Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 02/2007/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2007

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ GIÁ CƯỚC DỊCH VỤ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Căn cứ Luật cạnh tranh ngày 3/12/2004;
Căn cứ Pháp lệnh Giá ngày 26/4/2002;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18/8/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Bưu chính;
Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 3/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông;
Căn cứ Quyết định số 39/2007/QĐ-TTg ngày 21/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông;
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện quy định về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1.1. Thông tư này hướng dẫn một số điểm về nguyên tắc quản lý giá cước; căn cứ quy định giá cước; hình thức quản lý giá cước; thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định giá cước dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet (sau đây gọi chung là dịch vụ bưu chính, viễn thông).

1.2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông.

2. Giải thích từ ngữ

2.1. Giá cước áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông là giá cước người sử dụng dịch vụ thanh toán cho doanh nghiệp bưu chính, viễn thông khi sử dụng các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp.

2.2. Giá cước giữa các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông là giá cước thanh toán giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông khi doanh nghiệp này sử dụng mạng lưới của doanh nghiệp khác để kết cuối hoặc chuyển tiếp dịch vụ.

2.3. Doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế là doanh nghiệp có doanh thu hoặc lưu lượng từ 30% trở lên đối với loại hình dịch vụ trên địa bàn được phép cung cấp và có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc thâm nhập thị trường dịch vụ đó của các doanh nghiệp khác.

2.4. Nhóm doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế là các doanh nghiệp có cùng hành động gây hạn chế cạnh tranh, ảnh hưởng trực tiếp tới việc thâm nhập thị trường dịch vụ đó của các doanh nghiệp khác, thuộc các trường hợp sau đây:

- Hai doanh nghiệp có tổng thị phần (doanh thu hoặc lưu lượng) từ 50% trở lên đối với loại hình dịch vụ trên địa bàn được phép cung cấp;

- Ba doanh nghiệp có tổng thị phần (doanh thu hoặc lưu lượng) từ 65% trở lên đối với loại hình dịch vụ trên địa bàn được phép cung cấp;

- Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần ( doanh thu hoặc lưu lượng ) từ 75% trở lên đối với loại hình dịch vụ trên địa bàn được phép cung cấp;

II. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ, CĂN CỨ QUY ĐỊNH VÀ HÌNH THỨC QUẢN LÝ GIÁ CƯỚC DỊCH VỤ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

1. Nguyên tắc quản lý giá cước

1.1. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông theo quy định của pháp luật.

1.2. Việc quản lý và quy định giá cước phải bảo đảm hài hoà quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, của doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và lợi ích của Nhà nước.

1.3. Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, đồng thời bảo đảm các hoạt động bưu chính, viễn thông công ích.

1.4. Bình đẳng, không phân biệt trong quản lý và quy định giá cước áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ.

1.5. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể áp dụng hình thức quản lý khác nhau đối với giá cước giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông nhằm khuyến khích doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

2. Căn cứ xác định giá cước

2.1. Căn cứ xác định giá cước dịch vụ áp dụng đối với người sử dụng

a) Chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước và mục tiêu phát triển bưu chính, viễn thông trong từng thời kỳ; tuân thủ các quy định về quản lý giá của Nhà nước và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

b) Trên cơ sở giá thành, quan hệ cung cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với mức giá cước dịch vụ cùng loại của các nước trong khu vực và trên thế giới.

c) Giảm dần, tiến tới không bù chéo giá cước giữa các dịch vụ. Từng bước điều chỉnh giá cước các dịch vụ hiện còn thấp hơn giá thành để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

2.2. Căn cứ xác định giá cước giữa các doanh nghiệp

a) Giá cước kết nối giữa các doanh nghiệp viễn thông được hình thành trên cơ sở:

- Chi phí phục vụ cho việc kết nối.

- Không phân biệt giữa các dịch vụ, giữa các doanh nghiệp viễn thông (kể cả các doanh nghiệp thành viên) với doanh nghiệp viễn thông khác.

- Phân tách một cách hợp lý theo các bộ phận cấu thành mạng hoặc theo công đoạn dịch vụ.

- Tương quan phù hợp với mức giá cước kết nối của các nước trong khu vực và trên thế giới.

- Chính sách phát triển thị trường viễn thông theo từng thời kỳ. Chính sách điều tiết của Nhà nước đối với việc đóng góp của doanh nghiệp trong hoạt động viễn thông công ích và khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường thông qua giá cước kết nối.

- Trong trường hợp giá cước kết nối có bao gồm phần đóng góp cho hoạt động viễn thông công ích thì mức đóng góp này được quy định một cách minh bạch, đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

b) Giá cước thanh toán quốc tế được hình thành trên cơ sở thoả thuận trực tiếp giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông nước ngoài hoặc theo quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia trên cơ sở đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia, lợi ích của người sử dụng và của doanh nghiệp.

c) Giá cước các dịch vụ cho thuê kênh, thuê cổng, giá cước sử dụng chung cơ sở hạ tầng, giá cước bán lại dịch vụ giữa các doanh nghiệp viễn thông được hình thành trên cơ sở thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường.

3. Hình thức quản lý giá cước

3.1. Quyết định giá cước: Nhà nước ban hành quyết định giá cước dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quyết định giá.

3.2. Đăng ký giá cước: Doanh nghiệp quyết định giá cước dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá cước, nhưng trước khi ban hành quyết định phải đăng ký giá cước với cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định tại Tiết a, Khoản 1.2, Điểm 1, Mục IV Thông tư này.

3.3. Báo giá cước (báo giá): Doanh nghiệp tự quy định giá cước thuộc danh mục dịch vụ báo giá và thực hiện gửi báo giá tới cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định tại Tiết b, Khoản 1.2, Điểm1, Mục IV Thông tư này.

3.4. Tự quy định giá cước: Doanh nghiệp tự quy định giá cước đối với các dịch vụ ngoài danh mục quy định tại Khoản 3.1, 3.2, 3.3 Điểm 3, Mục II Thông tư này.

III. THẨM QUYỀN QUẢN LÝ GIÁ CƯỚC

Thẩm quyền quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông được thực hiện theo Điều 5, Điều 6 Quyết định số 39/2007/QĐ-TTg ngày 21/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông, cụ thể như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ

Phê duyệt về nguyên tắc phương án giá cước dịch vụ đối với thư thường trong nước có khối lượng đến 20 gram và điện thoại nội hạt.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông

2.1. Tổ chức, chỉ đạo, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phương án giá cước tại Điểm1, Mục III Thông tư này.

2.2. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về nguyên tắc phương án giá cước, quyết định khung giá cước hoặc giá cước các dịch vụ tại Điểm 1, Mục III Thông tư này,

2.3. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, quyết định khung giá cước hoặc giá cước đối với: Dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ bưu chính dành riêng; Dịch vụ viễn thông công ích.

2.4. Định kỳ Quý I hàng năm hoặc đột xuất: Công bố danh mục, hình thức quản lý và thực hiện quản lý theo quy định giá cước dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế.

2.5. Định kỳ Quý I hàng năm hoặc đột xuất: Công bố danh mục, hình thức quản lý và thực hiện quản lý theo quy định giá cước kết nối giữa các doanh nghiệp viễn thông.

2.6. Quy định cơ chế và hình thức quản lý giá cước thanh toán quốc tế giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông trong nước với các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài.

3. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và Internet

3.1. Quy định giá cước cụ thể trong khung giá hoặc trên cơ sở mức giá cước chuẩn do Nhà nước quy định đối với các dịch vụ quy định tại Điểm 1, 2 Mục III, Thông tư này.

3.2. Thực hiện đăng ký giá, báo giá đối với các dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá và báo giá.

3.3. Tự quy định giá cước đối với các dịch vụ ngoài danh mục quy định tại Khoản 3.1, 3.2, Điểm 3, Mục III Thông tư này trên cơ sở tuân thủ các quy định về nguyên tắc quản lý, căn cứ xác định giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông.

3.4. Doanh nghiệp bưu chính, viễn thông có trách nhiệm xây dựng phương án giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông thuộc danh mục nhà nước quyết định giá; hạch toán riêng chi phí cung cấp dịch vụ; thực hiện việc tính toán, xác định giá thành dịch vụ theo quy định và chịu trách nhiệm về tính trung thực, hợp pháp của số liệu tính toán giá thành dịch vụ.

IV. QUY TRÌNH, THỦ TỤC XÂY DỰNG, TRÌNH, THẨM ĐỊNH, BAN HÀNH GIÁ CƯỚC CÁC DỊCH VỤ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

1. Giá cước dịch vụ áp dụng đối với người sử dụng

1.1 Đối với các dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quyết định giá cước

a) Khi doanh nghiệp có nhu cầu hoặc khi Nhà nước yêu cầu điều chỉnh giá cước dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quyết định giá cước, doanh nghiệp xây dựng hồ sơ phương án giá cước trình Bộ Thông tin và Truyền thông.

b) Hồ sơ phương án giá cước bao gồm:

- Tờ trình của doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giá cước.

- Phương án điều chỉnh giá cước dịch vụ, bao gồm nhưng không hạn chế các nội dung sau:

+ Đánh giá thực trạng tình hình kinh doanh dịch vụ trong thời gian từ lần điều chỉnh giá cước gần nhất tới thời điểm đề nghị điều chỉnh ;

+ Dự kiến biến động thị trường, sự cần thiết và cơ sở điều chỉnh giá cước;

+ Căn cứ, phương pháp và thuyết minh tính toán giá thành dịch vụ; phương án điều chỉnh giá cước dịch vụ cụ thể;

+ So sánh mức giá cước hiện hành, mức giá cước dự kiến điều chỉnh với giá cước dịch vụ cùng loại của các nước trong khu vực và thế giới (đặc biệt là so với các nước ASEAN );

+ Phân tích ảnh hưởng, tác động của việc điều chỉnh giá cước dịch vụ đối với doanh nghiệp và các đối tượng sử dụng dịch vụ;

+ Đề xuất các biện pháp tổ chức triển khai thực hiện.

c) Đối với các dịch vụ phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nguyên tắc phương án giá, trong vòng 45 ngày làm việc từ khi nhận đủ hồ sơ phương án giá cước theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc xem xét, thẩm định, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án giá cước, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định giá cước dịch vụ trong vòng 20 ngày làm việc.

d) Đối với các dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định:

- Đối với các dịch vụ phải có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, trong vòng 20 ngày làm việc từ khi nhận đủ hồ sơ phương án giá cước theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, lấy ý kiến thoả thuận của các Bộ, ngành liên quan để ban hành Quyết định giá cước dịch vụ.

- Đối với các dịch vụ không cần phải có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, trong vòng 10 ngày làm việc từ khi nhận đủ hồ sơ phương án giá cước theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, ban hành Quyết định giá cước dịch vụ.

1.2. Đối với các dịch vụ quản lý theo hình thức đăng ký giá cước và báo giá

Danh mục các dịch vụ quản lý theo hình thức đăng ký giá cước và hình thức báo giá được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố theo định kỳ vào quý I hàng năm hoặc đột xuất theo quy định tại Khoản 2.4, Điểm 2, Mục III Thông tư này.

a) Đối với dịch vụ thuộc danh mục quản lý theo hình thức đăng ký giá cước

- Khi xây dựng mới hoặc điều chỉnh giá cước dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá cước, doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký giá cước và gửi Hồ sơ đăng ký giá cước tới Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Hồ sơ đăng ký giá cước gồm:

+ Công văn do Thủ trưởng doanh nghiệp ký, đóng dấu, trong đó mô tả rõ nội dung dịch vụ, tên gọi dịch vụ, thời gian dự kiến bắt đầu áp dụng mức giá cước v.v…;

+ Căn cứ, phương pháp và thuyết minh tính toán giá thành dịch vụ; phương án điều chỉnh giá cước dịch vụ cụ thể;

+ Đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá cước dịch vụ tới thị trường dịch vụ tương ứng hoặc tới các dịch vụ liên quan khác;

+ Dự thảo quyết định ban hành giá cước dịch vụ của doanh nghiệp.

- Hồ sơ đăng ký giá cước gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông ít nhất là trước thời hạn doanh nghiệp dự kiến ban hành 10 ngày làm việc. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký giá cước của doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có văn bản thông báo chấp nhận hoặc không chấp nhận hồ sơ đăng ký giá cước của doanh nghiệp (trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận):

+ Trường hợp hồ sơ đăng ký giá cước của doanh nghiệp được Bộ chấp nhận, doanh nghiệp tự ban hành quyết định giá cước trong phạm vi mức giá cước đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông;

+ Trường hợp hồ sơ đăng ký giá cước của doanh nghiệp không được Bộ chấp nhận, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện theo mức cước đang có hiệu lực và thực hiện việc đăng ký lại giá cước theo quy định nếu cần thiết.

b) Đối với dịch vụ thuộc danh mục quản lý theo hình thức báo giá

- Khi điều chỉnh giá cước dịch vụ thuộc danh mục báo giá, doanh nghiệp xây dựng phương án giá cước; tự ban hành quyết định giá cước dịch vụ và gửi báo giá tới Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

- Hồ sơ báo giá bao gồm: Công văn gửi báo giá; quyết định ban hành giá cước dịch vụ của doanh nghiệp.

- Hồ sơ báo giá cần gửi Bộ Thông tin và Truyền thông chậm nhất là 03 ngày làm việc sau khi quyết định giá cước dịch vụ của doanh nghiệp được ký ban hành.

- Trường hợp phát hiện hồ sơ báo giá cước của doanh nghiệp không phù hợp với quy định hiện hành về quản lý giá cước, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản yêu cầu doanh nghiệp đình chỉ việc áp dụng giá cước mới để xem xét và điều chỉnh cho phù hợp.

1.3. Báo cáo giá cước

Trước ngày 10 tháng đầu hàng quý, doanh nghiệp có báo cáo giá cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông do doanh nghiệp cung cấp gửi Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Tài chính theo mẫu quy định tại Phụ lục I.

2. Đối với giá cước giữa các doanh nghiệp

2.1. Giá cước kết nối

Danh mục và hình thức quản lý giá cước kết nối giữa các doanh nghiệp được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố theo định kỳ vào quý I hàng năm hoặc đột xuất theo quy định tại Khoản e, Điểm 2, Mục III Thông tư này.

a) Đối với giá cước kết nối thuộc danh mục quản lý theo hình thức quyết định giá cước

Căn cứ tình hình phát triển thị trường, nhu cầu về giá cước kết nối: các doanh nghiệp viễn thông xây dựng phương án giá cước kết nối hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tham gia kết nối xây dựng phương án giá cước kết nối, trình Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ phương án giá cước kết nối, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét thẩm định và tổ chức cuộc họp với tất cả các doanh nghiệp viễn thông để tham vấn về giá cước kết nối do các doanh nghiệp tham gia kết nối trình. Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ sau cuộc họp tham vấn, Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định ban hành giá cước kết nối áp dụng giữa các doanh nghiệp viễn thông.

b) Đối với giá cước kết nối thuộc danh mục quản lý theo hình thức đăng ký

Các doanh nghiệp viễn thông tham gia kết nối tự đàm phán, thoả thuận thống nhất giá cước kết nối, lập hồ sơ đăng ký và gửi hồ sơ đăng ký giá cước tới Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Tiết a, Khoản 1.2, Điểm 1, Mục IV Thông tư này.

2.2. Giá cước thanh toán quốc tế gữa các doanh nghiệp Việt nam với doanh nghiệp nước ngoài

a) Giá cước thanh toán quốc tế giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài được quản lý theo hình thức báo giá. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế trực tiếp đàm phán, thoả thuận giá cước thanh toán quốc tế và ký hợp đồng thanh toán quốc tế với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông nước ngoài trên cơ sở đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia; lợi ích của người sử dụng và lợi ích của doanh nghiệp. Việc báo giá cước thanh toán quốc tế của doanh nghiệp với với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện theo quy định tại Tiết b, Khoản 1.2, Điểm 1, Mục IV Thông tư này.

b) Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế khi thực hiện thanh toán quốc tế cần phải áp dụng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật , nghiệp vụ cần thiết để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế nhằm tránh tình trạng nợ xấu kéo dài giữa các bên.

2.3. Giá cước thuê kênh, thuê cổng, sử dụng chung cơ sở hạ tầng, bán lại dịch vụ

Căn cứ điều kiện phát triển theo từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các hình thức quản lý giá cước cụ thể đối với các dịch vụ thuê kênh, thuê cổng, sử dụng chung cơ sở hạ tầng, bán lại dịch vụ.

2.4. Giá cước giữa các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát

Giá cước giữa các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát do các doanh nghiệp đàm phán thoả thuận trực tiếp trên cơ sở hợp đồng và thực hiện báo giá với Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Tiết b, Khoản 1.2, Điểm 1, Mục IV Thông tư này.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các nội dung khác không hướng dẫn tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại Quyết định 39/2007/QĐ-TTg ngày 21/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông và quy định của pháp luật liên quan.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ảnh về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- VP Chính phủ;
- VP Trung ương Đảng;
- VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các Sở BCVT;
- Các doanh nghiệp BCVT;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Bộ TTTT: BT, các TT, các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Nam Thắng


PHỤ LỤC 1

MẤU BÁO CÁO GIÁ CƯỚC DỊCH VỤ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG*
(Ban hành kèm theo Thông tư số 02/2007/TT-BTTTT ngày 13/12/2007)

TT

Tên dịch vụ

Giá cước áp dụng

Đơn vị tính cước

Hình thức trả cước

Thời điểm có hiệu lực

Tỷ lệ thay đổi giá cước

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

1.

2.

...

...

...

...

(*) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet thực hiện báo cáo riêng hai nhóm dịch vụ:

- Dịch vụ bưu chính;

- Dịch vụ viễn thông và Internet.

Giải thích:

(1): Tên dịch vụ: là tên loại hình dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng (riêng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại quốc tế, báo cáo giá cước thanh toán quốc tế chiều về mà doanh nghiệp thực hiện trong Quí trước);

(2): Giá cước áp dụng: là mức giá cước doanh nghiệp hiện đang áp dụng thu khách hàng;

(3): Đơn vị tính cước: là đơn vị tính của mức cước được quy định tại mục (2);

(4): Hình thức thu cước: là hình thức thu cước của khách hàng doanh nghiệp áp dụng cho dịch vụ cung cấp (trả trước, trả sau,…);

(5): Thời điểm có hiệu lực: là thời điểm giá cước hiện đang áp dụng đối với dịch vụ cung cấp có hiệu lực;

(6): Tỷ lệ thay đổi giá cước: là tỷ lệ thay đổi giá cước của dịch vụ (mà doanh nghiệp cung cấp) tính tại thời điểm báo cáo so với kỳ trước;

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/2007/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện quy định về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 02/2007/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 13/12/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Lê Nam Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 843 đến số 844
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản