Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 03/2017/TT-BTNMT hướng dẫn việc cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương II

CHO VAY VỚI LÃI SUẤT ƯU ĐÃI

Điều 6. Mức vốn vay, mục đích sử dụng vốn vay

1. Chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư bảo vệ môi trường được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa theo quy định tại Khoản 1 điều 42 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP.

2. Mức cho vay vốn đối với một dự án tối đa không vượt quá 5% vốn điều lệ thực có của Quỹ BVMTVN tại thời điểm cho vay.

3. Mức cho vay vốn đối với một Chủ đầu tư tối đa không vượt quá 10% vốn điều lệ thực có của Quỹ BVMTVN tại thời điểm cho vay trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ các nguồn vốn ủy thác, ủy quyền của Chính phủ, của các tổ chức và cá nhân.

4. Vốn vay được sử dụng để đầu tư các hạng mục, công việc của dự án vay vốn, trong đó ưu tiên sử dụng vốn vay đầu tư các hạng mục xây lắp, thiết bị, công nghệ.

Điều 7. Mức tiền cho vay trên giá trị tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh

Quỹ BVMTVN căn cứ vào giá trị của tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh đã được định giá để xác định số tiền cho vay. Số tiền cho vay tối đa bằng 70% giá trị tài sản thế chấp, cầm cố và tài sản bảo lãnh đã được xác định và ghi trên hợp đồng tín dụng dự án đầu tư bảo vệ môi trường. Trường hợp Chủ đầu tư đảm bảo tiền vay bằng bảo lãnh ngân hàng thì mức cho vay tối đa bằng 100% giá trị bảo lãnh.

Điều 8. Thời hạn vay, thời hạn ân hạn

1. Thời hạn cho vay được xác định trên cơ sở khả năng thu hồi vốn, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của Chủ đầu tư, nhưng tối đa không quá 10 năm và không vượt quá thời gian hoạt động của doanh nghiệp.

2. Thời hạn ân hạn cho một dự án tối đa là 02 năm.

Điều 9. Lãi suất

1. Lãi suất vay do Quỹ BVMTVN quy định nhưng không vượt quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay.

2. Đối với một dự án, lãi suất vay vốn được xác định tại thời điểm ký Hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường và cố định trong suốt thời gian vay.

3. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn ghi trong Hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường, được tính trên số nợ gốc và lãi chậm trả.

Điều 10. Bảo đảm tiền vay

1. Quỹ BVMTVN áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Một khoản vay có thể được bảo đảm bằng nhiều tài sản khác nhau.

Điều 11. Hồ sơ vay vốn

1. Hồ sơ pháp lý

a) 01 bản chính Giấy đề nghị vay vốn theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;

c) 01 bản sao hoặc Quyết định bổ nhiệm và giấy tờ tùy thân của người đại diện theo pháp luật, Kế toán trưởng;

d) 01 bản sao Điều lệ tổ chức hoạt động (nếu có);

đ) 01 bản sao Quyết định thành lập (nếu có);

e) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

2. Hồ sơ tài chính

a) 01 bản sao Báo cáo tài chính trong 03 năm gần nhất. Đối với các dự án có mức vay từ 05 tỷ đồng trở lên yêu cầu báo cáo tài chính phải được kiểm toán;

b) 01 bản chính Phương án sản xuất kinh doanh của Chủ đầu tư tương ứng với thời gian vay;

c) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

3. Hồ sơ dự án

a) 01 bản chính dự án hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 42 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP;

b) Bản sao công chứng Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

c) 01 bản chính Quyết định phê duyệt Tổng mức đầu tư dự án;

d) 01 bản sao Giấy phép xây dựng (nếu có);

đ) Các giấy tờ khác liên quan đến dự án (nếu có).

4. Hồ sơ đảm bảo tiền vay

a) Giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp kèm bảng kê (giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản...);

b) Giấy xác nhận bên bảo lãnh trong trường hợp được bên thứ ba bảo lãnh.

Điều 12. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ vay vốn

1. Chủ dự án đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính, hoặc dịch vụ công trực tuyến (nếu có) đến Quỹ BVMTVN.

2. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn, Quỹ BVMTVN kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ. Sau 07 ngày làm việc, Quỹ BVMTVN gửi thông báo cho Chủ đầu tư kết quả kiểm tra của hồ sơ vay vốn.

Điều 13. Thẩm định hồ sơ vay vốn

Quỹ BVMTVN tổ chức thẩm định hồ sơ vay vốn trong thời gian 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Riêng đối với dự án đầu tư phức tạp thời gian thẩm định có thể kéo dài nhưng không quá 55 ngày làm việc.

1. Thẩm định hồ sơ dự án

a) Kiểm tra, đánh giá tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ, chính xác về nội dung, số liệu trong các văn bản, tài liệu về dự án và Chủ đầu tư;

b) Kiểm tra việc hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng của Dự án;

c) Nhận xét, đánh giá trình tự thực hiện, thẩm quyền ban hành các loại văn bản, tài liệu liên quan đến dự án theo quy định.

2. Thẩm định năng lực Chủ đầu tư

a) Năng lực, kinh nghiệm tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh và điều hành dự án của Chủ đầu tư;

b) Khả năng tài chính và khả năng trả nợ trong thời hạn cam kết ghi tại hồ sơ đề nghị vay vốn;

c) Uy tín của Chủ đầu tư trong quan hệ tín dụng với Quỹ và các tổ chức cho vay khác.

3. Thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay

a) Nhận xét, đánh giá thị trường các yếu tố đầu vào và sản phẩm đầu ra của dự án;

b) Phân tích, đánh giá các điều kiện tính toán hiệu quả kinh tế tài chính của dự án;

c) Địa điểm đầu tư, quy mô, công suất thiết kế - sản lượng, công nghệ thiết bị và hình thức đầu tư;

d) Tổng mức đầu tư, tiến độ sử dụng vốn và các yếu tố ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư;

đ) Tính khả thi của các nguồn vốn tham gia đầu tư dự án;

e) Vốn chủ sở hữu tham gia dự án của Chủ đầu tư, mức tối thiểu là 20%;

g) Thu chi tài chính của dự án.

4. Thẩm định các yếu tố liên quan khác ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đầu tư, quản lý và khai thác dự án.

5. Thẩm định các chỉ tiêu hiệu quả và phương án trả nợ vốn vay của dự án

a) Các chỉ tiêu chủ yếu về hiệu quả kinh tế tài chính của dự án (Giá trị hiện tại thuần - NPV. Tỷ suất thu nhập nội bộ - IRR, thời gian hoàn vốn có chiết khấu);

b) Khả năng thu hồi vốn đầu tư;

c) Khả năng và phương án trả nợ vốn vay: nguồn vốn có thể dùng để trả nợ cân đối với yêu cầu trả nợ của từng nguồn vốn vay, tính khả thi của kế hoạch trả nợ;

d) Nhận xét, đánh giá về tính cấp thiết, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của dự án.

6. Phân tích những yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến tính khả thi của phương án tính toán.

7. Thẩm định việc Chủ đầu tư thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, pháp luật liên quan khác.

8. Kiểm tra thực tế nơi triển khai dự án

a) Đối chiếu hồ sơ vay vốn với hồ sơ gốc lưu tại đơn vị;

b) Trao đổi các vấn đề liên quan đến hồ sơ vay vốn;

c) Thẩm định sự phù hợp nơi triển khai dự án.

9. Trên cơ sở kết quả thẩm định toàn bộ dự án, trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, Quỹ BVMTVN quyết định cho vay và thông báo bằng văn bản cho Chủ đầu tư. Đối với trường hợp từ chối cho vay Quỹ BVMTVN thông báo đến chủ đầu tư bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do, đồng thời gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo.

Điều 14. Hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường

Hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường được ký giữa Quỹ BVMTVN và chủ đầu tư dự án. Các nội dung của hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường phải thể hiện quyền và nghĩa vụ của các Bên cũng như cam kết khác được các Bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 15. Giải ngân vốn vay tạm ứng

1. Việc giải ngân vốn vay được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường đã ký, phù hợp với tiến độ và nhu cầu sử dụng vốn của Chủ đầu tư. Chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính, hoặc dịch vụ công trực tuyến (nếu có) đến Quỹ BVMTVN giấy đề nghị giải ngân vốn vay tạm ứng theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này cùng hồ sơ theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều này để giải ngân vốn vay tạm ứng.

2. Chủ đầu tư được giải ngân vốn vay để tạm ứng trong các trường hợp sau:

a) Dự án thực hiện đấu thầu (hoặc chỉ định thầu) theo hợp đồng đã ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu;

b) Mua sắm thiết bị, công nghệ (kể cả thiết bị nhập khẩu và thiết bị mua trong nước).

3. Mức tạm ứng vốn vay tối đa quy định như sau:

a) Đối với các hợp đồng thi công xây dựng công trình: 20% số tiền được vay vốn;

b) Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (EC); Hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ (EP); Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (PC); Hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC); Hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác: 10% số tiền được vay vốn;

c) Đối với mua sắm thiết bị: Mức vốn tạm ứng là số tiền mà Chủ đầu tư phải trả cho đơn vị cung ứng thiết bị, đơn vị vận chuyển thiết bị (nếu có) theo hợp đồng kinh tế, nhưng tối đa không quá 30% mức vốn vay.

4. Hồ sơ giải ngân vốn vay tạm ứng đối với các dự án thực hiện đấu thầu (hoặc chỉ định thầu) theo hợp đồng đã ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu

a) 01 bản sao Văn bản phê duyệt kết quả đấu thầu (hoặc chỉ định thầu) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) 01 bản sao Hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và nhà thầu;

c) 01 bản sao Giấy bảo lãnh thực hiện hợp đồng của nhà thầu.

5. Hồ sơ giải ngân vốn vay tạm ứng đối với mua sắm thiết bị (kể cả thiết bị nhập khẩu và thiết bị mua trong nước)

a) 01 bản sao Hợp đồng kinh tế giữa Chủ đầu tư và đơn vị cung ứng, gia công chế tạo thiết bị;

b) 01 bản sao Văn bản phê duyệt hợp đồng theo quy định hiện hành (nếu có);

c) 01 bản sao Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu của Chủ đầu tư (nếu Chủ đầu tư thực hiện trực tiếp việc nhập khẩu);

d) 01 bản sao Hợp đồng ủy thác nhập khẩu và giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu của đơn vị nhập ủy thác (trường hợp ủy thác nhập khẩu);

đ) 01 bản sao Giấy bảo lãnh tiền đặt cọc thiết bị do ngân hàng của đơn vị nhập khẩu phát hành (trường hợp vay vốn tạm ứng để đặt cọc tiền thiết bị).

Điều 16. Giải ngân vốn vay thanh toán

Việc giải ngân vốn vay được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường đã ký, phù hợp với tiến độ và nhu cầu sử dụng vốn của Chủ đầu tư. Chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính, hoặc dịch vụ công trực tuyến (nếu có) đến Quỹ BVMTVN 01 giấy đề nghị giải ngân vốn vay thanh toán theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này và hồ sơ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này đến Quỹ BVMTVN thực hiện giải ngân vốn vay thanh toán.

1. Hồ sơ giải ngân vốn vay thanh toán khối lượng xây lắp

a) 01 bản sao Quyết định chỉ định thầu hợp lệ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

b) 01 bản sao Văn bản phê duyệt kết quả đấu thầu, dự toán trúng thầu và biên bản điều chỉnh số liệu của hợp đồng xét thầu (nếu có);

c) 01 bản sao Dự toán chi tiết hạng mục công trình;

d) 01 bản sao Văn bản phê duyệt thiết kế - dự toán;

đ) 01 bản sao Hợp đồng kinh tế giữa Chủ đầu tư và nhà thầu;

e) 01 bản sao Biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành kèm theo bản tính giá trị khối lượng được nghiệm thu;

g) 01 bản sao Hóa đơn tài chính;

h) 01 bản sao có Chứng từ thanh toán hợp lệ khác phù hợp với quy định của pháp luật;

i) Những khối lượng phát sinh ngoài giá thầu phải có 01 bản sao văn bản phê duyệt kết quả thầu bổ sung (nếu khối lượng phát sinh được đấu thầu) hoặc dự toán bổ sung được duyệt (nếu khối lượng phát sinh được chỉ định thầu).

2. Hồ sơ giải ngân vốn vay thanh toán khối lượng thiết bị

a) 01 bản sao Quyết định chỉ định thầu hợp lệ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

b) 01 bản sao Văn bản phê duyệt kết quả đấu thầu kèm dự toán trúng thầu và biên bản điều chỉnh số liệu của hợp đồng xét thầu (nếu có);

c) 01 bản Hợp đồng kinh tế giữa Chủ đầu tư và nhà thầu cung cấp thiết bị;

d) 01 bản sao Hóa đơn tài chính (đối với thiết bị mua trong nước);

e) 01 bản sao bộ chứng từ nhập khẩu (đối với thiết bị nhập khẩu) gồm: Hợp đồng nhập khẩu, hóa đơn thương mại, vận đơn vận chuyển, giấy tờ về bảo hiểm, giấy đóng gói, giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ hàng hóa và tờ khai hải quan nhập khẩu, thông báo thuế hoặc hóa đơn xuất kho của đơn vị nhập ủy thác;

g) 01 bản sao Phiếu nhập kho hoặc biên bản nghiệm thu khối lượng thiết bị lắp đặt hoàn thành;

h) 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu các chứng từ có liên quan đến chi phí thiết bị (vận chuyển, bảo quản, bảo hiểm, thuế, phí lưu kho,..);

i) 01 bản sao các chứng từ thanh toán hợp lệ khác phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ giải ngân vốn vay thanh toán khối lượng công tác tư vấn

a) 01 bản sao Hợp đồng tư vấn giữa Chủ đầu tư và nhà tư vấn;

b) 01 bản chính Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc tư vấn hoàn thành;

c) 01 bản sao chứng từ thanh toán theo quy định hiện hành của pháp luật về hoạt động tư vấn.

Điều 17. Quá trình giải ngân vốn vay

1. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ của Chủ đầu tư theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Thông tư này, chậm nhất không quá 30 ngày làm việc, Quỹ BVMTVN có trách nhiệm kiểm tra và thực hiện giải ngân vốn vay cho Chủ đầu tư.

2. Mỗi lần nhận vốn vay, Chủ đầu tư phải ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ. Khế ước chỉ có 01 bản gốc duy nhất lưu tại Quỹ BVMTVN.

3. Dự án đầu tư có vốn nước ngoài hoặc gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế mà trong thỏa thuận đã ký giữa nhà tài trợ, đồng tài trợ với Chính phủ Việt Nam quy định về việc giải ngân vốn thanh toán riêng thì thực hiện theo quy định trong thỏa thuận đã ký.

Điều 18. Thu nợ

1. Chủ đầu tư vay vốn được trả nợ trước hạn cho Quỹ BVMTVN.

2. Quỹ BVMTVN chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà Chủ đầu tư không trả đúng hạn theo thỏa thuận nếu không được Quỹ chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đồng thời thông báo cho Chủ đầu tư về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với khoản nợ quá hạn.

3. Quỹ BVMTVN và Chủ đầu tư thỏa thuận việc thứ tự thu hồi gốc, lãi tiền vay. Đối với khoản vay bị quá hạn Quỹ BVMTVN thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau.

4. Quỹ BVMTVN được quyền xử lý tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Phân loại nợ

Hàng quý, Quỹ BVMTVN tiến hành thực hiện phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 20. Trích lập dự phòng

1. Dự phòng cụ thể là khoản tiền được trích lập trên cơ sở phân loại cụ thể các khoản nợ để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra.

Số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với từng Chủ đầu tư được tính theo công thức sau:

R = max {0, (A - C)} x r

Trong đó:

R: số tiền dự phòng cụ thể phải trích

A: giá trị của khoản nợ

C: giá trị của tài sản bảo đảm (Giá trị khấu trừ của tài sản đảm bảo)

r: tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể để xử lý rủi ro tín dụng đối với khoản nợ đó.

2. Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể (r) đối với từng nhóm nợ như sau:

a) Nhóm 1: 0%;

b) Nhóm 2: 5%;

c) Nhóm 3: 20%;

d) Nhóm 4: 50%;

đ) Nhóm 5: 100%.

3. Tài sản bảo đảm để khấu trừ khi tính số tiền dự phòng cụ thể (R) quy định tại Khoản 1 Điều này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Quỹ BVMTVN có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật khi Chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết;

b) Tài sản bảo đảm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

c) Tài sản bảo đảm có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên quy định tại Điểm c khoản 5 Điều này phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

Trường hợp tổ chức có chức năng thẩm định giá không đủ khả năng định giá hoặc không có tổ chức có chức năng thẩm định giá định giá các tài sản bảo đảm quy định tại khoản này, Quỹ BVMTVN thực hiện việc định giá tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về tài sản bảo đảm nhằm mục đích xác định giá trị tài sản bảo đảm được khấu trừ khi tính số tiền trích lập dự phòng cụ thể. Trường hợp tài sản bảo đảm không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại các Điểm a, b, c, d khoản này thì giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm đó được coi bằng không.

4. Giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm được xác định bằng tích số giữa giá trị của tài sản bảo đảm quy định tại Khoản 5 điều này với tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm quy định tại Khoản 6 điều này.

Quỹ BVMTVN sẽ xác định tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khả năng thu hồi khi xử lý tài sản bảo đảm đó nhưng không được vượt quá tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với từng loại tài sản bảo đảm quy định.

5. Giá trị của tài sản bảo đảm được xác định như sau:

a) Số tiền cam kết bảo lãnh trên chứng thư bảo lãnh của ngân hàng thương mại;

b) Trái phiếu Chính phủ được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán. Giá tham chiếu tại Sở giao dịch chứng khoán tại thời điểm cuối ngày trước ngày trích lập dự phòng cụ thể hoặc tại thời điểm gần nhất trước ngày trích lập dự phòng cụ thể (nếu không có giá tham chiếu tại thời điểm cuối ngày trước ngày trích lập dự phòng cụ thể);

c) Chứng khoán do doanh nghiệp phát hành được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán. Giá tham chiếu tại Sở giao dịch chứng khoán tại thời điểm cuối ngày trước ngày trích lập dự phòng cụ thể hoặc thời điểm gần nhất trước ngày trích lập dự phòng cụ thể (nếu không có giá tham chiếu tại thời điểm cuối ngày trước ngày trích lập dự phòng cụ thể)

Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá khác do doanh nghiệp (kể cả tổ chức tín dụng) phát hành: tính theo mệnh giá;

d) Động sản, bất động sản và các loại tài sản bảo đảm khác: Giá trị của tài sản bảo đảm được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều này hoặc giá trị của tài sản bảo đảm được định giá theo quy định của Quỹ BVMTVN. Trường hợp không có văn bản định giá tài sản bảo đảm thì giá trị tài sản bảo đảm được coi bằng không;

đ) Tài sản cho thuê tài chính (giá trị tài sản cho thuê tài chính theo hợp đồng cho thuê tài chính trừ đi tiền thuê phải trả): số tiền thuê còn lại theo hợp đồng tại thời điểm trích lập dự phòng cụ thể hoặc giá trị định giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

6. Tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản bảo đảm

a) Vàng miếng, trừ vàng miếng quy định tại Điểm i Khoản này; tiền gửi của Chủ đầu tư bằng ngoại tệ: 95%;

b) Trái phiếu Chính phủ, công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng phát hành; thẻ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành theo các quy định sau:

Có thời hạn còn lại dưới 01 năm: 95%;

Có thời hạn còn lại từ 01 năm đến 05 năm: 85%;

Có thời hạn còn lại trên 05 năm: 80%;

c) Chứng khoán do các tổ chức tín dụng khác phát hành được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: 70%;

d) Bảo lãnh của Ngân hàng thương mại: 70%;

đ) Chứng khoán do doanh nghiệp khác phát hành được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán: 65%;

e) Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá, trừ các khoản quy định tại Điểm c khoản này, do tổ chức tín dụng có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 50%;

Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá, trừ các khoản quy định tại Điểm c Khoản này, do tổ chức tín dụng không có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 30%;

g) Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá do doanh nghiệp có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 30%;

Chứng khoán chưa được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá do doanh nghiệp không có đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán phát hành: 10%;

h) Bất động sản: 50%;

i) Vàng miếng không có giá niêm yết, vàng khác và các loại tài sản bảo đảm khác: 30%;

7. Dự phòng chung là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất chưa xác định được trong quá trình phân loại nợ và trích lập dự phòng cụ thể, và trong các trường hợp khó khăn về tài chính của Quỹ BVMTVN khi chất lượng các khoản nợ suy giảm.

8. Số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,5% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều này.

a) Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung còn lại của quý trước nhỏ hơn số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung phải trích của quý trích lập, Quỹ BVMTVN sẽ phải trích bổ sung phần chênh lệch thiếu;

b) Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung còn lại của quý trước lớn hơn số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung phải trích của quý trích lập, Quỹ BVMTVN phải hoàn nhập phần chênh lệch thừa.

Điều 21. Xử lý rủi ro

1. Biện pháp xử lý rủi ro

Trường hợp Chủ đầu tư dự án bảo vệ môi trường không thể trả được nợ gốc và lãi theo thời hạn quy định trong Hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường, Quỹ BVMTVN áp dụng các biện pháp xử lý gồm: điều chỉnh kỳ hạn, gia hạn nợ vay; khoanh nợ; xóa nợ.

a) Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ: Chủ đầu tư không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng và Quỹ BVMTVN đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo, thì Quỹ BVMTVN xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay;

b) Gia hạn nợ vay: Chủ đầu tư không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng và được Quỹ BVMTVN đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì Quỹ BVMTVN xem xét cho gia hạn nợ. Trong thời gian gia hạn nợ, Chủ đầu tư vẫn phải trả lãi tiền vay. Thời gian gia hạn nợ tối đa không quá 1/2 thời gian cho vay;

c) Khoanh nợ: Chủ đầu tư được xem xét khoanh nợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Chủ đầu tư vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân như: thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra làm thiệt hại trực tiếp đến vốn, tài sản của khách hàng hoặc của dự án; Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Chủ đầu tư (không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu; mặt hàng sản xuất, kinh doanh bị cấm...). Thời gian khoanh nợ tối đa là 03 năm tính từ ngày Chủ đầu tư gặp rủi ro;

Trường hợp hết thời gian khoanh nợ, Chủ đầu tư vay vẫn gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ sẽ được xem xét tiếp tục cho khoanh nợ với thời gian tối đa không vượt quá thời gian đã được khoanh nợ lần trước theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

d) Xóa nợ: Chủ đầu tư được xóa nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Chủ đầu tư vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân quy định tại Điểm c, khoản 1 Điều này nhưng sau khi đã hết thời gian khoanh nợ (kể cả trường hợp được khoanh nợ bổ sung) mà vẫn không có khả năng trả nợ. Quỹ BVMTVN đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán;

- Chủ đầu tư vay vốn có quyết định giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật mà không còn pháp nhân, không còn vốn, tài sản để trả nợ cho Quỹ BVMTVN và Quỹ BVMTVN đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán;

- Cá nhân bị chết, mất tích.

2. Hồ sơ xử lý rủi ro đối với trường hợp điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. Chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Quỹ BVMTVN đơn đề nghị điều chỉnh kỳ hạn trả nợ nêu rõ nguyên nhân không có khả năng trả nợ đúng thời hạn; khả năng trả nợ; thời gian đề nghị điều chỉnh.

3. Hồ sơ xử lý rủi ro đối với trường hợp gia hạn nợ, khoanh nợ

Chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Quỹ BVMTVN 01 bộ Hồ sơ gồm:

a) 01 đơn đề nghị gia hạn nợ, khoanh nợ nêu rõ nguyên nhân gây thiệt hại; mức độ thiệt hại về vốn và tài sản; khả năng trả nợ; số tiền dư nợ gốc và lãi còn phải trả Quỹ BVMTVN; số tiền đề nghị gia hạn nợ, khoanh nợ;

b) 01 Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản do Chủ đầu tư lập có xác nhận của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền;

c) 01 Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất (trường hợp pháp nhân);

d) 01 Phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh.

4. Hồ sơ xử lý rủi ro đối với trường hợp xóa nợ

Chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Quỹ BVMTVN 01 bộ hồ sơ gồm:

a) 01 đơn đề nghị xóa nợ nêu rõ nguyên nhân dẫn đến rủi ro không trả được nợ; mức độ thiệt hại về vốn và tài sản; khả năng trả nợ; số tiền gốc và lãi đang còn nợ Quỹ BVMTVN; số tiền gốc và lãi xin xóa nợ.

b) 01 Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tuyên bố của Tòa án và các văn bản liên quan đến việc thanh lý tài sản đối với trường hợp người vay là pháp nhân, tổ chức kinh tế đã phá sản, giải thể;

c) 01 bản sao được chứng thực giấy chứng tử, giấy xác nhận hoặc quyết định tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật đối với trường hợp Chủ đầu tư là cá nhân bị chết, mất tích;

d) Các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

5. Thẩm quyền và trách nhiệm xử lý rủi ro

a) Giám đốc Quỹ BVMTVN xem xét quyết định việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ;

b) Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ BVMTVN quyết định khoanh nợ; miễn, giảm lãi tiền vay.

c) Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BVMTVN trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định xóa nợ gốc đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ không vượt quá Quỹ dự phòng rủi ro tại Quỹ BVMTVN;

d) Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BVMTVN trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xóa nợ gốc cho Chủ đầu tư khi quy mô của đợt xóa nợ vượt quá quỹ dự phòng rủi ro tại Quỹ BVMTVN theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Sử dụng Quỹ dự phòng để xử lý rủi ro

1. Đối tượng sử dụng Quỹ dự phòng

a) Chủ đầu tư có dự án vay gặp thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra làm thiệt hại trực tiếp đến vốn, tài sản của dự án;

b) Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Chủ đầu tư;

c) Chủ đầu tư là tổ chức bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, cá nhân bị chết, mất tích;

d) Các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Thông tư này.

2. Nguyên tắc sử dụng Quỹ dự phòng

a) Sử dụng dự phòng cụ thể trích đã lập để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ;

b) Tiến hành việc phát mại tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với Chủ đầu tư và theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ;

c) Đối với các khoản nợ có bảo lãnh của ngân hàng: yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

d) Trường hợp sử dụng dự phòng cụ thể và số tiền thu được từ phát mại tài sản, tiền bảo lãnh không đủ bù đắp rủi ro của khoản nợ thì phải sử dụng dự phòng chung để xử lý.

3. Quyết định sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro

Trường hợp phải sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, Quỹ BVMTVN thành lập Hội đồng quyết định sử dụng quỹ dự phòng. Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ làm Chủ tịch và các thành viên gồm Giám đốc Quỹ, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng, phụ trách bộ phận tín dụng và các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quản lý quyết định.

4. Trách nhiệm của Hội đồng đối với việc xử lý rủi ro

a) Phê duyệt báo cáo tổng hợp kết quả thu hồi nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, bao gồm kết quả xử lý tài sản bảo đảm và xác định rõ cơ sở của việc phê duyệt;

b) Quyết định hoặc phê duyệt việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro;

c) Quyết định hoặc phê duyệt các biện pháp thu hồi nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý, bao gồm cả việc xử lý tài sản bảo đảm.

5. Trách nhiệm của Quỹ BVMTVN đối với việc xử lý rủi ro

a) Việc sử dụng Quỹ dự phòng xử lý rủi ro để hạch toán các khoản nợ liên quan vào tài khoản ngoại bảng phù hợp và theo dõi, đôn đốc, thu nợ là công việc nội bộ của Quỹ BVMTVN, không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của Chủ đầu tư đối với khoản nợ được xử lý rủi ro. Sau khi xử lý rủi ro, Quỹ BVMTVN phải có các biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để và tiếp tục theo dõi, thu hồi nợ đối với khoản nợ được xử lý rủi ro theo hợp đồng tín dụng, cam kết đã thỏa thuận với Chủ đầu tư;

b) Sau thời gian tối thiểu 05 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và đã thực hiện tất cả các biện pháp của Hội đồng xử lý rủi ro để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, Quỹ BVMTVN được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng sau khi báo cáo và được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận bằng văn bản;

Việc xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng chỉ được thực hiện khi có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện mọi biện pháp thu hồi nợ nhưng không thu được nợ;

Hồ sơ đối với khoản nợ đã được xuất toán ra khỏi ngoại bảng phải được lưu giữ theo quy định của pháp luật, trong đó bao gồm cả hồ sơ xử lý rủi ro và toàn bộ tài liệu chứng minh Quỹ BVMTVN đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được.

6. Xử lý số tiền thu hồi được từ nợ đã xử lý rủi ro

Số tiền thu hồi được từ nợ đã xử lý rủi ro, kể cả số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản bảo đảm, được coi là thu nhập khác trong kỳ kế toán của Quỹ BVMTVN.

Thông tư 03/2017/TT-BTNMT hướng dẫn việc cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 03/2017/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/03/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Tuấn Nhân
  • Ngày công báo: 08/05/2017
  • Số công báo: Từ số 319 đến số 320
  • Ngày hiệu lực: 05/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH