Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2022/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2022

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN BÀN GIAO, TIẾP NHẬN, XỬ LÝ CÁC KHOẢN NỢ VÀ TÀI SẢN LOẠI TRỪ KHI CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU DOANH NGHIỆP, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ THEO CHỈ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;

Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 ngày 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;

Căn cứ Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và các khoản nợ, tài sản tiếp nhận, xử lý theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Mua bán nợ).

2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi sở hữu theo hình thức cổ phần hóa hoặc bán doanh nghiệp có nợ phải thu và tài sản loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp thuộc diện bàn giao về Công ty Mua bán nợ theo quy định của pháp luật.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa có nợ loại trừ bàn giao về Công ty Mua bán nợ theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định tại Thông tư này bao gồm:

a) Đối với doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu:

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

b) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần:

Cơ quan đại diện chủ sở hữu là cơ quan quyết định công bố giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi theo quy định tại Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Nghị định số 150/2020/NĐ-CP) và các văn bản sửa đổi, bổ sung và thay thế (nếu có).

5. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ.

6. Doanh nghiệp, tổ chức đang giữ hộ tài sản, nợ loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

7. Doanh nghiệp, tổ chức có nợ và tài sản bàn giao theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. “Nợ và tài sản loại trừ” là các khoản nợ, tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sở hữu theo quy định của pháp luật, được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trong quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng bàn giao về Công ty Mua bán nợ theo quy định về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

2. “Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã chính thức chuyển đổi” là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu để chính thức hoạt động theo mô hình mới sau khi thực hiện chuyển đổi sở hữu.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. BÀN GIAO, TIẾP NHẬN NỢ VÀ TÀI SẢN

Điều 4. Nguyên tắc bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản

1. Các khoản nợ và tài sản loại trừ khi bàn giao, tiếp nhận phải đảm bảo có đầy đủ hồ sơ (đối với nợ), có hiện vật (đối với tài sản). Trường hợp nợ không có đủ hồ sơ và tài sản không còn hiện vật thì Công ty Mua bán nợ có văn bản gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thông báo lý do không tiếp nhận để doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục quản lý, theo dõi hoặc xử lý theo quy định hiện hành về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.

2. Việc bản giao, tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ được thực hiện căn cứ vào quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập. Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu cụ thể giá trị nợ và tài sản loại trừ, làm căn cứ để Công ty Mua bán nợ thực hiện tiếp nhận.

3. Khi bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Công ty Mua bán nợ và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phái lập Biên bản bàn giao theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Thông tư này, có chữ ký xác nhận của các bên. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể ủy quyền (bằng văn bản) cho Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc hoặc Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có nợ và tài sản loại trừ để thực hiện bàn giao cho Công ty Mua bán nợ.

4. Trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp, giá trị đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Nếu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập chưa ký Biên bản bàn giao nợ và tài sản loại trừ với Công ty Mua bán nợ thì thực hiện bàn giao nợ và tài sản loại trừ theo quyết định công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Nếu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã ký Biên bản bàn giao nợ và tài sản loại trừ với Công ty Mua bán nợ theo quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản đề nghị Công ty Mua bán nợ thông báo hiện trạng của các khoản nợ và tài sản loại trừ đã tiếp nhận theo Biên bản bàn giao theo tiêu chí: đã xử lý, thu hồi và chưa xử lý, thu hồi trước khi công bố quyết định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Công ty Mua bán nợ có văn bản trả lời cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trường hợp các khoản nợ và tài sản loại trừ đã được Công ty Mua bán nợ xử lý, thu hồi thì không thực hiện điều chỉnh lại Biên bản bàn giao theo quyết định công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp. Trường hợp các khoản nợ và tài sản loại trừ chưa hoàn thành việc xử lý, thu hồi thì thực hiện điều chỉnh Biên bản bàn giao theo quyết định công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Công ty Mua bán nợ có văn bản trả lời về hiện trạng các khoản nợ và tài sản loại trừ đã tiếp nhận, các bên phải hoàn tất việc điều chỉnh Biên bản bàn giao.

5. Công ty Mua bán nợ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của chủ nợ, chủ tài sản đối với nợ và tài sản tiếp nhận theo quy định kể từ ngày ký Biên bản bàn giao. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký Biên bản bàn giao, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm thông báo với bên nợ và các cơ quan liên quan về việc chuyển giao quyền chủ nợ cho Công ty Mua bán nợ.

6. Đối với các khoản nợ và tài sản tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Công ty Mua bán nợ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức có nợ và tài sản thực hiện bàn giao, tiếp nhận, xử lý như đối với nợ, tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu và phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, Công ty Mua bán nợ đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức có nợ và tài sản xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp vượt thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

7. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện xử lý tài chính đối với nợ và tài sản loại trừ theo quy định của pháp luật đối với từng hình thức chuyển đổi sở hữu.

Điều 5. Nội dung bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản

1. Nợ và tài sản loại trừ bàn giao, tiếp nhận là các khoản nợ, tài sản loại trừ theo quy định tại khoản 4 Điều 10, khoản 2 Điều 14, khoản 2 và khoản 3 Điều 15 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP); điểm b khoản 9 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định số 140/2020/NĐ-CP); khoản 3 Điều 15, điểm đ khoản 2 Điều 19, khoản 3 Điều 27 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP; điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị định số 148/2021/NĐ-CP), trong đó:

a) Đối với nợ bàn giao: doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện phân loại các khoản nợ phải thu theo tiêu thức bên nợ còn tồn tại và không còn tồn tại kèm theo danh mục các khoản nợ và hồ sơ có liên quan (bao gồm cả thông tin về hiện trạng từng bên nợ).

b) Đối với tài sản bàn giao: doanh nghiệp tiến hành phân loại tài sản (kèm theo các hồ sơ liên quan, có miêu tả tình trạng tài sản) theo các tiêu thức sau:

- Tài sản có giá trị thu hồi, có thể khai thác sử dụng hoặc có thể bán được.

- Tài sản không có giá trị thu hồi, không bán được, cần phá dỡ, hủy bỏ.

2. Đối với các khoản nợ loại trừ thu hồi được trước khi thực hiện bàn giao cho Công ty Mua bán nợ, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm nộp về Công ty Mua bán nợ sau khi trừ đi chi phí được hưởng theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

3. Đối với các tài sản loại trừ, trước khi thực hiện bàn giao cho Công ty Mua bán nợ, doanh nghiệp không được tự xử lý khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Công ty Mua bán nợ.

Trường hợp doanh nghiệp tự xử lý tài sản khi chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu và Công ty Mua bán nợ chấp thuận, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định, đồng thời thông báo cho Công ty Mua bán nợ. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp về Công ty Mua bán nợ toàn bộ số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản và không được trừ chi phí xử lý tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này. Chi phí xử lý tài sản của doanh nghiệp không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

4. Đối với nợ và tài sản tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Công ty Mua bán nợ thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 129/2020/NĐ-CP).

Điều 6. Trình tự, thủ tục bàn giao, tiếp nhận

1. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị Công ty Mua bán nợ phối hợp bàn giao, tiếp nhận:

a) Đối với nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập:

Nợ và tài sản loại trừ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập: Trong thời gian tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm bảo quản, phân loại nợ, tài sản và tập hợp các hồ sơ có liên quan theo quy định, đồng thời có văn bản đề nghị Công ty Mua bán nợ (đồng gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu) phối hợp, tiến hành các thủ tục giao nhận.

- Nợ và tài sản loại trừ tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần: Trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định phê duyệt quyết toán phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tập hợp hồ sơ các khoản nợ, tài sản loại trừ bàn giao theo quy định và có văn bản đề nghị Công ty Mua bán nợ (đồng gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu) phối hợp, tiến hành các thủ tục giao nhận.

b) Đối với nợ và tài sản tiếp nhận theo chỉ định:

Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức có nợ và tài sản bàn giao tập hợp các hồ sơ có liên quan, đồng thời có văn bản đề nghị Công ty Mua bán nợ (đồng gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp, tổ chức có nợ và tài sản) phối hợp, tiến hành các thủ tục giao nhận.

2. Công ty Mua bán nợ phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập để hoàn tất các thủ tục bàn giao, tiếp nhận trong thời gian tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập kèm theo danh mục tài sản và các khoản nợ (kèm theo đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến các khoản nợ) nêu tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này. Trường hợp chưa nhận đủ hồ sơ, tài liệu theo danh mục, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, tài liệu, Công ty Mua bán nợ có văn bản đề nghị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập bổ sung đầy đủ hồ sơ, tài liệu. Trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Công ty Mua bán nợ, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm gửi bổ sung đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho Công ty Mua bán nợ.

3. Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đối với nợ và tài sản tiếp nhận theo chỉ định); quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; quyết định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; quyết định phê duyệt quyết toán phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập chính thức chuyển thành công ty cổ phần và hồ sơ các khoản nợ, tài sản bàn giao, các bên lập Biên bản bàn giao theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Mục 2. XỬ LÝ NỢ VÀ TÀI SẢN TIẾP NHẬN

Điều 7. Xử lý nợ và tài sản đã tiếp nhận

1. Công ty Mua bán nợ thực hiện các hình thức xử lý nợ và tài sản loại trừ đã tiếp nhận theo quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và Quy chế tài chính của Công ty, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định hiện hành đối với từng hình thức xử lý nợ và tài sản. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất thì việc xử lý phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Đối với tài sản (bao gồm cả tài sản bảo đảm khoản nợ) có giá trị còn lại trên sổ sách kế toán từ 100 triệu đồng trở lên, Công ty Mua bán nợ thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá để tổ chức bán tài sản theo phương thức đấu giá theo quy định.

3. Đối với tài sản (bao gồm cả tài sản đảm bảo khoản nợ) có giá trị còn lại trên sổ sách kế toán dưới 100 triệu đồng, Công ty Mua bán nợ quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận theo giá không thấp hơn giá thị trường. Trường hợp tài sản không có giao dịch trên thị trường thì Công ty Mua bán nợ thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá để làm cơ sở bán tài sản và chịu trách nhiệm về việc quyết định giá bán tài sản.

4. Đối với tài sản tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trường hợp cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp độ nâng cao hiệu quả xử lý tài sản theo quy định, Công ty Mua bán nợ được sử dụng nguồn vốn kinh doanh để thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Số tiền thu hồi được sau khi trừ các chi phí phát sinh liên quan đến việc sửa chữa, nâng cấp tài sản, số còn lại được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

5. Đối với lô tài sản của 01 doanh nghiệp tại 01 địa chỉ:

a) Đối với lô tài sản bao gồm các tài sản có giá trị còn lại theo sổ sách kế toán dưới 100 triệu đồng, Công ty Mua bán nợ quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận theo giá không thấp hơn giá thị trường. Trường hợp trong lô có tài sản không có giao dịch trên thị trường thì Công ty Mua bán nợ thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá để làm cơ sở bán tài sản và Công ty Mua bán nợ chịu trách nhiệm về việc quyết định giá bán tài sản.

b) Đối với lô tài sản trong đó có tài sản có giá trị còn lại theo sổ sách kế toán từ 100 triệu đồng trở lên, Công ty Mua bán nợ thuê tổ chức định giá có chức năng thẩm định giá để thẩm định giá và thực hiện như sau:

- Trường hợp tổng giá trị theo kết quả thẩm định giá của lô tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, Công ty Mua bán nợ thực hiện bán đấu giá theo quy định.

- Trường hợp tổng giá trị theo kết quả thẩm định giá của lô tài sản dưới 100 triệu đồng, Công ty Mua bán nợ quyết định lựa chọn hình thức bán đấu giá hoặc bán thỏa thuận.

6. Giá khởi điểm để bán đấu giá hoặc bán thỏa thuận được xác định không thấp hơn giá thị trường hoặc giá do tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định (trong trường hợp thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá).

Trường hợp bán theo phương thức thỏa thuận mà có từ 02 người mua (là tổ chức, cá nhân) trở lên và trả mức giá bằng nhau thì thực hiện bỏ phiếu kín với giá khởi điểm là mức giá trả bằng nhau và người mua trả mức giá cao nhất là người được mua lô tài sản. Trường hợp người mua bỏ phiếu kín với mức giá bằng nhau thì tiếp tục bỏ phiếu kín đến khi có người mua trả mức giá cao hơn người mua còn lại theo nguyên tắc giá khởi điểm là mức giá đã trả bằng nhau của lần bỏ phiếu kín liền kề trước đó.

7. Một số trường hợp xử lý tài sản:

a) Trường hợp bán đấu giá tài sản không thành công, Công ty Mua bán nợ điều chỉnh giá khởi điểm theo quy định để tiếp tục bán đấu giá. Mức giảm tối đa không quá 10% giá khởi điểm của cuộc đấu giá không thành công liền kề trước đó.

b) Đối với tài sản không có giá trị thu hồi, tài sản cần phải hủy bỏ, tháo dỡ, Công ty Mua bán nợ phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hủy bỏ, tháo dỡ hoặc thuê tổ chức bên ngoài thực hiện hủy bỏ, tháo dỡ.

8. Trường hợp bên nợ thanh toán đủ nợ gốc trong vòng 12 tháng kể từ ngày bên nợ cam kết trả hết nợ gốc thì Công ty Mua bán nợ xem xét xóa nợ lãi chậm nộp (kể cả tiền lãi chậm thi hành án trong trường hợp có quyết định của Tòa án) sau khi bên nợ trả hết nợ gốc theo cam kết.

9. Đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi (bao gồm cả nợ xử lý trước thời điểm bàn giao) đã được Công ty Mua bán nợ theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán trên 10 năm (bao gồm cả thời gian doanh nghiệp theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán trước khi chuyển giao cho Công ty Mua bán nợ), Công ty Mua bán nợ báo cáo Bộ Tài chính có ý kiến trước khi Công ty Mua bán nợ quyết định loại trừ, không tiếp tục theo dõi trên sổ sách theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 17 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

10. Đối với nợ tiếp nhận theo chỉ định, Công ty Mua bán nợ căn cứ phương án xử lý nợ chỉ định được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các hình thức, nội dung xử lý nợ theo quy định tại Nghị định 129/2020/NĐ-CP để xử lý.

Điều 8. Xử lý tài sản mất mát, thiếu hụt trong quá trình giữ hộ

1. Đối với tài sản mất mát, thiếu hụt do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như: thiên tai, địch họa và các nguyên nhân bất khả kháng khác, có xác nhận của cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi Công ty Mua bán nợ (đối với doanh nghiệp chưa chính thức chuyển đổi) hoặc Ủy ban nhân dân xã (hoặc phường) tại nơi xảy ra mất mát, thiếu hụt tài sản (đối với doanh nghiệp đã chính thức chuyển đổi) thì doanh nghiệp giữ hộ tài sản không phải bồi thường. Công ty Mua bán nợ thực hiện loại trừ khỏi danh mục tài sản tiếp nhận tương ứng với số tài sản mất mát, thiếu hụt.

2. Đối với tài sản mất mát, thiếu hụt do các nguyên nhân không quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý bồi thường theo giá thị trường trên cơ sở giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá đối với tài sản tương tự (cùng chủng loại, cùng công suất). Trường hợp tại thời điểm xử lý bồi thường không có tài sản tương tự thì bồi thường theo giá trị còn lại trên sổ sách của tài sản. Trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền bồi thường, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền bồi thường cho Công ty Mua bán nợ để quản lý theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp tài sản đã hết khấu hao thì xác định giá trị bồi thường bằng 20% nguyên giá theo giá trị sổ sách của tài sản.

Trường hợp tài sản mất mát, thiếu hụt là nhà cửa vật kiến trúc tự xuống cấp, sụp đổ hoặc tài sản là vật tư, hàng hóa thuộc diện kém, mất phẩm chất do doanh nghiệp tự tháo dỡ, phá hủy, hủy bỏ để tránh ô nhiễm môi trường (có đầy đủ hồ sơ chứng minh) và doanh nghiệp có văn bản giải trình, cam kết chịu trách nhiệm về việc tự tháo dỡ, phá hủy, hủy bỏ, Công ty Mua bán nợ có văn bản đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp điều chỉnh giảm danh mục tài sản tương ứng tại Biên bản bàn giao.

Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Công ty Mua bán nợ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp phối hợp với Công ty Mua bán nợ ký Biên bản điều chỉnh danh mục tài sản giao nhận hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể ủy quyền cho doanh nghiệp ký Biên bản điều chỉnh danh mục tài sản giao nhận.

Trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp không ký Biên bản điều chỉnh thì trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày quá thời hạn trên, Công ty Mua bán nợ loại trừ không tiếp tục theo dõi những tài sản này và thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả tự xử lý tài sản.

3. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp về Công ty Mua bán nợ toàn bộ số tiền thu được từ thanh lý tài sản do tháo dỡ, phá hủy (nếu có) trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký Biên bản điều chỉnh danh mục tài sản giao nhận. Trường hợp chậm nộp, doanh nghiệp phải chịu thêm tiền lãi chậm nộp đối với toàn bộ số tiền nêu trên. Mức tính lãi chậm nộp bằng mức tính tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp không ký Biên bản điều chỉnh thì thời điểm bắt đầu tính lãi chậm nộp là sau 20 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp nhận được văn bản của Công ty Mua bán nợ đề nghị điều chỉnh danh mục tài sản.

4. Đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, Công ty Mua bán nợ được loại trừ không tiếp tục theo dõi trên sổ sách tương ứng với giá trị tài sản mất mát, thiếu hụt.

Mục 3. QUẢN LÝ TIỀN THU TỪ THU HỒI, XỬ LÝ NỢ VÀ TÀI SẢN

Điều 9. Sử dụng tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản

1. Công ty Mua bán nợ thực hiện quản lý tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản loại trừ đã tiếp nhận theo quy định tại Điều lệ, Quy chế tài chính của Công ty và quy định sau:

a) Trích 30% số tiền từ thu hồi nợ, bán tài sản đã tiếp nhận, nhận đền bù tài sản trên đất khi thu hồi đất để lại cho Công ty Mua bán nợ sử dụng nhằm bù đắp các chi phí phát sinh có liên quan như: tiếp nhận, tổ chức thu hồi, quản lý, khai thác, xử lý nợ và tài sản (bao gồm cả chi phí hủy bỏ, tháo dỡ tài sản), chi phí định giá, đấu giá và các chi phí khác có liên quan.

b) Trích 10% số tiền thu hồi nợ, xử lý tài sản tiếp nhận để chuyển trả doanh nghiệp nhằm bù đắp các chi phí quản lý, giữ hộ tài sản, thu hộ nợ, phối hợp, hỗ trợ để nhận đền bù tài sản trên đất khi thu hồi đất.

Trường hợp đưa tài sản tiếp nhận vào khai thác (góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết; cho thuê) thì thanh toán chi phí giữ hộ tài sản theo thực tế kể từ ngày ký Biên bản bàn giao nhưng không quá 10% giá trị thẩm định của tổ chức có chức năng thẩm định giá khi đưa tài sản vào khai thác.

2. Đối với tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

a) Trường hợp nguồn thu từ xử lý nợ và tài sản theo chỉ định không đủ để bù đắp chi phí thu hồi, xử lý nợ và tài sản, Công ty Mua bán nợ báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu của tổ chức có nợ và tài sản bàn giao xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định trong trường hợp vượt thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

b) Trường hợp Công ty Mua bán nợ tiếp nhận tài sản theo chỉ định để xử lý, thu hồi cho Nhà nước thì được hưởng phí xử lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính theo từng trường hợp cụ thể trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý tài sản cộng ( ) một phần chi phí quản lý.

3. Số tiền còn lại sau khi trừ các khoản được chi theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được nộp về ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP.

Trường hợp số tiền phải nộp dưới 100 triệu đồng theo từng lần phát sinh, Công ty Mua bán nợ tập hợp và nộp theo tháng (trong 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tháng liền kề trước đó).

Điều 10. Xử lý tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản trước khi bàn giao cho Công ty Mua bán nợ

1. Đối với tiền thu từ thu hồi nợ và xử lý tài sản loại trừ trước khi bàn giao cho Công ty Mua bán nợ, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm nộp vô Công ty Mua bán nợ trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày thu được tiền. Trong đó:

a) Trường hợp chậm nộp về Công ty Mua bán nợ, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu thêm tiền lãi chậm nộp đối với toàn bộ số tiền nêu trên. Mức lãi chậm nộp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư này.

Trường hợp có quyết định của Tòa án về nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Mua bán nợ (bao gồm cả nợ gốc và tiền lãi chậm nộp) thì doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quyết định của Tòa án và không được bù đắp chi phí theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

b) Tiền phạt chậm nộp quy định tại điểm a khoản này không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; doanh nghiệp chỉ được dùng nguồn lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp để bù đắp sau khi trừ đi các khoản bồi thường của các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm nộp (nếu có).

2. Đối với tiền thu được từ thu hồi nợ và xử lý tài sản loại trừ theo quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án, căn cứ số tiền thực tế thu hồi được, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập nộp về Công ty Mua bán nợ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thu được tiền. Trường hợp chậm nộp, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu thêm tiền lãi chậm nộp theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thanh toán đủ nợ gốc (gồm tiền thu hộ nợ và xử lý tài sản trước bàn giao) trong vòng 12 tháng kể từ ngày doanh nghiệp cam kết trả hết nợ gốc thì Công ty Mua bán nợ xem xét, xóa nợ lãi chậm nộp (kể cả tiền lãi chậm thi hành án trong trường hợp có quyết định của Tòa án) sau khi doanh nghiệp trả hết nợ gốc theo cam kết.

4. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức có nợ đã ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản, sau khi có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, quyết định phá sản của Tòa án, Công ty Mua bán nợ thực hiện theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán đối với số tiền thu từ thu hồi xử lý nợ và tài sản loại trừ trước khi bàn giao cho Công ty Mua bán nợ và xử lý theo quy định tại khoản 9 Điều 7 Thông tư này. Trường hợp quyết định của Tòa án xác định doanh nghiệp, tổ chức có nợ phá sản không có khả năng trả nợ cho Công ty Mua bán nợ thì Công ty Mua bán nợ được loại trừ không tiếp tục theo dõi trên sổ sách đối với giá trị không thu hồi được.

5. Trường hợp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thu được tiền từ thu hồi nợ và xử lý tài sản loại trừ trong thời gian từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đến trước ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thì doanh nghiệp có trách nhiệm nộp về Công ty Mua bán nợ trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố giá trị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp chậm nộp, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu thêm tiền lãi theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu

1. Chỉ đạo, giám sát doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sở hữu chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu và lập kế hoạch thực hiện bàn giao nợ, tài sản loại trừ; Giám sát việc thực hiện quản lý nợ và tài sản loại trừ khi chưa bàn giao về Công ty Mua bán nợ.

2. Tổ chức thực hiện việc bàn giao nợ và tài sản loại trừ theo quy định tại Thông tư này cho Công ty Mua bán nợ.

3. Chủ trì xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ không thuộc diện bàn giao cho Công ty Mua bán nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này sau khi nhận được văn bản thông báo của Công ty Mua bán nợ.

4. Chủ trì xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình bàn giao; xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân gây hư hỏng, mất mát tài sản loại trừ hoặc thanh lý, nhượng bán tài sản trước khi bàn giao nhưng chưa được chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Công ty Mua bán nợ.

5. Chủ trì, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền theo đề nghị của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và Công ty Mua bán nợ hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Điều 12. Trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập

1. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan, phân loại nợ và tài sản loại trừ để thực hiện bàn giao theo quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các hồ sơ, tài liệu này.

2. Tiếp tục giữ hộ tài sản theo đề nghị của Công ty Mua bán nợ và thông báo công khai đến các cổ đông (trong trường hợp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần) về việc tiếp tục giữ hộ tài sản nhà nước. Tổ chức quản lý, bảo quản, không để xảy ra mất mát, thiếu hụt tài sản trong quá trình giữ hộ tài sản.

3. Phối hợp với Công ty Mua bán nợ trong việc xử lý nợ và tài sản loại trừ đã bàn giao.

4. Thực hiện nộp tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản loại trừ trước khi bàn giao cho Công ty Mua bán nợ. Trường hợp còn tồn đọng số phải nộp về Công ty Mua bán nợ theo quy định tại Thông tư này, doanh nghiệp thực hiện nộp về Công ty Mua bán nợ trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày ký Biên bản bàn giao.

Điều 13. Trách nhiệm của Công ty Mua bán nợ

1. Thực hiện tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ theo quy định tại Thông tư này. Phối hợp với doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tiếp nhận, xử lý tài sản tiếp nhận thuộc nhóm cần phá dỡ, hủy bỏ.

2. Đôn đốc doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nộp tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản loại trừ trước khi bàn giao cho Công ty Mua bán nợ. Thông báo nợ lãi chậm nộp (nếu có), đối chiếu, đôn đốc thu hồi lãi chậm nộp của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Nộp tiền thu từ xử lý, thu hồi nợ và tài sản loại trừ về ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

4. Theo dõi, hạch toán nợ và tài sản loại trừ đã tiếp nhận theo quy định tại Quy chế tài chính của Công ty.

Điều 14. Trách nhiệm của bên nợ

1. Phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu, Công ty Mua bán nợ và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các thủ tục bàn giao các khoản nợ.

2. Thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Công ty Mua bán nợ kể từ ngày ký Biên bản bàn giao.

3. Phối hợp với Công ty Mua bán nợ thực hiện các hình thức xử lý nợ phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa thực hiện bàn giao nợ và tài sản loại trừ thì trong thời gian 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thông báo bằng văn bản đề nghị Công ty Mua bán nợ (đồng gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu) phối hợp, tiến hành các thủ tục tiếp nhận theo quy định tại Thông tư này.

2. Đối với tiền thu được từ thu hồi nợ và xử lý tài sản theo Quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập chưa nộp về Công ty Mua bán nợ thì doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 04 năm 2022 và thay thế Thông tư số 55/2019/TT-BTC ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 07/2022/TT-BTC hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 07/2022/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/02/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Đức Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản