Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống bệnh động vật thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản nuôi.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở nuôi là nơi nuôi, lưu giữ động vật thủy sản bao gồm một hoặc nhiều ao, đầm, hồ, lồng, bè và các loại hình nuôi khác của tổ chức, cá nhân.

2. Bệnh mới là bệnh động vật thủy sản mới xuất hiện ở Việt Nam, chưa có trong Danh Mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch, có khả năng lây lan nhanh trên phạm vi rộng, gây chết nhiều động vật thủy sản.

3. Động vật thủy sản mắc bệnh là động vật thủy sản nhiễm mầm bệnh được khẳng định bằng kết quả xét nghiệm và có triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh.

4. Động vật thủy sản có dấu hiệu mắc bệnh là động vật thủy sản có triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh nhưng chưa được xét nghiệm xác định mầm bệnh.

5. Động vật thủy sản nhiễm bệnh là động vật thủy sản nhiễm mầm bệnh được khẳng định bằng kết quả xét nghiệm nhưng chưa có triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh.

6. Động vật thủy sản có nguy cơ nhiễm bệnh là động vật thủy sản cảm nhiễm ở trong cùng một thủy vực với động vật thủy sản mắc bệnh, động vật thủy sản nhiễm bệnh hoặc thủy sản có dấu hiệu mắc bệnh.

7. Cơ quan quản lý hoạt động quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản: Ở cấp Trung ương là Tổng cục Thủy sản; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) là Chi cục Thủy sản.

8. Đơn vị quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản: Là tổ chức, cá nhân đủ Điều kiện tham gia hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản được Tổng cục Thủy sản giao hoặc chỉ định thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường.

9. Bản tin quan trắc môi trường: Bao gồm kết quả quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản và khuyến cáo khắc phục.

Điều 3. Danh Mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch

1. Danh Mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch bao gồm các bệnh được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Danh Mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch được rà soát, Điều chỉnh, bổ sung khi có bệnh mới xuất hiện và khi có cơ sở khoa học, yêu cầu thực tiễn sản xuất cho thấy cần phải Điều chỉnh, bổ sung.

Điều 4. Nguyên tắc phòng, chống và báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản

1. Phòng bệnh là chính, bao gồm giám sát mầm bệnh chủ động, quan trắc môi trường, thu thập thông tin bệnh, thông tin hoạt động nuôi trồng thủy sản kết hợp với thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn chủ cơ sở nuôi chủ động thực hiện phòng, chống dịch bệnh.

2. Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản phải bảo đảm chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả.

3. Phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản là trách nhiệm của tổ chức, chủ cơ sở nuôi, người buôn bán, vận chuyển, sơ chế, chế biến thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

4. Thông tin, dữ liệu dịch bệnh động vật thủy sản phải được ghi chép, quản lý, phân tích và báo cáo kịp thời, chính xác và đầy đủ theo hướng dẫn của Cục Thú y; thông tin, dữ liệu nuôi động vật thủy sản và quan trắc môi trường được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản.

Điều 5. Chế độ báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản

1. Báo cáo đột xuất ổ dịch:

a) Chủ cơ sở nuôi, người hành nghề thú y, thủy sản, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, chết nhiều hoặc có dấu hiệu mắc bệnh, bất thường phải báo cáo nhân viên thú y xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là nhân viên thú y xã) và Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản nơi gần nhất;

b) Nhân viên thú y xã khi nhận được tin báo có trách nhiệm đến nơi có động vật thủy sản mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh để kiểm tra thông tin và báo cáo Trạm thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện (sau đây gọi là Trạm Thú y) và Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Trạm Thú y thực hiện Điều tra xác minh bệnh tại cơ sở và báo cáo kết quả xác minh bệnh với Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh (sau đây gọi là Chi cục Thú y) và Ủy ban nhân dân cấp huyện;

d) Chi cục Thú y báo cáo tình hình dịch bệnh xảy ra với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y;

đ) Cơ quan Thú y vùng: Tổng hợp và báo cáo cho Cục Thú y tình hình dịch bệnh động vật thủy sản của các địa phương trong vùng;

e) Cục Thú y báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; báo cáo cho các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc cam kết thực hiện;

g) Báo cáo về ổ dịch hoặc bệnh mới theo quy định tại Điểm a, b, c, d, đ của Khoản này phải được thực hiện trong vòng 48 giờ đối với các xã thuộc vùng đồng bằng hoặc 72 giờ đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông tin động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh;

h) Báo cáo bằng điện thoại, gặp trực tiếp, gửi văn bản hoặc gửi thư điện tử (email) đến các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

2. Báo cáo cập nhật tình hình ổ dịch:

a) Trước 12:00 giờ hằng ngày, nhân viên thú y xã báo cáo Trạm Thú y và Ủy ban nhân dân cấp xã về tình hình ổ dịch đã được Trạm Thú y hoặc Chi cục Thú y xác nhận;

b) Trước 16:00 giờ hằng ngày, Trạm Thú y báo cáo Chi cục Thú y và Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Trước 15:00 giờ thứ 6 hằng tuần, Chi cục Thú y tổng hợp báo cáo diễn biến dịch bệnh trong tuần gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y;

d) Báo cáo cập nhật tình hình ổ dịch được thực hiện cho đến khi kết thúc ổ dịch, kể cả ngày lễ, tết và ngày nghỉ.

3. Báo cáo kết thúc ổ dịch: Trong thời gian 07 ngày kể từ khi kết thúc ổ dịch theo quy định của pháp luật, Chi cục Thú y có trách nhiệm báo cáo tổng kết ổ dịch, đánh giá kết quả phòng, chống dịch bệnh.

4. Báo cáo Điều tra ổ dịch:

a) Báo cáo Điều tra ổ dịch được áp dụng trong trường hợp ổ dịch đã được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thủy sản xác định là bệnh thuộc Danh Mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch hoặc bệnh mới;

b) Chi cục Thú y có trách nhiệm báo cáo kết quả Điều tra ổ dịch cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y ngay sau khi kết thúc Điều tra ổ dịch.

5. Báo cáo bệnh mới:

a) Chi cục Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y về diễn biến lây lan dịch bệnh;

b) Cục Thú y báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về diễn biến tình hình dịch bệnh.

6. Báo cáo định kỳ:

a) Báo cáo tháng: Số liệu tổng hợp để báo cáo được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng. Báo cáo phải được thực hiện dưới hình thức văn bản và file điện tử, cụ thể như sau: Trạm Thú y báo cáo Chi cục Thú y trước ngày 10 của tháng tiếp theo; Chi cục Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y trước ngày 15 của tháng tiếp theo;

b) Báo cáo 06 (sáu) tháng đầu năm được thực hiện trước ngày 15 tháng 7; Số liệu tổng hợp để báo cáo được tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6;

c) Báo cáo năm được thực hiện trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo; Số liệu tổng hợp để báo cáo được tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12;

7. Báo cáo kết quả giám sát dịch bệnh:

a) Chi cục Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y kết quả giám sát, dự báo dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh của địa phương;

b) Cục Thú y báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả giám sát, dự báo dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc;

c) Thời Điểm báo cáo kết quả giám sát dịch bệnh trong vòng 10 (mười) ngày, kể từ thời Điểm kết thúc chương trình giám sát.

8. Cục Thú y hướng dẫn nội dung, biểu mẫu báo cáo dịch bệnh theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

Điều 6. Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

Hằng năm, Chi cục Thú y chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản (sau đây gọi chung là Kế hoạch) theo các bước sau:

1. Tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả và chỉ rõ những nguyên nhân vướng mắc, tồn tại, bất cập trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch của năm đang thực hiện; đề xuất nội dung cần Điều chỉnh, bổ sung cho Kế hoạch năm sau.

2. Đánh giá cụ thể về vai trò, tầm quan trọng, hiện trạng và xu hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương; tổng hợp, phân tích số liệu diện tích nuôi các động vật thủy sản chủ lực tại địa phương.

3. Tổng hợp, phân tích và đánh giá kết quả quan trắc, cảnh bảo môi trường; các nguồn nước chính cung cấp cho vùng nuôi; thực trạng xả thải tại các vùng nuôi; kết quả giám sát dịch bệnh động vật thủy sản, tình hình dịch bệnh (mô tả chi Tiết theo không gian, thời gian và động vật thủy sản mắc bệnh); các yếu tố nguy cơ liên quan đến quá trình phát sinh, lây lan dịch bệnh động vật thủy sản ở địa phương; các chỉ tiêu dịch tễ và chỉ tiêu liên quan cần xét nghiệm nhằm xác định mức độ nguy cơ phát sinh, dự báo khả năng phát sinh, lây lan dịch bệnh động vật thủy sản tại địa phương.

4. Xác định các nguồn lực cần thiết, bao gồm: Nhân lực, vật lực, tài chính để triển khai các biện pháp phòng, chống, hỗ trợ chủ cơ sở nuôi, giám sát môi trường, dịch bệnh, cả khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ Điều kiện công bố dịch và khi công bố dịch.

5. Căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam và văn bản hướng dẫn về giám sát, Điều tra dịch bệnh, Điều kiện vệ sinh môi trường nuôi trồng thủy sản, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, diện tích nuôi trồng thủy sản để đề xuất các chỉ tiêu, tần suất, vị trí thu mẫu, số lượng mẫu động vật thủy sản, môi trường.

6. Xây dựng Kế hoạch gồm các nội dung quy định tại Điều 7 Thông tư này.

7. Báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Sở trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch và dự toán kinh phí trước ngày 30/11 hằng năm.

8. Gửi Kế hoạch đã được phê duyệt đến Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y để phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát thực hiện.

9. Tổ chức triển khai Kế hoạch.

10. Trường hợp Điều chỉnh Kế hoạch, Chi cục Thú y gửi Kế hoạch Điều chỉnh đã được phê duyệt đến Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y.

Điều 7. Nội dung Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

1. Giám sát dịch bệnh động vật thủy sản theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 10 của Thông tư này.

2. Điều tra ổ dịch, các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch.

3. Dự trù vật tư, hóa chất, kinh phí và nguồn nhân lực để triển khai các biện pháp phòng, chống, hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi khi công bố dịch và cả khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ Điều kiện công bố dịch.

4. Dự trù các trang thiết bị cần đầu tư, bổ sung, hiệu chỉnh để phục vụ công tác chẩn đoán xét nghiệm, giám sát, Điều tra ổ dịch, xây dựng bản đồ dịch tễ và phân tích số liệu.

5. Kiểm dịch giống; kiểm tra vệ sinh thú y; kiểm tra việc quản lý, kinh doanh, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường thuốc thú y, vắc xin, hóa chất tại địa phương.

6. Thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho người nuôi trồng thủy sản, nhân viên thú y xã, công chức, viên chức thú y thủy sản: Các quy định của pháp luật về nuôi, phòng chống dịch bệnh, yêu cầu chất lượng sản phẩm, các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên ngành thú y, nuôi trồng thủy sản.

7. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai Kế hoạch.

8. Họp sơ kết, tổng kết, phân tích và nhận định tình hình dịch bệnh; đánh giá các biện pháp phòng, trị bệnh đã triển khai và đưa ra những Điều chỉnh phù hợp và hiệu quả.

Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống bệnh động vật thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 04/2016/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/05/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Vũ Văn Tám
  • Ngày công báo: 31/05/2016
  • Số công báo: Từ số 369 đến số 370
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH