Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Chương 3.

TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH

MỤC 1. THẨM ĐỊNH QUY HOẠCH

Điều 13. Thẩm quyền thẩm định quy hoạch

Cơ quan tổ chức lập quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này có trách nhiệm lập Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định dự án quy hoạch.

Điều 14. Hội đồng thẩm định

1. Thủ trưởng Cơ quan tổ chức lập quy hoạch ra Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định.

2. Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc thảo luận công khai, trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Cơ quan tổ chức lập quy hoạch về các kết luận thẩm định.

3. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có thể thuê các tổ chức tư vấn, cá nhân có năng lực tham gia thẩm định các dự án quy hoạch.

Điều 15. Nhiệm vụ của đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch

1. Kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ trình thẩm định.

2. Căn cứ vào hướng dẫn tại Phụ lục 2, đề xuất số lượng, cơ cấu của Hội đồng thẩm định dự án quy hoạch (Hội đồng thẩm định) và dự thảo quyết định thành lập Hội đồng thẩm định (theo mẫu quy định tại Phụ lục 3), trình Thủ trưởng Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xem xét, quyết định.

3. Xây dựng, trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định thông qua kế hoạch tổ chức thẩm định.

4. Gửi hồ sơ tới các thành viên Hội đồng thẩm định.

5. Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định.

6. Hướng dẫn cơ quan lập quy hoạch triển khai thực hiện kết luận của Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định lại (nếu có).

7. Dự thảo Báo cáo thẩm định.

8. Lập Tờ trình phê duyệt quy hoạch và dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác thẩm định dự án quy hoạch theo phân công của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Điều 16. Hồ sơ thẩm định dự án quy hoạch

1. Hồ sơ thẩm định dự án quy hoạch gồm:

a) Tờ trình của cơ quan lập quy hoạch;

b) Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt quy hoạch (đã hoàn thiện sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan) được in trên giấy khổ A4, đóng quyển, trang phụ bìa có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan lập quy hoạch và tổ chức tư vấn lập quy hoạch (nếu có);

c) Các báo cáo chuyên đề (ghi rõ tên tác giả); các bảng biểu số liệu (ghi rõ nguồn thông tin);

d) Hệ thống bản đồ, sơ đồ theo quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

đ) Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (nếu có);

e) Quyết định phê duyệt đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí;

g) Các văn bản đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan;

h) Báo cáo thẩm định của cấp cơ sở (giải trình tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan).

2. Số lượng tối thiểu bộ hồ sơ thẩm định quy hoạch quy định như sau:

a) Đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ đặc biệt: 20 bộ;

b) Đối với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu do các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lập: 15 bộ;

c) Đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh: 15 bộ;

d) Đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện: 12 bộ;

đ) Đối với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh: 12 bộ.

Đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch có thể yêu cầu cơ quan lập quy hoạch cung cấp thêm hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định.

3. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch có thông báo bằng văn bản cho cơ quan lập quy hoạch.

Điều 17. Lấy ý kiến trong quá trình tổ chức thẩm định dự án quy hoạch

1. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch gửi hồ sơ thẩm định dự án quy hoạch tới các thành viên Hội đồng thẩm định để lấy ý kiến đóng góp.

2. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định dự án quy hoạch, các ủy viên Hội đồng thẩm định phải gửi ý kiến nhận xét bằng văn bản tới đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch để tổng hợp.

Điều 18. Họp thẩm định dự án quy hoạch

1. Trong vòng 15 (mười lăm) ngày làm việc sau khi nhận được ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch tổng hợp ý kiến và trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định về việc tổ chức họp thẩm định dự án quy hoạch.

2. Điều kiện tiến hành họp thẩm định dự án quy hoạch:

a) Có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Hội đồng thẩm định tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng thẩm định, một (01) Ủy viên phản biện và Ủy viên thường trực Hội đồng thẩm định;

b) Có đại diện của cơ quan lập quy hoạch và tư vấn lập quy hoạch (nếu có).

3. Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét, quyết định việc mời đại biểu không phải là thành viên Hội đồng thẩm định tham dự phiên họp thẩm định dự án quy hoạch. Đại biểu được mời được tham gia ý kiến tại cuộc họp nhưng không được tham gia biểu quyết.

4. Chương trình họp thẩm định dự án quy hoạch thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 4.

5. Các văn bản được thông qua tại cuộc họp thẩm định dự án quy hoạch bao gồm:

a) Biên bản phiên họp thẩm định dự án quy hoạch;

b) Biên bản kiểm phiếu đánh giá dự án quy hoạch của Hội đồng thẩm định;

c) Kết luận của Hội đồng thẩm định.

Điều 19. Biểu quyết đánh giá dự án quy hoạch của Hội đồng thẩm định

1. Hội đồng thẩm định biểu quyết đánh giá dự án quy hoạch bằng Phiếu biểu quyết đánh giá của thành viên Hội đồng thẩm định dự án quy hoạch (theo mẫu tại Phụ lục 5).

2. Kết quả đánh giá dự án quy hoạch được tổng hợp theo nguyên tắc sau:

a) Dự án quy hoạch được thông qua khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng tham dự cuộc họp thẩm định, nhưng không ít hơn năm mươi phần trăm (50%) số thành viên Hội đồng thẩm định, bỏ phiếu đồng ý thông qua.

Dự án quy hoạch phải chỉnh sửa, bổ sung khi có ít nhất một yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung;

b) Dự án quy hoạch không được thông qua khi có trên một phần ba (1/3) số thành viên Hội đồng thẩm định tham dự phiên họp thẩm định bỏ phiếu không đồng ý thông qua.

Điều 20. Xử lý đối với dự án quy hoạch sau phiên họp thẩm định

Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp thẩm định dự án quy hoạch, đơn vị thường trực thẩm định gửi văn bản kết luận của Hội đồng thẩm định cho cơ quan lập quy hoạch và phối hợp với cơ quan lập quy hoạch thực hiện một số nội dung sau:

1. Trường hợp dự án quy hoạch được thông qua không có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, đơn vị thường trực thẩm định phối hợp với cơ quan lập quy hoạch chuẩn bị hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch.

2. Trường hợp dự án quy hoạch được thông qua phải chỉnh sửa, bổ sung

a) Đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch có trách nhiệm:

- Tiếp nhận hồ sơ dự án quy hoạch đã chỉnh sửa, bổ sung và gửi xin ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định (nếu Hội đồng thẩm định yêu cầu);

- Nghiên cứu hồ sơ, tổng hợp ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định (nếu có) và lập báo cáo trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét, quyết định.

Trong trường hợp dự án quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch có văn bản yêu cầu cơ quan lập quy hoạch hoàn chỉnh hồ sơ dự án quy hoạch.

b) Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm:

- Hoàn chỉnh hồ sơ dự án quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định;

- Nộp hồ sơ dự án quy hoạch sau khi đã hoàn chỉnh cho đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch kèm theo văn bản giải trình về việc tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định.

3. Trường hợp dự án quy hoạch không được thông qua, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm:

- Nghiên cứu xây dựng lại quy hoạch;

- Chịu mọi chi phí phát sinh trong quá trình lập và thẩm định lại dự án quy hoạch.

Điều 21. Báo cáo thẩm định dự án quy hoạch

Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ dự án quy hoạch đã được cơ quan lập quy hoạch hoàn chỉnh theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch lập Báo cáo thẩm định với những nội dung chính quy định tại Phụ lục 6 và trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch phê duyệt.

Đối với các dự án quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lập và các dự án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Báo cáo thẩm định dự án quy hoạch phải bao gồm cả ý kiến về các nội dung: Sự phù hợp về mục tiêu, công trình trọng điểm, tính đồng bộ đối với quy mô, tiến độ, bước đi, thứ tự ưu tiên và khả năng đáp ứng nguồn lực cho quy hoạch.

MỤC 2. PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH

Điều 22. Lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với dự án quy hoạch trước khi trình phê duyệt

1. Các dự án cần lấy ý kiến:

a) Các dự án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

b) Các dự án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Nội dung lấy ý kiến bao gồm: Sự phù hợp về mục tiêu, công trình trọng điểm, tính đồng bộ đối với quy mô, tiến độ, bước đi, thứ tự ưu tiên và khả năng đáp ứng nguồn lực cho quy hoạch.

3. Hồ sơ do Cơ quan tổ chức lập quy hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến bao gồm:

a) Văn bản gửi lấy ý kiến của cơ quan tổ chức lập quy hoạch;

b) Báo cáo tổng hợp quy hoạch;

c) Hệ thống bản đồ, sơ đồ;

d) Báo cáo thẩm định dự án quy hoạch;

đ) Bản giải trình tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan đóng góp cho quy hoạch (có bản sao các văn bản đóng góp ý kiến gửi kèm);

e) Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch (theo mẫu tại Phụ lục 7).

4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến bằng văn bản về những nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 23. Trình Hội đồng nhân dân dự án Quy hoạch

Các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh (đã có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Điều 22 Thông tư này) và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh (đã có ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định dự án quy hoạch theo quy định tại Điều 21 Thông tư này), trước khi trình phê duyệt phải trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 11 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Điều 24. Trình, phê duyệt quy hoạch

1. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch

Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội được quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 04/2008/NĐ-CP.

2. Trách nhiệm trình phê duyệt quy hoạch:

a) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế - xã hội và các lãnh thổ đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phê duyệt;

b) Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ do các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình phê duyệt;

c) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình phê duyệt;

d) Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng các Bộ, ngành, do cơ quan, đơn vị thường trực thẩm định quy hoạch thuộc Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình phê duyệt;

đ) Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cấp huyện do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình phê duyệt.

3. Hồ sơ trình phê duyệt dự án quy hoạch gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt quy hoạch;

b) Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt quy hoạch đã được hoàn thiện, được in trên giấy khổ A4, đóng quyển, trang phụ bìa có chữ ký và con dấu của Thủ trưởng Cơ quan lập quy hoạch và tổ chức tư vấn lập quy hoạch (nếu có);

c) Hệ thống bản đồ, sơ đồ theo quy định;

d) Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (nếu có);

đ) Báo cáo thẩm định dự án quy hoạch;

e) Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Điều 22 Thông tư này;

g) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về dự án quy hoạch theo quy định tại Điều 23 Thông tư này;

h) Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch.

Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 05/2013/TT-BKHĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/10/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Quang Vinh
  • Ngày công báo: 16/11/2013
  • Số công báo: Từ số 789 đến số 790
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH