BỘ NÔNG LÂM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 03-TT/LT | Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 1958 |
VỀ VIỆC BỒI DƯỠNG THANH NIÊN LÀM ĐẦU TẦU TRONG VIỆC CẢI TIẾN KỸ THUẬT
BỘ NÔNG LÂM - ĐOÀN THANH NIÊN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kính gửi: | - Các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh |
Việc bồi dưỡng cho thanh niên làm đầu tầu trong phong trào cải tiến kỹ thuật, do sự phối hợp giữa các Ty Nông lâm và các Tỉnh đoàn thanh niên, gần đây đã có một số kết quả tốt, nhưng chưa được đều và rộng khắp và chưa được theo dõi sát. Để đẩy mạnh vụ mùa trước mắt, cũng như để chuẩn bị phổ biến khoa học kỹ thuật trong nhân dân và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật trong nhân dân một cách rộng rãi và có hệ thống, thì thanh niên là một lực lượng, một khả năng rất lớn. Cho nên, sự phối hợp giữa nông lâm và thanh niên các cấp, từ nay trở đi, cần được quy định thành nhiệm vụ, thành chế độ công tác, có ghi trong chương trình, có theo dõi sơ kết tổng kết.
Thông tri này nhằm quy định những điều đó, đồng thời sẽ đề ra một số công tác phải làm ngay để kịp thời đẩy mạnh vụ mùa.
1) Bồi dưỡng thanh niên (trước tiên là cho các cán bộ và các nam, nữ thanh niên tích cực) nắm vững lý thuyết thực hành để làm gương mẫu trong việc cải tiết kỹ thuật, lôi cuốn các hợp tác xã, tổ đổi công và các gia đình làm theo, trong phong trào thi đua đổi công hợp tác và sản xuất.
2) Bồi dưỡng cho thanh niên (trước tiên là cho những chiến sĩ nam nữ thanh niên, và cho các thanh niên tích cực) trở dần thành cán bộ kỹ thuật trong nhân dân, nhất là trong các tổ đổi công, hợp tác xã, bằng cách nâng cao dần kiến thức kỹ thuật khoa học, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, phát huy được nhiều sáng kiến.
II. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH, CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC
1. Mở lớp huấn luyện
Trước mỗi vụ hoặc mỗi đợt công tác, cần thiết phải huấn luyện về kỹ thuật cho thanh niên (trước tiên cho cán bộ nam, nữ thanh niên huyện, xã, chiến sĩ thanh niên và các thanh niên tích cực trong các tổ đổi công, hợp tác xã). Nhưng lớp huấn luyện kỹ thuật này có thể chỉ huấn luyện về kỹ thuật hoặc lồng vào một phần của các lớp huấn luyện hợp tác xã, tổ trưởng đổi công v .v…
Chú ý huấn luyện bằng thực tế, có phân tích phê phán. Mỗi lớp huấn luyện đều cần được tổ chức nơi có điển hình tốt, có tổ chức, tham quan và có cả thực tập. Bài giảng giải phải ngắn, gọn, thiết thực, có thảo luận để áp dụng cụ thể vào từng vùng.
Các lớp huấn luyện này cần được ghi trong chương trình hoạt động thống nhất giữa Tỉnh đoàn thanh niên và Ty Nông lâm, Ty Nông lâm phụ trách về kỹ thuật. Đoàn thanh niên triệu tập (có phối hợp với Nông hội và phụ nữ) và phụ trách công tác tư tưởng, chính trị, trong lớp. Tiền phí tổn sẽ ghi trong quỹ của Ty Nông lâm (nếu thiếu thì cần ghi vào bản tái trù ngân sách).
Căn cứ đặc điểm tình hình sản xuất trong từng tỉnh, chia từng vùng, miền để mở lớp cho hợp với kỹ thuật từng vùng và tiện đi lại cho xã.
Thời gian: Trước mỗi đợt chỉ huấn luyện độ 2 ngày (kể cả tham quan); trước mỗi vụ có thể huấn luyện độ 4 ngày hay 5 ngày (như vậy không cần huấn luyện từng đợt).
Sau lớp huấn luyện: Phải có kế hoạch theo dõi, phổ biến rộng rãi cho thanh niên ở xã, có giao nhiệm vụ cho Ban chấp hành thanh niên xã khuyến khích giúp đỡ những người được huấn luyện làm điển hình tốt, và có tổ chức tham quan phát huy tác dụng của điển hình đó. Phải có kế hoạch theo dõi để giúp đỡ giải quyết những khó khăn thực tế sau khi anh chị em đi học về và có sơ kết, tổng kết để đề cao lên.
2. Lập các tổ kỹ thuật ở các trạm phổ biến kỹ thuật;
Các tổ kỹ thuật ở các trạm phổ biến kỹ thuật thường gồm có một số chiến sĩ, thanh niêm nam nữ tích cực và lão nông tích cực từ nay trở đi, thì các cán bộ phụ trách các trạm phổ biến kỹ thuật cần thấy rõ nhiệm vụ của mình trong việc chú ý bồi dưỡng cốt cán nam, nữ thanh niên trong các tổ kỹ thuật, để nâng cao dần trình độ kỹ thuật và phát huy được nhiều sáng kiến.
Thanh niên có ruộng thí nghiệm ở các xã, Nông lâm giúp đỡ hướng dẫn về kỹ thuật.
Tỉnh đoàn, Huyện đoàn và Chi đoàn thanh niên các xã có nhiệm vụ chỉ đạo giúp đỡ cho các thanh niên đó làm được đầu tàu trong việc cải tiến kỹ thuật, và phát huy được tác dụng của những kết quả đạt được, Đoàn thanh niên phải coi việc này như việc của bản thân mình phải chỉ đạo, không được ỷ lại, khoán mặc Nông lâm.
3. Phối hợp với các Phân đoàn thanh niên học sinh, thiếu nhi tham gia từng công tác sản xuất cụ thể: như chống hạn, úng, trừ sâu v .v… Việc này mỗi khi cần thiết Ty Nông lâm sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn thanh niên. Nông lâm sẽ hướng dẫn cách làm, thanh niên vận động đoàn viên và tổ chức thực hiện (những việc này đều nằm trong chương trình chung của địa phương).
4. Phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, tuyên truyền.
Nông lâm và thanh niên cần có kế hoạch phối hợp trong các việc:
a) Chỉ đạo một xã điển hình về việc bồi dưỡng và phát huy khả năng của thanh niên trong việc cải tiến kỹ thuật.
b) Kiểm tra theo dõi đôn đốc phong trào theo chương trình chung.
c) Tuyên truyền về mặt nội dung kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tư tưởng v .v… nhất là thanh niên xung phong nhận nhiệm vụ trong việc đẩy mạnh mọi hình thức tuyên truyền sản xuất ở xã, chủ yếu bằng phát thanh, khẩu hiệu, thông tin.
5. Phát động phong trào sản xuất, sơ kết từng đợt, tổng kết từng vụ:
Gắn liền với việc phát động, sơ kết, tổng kết từng vụ, từng đợt trong phong trào sản xuất chung:
a) Trong việc phát động, cần có chuẩn bị điển hình tốt, tổ chức tham quan, mở lớp huấn luyện, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng huyện đoàn, từng phân đoàn, thách thức thi đua đạt mức cụ thể.
b) Khi sơ kết tổng kết, cần kiểm điểm tác dụng và nêu ưu khuyết điểm của tổ chức thanh niên của nam nữ thanh niên trong việc đẩy mạnh sản xuất nói chung, cải tiến kỹ thuật nói riêng; nêu rõ ưu khuyết điểm của Nông lâm trong việc giúp đỡ hướng dẫn thanh niên. Cần thống nhất quan điểm trong tiêu chuẩn bình bầu chiến sĩ, và đề nghị khen thưởng.
Chú ý: Những việc kể trên đều là một bộ phận của kế hoạch đẩy mạnh sản xuất của từng địa phương.
- Trong việc cải tiến kỹ thuật, thanh niên phát huy tác dụng chủ yếu trong các tổ đổi công hợp tác xã, để củng cố và phát triển phong trào đổi công hợp tác.
III. NHỮNG CÔNG VIỆC CỤ THỂ PHẢI LÀM ĐỂ ĐẨY MẠNH VỤ MÙA NĂM 1958
Vụ mùa 1958 rất quan trọng, nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Cần tranh thủ thời gian phát huy mạnh mẽ và rộng rãi hơn nữa lực lượng và tác dụng của thanh niên trong việc đẩy mạnh vụ mùa, chủ yếu là thanh niên phải làm được đầu tầu trong phong trào thi đua đổi công sản xuất, phá kỷ lục năng suất lúa mùa.
Muốn vậy, cần dẫn đầu trong việc thực hiện các biện pháp chính để vượt diện tích và năng suất lúa mùa, cụ thể là:
1. Đẩy mạnh việc làm phân nhiều và tốt và bón phân đúng cách (kể cả phân địa phương và phân hóa học), đồng thời phòng chống hạn, úng, lụt bão. Đó là những biện pháp chính cần chú ý trong tất cả các đợt công tác.
2. Phòng trừ dịch tễ và sâu bệnh, nhất là ở những nơi có điều kiện phát sinh hoặc đã phát sinh rồi.
3. Tùy từng đợt, mà đẩy mạnh:
- Gieo thêm mạ, chăm sóc mạ tốt.
- Cày bừa kỹ, cày đúng cách, chăm sóc trâu bò cày
- Chăm bón tốt, bón phân đón dòng
- Chọn giống và tận thu
4. Vụ mùa thu: trồng cây đồng bằng
Những công tác trên đều đã chia thành đợt, tùy theo năng lực của địa phương.
Những công tác cấp thiết và quan trọng nhất cần tranh thủ thời gian làm cho kỳ được là: huấn luyện thanh niên nam, nữ kết hợp với việc huấn luyện các tổ đổi công để kịp thời phục vụ cho đợt làm phân bón phân và chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh, hạn, úng. Vì đó là đợt quan trọng nhất để tăng năng suất. Nhận được thông tri này, Ty Nông lâm và Tỉnh đoàn thanh niên cần phối hợp để đề nghị Ủy ban, Tỉnh ủy mở cho được các lớp huấn luyện kể trên. Cần đặc biệt chú ý đến những vùng mà phong trào còn yếu, những vùng quan trọng của tỉnh, hoặc những vùng mà các biện pháp này có tác dụng rõ rệt. Nơi nào còn đang thời vụ cấy phải đẩy mạnh việc cải tiến kỹ thuật nơi ấy. Nơi nào đã mở lớp huấn luyện rồi thì tiếp tục làm ở những nơi chưa mở, ở những nơi đã huấn luyện xong thì theo dõi đôn đốc phát huy tác dụng. Trong những lớp huấn luyện này cần huấn luyện cả việc chăm sóc lúa và bón phân đón đòng để khỏi phải mở nhiều lớp huấn luyện. Đồng thời, Ty Nông lâm và Thanh niên cần có kế hoạch phối hợp công tác ghi vào chương trình hoạt động của mình cho 6 tháng cuối năm 58 (cho vụ mùa 1958 và đợt I vụ chiêm 1958-1959) và gửi về cho ngành ở trung ương để tiện theo dõi.
Những việc trên đây, quy định giữa nông lâm và thanh niên, cần được áp dụng cả cho việc phối hợp công tác giữa nông lâm với nông hội và phụ nữ, tùy theo tính chất của từng đoàn thể. Vả lại lực lượng chính để đẩy mạnh phong trào kỹ thuật làm nam nữ thanh niên. Nhưng để động viên được nam nữ thanh niên không phải chỉ có đoàn viên thanh niên và nông lâm mà còn cần có sự quan tâm của nông hội và phụ nữ nữa. Cho nên, sự phối hợp hết sức là cần thiết.
Bộ mong Ủy ban Hành chính chú ý đôn đốc giúp đỡ các Ty Nông lâm có điều kiện làm tốt được nhiệm vụ này theo như đã quy định trên, đặc biệt là giải quyết số quỹ cần thiết để mở lớp huấn luyện và việc tái trừ ngân sách năm 1958 để có điều kiện mở các lớp huấn luyện đó.
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM |
- 1Chỉ thị 82-TTg về kế hoạch tiến hành cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật trong năm 1961 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 04-LĐTT năm 1958 tạm thời quy định và hướng dẫn thi hành chế độ thưởng phát minh cải tiến kỹ thuật và sáng kiến hợp lý hóa (gọi tắt là sáng kiến phát minh) do Bộ Lao động ban hành
- 1Chỉ thị 82-TTg về kế hoạch tiến hành cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật trong năm 1961 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 04-LĐTT năm 1958 tạm thời quy định và hướng dẫn thi hành chế độ thưởng phát minh cải tiến kỹ thuật và sáng kiến hợp lý hóa (gọi tắt là sáng kiến phát minh) do Bộ Lao động ban hành
Thông tư 03-TT/LT năm 1958 về việc bồi dưỡng thanh niên làm đầu tầu trong việc cải tiến kỹ thuật do Bộ Nông Lâm ban hành.
- Số hiệu: 03-TT/LT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 09/07/1958
- Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
- Người ký: Nghiêm Xuân Yêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 36
- Ngày hiệu lực: 24/07/1958
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định