Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI-BỘ NGOẠI GIAO-
BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG CỤC HẢI QUAN
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 04 TTLB

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 1996

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC NHẬP KHẨU HOẶC MUA TẠI VIỆT NAM, TÁI XUẤT KHẨU VÀ CHUYỂN NHƯỢNG NHỮNG VẬT DỤNG CẦN THIẾT PHỤC VỤ CHO NHU CẦU CÔNG TÁC VÀ SINH HOẠT CỦA CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO, CƠ QUAN LÃNH SỰ VÀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ ĐƯỢC HƯỞNG QUYỀN ƯU ĐÃI, MIỄN TRỪ TẠI VIỆT NAM

Để tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu công tác và sinh hoạt của các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia;
Căn cứ Nghị định 73/CP ngày 30 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
Liên Bộ Thương mại - Ngoại giao - Tài chính - Tổng cục Hải quan thống nhất hướng dẫn thực hiện như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG QUYỀN ƯU ĐÃI, MIỄN TRỪ

1- Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia như quy định tại các điều 8, 9 và 10 của Nghị định 73/CP ngày 30 tháng 7 năm 1994.

2- Các viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự và viên chức thuộc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vịêt Nam theo quy định tại điểm 1 phần I được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, kể cả thành viên gia đình họ không phải là công dân Vịêt Nam và cùng sống chung với họ thành một hộ

3- Những nhân viên hành chính, kỹ thuật mang hộ chiếu công vụ hoặc giấy thông hành của Liên hiệp quốc, hoặc hộ chiếu phổ thông nhưng được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh thư công vụ của các cơ quan nói ở điểm 1 phần I và thành viên gia đình họ không phải là công dân Việt Nam và cùng sống chung với họ thành hộ.

II- QUI ĐỊNH VỀ VIỆC NHẬP KHẨU HOẶC MUA TẠI VIỆT NAM CÁC VẬT DỤNG VÀ ĐỊNH LƯỢNG CHO TỪNG ĐỐI TƯỢNG

1. Các đối tượng nói tại phần I được phép nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam những vật dụng theo định lượng cụ thể quy định trong các phụ lục đính kèm Thông tư này:

- Phụ lục 1 (Danh mục và định lượng vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam nói tại điểm 1 phần I)

- Phụ lục 2 (Danh mục và định lượng vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt cá nhân của thành viên các cơ quan đại diện và gia đình họ nói tại điểm 2 và điểm phần I)

(Danh mục và định lượng này có thể được thay đổi theo từng thời kỳ)

2. Những vật dụng có số thứ tự từ 01 đến 07 trong các phụ lục đính kèm Thông tư này, được phép nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam để sử dụng lâu dài. Các loại vật dụng này được tái xuất hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam theo quy định tại phần III dưới đây.

3. Những vật dụng có số thứ tự từ 08 đến 11 trong các phụ lục đính kèm Thông tư này, được phép nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam theo định lượng cho 03 (ba) tháng và không được chuyển nhượng tại Việt Nam.

4. Những đối tượng nói ở điểm 1 và 2 phần I khi nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam những vật dụng quy định tại phụ lục và phụ lục 2 đính kèm Thông tư này, được miễn thuế nhập khẩu, thuế và lệ phí có liên quan khác, trừ phí lưu kho, cước vận chuyển và cước phí về những dịch vụ tương tự theo quy định hiện hành của Việt Nam

5. Những đối tượng nói ở điểm 3 phần I trong thời hạn 06 (sáu) tháng đầu kể từ khi mới đến nhận công tác tại Việt Nam (tính từ ngày nhập cảnh lần đầu) nếu nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam các vật dụng quy định tại phụ lục 2 đính kèm Thông tư này thì được miễn thuế nhập khẩu, thuế và lệ phí có liên quan khác, trừ phí lưu kho, cước vận chuyển và cước phí về những dịch vụ tương tự theo quy định hiện hành của Việt Nam. Riêng vật dụng là xe gắn máy thì thời gian công tác tại Việt Nam của những đối tượng này tối thiểu là 12 (mười hai) tháng mới được miễn thuế nhập khẩu).

6. Ngoài những vật dụng ghi trong các phụ lục đính kèm, các đối tượng nói ở phần I được phép nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam một số vật dụng cần thíêt khác nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của mình

Bộ Ngoại giao và Tổng cục Hải quan Việt Nam sẽ xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể phù hợp với tập quán quốc tế và các quy định hiện hành của Việt Nam. Nếu được giải quyết thì sẽ tuân thủ các quy định tại điểm 4 và 5 trên đây.

7. Những đối tượng nói ở phần I khi mua hàng tại Việt Nam nếu mua ở các địa điểm Nhà nước Vịêt Nam cho phép bán hàng miễn thuế mới được áp dụng các quy định tại điểm 4 và 5 trên đây

III. QUI ĐỊNH VỀ VIỆC TÁI XUẤT KHẨU VÀ CHUYỂN NHƯỢNG NHỮNG VẬT DỤNG NHẬP KHẨU HOẶC MUA TẠI VIỆT NAM MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU

1- Tái xuất khẩu:

1.1. - Các đối tượng nói ở phần I có nhu cầu tái xuất những vật dụng đã nhập khẩu mua tại Việt Nam có số thứ tự từ 01 đến 07 trong các phụ lục đính kèm Thông tư này được quy định như sau:

1.1.1.- Những đối tượng nói ở điểm 1 và 2 phần I được miễn thuế xuất khẩu, thúê và các lệ phí liên quan theo quy định hiện hành của Việt Nam.

1.1.2.- Những đối tượng nói ở điểm 3 phần I được hoàn thuế nhập khẩu đối với vật dụng đã nộp thuế nhập khẩu.

1.2.- Sau khi tái xuất, các đối tượng nói ở điểm 1 và phần I được tạm nhập hoặc mua bổ sung số lượng quy định trong các phụ lục nói trên. Nếu là cá nhân thì chỉ được nhập khẩu hoặc mua ô tô, xe gắn máy thay thế khi thời hạn công tác tại Việt Nam còn trên 06 (sáu) tháng.

2- Chuyển nhượng:

2.1- Các đối tượng nói ở phần I chỉ được phép chuyển nhượng những vật dụng đã nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam miễn thuế trong các trường hợp sau:

2.1.1.- Đã kết thúc thời hạn công tác tại Việt Nam

2.1.2.- Đối với cơ quan 02 năm (24 tháng) tính từ ngày nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam

2.1.3.- Trường hợp đặc biệt, có lý do xác đáng phải được Bộ Ngọai giao Việt Nam chấp nhận

2.1.4.- Trường hợp xe ô tô, xe gắn máy bị hỏng do đâm, va quệt phải được Cục Cảnh sát giao thông Bộ Nội vụ Việt Nam xác nhận và Bộ Ngọai giao Việt Nam chấp nhận.

2.2- Nếu vật dụng chuyển nhượng là xe ô tô, xe gắn máy thì phải xin phép trước cơ quan hải quan và tuân thủ các quy định sau:

2.2.1- Các đối tượng nói ở điểm 1 và 2 phần I của Thông tư này, nếu chuyển nhượng cho nhau thì được miễn thuế nhập khẩu, thuế và lệ phí có liên quan khác và trừ vào tiêu chuẩn nhập khẩu miễn thuế của đối tượng được chuyển nhượng.

2.2.2- Mọi trường hợp chuyển nhượng khác, người chuyển nhượng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế và lệ phí theo quy định hiện hành của Việt Nam.

2.3.- Đối với các vật dụng có số thứ tự từ 03 đến 07 trong các phụ lục đính kèm Thông tư này, khi chuyển nhượng được miễn thuế nhập khẩu.

2.4.- Sau khi chuyển nhượng, các đối tượng nói ở điểm và 2 phần I được tạm nhập hoặc mua bổ sung đủ số lượng quy định trong các phụ lục nói trên. Nếu là cá nhân thì chỉ được nhập khẩu hoặc mua ô tô, xe gắn máy khi thơì hạn công tác tại Việt Nam còn trên 06 (sáu) tháng.

IV.- NHỮNG QUI ĐỊNH KHÁC

1. Việc nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam, cũng như việc tái xuất khẩu, chuyển nhượng, hoàn thuế nhập khẩu các vật dụng theo quy định của Thông tư này, đều phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định hiện hành của Việt Nam.

2. Trong trường hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có qui đinh khác thì thực hiện theo quy định tại các điều ước quốc tế đó.

3. Các cơ quan đại diện của Tổ chức phi Chính phủ và thành viên của nó (quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam) nếu được Chính phủ Việt Nam cho hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thì áp đụng theo Thông tư này trên cơ sở thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Tổ chức đó.

4. Những quy định tại Thông tư này được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại.

5. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Mai Văn Dâu

KT/BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đình Bin

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Vũ Mộng Giao

KT/TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
P. TỔNG CỤC TRƯỞNG




Bùi Duy Bảo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04 TTLB-1996 hướng dẫn nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam, tái xuất khẩu và chuyển nhượng những vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự và Cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam do Bộ Thương mại - Bộ Ngoại giao - Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 04TTLB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/02/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Bùi Duy Bảo, Mai Văn Dâu, Nguyễn Đình Bin, Vũ Mộng Giao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản