Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 07/2009/TT-NHNN quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương 2.

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Vốn tự có

1. Vốn tự có của tổ chức tài chính quy mô nhỏ bao gồm:

1.1. Vốn cấp 1:

a) Vốn điều lệ;

b) Vốn của các tổ chức, cá nhân tài trợ không hoàn lại cho tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

c) Các quỹ theo quy định của Bộ Tài chính (Bao gồm: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; Quỹ dự phòng tài chính; Quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ);

d) Lợi nhuận không chia.

Vốn cấp 1 được dùng làm căn cứ để xác định giới hạn mua, đầu tư vào tài sản cố định của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

1.2. Vốn cấp 2:

a) 50% phần giá trị tăng thêm của tài sản cố định được định giá lại theo quy định của pháp luật;

b) Các khoản nợ của tổ chức tài chính quy mô nhỏ thỏa mãn những điều kiện sau:

- Là khoản nợ mà chủ nợ là thứ cấp so với các chủ nợ khác, cụ thể: trong mọi trường hợp, chủ nợ chỉ được thanh toán sau khi tổ chức tài chính quy mô nhỏ đã thanh toán cho tất cả các chủ nợ có bảo đảm và không có bảo đảm khác;

- Có kỳ hạn ban đầu tối thiểu trên 10 năm;

- Không được bảo đảm bằng tài sản của chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

- Tổ chức tài chính quy mô nhỏ được ngừng trả lãi và chuyển lãi lũy kế sang năm tiếp theo nếu việc trả lãi dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm bị lỗ;

- Chủ nợ chỉ được tổ chức tài chính quy mô nhỏ trả nợ trước hạn sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản;

- Việc điều chỉnh tăng lãi suất chỉ được thực hiện sau 5 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng và được điều chỉnh một lần trong suốt thời hạn của khoản vay.

c) Dự phòng chung, tối đa bằng 1,25% tổng tài sản “Có” rủi ro.

2. Giới hạn khi xác định vốn cấp 2:

2.1. Tổng giá trị vốn cấp 2 tối đa bằng 100% giá trị vốn cấp 1.

2.2. Tổng giá trị các khoản nợ quy định tại điểm 1.2.b Khoản 1 Điều này tối đa bằng 50% giá trị vốn cấp 1.

2.3. Trong thời gian 5 năm cuối cùng trước khi đến hạn thanh toán, các khoản nợ được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ mỗi năm 20% giá trị ban đầu.

3. Các khoản phải trừ khỏi vốn tự có:

3.1. Toàn bộ phần giá trị giảm đi của tài sản cố định do định giá lại theo quy định của pháp luật.

3.2. Khoản lỗ kinh doanh, bao gồm cả các khoản lỗ lũy kế.

Điều 4. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu

1. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải duy trì tỷ lệ tối thiểu 10% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro.

2. Cách xác định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo hướng dẫn tại Phụ lục A kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Phân loại tài sản “Có”

Tài sản “Có” được phân nhóm theo các mức độ rủi ro như sau:

1. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 0% gồm:

1.1. Tiền mặt;

1.2. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

1.3. Các khoản cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác cho vay theo các hợp đồng ủy thác, trong đó tổ chức tài chính quy mô nhỏ chỉ hưởng phí ủy thác và không chịu rủi ro;

1.4. Các khoản cho vay được bảo đảm 100% bằng tiền gửi (tiết kiệm tự nguyện và/hoặc tiết kiệm bắt buộc) tại chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

1.5. Phần dư nợ gốc, lãi cho vay được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc tại chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

1.6. Các khoản phải đòi đối với Chính phủ Việt Nam bao gồm: trái phiếu Chính phủ (tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình Trung ương, trái phiếu đầu tư, công trái xây dựng Tổ quốc), trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

1.7. Các khoản cho vay được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phát hành.

2. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 20% gồm:

2.1. Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trong nước;

2.2. Dư nợ cho vay (gốc, lãi) đối với các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính quy mô nhỏ khác (nếu có);

2.3. Dư nợ cho vay (gốc, lãi) được bảo đảm bằng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam;

2.4. Dư nợ cho vay (gốc, lãi) được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng tại Việt Nam, tổ chức tài chính nhà nước phát hành.

2.5. Tiền mặt đang trong quá trình thu.

3. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 50% gồm:

3.1. Dư nợ cho vay (gốc, lãi) có bảo đảm bằng bất động sản của bên vay;

3.2. Dư nợ tín dụng quy mô nhỏ (gốc, lãi) đối với khách hàng tài chính quy mô nhỏ có thời hạn cho vay dưới 1 năm.

4. Nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 100% gồm”

4.1. Bất động sản và các tài sản cố định khác;

4.2. Các khoản phải đòi khác ngoài các khoản quy định tại Khoản 1, 2 và 3 của Điều này.

Điều 6. Quy định nội bộ

1. Căn cứ quy định tại Thông tư này, các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và thực tế hoạt động, tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải xây dựng và ban hành quy định nội bộ về:

1.1. Xác định và phân loại một khách hàng, một nhóm khách hàng liên quan, các giới hạn cho vay áp dụng đối với một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan, bao gồm các nội dung sau:

a) Tiêu chí xác định, phân loại một khách hàng và một nhóm khách hàng liên quan theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 2 Thông tư này.

b) Xác định các giới hạn cho vay áp dụng đối với một khách hàng và một nhóm khách hàng liên quan; thẩm quyền quyết định cho vay đối với một khách hàng và một nhóm khách hàng liên quan.

c) Xác định cách thức theo dõi đối với các khoản vay vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

d) Hạn mức, tỷ lệ cho vay tối đa trong tổng dư nợ cho vay đối với khách hàng tài chính quy mô nhỏ và khách hàng không phải là khách hàng tài chính quy mô nhỏ.

1.2. Quản lý khả năng chi trả với những nội dung chủ yếu như sau:

a) Phân công cán bộ theo dõi việc bảo đảm khả năng chi trả của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

b) Các phương án thực hiện bảo đảm khả năng chi trả trong trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời khả năng chi trả, cũng như trong trường hợp có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

c) Các quy định về quản lý ngân quỹ, thu, chi, nguồn vốn hàng ngày và các quy định về việc nắm giữ các giấy tờ có giá dễ chuyển đổi thành tiền.

2. Hội đồng quản trị tổ chức tài chính quy mô nhỏ có trách nhiệm xem xét đánh giá các quy định nội bộ nêu tại Khoản 1 của Điều này để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Điều 7. Giới hạn cho vay đối với khách hàng

1. Giới hạn cho vay của tổ chức tài chính quy mô nhỏ đối với khách hàng như sau:

1.1. Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính quy mô nhỏ đối với một khách hàng không phải khách hàng tài chính quy mô nhỏ không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

1.2. Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính quy mô nhỏ đối với một khách hàng tài chính quy mô nhỏ không được vượt quá 30 triệu đồng. Mức cho vay này có thể được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo từng thời kỳ.

1.3. Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính quy mô nhỏ đối với một nhóm khách hàng liên quan quy định tại Khoản 5 Điều 2 Thông tư này không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tài chính quy mô nhỏ, trong đó mức cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá tỷ lệ quy định tại điểm 1.1 và 1.2 Khoản 1 Điều này.

2. Các giới hạn quy định tại Khoản 1 của Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

2.1. Các khoản cho vay từ các nguồn vốn ủy thác của Chính phủ Việt Nam, của các tổ chức, cá nhân mà tổ chức tài chính quy mô nhỏ không phải trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay.

2.2. Các khoản cho vay có bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi của khách hàng tại chính tổ chức tài chính quy mô nhỏ đó.

2.3. Các khoản cho vay các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ khác có thời hạn dưới 1 năm (nếu có).

2.4. Các khoản cho vay có bảo đảm bằng trái phiếu Chính phủ Việt Nam, trái phiếu được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh.

Điều 8. Tỷ lệ về khả năng chi trả

1. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải duy trì thường xuyên tỷ lệ về khả năng chi trả tối thiểu bằng 20%.

2. Tỷ lệ này được tính như sau:

2.1. Tử số: gồm các tài sản là tiền mặt và các tài sản dễ chuyển đổi thành tiền, cụ thể gồm:

a) Tiền mặt;

b) Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (trừ tiền gửi dự trữ bắt buộc);

c) Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng;

d) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

2.2. Mẫu số: Tổng tiền gửi bao gồm tiết kiệm bắt buộc và tiền gửi tự nguyện.

3. Cách xác định tỷ lệ về khả năng chi trả theo hướng dẫn tại Phụ lục B kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Báo cáo, xử lý vi phạm

1. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ báo cáo việc thực hiện các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

2. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ vi phạm những quy định tại Thông tư này, tùy theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Thông tư 07/2009/TT-NHNN quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 07/2009/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/04/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn Giàu
  • Ngày công báo: 01/05/2009
  • Số công báo: Từ số 227 đến số 228
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra