Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 1 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 03 TT/1999/BTC NGÀY 06 THÁNG 01 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ GIAO HÀNG TRẢ CHẬM TRỪ VÀO NỢ CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM ĐỐI VỚI IRAQ

Căn cứ thoả thuận của hai Chính phủ tại các kỳ họp uỷ ban Hỗn hợp Liên Chính phủ Việt nam - Iraq.
Căn cứ công văn số 1512/CP-QHQT ngày 22/12/1998 của Chính phủ về cơ chế giao hàng trả chậm trừ nợ vào nợ của Chính phủ Việt Nam đối với Chính phủ Iraq.
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế giao hàng trả chậm trừ vào nợ của Chính phủ Việt nam đối với Chính phủ Iraq như sau:

I- CÁC QUI ĐỊNH CHUNG

1- Các doanh nghiệp giao hàng trả chậm cho Iraq: Là những doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm và có khả năng cung cấp hàng hoá phù hợp với yêu cầu của phía Iraq do Bộ Thương mại lựa chọn và được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2- Ký hợp đồng và đăng ký hợp đồng: Các doanh nghiệp được lựa chọn tiến hành đàm phán ký hợp đồng với đối tác Iraq. Trị giá hợp đồng (bao gồm cả lãi trả chậm) phải phù hợp với kim ngạch được phân bổ theo quyết định của Chính phủ. Các Hợp đồng được ký theo điều kiện thương mại thông thường theo luật và thông lệ thương mại quốc tế. Sau khi ký hợp đồng, để hợp đồng được đưa vào trừ nợ, doanh nghiệp phải nộp một bản sao hợp đồng và đăng ký hợp đồng với Bộ Tài chính. Căn cứ vào cam kết giữa hai Chính phủ, Bộ Tài chính thông qua hợp đồng để đảm bảo trị giá hợp đồng (kể cả lãi trả chậm) không vượt kim ngạch trả nợ mà Chính phủ cho phép. Trường hợp có sự thay đổi, điều chỉnh hợp đồng đã đăng ký (đặc biệt về thời hạn, giá trị), đơn vị phải báo cáo Bộ Tài chính để xem xét giải quyết.

3- Công bố tỷ giá và ký Đơn đặt hàng:

- Mức tỷ giá khoán áp dụng để thanh toán cho tất cả các loại mặt hàng trả chậm đưa vào trừ nợ là 99% tỷ giá mua vào do Ngân hàng Ngoại thương công bố tại thời điểm Ngân hàng Trung ương Iraq báo Có.

- Sau khi Hợp đồng ngoại được Bộ Tài chính thông qua, doanh nghiệp đứng tên ký hợp đồng ngoại phải ký Đơn đặt hàng với Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư số 148/1998/TT/BTC ngày 16/11/1998 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn việc xác định tỷ giá và thanh toán hàng hoá xuất khẩu và dịch vụ trả nợ nước ngoài".

4- Bảo lãnh: Căn cứ vào đề nghị của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ bảo lãnh cho các doanh nghiệp có hợp đồng đưa vào trừ nợ theo mức 95% trị giá hợp đồng bao gồm cả lãi trả chậm căn cứ vào bộ chứng từ xuất hàng thực tế, đảm bảo không cho vay quá mức các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng. Doanh nghiệp phải cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả đúng hạn theo Mẫu Giấy cam kết đính kèm.

5- Tổ chức giao hàng: Các doanh nghiệp ký hợp đồng được làm đầu mối giao hàng. Việc chuẩn bị chân hàng do các đầu mối thực hiện bằng cách tự sản xuất, thu mua, chế biến để xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước, không thông qua đấu thầu. Hợp đồng uỷ thác do các doanh nghiệp tự thoả thuận. Doanh nghiệp xuất khẩu uỷ thác có thể thanh toán ngay với đơn vị đầu mối theo giá thoả thuận hoặc được thanh toán khi đến hạn trả chậm theo tỷ giá khoán mà Bộ Tài chính áp dụng với doanh nghiệp đầu mối.

6- Làm thủ tục trừ nợ:

- Sau khi giao hàng, doanh nghiệp chuyển bộ chứng từ giao hàng hợp lệ cho Ngân hàng Ngoại thương Việt nam (Vietcombank) để làm thủ tục trừ nợ với Ngân hàng Trung ương Iraq. Vietcombank thông báo Bộ Tài chính về việc đã gửi bộ chứng từ đi trừ nợ để theo dõi. Đến hạn thanh toán, sau khi Ngân hàng Trung ương Iraq thông báo đã trừ nợ, Vietcombank xác nhận vào Hoá đơn (bản chính) giao cho đơn vị để làm căn cứ cho Bộ Tài chính thanh toán cho đơn vị.

- Giá trị hàng trả nợ đến hạn trong năm sẽ được trừ vào 50% lãi phát sinh trước, sau đó trừ vào nợ gốc (kể cả phần có thể vượt trội so với kim ngạch trả nợ của năm đó). Trường hợp sau này hai Chính phủ có thoả thuận khác về phương thức trừ nợ, hai ngân hàng sẽ áp dụng phù hợp với thoả thuận của hai Chính phủ.

II- TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN:

1- Doanh nghiệp được giao ký hợp đồng có trách nhiệm ký các hợp đồng theo luật và thông lệ thương mại quốc tế để có thể giải quyết tranh chấp theo luật pháp nếu có xảy ra. Vì là hợp đồng trả chậm đưa vào trừ nợ, doanh nghiệp phải quy định rõ thời hạn thanh toán trong hợp đồng để hai ngân hàng làm thủ tục trừ nợ đúng hạn. Thời hạn thanh toán cần quy định phù hợp với năm có kim ngạch trả nợ đã thoả thuận. Doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vốn vay được Bộ Tài chính bảo lãnh đối với ngân hàng và về hàng hoá trả nợ cho đến khi được trừ nợ. Đến hạn trả chậm, doanh nghiệp có trách nhiệm đôn đốc phía Iraq trừ nợ đúng hạn cho nhà nước.

2- Vietcombank có trách nhiệm mở sổ theo dõi đối chiếu việc xuất hàng trả nợ, gửi bộ chứng từ đi trừ nợ kịp thời, đôn đốc Ngân hàng Trung ương Iraq trừ nợ đúng hạn, phù hợp với thoả thuận của hai Chính phủ. Cuối mỗi năm, Vietcombank đối chiếu với Ngân hàng Trung ương Iraq để xác định số dư cuối kỳ và tính lãi phát sinh năm sau để báo cáo Bộ Tài chính.

3- Bộ Tài chính có trách nhiệm làm các thủ tục bảo lãnh, ký Đơn đặt hàng kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị giao hàng. Việc thanh toán cho đơn vị được thực hiện phù hợp với Thông tư số 148/1998/TT/BTC ngày 16/11/1998 "Hướng dẫn việc xác định tỷ giá và thanh toán hàng hoá xuất khẩu và dịch vụ trả nợ nước ngoài".

III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính để xem xét, xử lý.

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03/1999/TT-BTC hướng dẫn cơ chế giao hàng trả chậm trừ vào nợ của Chính phủ Việt Nam đối với Iraq do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 03/1999/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/01/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Thị Băng Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản