Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/PL-DSKT

Hà Nội, ngày 03 tháng 1 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 02/PL-DSKT NGÀY 3 THÁNG 1 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỂM CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 116-CP NGÀY 5-9-1994 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ

Ngày 5-9-1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116-CP về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế.

Để thực hiện đúng các quy định của Nghị định trên, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

I. VỀ THẨM QUYỀN CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ

1. Theo quy định tại Điều 1 của Nghị định, Trọng tài kinh tế có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau đây, không phụ thuộc vào quốc tịch của các bên tranh chấp:

a. Tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân, giữa pháp nhân với doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp tư nhân và giữa pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân với cá nhân kinh doanh;

b. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty như tranh chấp đòi rút vốn ra khỏi công ty, phân chia lỗ, lãi, nhập, tách, giải thể công ty, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của thành viên công ty;

c. Tranh chấp liên quan đến mua bán cổ phiếu, trái phiếu.

2. Trung tâm trọng tài tự xác định lĩnh vực hoạt động của mình tuỳ thuộc vào khả năng chuyên môn của các Trọng tài viên. Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm phải được ghi rõ trong Điều lệ của Trung tâm. Trong quá trình hoạt động Trung tâm trọng tài có thể mở rộng hoặc thu hẹp lĩnh vực hoạt động, nhưng phải được sự đồng ý của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phải được bổ sung vào Điều lệ của Trung tâm.

II. VỀ TIÊU CHUẨN TRỌNG TÀI VIÊN

Điều kiện công nhận Trọng tài viên đã được quy định tại Điều 8 của Nghị định. Một số tiêu chuẩn được quy định cụ thể như sau:

1. Người được coi là có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và kinh tế nói tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Nghị định là người có trình độ đại học luật hoặc tương đương đại học luật và có ít nhất 8 năm liên tục làm công tác pháp luật và kinh tế.

2. Người mất trí nói tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định là người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình theo xác nhận của cơ quan y tế từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

III. VỀ XÉT CẤP, ĐỔI VÀ THU HỒI THẺ TRỌNG TÀI VIÊN

1. Thành lập Hội đồng xét chọn Trọng tài viên

a. Hội đồng xét chọn Trọng tài viên (sau đây gọi tắt là Hội đồng xét chọn) nói tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định gồm 5 thành viên, gồm các cán bộ trong và ngoài ngành Tư pháp, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập theo từng đợt xét chọn, có chức năng tư vấn giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc xét chọn Trọng tài viên.

b. Hội đồng xét chọn có quyền hạn, nhiệm vụ sau đây:

b.1. Xem xét hồ sơ của những người có đơn đề nghị công nhận Trọng tài viên;

b.2. Tổ chức việc kiểm tra chuyên môn người có được đề nghị công nhận Trọng tài viên;

b.3. Lập báo cáo về kết quả xét chọn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, công nhận Trọng tài viên.

c. Giúp việc cho Hội đồng xét chọn có Tổ chuyên viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định. Tổ chuyên viên có quyền hạn, nhiệm vụ sau đây:

c.1. Tiếp nhận, tập hợp hồ sơ và lập danh sách những người có đơn đề nghị công nhận Trọng tài viên do Sở Tư pháp gửi đến;

c.2. Chuẩn bị tài liệu, hồ sơ liên quan đến hoạt động xét chọn Trọng tài viên.

c.3. Thông báo thời gian, địa điểm kiểm tra chuyên môn cho người có đơn đề nghị công nhận Trọng tài viên;

c.4. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác cho việc kiểm tra chuyên môn và hoạt động xét chọn của Hội đồng;

c.5. Thực hiện các công việc cần thiết để Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận và cấp Thẻ Trọng tài viên;

c.6. Lưu giữ, bảo quản các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xét chọn Trọng tài viên và hồ sơ Trọng tài viên.

2. Thủ tục xét chọn

a. Người có nguyện vọng được công nhận Trọng tài viên phải làm hồ sơ đề nghị cấp Thẻ Trọng tài viên gửi Sở Tư pháp của địa phương, nơi người đó đang cư trú. Hồ sơ được làm thành 2 bộ, gồm:

a.1. Đơn xin công nhận Trọng tài viên;

a.2. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú;

a.3. Giấy xác nhận tình trạng sức khoẻ;

a.4. Bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn được Công chứng Nhà nước chứng nhận.

Trong trường hợp hồ sơ chưa đủ hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp hướng dẫn cho người nộp đơn bổ sung hồ sơ.

Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ do Bộ Tư pháp quyết định đối với từng đợt xét chọn, Sở Tư pháp có trách nhiệm chuyển một bộ hồ sơ cho Bộ Tư pháp kèm theo ý kiến của mình về phẩm chất, năng lực chuyên môn của người nộp đơn.

b. Thời gian, địa điểm, hình thức và nội dung kiểm tra chuyên môn để công nhận Trọng tài viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

c. Thông báo triệu tập phiên họp Hội đồng xét chọn phải được gửi cho các thành viên Hội đồng chậm nhất là 10 ngày trước khi họp.

Hội đồng chỉ tiến hành phiên họp khi có sự tham gia của tất cả các thành viên.

d. Tại cuộc họp của Hội đồng, theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng, một thành viên trình bày các tài liệu có trong hồ sơ và thông báo kết quả kiểm tra chuyên môn của từng người làm đơn xin công nhận Trọng tài viên;

Căn cứ vào tiêu chuẩn Trọng tài viên, các thành viên của Hội đồng phát biểu ý kiến. Chủ tịch Hội đồng có thể yêu cầu tổ chuyên môn cung cấp thông tin về những vấn đề mà các thành viên Hội đồng quan tâm.

Trong quá trình xét chọn, nếu có vấn đề chưa thể làm sáng tỏ được tại phiên họp thì Hội đồng có thể quyết định việc bổ sung tài liệu để xem xét trong phiên họp tiếp theo.

Nghị quyết của Hội đồng về kết quả xét chọn đối với từng người phải được đa số thành viên biểu quyết tán thành.

Nội dung phiên họp của Hội đồng xét chọn phải được lập thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng.

3. Cấp Thẻ Trọng tài viên

Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xét chọn, Hội đồng xét chọn phải báo cáo kết quả và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định việc công nhận Trọng tài viên.

Thẻ Trọng tài viên được cấp chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày có Quyết định công nhận Trọng tài viên.

4. Đổi Thẻ Trọng tài viên

Thẻ Trọng tài viên có giá trị trong thời hạn 2 năm, khi hết hạn được đổi Thẻ mới, trừ trường hợp trong thời gian đó Trọng tài viên không tham gia một Trung tâm trọng tài nào mà không có lý do chính đáng.

5. Thu hồi Thẻ Trọng tài viên

a. Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 9 của Nghị định thì Thẻ Trọng tài viên có thể bị thu hồi trong trường hợp Trọng tài viên vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cụ thể là bị kết án tù, bị kỷ luật cách chức, hoặc buộc thôi việc, bị xử lý hành chính về các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế.

b. Trong trường hợp Trọng tài viên vi phạm pháp luật và bị xử lý bằng các hình thức nói trên, Giám đốc Sở Tư pháp phải báo cáo ngay bằng văn bản về Bộ Tư pháp, trong đó nêu rõ kiến nghị về biện pháp xử lý cụ thể, kể cả việc thu hồi Thẻ Trọng tài viên, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm thực hiện quyết định này.

IV. VỀ THỦ TỤC CẤP VÀ THU HỒI GIẤY PHÉP THÀNH LẬP TRUNG TÂM TRỌNG TÀI

1. Thủ tục cấp giấy phép thành lập

a. Những Trọng tài viên có nguyện vọng thành lập Trung tâm trọng tài phải làm hồ sơ xin phép Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự định đặt trụ sở của Trung tâm.

Hồ sơ xin phép thành lập Trung tâm trọng tài được làm thành 2 bộ. gồm:

a.1. Đơn xin phép thành lập Trung tâm trọng tài theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định, được tất cả các sáng lập viên ký tên;

a.2. Điều lệ Trung tâm trọng tài đã được tất cả các sáng lập viên thông qua;

a.3. Sơ yếu lý lịch và bản sao Thẻ Trọng tài viên của các sáng lập viên.

a.4. Danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài, bản sao Thẻ Trọng tài viên của các Trọng tài viên đó.

b. Sở Tư pháp có nhiệm vụ giúp uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Trung tâm trọng tài.

Trong trường hợp hồ sơ chưa đủ hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp hướng dẫn những người làm đơn bổ sung hồ sơ. Thời gian tiếp nhận hồ sơ được tính từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

c. Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi 1 bộ hồ sơ xin phép thành lập Trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp có ý kiến trả lời bằng văn bản cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

d. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến trả lời của Bộ Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài, trong trường hợp không cấp giấy phép thì phải nói rõ lý do.

đ. Mẫu giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài Bộ Tư pháp quy định.

e. Sau khi có Giấy phép thành lập, Trung tâm trọng tài mở tài khoản tại Ngân hàng và làm thủ tục xin cấp con dấu.

2. Đình chỉ hoạt động và thu hồi Giấy phép thành lập

Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 9 của Nghị định, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định đình chỉ hoạt động và thu hồi Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài trong trường hợp Trung tâm trọng tài vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Các vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Trung tâm có thể là:

- Hoạt động trái với quy định của pháp luật về trong tài kinh tế và Điều lệ của Trung tâm;

- Cố ý không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo với cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý công tác trọng tài;

- Cố ý không chấp nhận nghiêm chỉnh các nghĩa vụ do pháp luật quy định.

Quyết định đình chỉ hoạt động và thu hồi Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài được sao gửi cho Bộ Tư pháp.

V. VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM TRỌNG TÀI

1. Tên gọi của Trung tâm trọng tài có thể được đặt theo tên địa danh, nơi Trung tâm đặt trụ sở hoặc tên khác do các sáng lập viên tự chọn, bắt đầu từ cụm từ "Trung tâm trọng tài". Tên gọi của Trung tâm trọng tài phải được ghi rõ trong Điều lệ của Trung tâm.

2. Trung tâm trọng tài có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký Trung tâm trọng tài. Họ, tên Chủ tịch, Phó Chủ tịch phải được ghi rõ trong Điều lệ của Trung tâm. Trọng tài viên đang là viên chức Nhà nước thì không được làm Chủ tịch, Phó chủ tịch hoặc Thư ký của Trung tâm trọng tài.

3. Chủ tịch Trung tâm trọng tài có nhiệm vụ, quyền hạn chính sau đây:

a. Quản lý, điều hành hoạt động của Trung tâm và đại diện cho Trung tâm trong quan hệ với bên ngoài;

b. Chỉ định Trọng tài viên giải quyết tranh chấp khi được yêu cầu theo quy định tại Điều 17 của Nghị định;

c. Xem xét, giải quyết yêu cầu khước từ Trọng tài viên theo quy định tại Điều 18 của Nghị định;

d. Quyết định việc kết nạp, khai trừ Trọng tài viên theo đề nghị của ít nhất là 2/3 số Trọng tài viên của Trung tâm.

4. Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài giúp Chủ tịch Trung tâm trọng tài thực hiện các công việc theo sự phân công của Chủ tịch được ghi rõ trong Điều lệ của Trung tâm trọng tài.

5. Nhiệm kỳ của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch được quy định trong Điều lệ của Trung tâm, nhưng không quá 3 năm. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài có thể được tái cử, nếu Điều lệ Trung tâm không có quy định khác.

6. Thư ký Trung tâm trọng tài do Chủ tịch Trung tâm chỉ định.

Thư ký Trung tâm trọng tài giúp Chủ tịch Trung tâm trong các công việc sau đây:

a. Tiếp nhận đơn và hồ sơ tranh chấp;

b. Gửi giấy tờ của Trung tâm trọng tài cho các cá nhân, tổ chức có liên quan;

c. Cung cấp các thông tin về Trung tâm trọng tài và Trọng tài viên của Trung tâm khi có yêu cầu của khách hàng;

d. Chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật bảo đảm cho hoạt động giải quyết tranh chấp;

đ. Thu lệ phí trọng tài;

e. Lưu giữ và bảo quản các tài liệu, hồ sơ liên quan đến hoạt động của Trung tâm.

7. Tiền thù lao cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký Trung tâm trọng tài được trích từ chi phí hành chính theo quy định của Điều lệ Trung tâm.

Sáu tháng một lần, Giám đốc Sở Tư pháp tại địa phương có Trung tâm trọng tài kinh tế báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp về tình hình hoạt động của Trung tâm trọng tài kinh tế và đề xuất các biện pháp để tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với công tác trọng tài kinh tế.

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)