Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2013/TT-BNV | Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2013 |
Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức;
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức (sau đây viết tắt là Nghị định số 36/2013/NĐ-CP),
PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ VIỆC LÀM VÀ CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC
Điều 1. Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan, tổ chức, đơn vị
Việc thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện như sau:
1. Từng cá nhân cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành thống kê công việc hiện đang được giao đảm nhận.
2. Việc thống kê công việc phải tuân thủ nguyên tắc chỉ thống kê các công việc có tính chất thường xuyên, liên tục, ổn định, lâu dài, lặp đi lặp lại, gồm:
a) Những công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương của các tổ chức cấu thành;
b) Những công việc thực thi, thừa hành thuộc về chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi chung là công việc chuyên môn nghiệp vụ);
c) Những công việc thực thi, thừa hành mang tính phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành (gọi chung là công việc hỗ trợ, phục vụ).
3. Không thống kê những công việc có tính thời vụ, đột xuất hoặc công việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Thống kê công việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện trình tự từ đơn vị cấp dưới lên đơn vị cấp trên trong cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
5. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và bản thống kê các công việc của cán bộ, công chức và người lao động, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thống kê công việc của tổ chức, đơn vị mình quản lý và báo cáo cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp.
6. Việc thống kê công việc của từng cá nhân cán bộ, công chức và người lao động; việc thống kê công việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Phụ lục số 1A và Phụ lục số 1B ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Trên cơ sở thống kê công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ đạo, triển khai việc tổng hợp và phân nhóm công việc như sau:
a) Các nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành;
b) Các nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Các nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ.
2. Việc phân nhóm công việc thực hiện theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
a) Đối với cơ quan, tổ chức ở Trung ương:
- Tính chất, đặc điểm, mức độ phức tạp và quy mô, phạm vi, đối tượng quản lý;
- Quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và xử lý công việc;
- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;
- Thực trạng chất lượng, số lượng công chức của cơ quan, tổ chức;
- Số lượng, khối lượng công việc được cấp có thẩm quyền giao;
- Yêu cầu về hiệu quả, hiệu lực quản lý và chất lượng công việc;
- Chế độ làm việc, cách thức tổ chức công việc của cơ quan;
- Những yếu tố đặc thù của ngành, lĩnh vực hoạt động...
b) Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương:
Ngoài các yếu tố như đối với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, việc xác định vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức ở địa phương còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
- Quy mô dân số, diện tích tự nhiên;
- Mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;
- Đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
2. Các yếu tố ảnh hưởng được xác định theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động hiện có
Việc thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện bởi 2 báo cáo sau:
1. Báo cáo thống kê thực trạng về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (kể cả những người ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật) tại thời điểm xây dựng đề án vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Báo cáo đánh giá thực trạng việc phân công, bố trí, sử dụng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nội dung báo cáo gồm:
a) Đánh giá việc đáp ứng và sự phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đội ngũ công chức và người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị.
b) Đánh giá sự phù hợp hay không phù hợp của việc phân công, bố trí, sử dụng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức và người lao động theo nhiệm vụ đang đảm nhận;
3. Việc thống kê thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo Biểu mẫu 01/BNV ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.
Điều 5. Xác định vị trí việc làm và danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị
1. Trên cơ sở thống kê công việc, phân nhóm công việc; các yếu tố ảnh hưởng; báo cáo thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định các vị trí việc làm và tổng hợp thành danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Mỗi vị trí việc làm khi xác định phải được quy về thuộc một nhóm công việc nói tại
3. Danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân thành các nhóm công việc sau:
a) Các vị trí việc làm thuộc nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành;
b) Các vị trí việc làm thuộc nhóm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, thực thi, thừa hành;
c) Các vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ.
4. Danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổng hợp từ các vị trí việc làm cụ thể và được sắp xếp theo thứ tự: vị trí lãnh đạo, quản lý; vị trí thực thi, thừa hành (thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ); vị trí hỗ trợ, phục vụ. Danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thể hiện ở cột 2 của Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Dự kiến số lượng biên chế cần có để bố trí theo từng vị trí việc làm số biên chế dự kiến này chịu ảnh hưởng và phụ thuộc vào điều kiện, tính chất, đặc điểm công việc; tổ chức lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; khối lượng, số lượng công việc... Nội dung này được thể hiện ở cột 4 Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 6. Bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm
1. Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm được xác định tại Điều 5, việc xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm được thực hiện gồm các nội dung sau:
a) Mô tả các công việc, các hoạt động và thời gian phải thực hiện (nếu xác định được) để hoàn thành từng công việc, từng hoạt động ở mỗi vị trí việc làm. Ví dụ: tiếp nhận hồ sơ, tài liệu; nghiên cứu; soạn thảo văn bản; xây dựng kế hoạch, khảo sát thực tế, tổ chức cuộc họp, trao đổi ý kiến; phối hợp;...
b) Kết quả (sản phẩm) công việc của vị trí việc làm;
c) Điều kiện làm việc (trang thiết bị, phần mềm quản lý, phương tiện, môi trường làm việc, phạm vi hoạt động, quan hệ công tác).
2. Đối với những vị trí việc làm thuộc nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành, nếu kiêm thêm các công việc thuộc nhóm thực thi, thừa hành thì phần mô tả về công việc thực thi, thừa hành được thực hiện như đối với vị trí việc làm gắn với công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm thực hiện theo Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 7. Khung năng lực của từng vị trí việc làm
1. Khung năng lực của từng vị trí việc làm được xây dựng gồm các năng lực và kỹ năng phải có để hoàn thành các công việc, các hoạt động nêu tại Bản mô tả công việc ứng với từng vị trí việc làm.
2. Khung năng lực của từng vị trí việc làm thực hiện theo Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Xác định ngạch công chức tương ứng
Việc xác định ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm được tiến hành gắn liền với quá trình xác định danh mục vị trí việc làm và căn cứ vào các yếu tố sau:
1. Lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ;
2. Tên của vị trí việc làm;
3. Bản mô tả công việc;
4. Khung năng lực;
5. Vị trí, quy mô, phạm vi hoạt động và đối tượng phục vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
6. Quy định về ngạch công chức cao nhất được sử dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nội dung này được thể hiện ở cột 3 Phụ lục số 4 kèm theo Thông tư này.
Điều 9. Xác định cơ cấu ngạch công chức
1. Việc xác định cơ cấu ngạch công chức chỉ thực hiện với các vị trí việc làm không phải thực hiện hợp đồng lao động.
2. Căn cứ dự kiến số lượng biên chế theo từng vị trí việc làm và ngạch công chức tương ứng để xác định số lượng ngạch công chức của mỗi vị trí việc làm.
3. Cơ cấu ngạch công chức của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị là tỷ lệ của số lượng các ngạch công chức ứng với toàn bộ danh mục vị trí việc làm.
XÂY DỰNG VÀ THẨM ĐỊNH ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM
Điều 10. Xây dựng đề án vị trí việc làm
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là Bộ), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
2. Hàng năm, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm rà soát về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức của đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Nếu có sự thay đổi về tổ chức, về nhiệm vụ, về số lượng, khối lượng công việc, thì xây dựng đề án điều chỉnh vị trí việc làm theo các trường hợp quy định tại Điều 12 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP. Nếu các cơ quan, tổ chức, đơn vị không gửi công văn và đề án đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh vị trí việc làm theo quy định thì giữ ổn định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đã được phê duyệt.
3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm của đơn vị mình theo Phụ lục số 7 về đề án (mẫu) ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Bộ, tỉnh tổng hợp danh mục vị trí việc làm, biên chế và cơ cấu ngạch công chức theo các phụ lục số: 8, 9 và 10 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 11. Trình tự xây dựng, thẩm định đề án
1. Bước 1: Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm xây dựng đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm của đơn vị mình trình cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo quy định.
2. Bước 2: Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm thẩm định đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; tổng hợp, xây dựng đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trình người đứng đầu ký và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo quy định.
3. Bước 3: Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các Bộ và Sở Nội vụ các tỉnh có trách nhiệm:
a) Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ giúp Bộ thẩm định đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; tổng hợp, xây dựng đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ, trình lãnh đạo Bộ có văn bản gửi Bộ Nội vụ theo quy định.
b) Sở Nội vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc tỉnh; tổng hợp, xây dựng đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của tỉnh, trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ theo quy định.
Đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thẩm định khi có đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trong nội dung của đề án được thành lập theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2013.
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ để hướng dẫn, xem xét, giải quyết./.
- 1Quyết định 1211/QĐ-BNV năm 2011 về thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng đề án “xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch của Bộ Nội vụ” do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Công văn 5341/BHXH-TCCB thống kê trình độ chuyên môn và cơ cấu ngạch công, viên chức do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 3Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ ban hành
- 1Quyết định 1211/QĐ-BNV năm 2011 về thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng đề án “xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch của Bộ Nội vụ” do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Công văn 5341/BHXH-TCCB thống kê trình độ chuyên môn và cơ cấu ngạch công, viên chức do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 3Nghị định 61/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ
- 4Thông tư 11/2012/TT-BNV quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 5Nghị định 36/2013/NĐ-CP về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức
- 6Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ ban hành
Thông tư 05/2013/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 36/2013/NĐ-CP về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 05/2013/TT-BNV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 25/06/2013
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Trần Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 427 đến số 428
- Ngày hiệu lực: 10/08/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra