguyên liệu cho thủ công nghiệp, công nghiệp như đã quy định trong nghị định số 10CP nói trên và các văn bản phụ thuộc, được miễn hẳn tiền lâm sản.

2. Gỗ cành ngọn, gỗ sâu bệnh, gỗ có bộng dùng vào sản xuất ván sàn, sản xuất bán thành phẩm (chân bàn, nông cụ, ngư cụ, sơ chế) được giảm 70% tiền lâm sản, chỉ thu 30% trên tiêu chuẩn quy định cho gỗ thân cây.

3. Gỗ cành ngọn dùng để đốt than, thì thu tiền lâm sản theo tấn than và được miễn giảm như sau:

- Than ủ và than hoa không thu tiền lâm sản.

- Than hầm thu 40% (giảm 60%) trên chỉ tiêu quy định hiện nay cho một tấn than.

4. Gỗ cành ngọn dùng làm củi theo đúng quy định của nghị định số 10-CP và các văn bản phụ thuộc, được miễn hẳn tiền lâm sản.

Lúc lập kế hoạch thu tiền lâm sản năm 1962 gửi về các địa phương, Tổng cục Lâm nghiệp đã căn cứ theo tinh thần miền giảm trên đây, nên các địa phương không sợ ảnh hưởng đến ngân sách của địa phương. Các quy định miễn giảm trên được thi hành kể từ ngày 01-10-1962.

Yêu cầu các Ủy ban hành chính các tỉnh, các ty Tài chính các ty Lâm nghiệp, các Lâm trường khai thác thi hành nghiêm chỉnh thông tư này của Liên bộ.

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

KT.TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
TỔNG CỤC PHÓ





Nguyễn Văn Phương

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 07TT-LB năm 1962 về việc miễn giảm tiền lâm sản đối với gỗ cành ngọn do Tổng Cục Lâm Nghiệp- Bộ Tài Chính ban hành.

  • Số hiệu: 07TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/07/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp
  • Người ký: Trịnh Văn Bính, Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản