Điều 9 Thông tư 03/2020/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Điều 9. Thiết bị thu tín hiệu vệ tinh của trạm định vị vệ tinh quốc gia
1. Ăng-ten thu tín hiệu định vị vệ tinh được lắp trên đỉnh trụ mốc thông qua giá gắn ăng-ten, được căn chỉnh về đúng mặt phẳng nằm ngang; hướng ăng-ten phải được quay về hướng bắc thực với sai lệch không quá ±5o, trường hợp vượt quá 5o phải ghi giá trị cụ thể ra nhật ký. Ăng-ten phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:
a) Sử dụng ăng-ten có vòng cảm kháng, có khả năng thu nhận tất cả tín hiệu (tần số) hiện có từ các hệ thống định vị vệ tinh tại thời điểm lắp đặt như: GPS, GLONASS, GALILEO, BDS, QZSS; khuyến khích sử dụng các loại ăng-ten có khả năng thu nhận các tín hiệu hiện tại chưa được phát nhưng đã được lên kế hoạch từ các hệ thống định vị vệ tinh nói trên hoặc hệ thống định vị vệ tinh mới như IRNSS;
b) Có tên trong danh sách các loại ăng-ten có tâm pha được hiệu chuẩn tuyệt đối của tổ chức IGS;
c) Chịu được độ ẩm lên đến 100%; tiêu chuẩn kháng bụi, chịu nước phải đạt tối thiểu mức IP67 theo tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC);
d) Có khả năng làm việc trong môi trường nhiệt độ từ -10oC đến +70oC;
đ) Các trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục phải sử dụng loại ăng-ten có vòng cảm kháng với vật liệu Dorne-Margolin, khuyến khích sử dụng đối với các trạm còn lại;
e) Chỉ được sử dụng loại vòng chụp bảo vệ dạng bán cầu cho ăng-ten, không sử dụng vòng chụp dạng nón;
g) Không được phép tháo ăng-ten sau khi trạm đã đi vào hoạt động trừ trường hợp phải sửa chữa phần cứng do hỏng hóc.
2. Máy thu tín hiệu định vị vệ tinh được đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, đảm bảo hoạt động liên tục. Về máy thu phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:
a) Có khả năng thu nhận tất cả tín hiệu hiện có từ các hệ thống định vị vệ tinh tại thời điểm lắp đặt như: GPS, GLONASS, GALILEO, BDS, QZSS;
b) Số kênh thu không dưới 555 kênh, trong đó tối thiểu phải có 12 kênh cho mỗi tần số từ mỗi hệ thống định vị vệ tinh nói trên;
c) Có khả năng dò tìm và thu nhận tín hiệu từ các vệ tinh ở góc ngưỡng <10o, hỗ trợ khả năng loại bỏ nhiễu đa đường;
d) Có khả năng thu tín hiệu ở mức giãn cách thu tín hiệu 1 giây hoặc nhỏ hơn, hỗ trợ xuất dữ liệu qua RTCM các phiên bản hiện hành 2.x/3.x, khuyến khích hỗ trợ xuất dữ liệu qua CRM, CMR+, NMEA-0183...; hỗ trợ Ntrip, TCP/IP, FTP;
đ) Có tối thiểu 2 nguồn cấp điện, hỗ trợ kết nối trực tiếp thiết bị cảm biến khí tượng, cảm biến dịch chuyển nghiêng;
e) Có đầy đủ các cổng kết nối cơ bản như RJ-45, USB, 3G/4G/5G, RS-232;
g) Tiêu chuẩn kháng bụi, chịu nước phải đạt tối thiểu mức IP67 theo tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC);
h) Có khả năng làm việc trong môi trường nhiệt độ từ -10oC đến +65oC;
i) Bộ nhớ trong có khả năng lưu trữ dữ liệu ít nhất 60 ngày; hỗ trợ kết nối bộ nhớ mở rộng;
k) Chiều dài cáp nối tín hiệu từ máy thu tới ăng-ten không vượt quá 70 mét. Trường hợp cá biệt phải tiến hành đo đạc đánh giá chất lượng tín hiệu trước khi lắp đặt chính thức. Đối với các khu vực có mật độ sét lớn cần thiết kế khoảng cách từ máy thu tới ăng-ten càng ngắn càng tốt;
l) Dây nối ăng-ten với máy thu được đặt trong ống bọc dây điện PVC hoặc HDPE dạng công nghiệp và được chôn ngầm dưới đất, trường hợp cá biệt được phép thiết kế đi nổi trên không nhưng phải có hệ thống giá đỡ chắc chắn và không được để dây quá căng. Đầu dây nối với ăng-ten phải được bọc đảm bảo không thấm nước, đặc biệt là đối với các khu vực ven biển để tránh trường hợp bị ăn mòn, rỉ sét;
m) Máy thu được cài đặt thu tín hiệu liên tục 24 giờ từ tất cả các vệ tinh có thể quan sát được với giãn cách thu tín hiệu 1 giây; góc ngưỡng đặt trong máy thu là 0o.
3. Máy thu tín hiệu định vị vệ tinh và các thiết bị phụ trợ khác kèm theo được đặt trong tủ thiết bị có hệ thống quạt thông gió tắt, mở tự động thông qua rơ le cảm biến nhiệt để làm giảm nhiệt độ trong tủ (thiết kế tủ thiết bị tham khảo Phụ lục 07 của Thông tư này).
4. Vị trí tủ thiết bị ưu tiên đặt ở trong phòng, trường hợp đặc biệt như khoảng cách từ phòng tới trụ mốc ăng-ten quá xa hoặc không thể tìm được vị trí đặt tủ thiết bị trong phòng thì có thể đặt ngoài trời. Đối với các khu vực có khí hậu không thuận lợi như nhiệt độ cao, mưa nhiều trong năm, an ninh không đảm bảo khi đặt tủ thiết bị ngoài trời phải xây dựng nhà để đảm bảo an toàn cho tủ thiết bị (thiết kế nhà đặt tủ thiết bị tham khảo Phụ lục 08 của Thông tư này).
Thông tư 03/2020/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ và từ ngữ viết tắt
- Điều 4. Quy định chung về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia
- Điều 5. Thiết kế sơ bộ trạm định vị vệ tinh quốc gia
- Điều 6. Đặt tên và đánh số hiệu cho trạm định vị vệ tinh quốc gia
- Điều 7. Khảo sát, lựa chọn vị trí xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia
- Điều 8. Xây dựng trụ mốc trạm định vị vệ tinh quốc gia
- Điều 9. Thiết bị thu tín hiệu vệ tinh của trạm định vị vệ tinh quốc gia
- Điều 10. Thiết bị cảm biến khí tượng
- Điều 11. Nguồn điện
- Điều 12. Giải pháp truyền dữ liệu
- Điều 13. Hệ thống chống sét
- Điều 14. Đo nối, xác định tọa độ VN-2000 cho mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia
- Điều 15. Đo nối, xác định độ cao trạm định vị vệ tinh quốc gia
- Điều 16. Đo nối, xác định giá trị trọng lực trạm định vị vệ tinh quốc gia
- Điều 17. Kết nối mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia với hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF