Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 02/2008/TT-BTC

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2008

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC ĐIỀU TRA TỘI PHẠM

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;
Căn cứ Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh số 23/2004/PL-UBTVQH11 ngày 20/8/2004 về tổ chức điều tra hình sự;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều tra tội phạm như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng và phạm vi thực hiện:

Thông tư này áp dụng đối với các hoạt động về điều tra tội phạm thuộc ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn kinh phí:

Kinh phí bảo đảm cho công tác điều tra tội phạm do ngân sách trung ương bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi:

a/ Chi tiền công tác phí cho cán bộ kiểm sát và các cán bộ khác tham gia trong quá trình điều tra tội phạm theo quy định.

b/ Chi trợ cấp cho nhân chứng, người bị hại khi được triệu tập các khoản sau:

- Tiền tàu xe từ nơi ở đến địa điểm được triệu tập và ngược lại.

- Tiền thuê phòng nghỉ (nếu có).

- Tiền ăn.

- Bù đắp tổn thất về tiền công lao động trong thời gian được triệu tập.

c/ Chi phục vụ công tác giám định (nếu có):

d/ Chi cho việc thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường, nhận dạng, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tổ chức đối chất:

- Chi cho những người trực tiếp có liên quan thực hiện và phục vụ việc thực nghiệm điều tra, nhận dạng, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

- Chi phí tổ chức, thuê địa điểm, phương tiện và các khoản chi khác phục vụ cho công việc thực nghiệm điều tra, nhận dạng, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

đ/ Chi thuê dịch tài liệu, chi phí cho phiên dịch.

e/ Chi cho cơ sở cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động điều tra.

g/ Chi phí trong quá trình khám xét, bắt, dẫn giải bị can từ nơi bị bắt đến trại tạm giam (bao gồm cả tiền ăn, tiền thuốc chữa bệnh cho bị can - nếu có).

h/ Chi tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền về hoạt động điều tra tội phạm.

i/ Các khoản chi khác liên quan đến hoạt động điều tra tội phạm.

2. Mức chi cụ thể:

a/ Các nội dung chi nêu trên thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu hiện hành, cụ thể như sau:

- Đối với cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi tham gia điều tra, khám xét, bắt giữ, dẫn giải bị can được thanh toán tiền công tác phí theo quy định của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cụ thể hoá quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước.

- Đối với các khoản chi cho giám định viên hoặc tổ chức giám định thực hiện theo chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp hiện hành.

- Chi làm đêm, làm thêm giờ thanh toán theo quy định hiện hành.

- Chi tập huấn nghiệp vụ, chi hội nghị mức chi, chế độ chi thực hiện theo quy định hiện hành

- Đối với các khoản chi khác: Văn phòng phẩm, chi phí in ấn tài liệu, chi quay camera, chụp ảnh, thuê phương tiện phục vụ hoạt động điều tra...căn cứ vào yêu cầu cụ thể thanh toán theo chứng từ chi thực tế và phải được cấp có thẩm quyền duyệt dự toán trước khi thực hiện.

b/ Ngoài các quy định nêu trên, Thông tư này quy định một số khoản chi có tính chất đặc thù trong công tác điều tra tội phạm, cụ thể như sau:

- Chi tiền ăn cho nhân chứng, người bị hại:

Khi nhân chứng, người bị hại được cơ quan Kiểm sát triệu tập đến các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mức chi tối đa không quá 50.000 đồng/ngày/người.

Đối với các nhân chứng, người bị hại được cơ quan Kiểm sát triệu tập đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mức chi tối đa không quá 60.000 đồng/ngày/người.

- Chi hỗ trợ tiền đi lại, thuê phòng nghỉ (nếu có) cho nhân chứng và người bị hại khi được Viện Kiểm sát nhân dân triệu tập: Tuỳ theo tình hình thực tế, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp quyết định mức chi hỗ trợ tiền đi lại và thuê phòng nghỉ (nếu có) cho nhân chứng và người bị hại nhưng không vượt quá mức chi theo quy định của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cụ thể hoá quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước.

- Chi bù đắp tổn thất về ngày công lao động cho nhân chứng, người bị hại không hưởng lương từ Ngân sách nhà nước trong thời gian được triệu tập, do Viện Kiểm sát nhân dân các cấp xem xét quyết định trên cơ sở mức thu nhập bình quân tính trên ngày công phổ thông trên địa bàn và mức thu nhập bình quân của ngành nghề nhân chứng, người bị hại đang làm việc.

- Chi bồi dưỡng cho các lực lượng hỗ trợ khi thực hiện các công việc theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp: Mức chi tối đa không quá 50.000 đồng/người/buổi.

- Chi dịch thuật:

+ Dịch viết: Mức chi từ 50.000 đồng/trang - 70.000 đồng/trang (khoảng 300 từ).

+ Dịch nói:

. Dịch tiếng nước ngoài: Mức tối đa không quá 80.000 đồng/giờ/người;

. Dịch tiếng dân tộc hoặc phiên dịch cho người câm: 25.000 đồng/giờ/người.

- Chi cho cơ sở cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động điều tra:

Trong phạm vi dự toán được giao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp căn cứ vào tính chất, yêu cầu thông tin phục vụ hoạt động điều tra để quyết định mức chi cho cơ sở cung cấp thông tin và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình."

Khi giá cả biến động, căn cứ khả năng ngân sách và tình hình thực tế Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp quy định mức chi cụ thể nhưng không vượt quá 20% mức chi tối đa quy định tại Thông tư này.

3. Lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác điều tra tội phạm:

Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác điều tra tội phạm thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Riêng đối với năm 2008 Viện Kiểm sát nhân dân các cấp chủ động sắp xếp trong dự toán ngân sách năm 2008 đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện.

Viện Kiểm sát quân sự trung ương được áp dụng các nội dung và mức chi quy định tại Thông tư này khi tiến hành các hoạt động điều tra tội phạm theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Kho bạc Nhà nước;
- Kho bạc Nhà nước các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, HCSN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/2008/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều tra tội phạm do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 02/2008/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: 14/01/2008
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản