Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-NV/CB

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 1958

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VỀ VIỆC THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 43-NV/TT NGÀY 30-11-1957 ĐẶT CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CHO CÁN BỘ HOẠT ĐỘNG MIỀN NÚI

Kính gửi:

Ủy ban Hành chính Khu Việt Bắc

Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái Mèo

Ủy ban Hành chính Liên khu 4

Ủy ban Hành chính Liên khu 3(Hòa Bình)

Ủy ban Hành chính Khu Lao Hà Yên

Ủy ban Hành chính Khu Hồng Quảng

Ủy ban Hành chính các tỉnh Hải Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang.

Trong Thông tư số 43-NV/TT của Liên bộ Nội vụ Tài chính ngày 30-11-1957 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đối với cán bộ nhân viên hoạt động ở Miền núi có điểm chưa cụ thể và theo sự phản ảnh của các địa phương, sau khi trao đổi với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cần giải thích để các địa phương thi hành cho được thống nhất.

PHỤ CẤP ĐI ĐƯỜNG

Trong Thông tư quy định từ xã này sang xã khác được tính công tác phí, những ngày lưu trú ở xã công tác không tính phụ cấp đi đường. Như vậy đi công tác từ xã xuống thôn không có phụ cấp đi đường mặc dù có chặng đường đi công tác từ xã xuống thôn phải đi mất 1 hoặc 2 ngày đường. Nếu mở rộng phụ cấp đi đường từ xã xuống thôn sẽ tốn kém rất nhiều cho ngân quỹ.

Quy định chặng đường như thế nào để tính công tác phí? Chặng đường để quy định đi bộ một buổi hay một ngày không căn cứ vào cây số hay ăn cơm ngoài cơ quan mà phải căn cứ vào thực tế của đường đó đi lại dễ dàng hay khó khăn để quy định. Ví dụ có thể có quãng đường đi dài chừng 10 cây số nhưng phải leo đèo dốc nên phải đi hết một buổi, nhưng cũng có chặng đường trên 12 hay 14 cây số nhưng chỉ đi hết 3 tiếng đồng hồ trở lại không hết một buổi thì không tính công tác phí. Thế nào là chặng đường đi hết một buổi hay một ngày, tạm quy định là quãng đường đó với sức đi trung bình phải đi từ 4 đến 5 giờ gọi là một buổi, không cần đi đến 4 giờ thì thôi, quãng đường phải đi với sức trung bình từ 8 giờ trở lên thì tính một ngày.

Ủy ban Hành chính các tỉnh cùng với Ủy ban huyện có Miền núi căn cứ vào tinh thần trên mà quy định chặng đường cho địa phương mình được sát đúng hơn.

ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH CÁN BỘ

Gia đình cán bộ nhân viên đến thăm được cơ quan chiêu đãi mỗi năm một lần từ 1 đến 3 người và trong thời gian 7 ngày nay giải thích thêm như sau:

Trong mỗi năm nếu có cha mẹ đẻ, vợ con hoặc chồng của cán bộ nhân viên đến thăm thì cơ quan chỉ chiêu đãi một lần mà thôi, mặc dù lần đầu đó không đủ 3 người và thời gian dưới 7 ngày, chứ không có nghĩa là phải chiêu đãi đủ 21 ngày và mấy lần cũng được. Ví dụ: Anh A lần thứ nhất trong năm có 1 người vợ đến thăm và ở lại 3 ngày và được cơ quan chiêu đãi rồi, lần thứ hai cũng trong năm ấy ông bố đến thăm nữa thì người cán bộ tự đài thọ lấy, chứ cơ quan không thanh toán tiền ăn nữa.

Trong Thông tư đã quy định rõ gia đình cán bộ là bố mẹ đẻ, vợ con hoặc chồng và anh chị em ruột đến thăm thì được chiêu đãi, ngoài những người trên thì cơ quan không chiêu đãi mà người cán bộ tự giải quyết lấy, các địa phương không nên mở rộng tiêu chuẩn gia đình đến thăm ngoài sự quy định trong Thông tư của Liên bộ.

Nếu vợ, chồng hoặc cha mẹ cũng đều công tác có lương đến thăm thì không có hưởng chế độ chiêu đãi.

Cán bộ, nhân viên không phân biệt ở trong tập thể hay ở nhà riêng nếu có cha mẹ đẻ, vợ con hoặc chồng và chị em ruột đến thăm đều được hưởng chế độ chiêu đãi mỗi năm một lần.

Gia đình cán bộ đến thăm thì cơ quan và người cán bộ nên cố gắng thu xếp chỗ ăn ngủ cho gia đình, chứ không giải quyết tiền trọ cho gia đình cán bộ đến thăm.

Thông tư số 43-NV/TT ngày 30-11-1957 chỉ áp dụng cho cán bộ công nhân viên trong biên chế kể cả cán bộ Kinh và dân tộc từ huyện, châu trở lên cụ thể là cho cán bộ nhân viên các cơ quan hành chính và sự nghiệp trong biên chế. Còn đối với cán bộ công nhân viên trong biên chế các công trường xí nghiệp và doanh nghiệp thì không áp dụng Thông tư này.

Cán bộ nhân viên ở miền xuôi trong biên chế hành chính và sự nghiệp lên công tác tạm thời ở Miền núi không phải điều hẳn cho địa phương thì được hưởng phụ cấp đi đường và chế độ bồi dưỡng ốm đau như đã quy định cho cán bộ hoạt động Miền núi trong Thông tư 43-NV/TT, còn các chế độ khác không giải quyết.

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
PHÓ GIÁM ĐỐC VỤ CÁN BỘ




Vũ Công Phụ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 07-NV/CB năm 1958 giải thích Thông tư 43-NV/TTvề chế độ phụ cấp cho cán bộ hoạt động Miền núi do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 07-NV/CB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/02/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Vũ Công Phụ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản