Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2000/TT-BKH

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2000

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 06/2000/TT-BKH NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 38/2000/QĐ-TTG, NGÀY 24/3/2000 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ngày 24/3/2000 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2000/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 531/TTg ngày 08/8/1996 về quản lý các chương trình quốc gia. Căn cứ vào các điều quy định có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện như sau:

I. VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Việc xây dựng kế hoạch của các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) thực hiện như sau:

1. Ở cấp tỉnh, thành phố

a) Quy trình xây dựng kế hoạch.

Hàng năm vào giai đoạn xây dựng kế hoạch (tháng 8, tháng 9), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND tỉnh) giao nhiệm vụ cho:

- Các Sở, ban, ngành quản lý chương trình, căn cứ vào hướng dẫn của các cơ quan cấp trên, tiến hành đánh giá tình hình thực hiện chương trình và đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí cho việc thực hiện chương trình trong năm kế hoạch; đồng thời làm việc thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá để đưa vào kế hoạch chung của tỉnh.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá để tổng hợp chung tình hình thực hiện của tất cả các chương trình do địa phương quản lý; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế chính sách và nguồn lực đề thực hiện chương trình trong năm kế hoạch. Nguồn lực bao gồm: kinh phí bổ sung có mục tiêu từ Ngân sách Trung ương (Kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp), vốn vay tín dụng (nếu có), kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách địa phương, huy động từ cộng đồng; tổng hợp đưa vào kế hoạch chung của địa phương để trình UBND tỉnh xem xét thông qua.

b) Tổ chức làm việc với các cơ quan quản lý chương trình (CQQLCT) ở Trung ương.

UBND tỉnh tổ chức làm việc với các CQQLCT ở Trung ương về tình hình thực hiện chương trình và đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu kinh phí từ Ngân sách Trung ương (bao gồm kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp) và vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (nếu có); các cơ chế chính sách trong năm kế hoạch. Trong quá trình làm việc, CQQLCT phải có ý kiến chỉ đạo cụ thể cho UBND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, cân đối bước đầu về nguồn kinh phí, hướng bố trí sử dụng và các biện pháp về quản lý điều hành để thực hiện chương trình. Văn bản kế hoạch của UBND tỉnh (đã làm việc với CQQLCT ở Trung ương) gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý chương trình để tổng hợp.

2. Ở cấp Trung ương.

a) Trong giai đoạn xây dựng kế hoạch (tháng 8, tháng 9 hàng năm), CQQLCT căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, tổ chức nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực của chương trình và các ưu nhược điểm của công tác quản lý, điều hành thực hiện chương trình trong năm báo cáo; đồng thời căn cứ vào văn bản kế hoạch của UBND các tỉnh, tổng hợp cân đối, đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và nhu cầu nguồn lực của chương trình cho năm kế hoạch. Nguồn lực bao gồm kinh phí từ Ngân sách Trung ương (kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp), vốn vay tín dụng (nếu có) và huy động đóng góp từ cộng đồng theo quy định hiện hành. Văn bản kế hoạch gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp.

b) Sau khi nhận được văn bản của CQQLCT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính để tổng hợp các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình thực hiện trong năm kế hoạch và dự kiến cân đối kinh phí từ nguồn Ngân sách Nhà nước cho từng chương trình và tổng hợp vào kế hoạch chung của Nhà nước để báo cáo Chính phủ xem xét và trình Quốc hội thông qua.

c) Sau khi đã được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính thông báo các chỉ tiêu về mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn lực của từng chương trình MTQG cho CQQLCT; CQQLCT chủ trì dự kiến phân bổ cho các Bộ, ngành và địa phương, văn bản phân bổ kế hoạch gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp vào kế hoạch chung của từng Bộ, ngành và địa phương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành và các địa phương để thực hiện.

II. VỀ GIAO CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH

1. Đối với UBND tỉnh, các chỉ tiêu được giao và các bước triển khai thực hiện giao kế hoạch như sau:

- Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các tỉnh, thành phố về chỉ tiêu tổng kinh phí của tất cả các CTMTQG, CTMT được áp dụng cơ chế của CTMTQG. Trong đó chia ra kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp.

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ tiêu hướng dẫn về mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình thực hiện trên địa bàn.

- Các CQQLCT hướng dẫn nhiệm vụ chuyên môn và phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các định mức chi tiêu để các tỉnh chủ động thực hiện.

a) Chỉ tiêu tổng kinh phí của các chương trình:

- Chỉ tiêu Tổng kinh phí của các chương trình được giao cho UBND tỉnh, là toàn bộ kinh phí của tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu được thực hiện theo cơ chế tài chính của CTMTQG (chỉ áp dụng trong năm 2000) do địa phương quản lý (Bao gồm chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp).

Riêng đối với CTMTQG về việc làm thì trong vốn đầu tư phát triển có vốn cho vay theo dự án nhỏ GQVT và vốn đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ việc làm.

- Trong chỉ tiêu tổng kinh phí được giao không bao gồm kinh phí chi quản lý chương trình. Kinh phí quản lý chương trình do Ngân sách địa phương đảm bảo.

- Tổng kinh phí của các CTMTQG và CTMT được giao cho UBND tỉnh là nguồn cân đối từ Ngân sách Trung ương hỗ trợ Ngân sách địa phương để chi cho tất cả danh mục chương trình, các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao thực hiện trên địa bàn. UBND tỉnh được hoàn toàn chủ động trong việc lồng ghép, phân bổ kinh phí cho từng chương trình cụ thể, không chờ sự hướng dẫn thêm về mức kinh phí và cơ cấu phân bổ kinh phí của các Bộ, ngành Trung ương. Song, phải chịu sự hướng dẫn về nhiệm vụ chuyên môn của CQQLCT, về định mức chi tiêu theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính với CQQLCT.

b) Chỉ tiêu mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình được giao thực hiện trên địa bàn.

- Tất cả các danh mục, các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình được giao cho UBND tỉnh đều được cân đối kinh phí trong tổng nguồn kinh phí đã được giao cho UBND tỉnh và do UBND tỉnh chủ động bố trí kinh phí cụ thể cho từng chương trình, từng mục tiêu, nhiệm vụ; đảm bảo tất cả các chương trình có tên trong danh mục và các mục tiêu, nhiệm vụ đã giao đều được bố trí kinh phí và được tổ chức thực hiện tốt, tránh tình trạng kinh phí của chương trình thì sử dụng hết nhưng mục tiêu, nhiệm vụ thì không được thực hiện.

- Trong năm 2000 một số chương trình khi giao kế hoạch cho UBND tỉnh chưa cụ thể hoá được mục tiêu, hoặc chưa đủ căn cứ để giao thành các mục tiêu cụ thể, vì vậy chỉ tiêu giao hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ghi danh mục các chương trình. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế của địa phương mình, căn cứ vào hướng dẫn về nhiệm vụ chuyên môn của CQQLCT, các tỉnh có thể cụ thể hoá thành các mục tiêu, nhiệm vụ để giao cùng với kinh phí, đặc biệt là các mục tiêu về giảm số người mắc và chết vì các bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; và tăng tỷ lệ số hộ ở nông thôn được dùng nước sạch; số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc; số người nghiện hút được cai nghiện và chữa trị, v.v...

- Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư XDCB, UBND tỉnh phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng của Nhà nước. Đối với phần kinh phí bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (nếu có) phải tuân thủ theo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 43/CP.

c) Các bước triển khai kế hoạch của UBND tỉnh.

- Sau khi nhận được chỉ tiêu kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao hướng dẫn về mục tiêu, nhiệm vụ, UBND tỉnh, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh về lồng ghép và phân bổ tổng kinh phí theo danh mục các chương trình, các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao thực hiện trên địa bàn.

- Các Sở, ban, ngành quản lý chương trình có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án lồng ghép và mức kinh phí phân bổ cho từng chương trình theo các nội dung cụ thể và các chỉ tiêu kế hoạch giao cho UBND quận, huyện và các chủ dự án.

- Căn cứ vào ý kiến đề xuất của các Sở, ban, ngành nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá thực hiện các phương án lồng ghép các chương trình cho mục tiêu XĐGN và phân bổ kinh phí cho từng chương trình theo các nội dung hoạt động cụ thể và dự kiến chỉ tiêu kế hoạch giao (bao gồm cả chi tiêu kinh phí và mục tiêu) cho các quận, huyện, các chủ dự án, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định.

- Căn cứ để dự kiến phân bổ kinh phí bao gồm:

+ Danh mục các chương trình, nhiệm vụ, mục tiêu đã được giao.

+ Khả năng nguồn kinh phí đã giao và nguồn bổ sung từ Ngân sách địa phương, nguồn huy động đóng góp hợp pháp của cộng đồng.

+ Dựa vào kết quả thực hiện của từng chương trình trong năm báo cáo.

+ Những lĩnh vực, vùng và đối tượng cần được ưu tiên của địa phương.

(Đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo, ĐBKK theo QĐ số 135 thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan).

- Báo cáo triển khai kế hoạch.

Sau khi giao kế hoạch cho UBND quận, huyện, chủ dự án, UBND các tỉnh gửi về cơ quan quản lý chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bản kế hoạch đã giao (theo mẫu biểu số 1, kèm văn bản này) để làm căn cứ điều hành kiểm tra, thanh quyết toán ngân sách. Thời gian chậm nhất là vào tháng 2 hàng năm

- Để tập trung sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, đối với hoạt động của các chương trình do địa phương quản lý, UBND tỉnh thành lập duy nhất một Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Trong Quy chế hoạt động cần quy định rõ qui chế làm việc phải đảm bảo tính dân chủ, đặc biệt là trong khâu phân bổ chỉ tiêu kế hoạch, chức trách, nhiệm vụ của từng thành viên, chế độ sử dụng kinh phí,.... tuân thủ các quy định của QĐ 531/TTg và QĐ 38/2000/QĐ-TTg.

2. Đối với các Bộ, ngành ở Trung ương.

a) Đối với các cơ quan quản lý chương trình, hàng năm được giao các chỉ tiêu như sau:

- Tổng kinh phí và các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình để cơ quan quản lý chương trình có thể kiểm tra, kiểm soát và điều hành thực hiện.

- Kinh phí của các dự án của chương trình do cơ quan quản lý chương trình trực tiếp thực hiện.

- Danh mục và kinh phí các chương trình hoặc mục tiêu của các chương trình khác phân cho cơ quan quản lý chương trình tham gia thực hiện.

Các CQQLCT cần được thực hiện phương thức hợp đồng trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, Hội đoàn thể quần chúng tham gia thực hiện các dự án của chương trình.

b) Đối với các Bộ, ngành, các Hội đoàn thể quần chúng (HĐTQC) Trung ương tham gia thực hiện các chương trình, hàng năm được giao các chỉ tiêu:

- Kinh phí (bao gồm kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp) của cả các chương trình mà Bộ, ngành, HĐTQC tham gia thực hiện.

- Danh mục các chương trình và mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình, các Bộ, ngành, HĐTQC ở Trung ương tham gia thực hiện.

Trên cơ sở tổng kinh phí và danh mục các chương trình, các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao, các hợp đồng ký kết với các CQQLCT, các Bộ, ngành, HĐTQC tiến hành triển khai thực hiện các dự án cụ thể.

III. VỀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA CTMTQG

- Kinh phí để thực hiện các CTMTQG, hàng năm được cân đối trong dự toán chi Ngân sách Trung ương, Bộ Tài chính cấp trực tiếp cho các Bộ, cơ quan Trung ương, các HĐTQC ở TW để thực hiện các dự án do Trung ương quản lý và cấp bổ sung có mục tiêu cho Ngân sách tỉnh, thành phố để thực hiện các nhiệm vụ của các chương trình trên địa bàn do địa phương quản lý và được cân đối vào Ngân sách của địa phương ngay từ kế hoạch đầu năm để UBND tỉnh điều hành thực hiện, đảm bảo nguồn kinh phí của các chương trình được chi đúng mục tiêu có hiệu quả.

- Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, UBND tỉnh cần có các biện pháp để huy động nguồn lực tại chỗ bao gồm kinh phí, sức lao động và các yếu tố vật chất khác phù hợp với luật pháp quy định để phối hợp với nguồn hỗ trợ của Trung ương cho việc thực hiện chương trình.

- Kinh phí quản lý chương trình.

Theo Quyết định số 38/2000/QĐ-TTg không cho phép trích kinh phí của chương trình để chi cho công tác quản lý chương trình, toàn bộ kinh phí cân đối cho chương trình phải được phân bổ đến các đối tượng thụ hưởng.

+ Ở Trung ương, kinh phí hoạt động của Ban Chủ nhiệm chương trình, được cân đối trong chi thường xuyên của cơ quan quản lý chương trình và được bố trí thành một khoản mục riêng để thực hiện.

+ Ở địa phương, kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình quốc gia của địa phương do Ngân sách địa phương đảm nhiệm.

- Cơ chế cấp phát và thanh quyết toán kinh phí của các chương trình thực hiện theo Thông tư số 41/2000/TT-BTC, ngày 19/5/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu.

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ KIỂM TRA TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Chế độ báo cáo.

- UBND tỉnh, các Bộ, ngành, HĐTQC ở TW tham gia thực hiện chương trình, báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm về CQQLCT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí của các chương trình và những vướng mắc, khó khăn cần giải quyết ngay đối với từng chương trình cụ thể (Mẫu biểu số 2 kèm theo văn bản này). Các CQQLCT hàng tháng, hàng quí, hàng năm có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện chương trình của các đơn vị thực hiện nói trên (Mẫu biểu số 3 kèm theo văn bản này) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp chung báo cáo Chính phủ.

- Hàng tháng vào ngày 22 cùng với báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của địa phương phải có phần thực hiện các CTMTQG.

- Thời gian gửi báo cáo quí: Vào tuần thứ 4 của tháng cuối quý.

- Thời gian gửi báo cáo năm: Chậm nhất vào ngày 25 tháng 12 hàng năm.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chương trình.

Các CQQLCT và UBND tỉnh phải tổ chức thường xuyên việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình theo các nội dung sau:

- Tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đã được Chính phủ giao.

- Việc sử dụng kinh phí của TW hỗ trợ và các nguồn kinh phí khác của chương trình.

- Việc thực hiện các chính sách chế độ đã được quy định cho chương trình.

- Việc huy động sức dân tham gia thực hiện chương trình.

- Vấn đề thực hiện dân chủ ở các cấp, đặc biệt là ở cơ sở trong quá trình thực hiện chương trình.

- Đánh giá kết quả chung về thực hiện chương trình, rút ra các mô hình tốt về cách làm để nhân rộng; những sai sót cần uốn nắn.

Các CQQLCT gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để báo cáo.

Trong một số trường hợp CQQLCT cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Tài chính kiểm tra tình hình thực hiện chương trình để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

V. VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NĂM 2001

Việc triển khai xây dựng kế hoạch năm 2001 đối với các CTMTQG được thực hiện như sau:

1. Đối với các chương trình mà thời gian hoạt động theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ chưa kết thúc, việc xây dựng kế hoạch năm 2000 của chương trình được thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản này.

2. Đối với các chương trình theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ mà thời gian hoạt động kết thúc vào năm 2000 thì phải tổ chức tổng kết đấu giá tình hình thực hiện chương trình kể từ khi thành lập đến hết năm 2000, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Nội dung tổng kết bao gồm: đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế chính sách kinh phí hoạt động của chương trình và các kết quả cụ thể đã đem lại cho các đối tượng thụ hưởng và nhận xét các ưu, nhược điểm về cơ chế quản lý chương trình quốc gia đã được ban hành.

3. Việc thành lập các CTMTQG mới phải thực hiện theo các quy định của Quyết định số 531/TTg, ngày 08/8/1996 và Thông tư Liên bộ số 06-TT/LB-KH-TC, ngày 29/4/1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện QĐ531/TTg.

4. Việc hợp nhất các chương trình: Định canh định cư, hỗ trợ đồng bào dân tộc ĐBKK, Trung tâm cụm xã với chương trình 135 thực hiện theo quyết định riêng của Chính phủ.

5. Đối với các chương trình quốc gia trước đây được quy định tại Công văn số 04/CP-VX, ngày 04/01/1999 và Quyết định số 19/1998/QĐ-TTg, ngày 24/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ, phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 3 của Quyết định số 38/2000/QĐ-TTg, ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ.

VI. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xem xét, xử lý.

Phan Quang Trung

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06/2000/TT-BKH hướng dẫn Quyết định 38/2000/QĐ-TTg về sửa đổi Quyết định 531/TTg về quản lý các chương trình quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 06/2000/TT-BKH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/06/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Phan Quang Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản