Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/1998/TT-BTC | Hà Nội, ngày 09 tháng 1 năm 1998 |
Căn cứ vào Điều 27 chương 5 của Luật khoáng sản nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ vào Điều 30 chương VI Nghị định số 68/CP ngày 01/11/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật khoáng sản;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thủ tục nộp, quản lý tiền đặt cọc hoặc ký quỹ đối với giấy phép thăm dò khoáng sản như sau:
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng: Tất cả các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản (không bao gồm những hoạt động thăm dò khoáng sản thuộc lĩnh vực dầu khí và các loại nước thiên nhiên khác được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật khác) có thời hạn hiệu lực từ 6 tháng trở lên, trừ những tổ chức, cá nhân có giấy phép thăm dò khoáng sản được hoạt động bằng vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp, đều phải nộp tiền đặt cọc hoặc ký quỹ.
2. Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được phép lựa chọn hình thức đặt cọc tại Kho bạc Nhà nước hoặc ký quỹ tại Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc Ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam).
3. Mức tiền đặt cọc hoặc ký quỹ bằng 25% giá trị dự toán chi phí thăm dò của năm thăm dò đầu tiên và được thực hiện một lần trước khi cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.
4. Sau 6 tháng kể từ ngày giấy thăm dò khoáng sản có hiệu lực, công việc thăm dò được tiến hành đúng tiến độ, đúng kế hoạch thì tổ chức, cá nhân có quyền nhận lại tiền đặt cọc hoặc ký quỹ.
5. Tiền đặt cọc hoặc ký quỹ trong thời gian đặt cọc hoặc ký quỹ được hưởng lãi theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng hoặc kho bạc.
6. Cơ quan cấp giấy phép thăm dò khoáng sản là cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nộp, hoàn trả, thu nộp ngân sách nhà nước tiền đặt cọc hoặc tiền ký quỹ.
1. Thủ tục nộp tiền đặt cọc hoặc ký quỹ
- Khi dự án thăm dò khoáng sản được chấp nhận, trước khi cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản thông báo mức tiền đặt cọc hoặc ký quỹ gửi chủ dự án xin thăm dò khoáng sản. - Căn cứ vào văn bản yêu cầu nộp tiền đặt cọc hoặc ký quỹ của cấp có thẩm quyền, tổ chức, cán nhân nộp tiền đặt cọc tại Kho bạc Nhà nước hoặc ký quỹ tại một ngân hàng theo yêu cầu của tổ chức hoặc cá nhân thăm dò khoáng sản theo đúng mức tiền đặt cọc hoặc ký quỹ quy định.
- Kho bạc Nhà nước, ngân hàng có trách nhiệm mở tài khoản theo dõi chi tiết theo từng giấy phép, từng tổ chức, cá nhân và làm thủ tục xác nhận việc nộp tiền đặt cọc hoặc ký quỹ.
2. Thủ tục hoàn trả tiền đặt cọc hoặc ký quỹ.
- Sau 6 tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản có hiệu lực, công việc thăm dò được tiến hành đúng tiến độ, đúng kế hoạch thì tổ chức cá nhân được nhận lại tiền đặt cọc hoặc ký quỹ. Căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép trả tiền đặt cọc hoặc ký quỹ, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng làm thủ tục hoàn trả tiền đặt cọc hoặc ký quỹ cho tổ chức, cá nhân.
- Sau 6 tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản có hiệu lực mà công việc thăm dò không được tiến hành, giấy phép thăm dò khoáng sản bị thu hồi thì tiền đặt cọc hoặc ký quỹ được nộp vào ngân sách nhà nước.
- Bộ Tài chính uỷ quyền cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép ra thông báo thu nộp ngân sách nhà nước. Kho bạc Nhà nước, ngân hàng căn cứ vào thông báo thu nộp ngân sách nhà nước của cấp có thẩm quyền làm thủ tục nộp số tiền đặt cọc hoặc ký quỹ vào ngân sách nhà nước
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký; Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều không còn hiệu lực thi hành.
Lê Thị Băng Tâm (Đã Ký) |
Thông tư 05/1998/TT-BTC hướng dẫn thủ tục nộp, quản lý tiền đặt cọc hoặc ký quỹ đối với giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 05/1998/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 09/01/1998
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Lê Thị Băng Tâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/01/1998
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra