Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 04-LB/NH/TC | Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 1975 |
Ngày 14-6-1975, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 219-TTg về việc tổ chức thanh toán công nợ dây dưa trong các tổ chức kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội. Để chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị trên của Chính phủ, Thủ trưởng các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính các cấp, các đơn vị cơ sở cần kiểm tra và tổ chức thực hiện tốt các văn bản của Nhà nước về thanh toán công nợ và thanh lý, xử lý tài sản đã ban hành : quyết định số 127-CP ngày 5-8-1968, số 107-CP ngày 7-5-1974 của Hội đồng Chính phủ, Chỉ thị số 50-TTg ngày 15-6-1968 của Thủ tướng Chính phủ, thông tư số 16-TC/NH ngày 8-5-1971 của liên Bộ Tài chính-Ngân hàng, thông tư số 27-TT/LB ngày 10-12-1964 của liên Bộ Tài chính – Ngân hàng – Nội thương, v.v…
Thông tư liên bộ này hướng dẫn một số điểm cụ thể về tổ chức thanh toán công nợ dây dưa và biện pháp ngăn chặn công nợ dây dưa tái phát trong các tổ chức kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội.
I. YÊU CẦU VỀ THANH TOÁN CÔNG NỢ DÂY DƯA
1. Giải quyết khân trương các khoản công nợ dây dưa từ trước đến cuối năm 1974, nhằm góp phần đưa công tác thanh toán trong nền kinh tế quốc dân sớm trở lại bình thường, ổn định hoạt động kinh tế và tài chính của các đơn vị cơ sở, tăng cường và củng cố chế độ hạch toán kinh tế, phát huy vai trò kiểm soát của hệ thống tài chính – tín dụng.
2. Phải kết hợp chặt chẽ việc thanh toán công nợ dây dưa với việc thanh, xử lý vật tư tài sản tổn thất, ứ đọng, kém, mất phẩm chất…, nhằm huy động vật tư, hàng hóa ra sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi giải quyết vốn thanh toán công nợ dây dưa.
3. Phải có biện pháp cải tiến tổ chức quản lý và nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành chế độ, thể lệ, nhằm ngăn chặn công nợ dây dưa tái phát.
II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC TỔ CHỨC THANH TOÁN CÔNG NỢ DÂY DƯA
1. Tổ chức đối chiếu và thanh toán công nợ dây dưa.
a) Các ngành, tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội phải kiểm tra và nắm thật chắc tình hình công nợ (về các khoản phải thu, phải trả), quá trình diễn biến và nguyên nhân công nợ, đề ra biện pháp giải quyết từng khoản một. Trường hợp việc tổ chức thanh toán công nợ chưa đầy đủ, thiếu chính xác, thiếu chứng từ hợp pháp, đơn vị cơ sở phải tổ chức soát xét lại, truy tìm chứng từ để hạch toán chính xác, làm cơ sở pháp lý giải quyết công nợ.
Những khoản công nợ có đủ cơ sở pháp lý để đòi tiền hoặc trả tiền thì đơn vị cơ sở lập thủ tục đòi tiền và trả tiền qua ngân hàng ngay theo chế độ thanh toán hiện hành.
Đơn vị chủ nợ cần chủ động đối chiếu các khoản công nợ cần phải đối chiếu với các đơn vị mắc nợ và cùng nhau xác nhận nợ, đơn vị mắc nợ phải tích cực đối chiếu xác nhận, không được trì hoãn hoặc từ chối đối chiếu.
b) Đối với các khoản công nợ phải đòi có đủ chứng từ hợp lệ, đã được đơn vị mắc nợ xác nhận nợ chưa trả tiền, đơn vị chủ nợ được áp dụng giấy nhờ thu đòi tiền về vật tư, hàng hóa, lao vụ thuộc công nợ dây dưa theo Chỉ thị số 17-CT/NH ngày 28-10-1974 của Ngân hàng Nhà nước.
c) Đối với các khoản công nợ phải đòi có đầy đủ chứng từ hợp lệ, trong phạm vi tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của đơn vị chủ nợ yêu cầu đối chiếu nợ được gửi qua Ngân hàng phục vụ đơn vị mắc nợ, đơn vị mắc nợ không chịu đối chiếu để xác nhận, thì đơn vị chủ nợ được lập giấy nhờ thu kèm theo chứng từ cần thiết gửi cho đơn vị ngân hàng phục vụ mình để đòi tiền. Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày ngân hàng chuyển giao giấy đòi nợ, đơn vị mắc nợ phải đối chiếu để xác nhận nợ và giải quyết vốn thanh toán. Hết thời hạn trên, đơn vị mắc nợ không trả tiền hoặc không có giấy báo đến ngân hàng về lý do chính đáng để từ chối thanh toán, ngân hàng trích tài khoản tiền gửi của đơn vị mắc nợ trả cho đơn vị chủ nợ theo giấy nhờ thu như đã nói ở điểm b. Nếu sau đó xảy ra tranh chấp, hai bên chủ nợ và mắc nợ tự giải quyết hoặc lập hồ sơ tranh chấp chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm.
d) Đối với các khoản công nợ phải đòi, sau khi đối chiếu, nếu đơn vị mắc nợ chưa thừa nhận hoặc còn tranh chấp thì phải ký biên bản ghi rõ lý do không chấp nhận toàn bộ hoặc một phần khoản công nợ đó ; phần nào đã xác nhận thì phải thanh toán.
Trường hợp hai bên có tranh chấp, đơn vị chủ nợ phải báo cáo lên cơ quan chủ quản cấp trên giải quyết, nếu là hai đơn vị cùng ngành, báo cáo cho ban tổ chức thanh toán công nợ Ngân hàng – Tài chính tỉnh, thành phố (đặt tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố) nếu là hai đơn vị thuộc địa phương quản lý ; báo cáo cho ban tổ chức thanh toán công nợ liên Bộ Ngân hàng Nhà nước – Tài chính (đặt tại Ngân hàng Nhà nước trung ương), nếu là hai đơn vị do trung ương quản lý ; trường hợp một đơn vị do trung ương quản lý và một đơn vị do địa phương quản lý, hoặc cả hai đơn vị đều do địa phương quản lý nhưng ở khác tỉnh hay thành phố và những khoản tranh chấp mà các cơ quan chủ quản không giải quyết được thì lập báo cáo lên ban tổ chức thanh toán công nợ liên bộ Ngân hàng – Tài chính. Ban tổ chức thanh toán công nợ liên bộ Ngân hàng Nhà nước – Tài chính phải báo cáo lên Chính phủ xem xét và quyết định về các khoản tranh chấp không giải quyết được.
Các đơn vị chủ nợ và mắc nợ trực tiếp lập hồ sơ chuyển cho Hội đồng trọng tài kinh tế giải quyết các khoản tranh chấp do không chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế.
Quyết định xử lý của Thủ trưởng cơ quan chủ quản cấp trên, biên bản xử lý của Ban thanh toán công nợ Ngân hàng – Tài chính, quyết định của hội đồng trọng tài kinh tế các cấp, có giá trị pháp lý cho việc thanh toán. Hết thời hạn quy định trong quyết định xử lý và biên bản xử lý, đơn vị mắc nợ chưa trả nợ cho đơn vị chủ nợ, Ngân hàng Nhà nước trích tài khoản tiền gửi hoặc kinh phí được cấp của đơn vị mắc nợ trả cho đơn vị chủ nợ.
e) Các khoản nợ phải đòi đã mất chứng từ, sổ sách không còn cơ sở để xác nhận đơn vị mắc nợ, các khoản nợ mà người mắc nợ đã chết, những khoản nợ không có địa chỉ để đòi hoặc những trường hợp không thu hồi được nợ thì đơn vị chủ nợ phải lập hồ sơ cụ thể từng khoản, lập hội đồng xử lý hoặc báo cáo cho cơ quan chủ quản cấp trên, cơ quan tài chính, Ban thanh lý tài sản của Chính phủ để giải quyết theo trách nhiệm và quyền hạn được Nhà nước quy định cho các cơ quan này.
g) Các khoản nợ phải đòi mà đơn vị mắc nợ đã giải thể, phân tán, sát nhập thì đơn vị chủ nợ phải liên hệ với cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp của đơn vị mắc nợ, hoặc cơ quan tiếp nhận đơn vị đó để yêu cầu đối chiếu xác nhận và thanh toán. Các cơ quan chủ quản trực tiếp hoặc cơ quan tiếp nhận tài sản của đơn vị đã giải thể, phân tán, sát nhập phải chịu trách nhiệm thay đơn vị mắc nợ đối chiếu để xác nhận công nợ và thanh toán như đã quy định ở điểm b ; trường hợp không còn cơ quan chủ quản hoặc không có đơn vị tiếp nhận tài sản thì giải quyết như điểm e.
h) Các khoản nợ phải trả đã có chứng từ hóa đơn hợp lệ hoặc đã được hai bên chủ nợ và mắc nợ đối chiếu xác nhận thì đơn vị mắc nợ phải trả ngay cho đơn vị chủ nợ. Đối với các khoản phải trả cho các đơn vị chủ nợ thuộc kinh phí dự toán ngân sách Nhà nước cấp phát trong những năm trước năm kế hoạch và các khoản phải trả đã được xác định là không có người nhận, không có cơ sở để hoàn trả, đơn vị mắc nợ không được hoàn trả cho đơn vị chủ nợ mà phải lập bảng kê để nộp ngay vào ngân sách Nhà nước, đồng thời thông báo cho đơn vị chủ nợ biết về số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước.
i) Các khoản tiền nhận ứng trước, tiền nhận đặt hàng, hoặc tiền bên mua trả thừa, kể cả số tiền thuộc loại này còn tạm giữ trên tài khoản “tạm giữ” tại Ngân hàng, các đơn vị cơ sở đều phải thanh toán chậm nhất đến ngày 30 tháng 11 năm 1975. Đơn vị cơ sở nào đã ứng trước, trả trước, có tiền trả thừa phải đòi lại bằng giấy nhờ thu dựa trên chứng từ xác nhận nợ, đơn vị nhận các khoản tiền này phải hoàn trả cho đơn vị chủ nợ bằng giấy ủy nhiệm chi. Đối với các khoản tiền phải trả cho đơn vị chủ nợ thuộc kinh phí dự toán ngân sách Nhà nước cấp phát của những năm trước năm kế hoạch, đơn vị mắc nợ giải quyết như điểm h.
k) Các đơn vị cơ sở không thực hiện được việc thanh toán công nợ do tài sản tổn thất về chiến tranh chưa được giải quyết, phải khẩn trương lập biên bản về thiệt hại chiến tranh theo thông tư số 150-TC/TDT ngày 5-9-1968 của Bộ Tài chính.
Trường hợp không lập được biên bản tài sản tổn thất do chiến tranh, đơn vị cơ sở phải tổ chức hội đồng kiểm tra và lập biên bản xác nhận số tài sản thiệt hại gửi lên cơ quan chủ quản để kiểm tra, xác nhận và đề nghị Ban thanh lý tài sản của Chính phủ cho thanh lý.
Trường hợp tài sản tổn thất do công tác quản lý không chặt chẽ gây ra đến nay chưa được giải quyết thì đơn vị cơ sở phải đưa ra hội đồng xử lý, hoặc lập báo cáo cụ thể lên cơ quan chủ quản xử lý tùy theo tính chất sự việc.
l) Các cơ quan chủ quản (Bộ, Tổng cục, Sở, Ty…) phải tổ chức việc thanh toán công nợ giữa các đơn vị cơ sở trong nội bộ từng ngành với sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước. Số tiền phải thanh toán là số chênh lệch phải đòi và phải trả của các đơn vị kinh tế sau khi đã thực hiện bù trừ.
m) Đối với các khoản nợ nần giữa cá nhân với đơn vị, cần lập hội đồng xử lý để giải quyết đúng theo các quy định của chế độ hiện hành.
2. Biện pháp giải quyết vốn để thanh toán công nợ dây dưa.
Để giải quyết đúng đắn nguồn vốn và đồng thời thanh toán công nợ dây dưa, các đơn vị cơ sở phải dựa trên bảng tổng kết tài sản ở thời điểm 31-12-1974 phân loại công nợ phải thu, phải trả theo tính chất nguồn vốn giải quyết : các khoản công nợ có thể thanh toán bù trừ lẫn nhau ; các khoản công nợ do nguồn vốn tự có phải giải quyết ; các khoản công nợ thuộc phạm vi ngân sách Nhà nước giải quyết, phải xin ngân sách Nhà nước cấp phát ; các khoản công nợ thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản giải quyết phải xin Ngân hàng kiến thiết cấp phát hoặc cho vay ; các khoản công nợ thuộc phạm vi tín dụng Ngân hàng Nhà nước giải quyết phải xin Ngân hàng Nhà nước cho vay để thanh toán công nợ.
a) Các đơn vị mắc nợ phải thanh toán kịp thời khoản tiền nợ cho đơn vị chủ nợ, trước hết bằng vốn tự có, bằng kinh phí được cấp ; trường hợp không đủ vốn để thanh toán, đơn vị mắc nợ phải tùy theo tính chất vật tư, hàng hóa, tài sản, công nợ mà xin cơ quan chủ quản điều hóa vốn, xin vay cơ quan tài chính cấp phát hoặc xin vay ngân hàng để thanh toán.
Mọi chậm trễ trong thanh toán, đơn vị mắc nợ bị phạt theo chế độ thanh toán hiện hành.
b) Các đơn vị cơ sở xin cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính kịp thời cấp phát vốn và kinh phí để thanh toán công nợ dây dưa theo đúng chế độ cấp phát hiện hành gồm : Vốn lưu động định mức đã được Nhà nước duyệt cấp bù lỗ, cấp về chênh lệch giá, cấp vốn xây dựng cơ bản, giải quyết vốn về tài sản tổn thất do chiến tranh, do tai nạn lũ lụt.
Đối với các khoản công nợ dây dưa phải trả của các đơn vị hành chính sự nghiệp, quốc phòng sẽ được ngân sách Nhà nước cấp sau khi có báo cáo kiểm điểm được Bộ trưởng Bộ chủ quản xác nhận và được Bộ Tài chính đồng ý.
Đối với các khoản chi về xây dựng cơ bản trong thời chiến, trong trường hợp bị địch đánh đi đánh lại nhiều lần, hiện nay không còn có khối lượng công trình thực tế, đơn vị cơ sở phải lập biên bản thiệt hại do chiến tranh báo cáo cho cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan tài chính giải quyết theo chế độ thanh, xử lý tài sản hiện hành.
Đối với các khoản chi về xây dựng cơ bản làm ngoài kế hoạch, sử dụng vốn lưu động hoặc đi chiếm dụng vốn để làm các công trình xây dựng cơ bản, đơn vị cơ sở phải quyết toán khối lượng xây dựng cơ bản, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm vi phạm kế hoạch và kỷ luật tài chính, lập báo cáo và được cơ quan chủ quản cấp trên xác nhận gửi cho Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đồng thời gửi cho Ngân hàng kiến thiết xin cấp phát vốn để có vốn thanh toán công nợ, bù đắp vốn thiếu hụt.
Các khoản do cơ quan tài chính phải cấp phát trực tiếp hoặc cấp phát qua Ngân hàng kiến thiết cho các đơn vị cơ sở để thanh toán công nợ dây dưa ngoài dự toán ngân sách năm kế hoạch thì Bộ Tài chính được dùng vốn vay của Ngân hàng Nhà nước ; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trung ương thỏa thuận số tiền cho vay từng tháng xem như kế hoạch tháng, căn cứ vào chứng từ đối chiếu nợ đã nắm được theo giấy đề nghị của Bộ Tài chính. Số tiền cho vay này được hạch toán bằng tài khoản riêng tại Ngân hàng Nhà nước (Vụ kế toán và tài vụ) và được báo cáo cho Vụ quản lý quỹ ngân sách Nhà nước để theo dõi hạch toán việc sử dụng (phân loại tiểu khoản 05.733 “Tiền gửi Bộ Tài chính để cấp phát thanh toán công nợ dây dưa”). Mỗi lần có lệnh cấp phát của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý quỹ ngân sách Nhà nước) ghi Nợ phân loại tiểu khoản 05.733. Các khoản do Sở, Ty tài chính phải cấp phát để thanh toán nợ nần dây dưa đều phải tập trung kịp thời về Bộ Tài chính (Vụ ngân sách địa phương) để xin vốn thanh toán từ tài khoản trên. Số tiền cấp phát để thanh toán công nợ dây dưa sẽ do Ngân hàng Nhà nước chuyển thẳng cho đơn vị chủ nợ được ghi rõ trong lệnh cấp phát.
Riêng Ngân hàng kiến thiết được sử dụng vốn hiện có để cấp phát thanh toán công nợ dây dưa bằng cách chuyển thẳng số tiền của đơn vị được cấp phát cho đơn vị chủ nợ và hạch toán vào một tài khoản riêng. Hàng tháng Ngân hàng kiến thiết căn cứ vào số thực tế cấp phát lập thủ tục xin ngân sách Nhà nước chuyển vốn từ tài khoản “tiền gửi Bộ Tài chính để thanh toán công nợ dây dưa” mở tại Ngân hàng Nhà nước để hoàn lại số vốn đã cấp phát thanh toán công nợ dây dưa.
c) Đối với các khoản công nợ dây dưa về thiết bị, vật tư, hàng hóa thuộc vốn xây dựng cơ bản đã có đối tượng hoặc không có đối tượng công trình do Ngân hàng kiến thiết cấp phát và cho đơn vị kinh tế vay để thanh toán. Sau khi được cấp phát, đơn vị kinh tế phải hoàn trả vốn vay cho Ngân hàng kiến thiết.
d) Đối với các khoản công nợ dây dưa về vật tư hàng hóa thuộc vốn lưu động, các đơn vị kinh tế ngoài việc xin vay vốn Ngân hàng Nhà nước theo các loại cho vay của chế độ tín dụng hiện hành để thanh toán như thường lệ, còn được xin vay Ngân hàng Nhà nước loại “tín dụng đặc biệt được Chính phủ cho phép để thanh toán công nợ dây dưa”.
Loại “tín dụng đặc biệt được Chính phủ cho phép để thanh toán công nợ dây dưa” chỉ áp dụng tạm thời cho các đơn vị kinh tế vay để giải quyết công nợ dây dưa từ năm 1974 trở về trước về đối tượng vật tư, hàng hóa đã nhận, có chứng từ hóa đơn, hoặc chứng từ xác nhận nợ của hai bên mua, bán. Đơn vị vay phải lập đơn xin vay và khế ước từng lần vay.
Loại cho vay này phải được hạch toán vào phân loại tiểu khoản 35 “tín dụng đặc biệt được Chính phủ cho phép để thanh toán công nợ dây dưa” (bổ sung vào điều 41 bản đồ kế toán Ngân hàng Nhà nước). Mức cho vay là số tiền phải trả nợ. Khi cho vay, ngân hàng chuyển ngay số tiền đó cho đơn vị được hưởng. Thời hạn cho vay loại này tối đa là 90 ngày. Lãi suất cho vay bằng mức lãi suất cho vay thanh toán quy định trong biểu lãi suất của Nhà nước đã ban hành. Chỉ tiêu kiểm tra về loại cho vay này được dự kiến trong kế hoạch tín dụng.
Trong phạm vi thời hạn vay, đơn vị vay phải tích cực giải quyết nguồn vốn để trả nợ. Đến hạn nợ, đơn vị vay không trả được nợ, ngân hàng trích tài khoản tiền gửi để thu hồi nợ ; nếu tài khoản tiền gửi của đơn vị vay không có tiền ; ngân hàng chuyển sang phân loại tiểu khoản 04.570 “Nợ quá hạn về tín dụng đặc biệt được Chính phủ cho phép để thanh toán công nợ dây dưa” (bổ sung vào điều 47 bản đồ kế toán ngân hàng Nhà nước) áp dụng lãi suất nợ quá hạn và trích tài khoản tiền gửi để thu hồi nợ khi có tiền.
Hết thời hạn đã được quy định phải thanh toán cho từng đơn vị, các đơn vị cơ sở Bộ, Tổng cục, Sở, Ty chủ quản phải tiến hành quyết toán. Cuối đợt thanh toán, các chi nhánh, chi điểm ngân hàng Nhà nước, chi nhánh, chi điểm ngân hàng kiến thiết, các sở, ty tài chính phải báo cáo cụ thể tình hình cấp phát và cho vay thanh toán công nợ dây dưa, các khoản tổn thất phát hiện qua đợt thanh toán công nợ dây dưa, các khoản cho vay để thanh toán công nợ không thu hồi được cho Ngân hàng Nhà nước trung ương, Ngân hàng kiến thiết trung ương và Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
III. NGĂN CHẶN CÔNG NỢ DÂY DƯA TÁI PHÁT
Đi đối với việc thanh toán công nợ dây dưa, cần phải có biện pháp hiệu lực để ngăn chặn công nợ dây dưa tái phát. Để làm việc đó không thể chỉ bằng các biện pháp thanh toán, mà về cơ bản phải giải quyết nguyên nhân kinh tế sinh ra nó.
a) Các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở phải chấn chỉnh và cải tiến công tác quản lý xí nghiệp, công tác tài vụ xí nghiệp.
Trong công tác quản lý xí nghiệp cần chú ý các khâu : phải tổ chức thực hiện chặt chẽ việc lập và chấp hành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ ; chấp hành nghiêm chỉnh chế độ hợp đồng kinh tế theo đúng nghị định số 54-CP ngày 10-3-1975 của Hội đồng Chính phủ ; thực hiện đầy đủ chế độ trách nhiệm trong việc tổ chức cung ứng vật tư kỹ thuật, trong việc tổ chức giao nhận, vận chuyển, xuất nhập, cân, đong, đo, đếm, kiểm tra, kiểm nghiệm phẩm chất, vật tư, hàng hóa. Mọi hiện tượng sai sót, chênh lệch thừa thiếu, mất mát, hư hỏng tài sản phải tổ chức xử lý kịp thời.
Trong công tác tài chính xí nghiệp, phải chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc tài chính của Nhà nước, phải đặc biệt coi trọng công tác hạch toán kế toán ; bảo đảm sử dụng vốn tốt nhất, không để thiếu hụt hoặc mất vốn ; tăng nhanh tốc độ luân chuyển vốn ; đề cao ý thức mua hàng phải trả tiền, bán hàng phải có trách nhiệm đòi tiền nhanh chóng, phải theo dõi chặt chẽ và tiến hành thanh toán kịp thời các khoản công nợ phát sinh ; nghiên cứu để xác định nợ định mức về các khoản phải thu, phải trả trong thời gian thanh toán hợp lý cho phép đối với từng đơn vị cơ sở, để tính toán kế hoạch định mức vốn lưu động.
Phải tổ chức chấp hành nghiêm chỉnh chế độ thanh toán của Nhà nước, thực hiện việc tập trung mọi hoạt động thanh toán qua Ngân hàng. Nghiêm cấm mọi hiện tượng mua chịu, bán chịu hàng hóa, ứng trước, trả trước tiền đặt hàng và nhận các khoản tiền đó trong các đơn vị cơ sở (trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép). Khi phát hiện có tình trạng vi phạm, đơn vị ngân hàng sẽ phạt 1% đối với cả hai bên vi phạm và nộp tiền phạt vào ngân sách Nhà nước, đồng thời đơn vị ngân hàng có trách nhiệm quản lý toàn bộ số tiền ứng trước, trả trước tiền đặt hàng và xử lý như sau :
- Thu hồi nợ đã cho vay, nếu đó là nguồn vốn vay ngân hàng ;
- Nộp vào ngân sách Nhà nước, nếu đó là nguồn vốn khác.
b) Cơ quan tài chính thông qua các nguồn thu và việc cấp phát của ngân sách Nhà nước tăng cường giám đốc hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, các đơn vị cơ sở, xét duyệt kịp thời định mức tổng hợp vốn lưu động cho các cơ quan chủ quản và phối hợp với cơ quan chủ quản, Ngân hàng Nhà nước xét duyệt kịp thời vốn lưu động cho đơn vị kinh tế trong phạm vi định mức tổng hợp vốn lưu động đối với từng Bộ, Tổng cục đã được Chính phủ xác định trong ngân sách Nhà nước. Sau đó tổ chức, cấp phát kịp thời và đủ vốn lưu động định mức đã được duyệt của các đơn vị kinh tế cũng như các khoản thuộc phạm vi ngân sách Nhà nước phải cấp phát.
c) Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cải tiến chế độ thanh toán và tín dụng trong điều kiện mới, kết hợp chặt chẽ hoạt động thanh toán và tín dụng ăn khớp với quá trình vận động vật tư, hàng hóa trong các đơn vị kinh tế, phát huy vai trò kiểm soát và giám đốc qua công tác thanh toán và tín dụng đối với các hoạt động kinh tế ; hướng dẫn, phổ biến cho các ngành, các đơn vị cơ sở nắm vững các nguyên tắc, thể thức thanh toán, áp dụng nghiêm khắc các kỷ luật thanh toán, làm tốt vai trò trung tâm thanh toán, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hai bên mua bán trong quá trình thực hiện công tác thanh toán.
IV. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN CHÚ Ý TRONG VIỆC TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Việc giải quyết công nợ dây dưa và ngăn chặn công nợ dây dưa tái phát là trách nhiệm trực tiếp của các xí nghiệp, tổ chức kinh tế cơ sở, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội, trong đó thủ trưởng và kế toán trưởng của đơn vị chịu trách nhiệm chính.
Trong việc chỉ đạo thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ và tiến hành khẩn trương thanh toán công nợ dây dưa với việc thanh, xử lý tài sản. Cần bố trí một số cán bộ chuyên trách, đồng thời phải tận dụng bộ máy quản lý hiện hành, tuyệt đối không được khoán trắng cho một số cán bộ chuyên trách hay bộ phận kế toán tài vụ làm việc thanh toán công nợ dây dưa. Trường hợp xác định tình hình công nợ gặp khó khăn do cán bộ làm công tác này trước đây đã chuyển đi cơ quan khác, thủ trưởng đơn vị phải báo cáo lên Bộ, tổng cục chủ quản để yêu cầu Bộ, Tổng cục triệu tập cán bộ đó trở về giải quyết theo như Chỉ thị số 219-TTG ngày 14-6-1975 của Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thủ trưởng đơn vị cơ sở chịu trách nhiệm và phải sử dụng quyền hạn được giao để giải quyết công nợ dây dưa giữa đơn vị mình với các đơn vị có liên quan, cũng như công nợ trong nội bộ đơn vị. Trường hợp gặp khó khăn mắc mứu bản thân đơn vị không tự giải quyết được, đơn vị phải báo cáo ngay và bám sát các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đến kỳ cùng.
Thủ trưởng cơ quan chủ quản cần có cán bộ chuyên trách chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và giải quyết khó khăn, mắc mứu cho đơn vị cơ sở, phải tổ chức xử lý các tranh chấp và tổ chức thanh toán bù trừ nợ nần giữa các đơn vị cơ sở cùng ngành.
Các cơ quan Ngân hàng Nhà nước và tài chính dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần thành lập Ban chỉ đạo thanh toán công nợ, tích cực hướng dẫn, giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra thực hiện thanh toán công nợ dây dưa trong các ngành, các đơn vị cơ sở, tổ chức xử lý các vụ tranh chấp công nợ của các đơn vị kinh tế ở địa phương ; cần giao trách nhiệm cho cán bộ tín dụng và cán bộ tài chính chuyên quản trực tiếp giúp đỡ đơn vị cơ sở thanh toán công nợ dây dưa theo đúng quy định của Chỉ thị số 219-TTg ngày 14-6-1975 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư liên bộ này.
Thông tư này áp dụng để thanh toán công nợ dây dưa trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội và giữa các đơn vị này với các đơn vị kinh tế tập thể. Nguồn vốn để thanh toán công nợ dây dưa của các đơn vị kinh tế tập thể là vốn tự có hoặc vốn vay theo chế độ tín dụng thông thường, không áp dụng lối cấp phát và cho vay đặc biệt để thanh toán công nợ dây dưa như đối với đơn vị kinh tế quốc doanh. Những khó khăn vướng mắc trong việc thanh toán công nợ dây dưa giữa các đơn vị kinh tế tập thể sẽ có hướng dẫn giải quyết riêng.
Thời hạn để hoàn thành thanh toán các khoản công nợ dây dưa trong các ngành, tổ chức kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội là ngày 31 tháng 12 năm 1975.
Hàng tháng, các Bộ, Tổng cục và Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, các chi nhánh ngân hàng Nhà nước cùng với các Sở, Ty Tài chính tỉnh, thành phố cần phải báo cáo kết quả thực hiện thanh toán công nợ dây dưa trong từng Bộ, Tổng cục, đơn vị cơ sở trong địa phương, các khó khăn, trở ngại và những kiến nghị cụ thể về Ban tổ chức thanh toán công nợ liên bộ Ngân hàng – Tài chính (đặt tại Ngân hàng Nhà nước trung ương) để xem xét giải quyết và tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Từng quý và cuối đợt thanh toán, các đơn vị cơ sở, các Bộ, Tổng cục, Sở, Ty phải tiến hành sơ kết, tổng kết, khen thưởng các đơn vị chấp hành tốt và có hình thức kỷ luật đối với các đơn vị chấp hành thiếu nghiêm chỉnh Chỉ thị của Chính phủ và thông tư liên Bộ về thanh toán công nợ dây dưa.
TỔNG GIÁM ĐỐC | BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Thông tư 04-LB/NH/TC-1975 về việc thanh toán công nợ dây dưa trong các Tổ chức kinh tế Quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị Bộ đội do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 04-LB/NH/TC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 15/06/1975
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Đào Thiện Thi, Tạ Hoàng Cơ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra