Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC
VÀ CÔNG NGHỆ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2007/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2007

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 127/2004/NĐ-CP NGÀY 31/5/2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003;
Căn cứ Nghị định số 127/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 127/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Nghị định 127).

2. Thời hiệu xử phạt

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Các hành vi vi phạm liên quan đến tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ có thời hiệu xử phạt là hai năm, gồm:

- Hành vi gian lận để được hưởng chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 127;

- Hành vi vi phạm các quy định về liên doanh, liên kết, nhận tài trợ để hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 18 Nghị định 127;

- Hành vi lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ trái với nội dung đã đăng ký để thu lợi bất chính quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 127;

- Hành vi chiếm dụng, không hoàn trả đúng thời hạn mà không có lý do chính đáng kinh phí tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ các cấp quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 127.

3. Hình thức xử phạt

a) Hình thức xử phạt chính quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127 gồm: cảnh cáo và phạt tiền.

Việc xác định mức trung bình của khung tiền phạt đối với hình thức phạt tiền được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

b) Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ: là việc cơ quan có thẩm quyền thu hồi có thời hạn hoặc không có thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) trong trường hợp cá nhân, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận có vi phạm trong quá trình hoạt động, thực hiện không đúng các nội dung, yêu cầu ghi trong Giấy chứng nhận. Việc tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận có thể là toàn bộ hoạt động khoa học và công nghệ ghi trong Giấy chứng nhận, hoặc chỉ đối với một lĩnh vực hoạt động có vi phạm. Cá nhân, tổ chức bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận thuộc lĩnh vực hoạt động nào thì không được tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực đó đã ghi trong Giấy chứng nhận.

Việc tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận phải được thực hiện đúng thẩm quyền quy định tại điểm b, khoản 2; điểm b, khoản 3; điểm b khoản 5 Điều 21 Nghị định 127.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chỉ được tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận nếu tại Nghị định 127 có quy định tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm đó bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận. Việc tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận phải được ghi trong quyết định xử phạt. Trường hợp tước quyền sử dụng có thời hạn thì phải ghi rõ thời hạn trong quyết định xử phạt. Người ra quyết định xử phạt tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận biết về việc tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận.

Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận và cá nhân, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu ghi trong Giấy chứng nhận, yêu cầu ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người đã tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận ra quyết định trả lại Giấy chứng nhận.

II. HÀNH VI VI PHẠM

1. Hành vi hoạt động khoa học và công nghệ trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường và sức khoẻ con người, làm lây lan dịch bệnh, gây hại cho động, thực vật; lợi dụng hoạt động khoa học để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân quy định tại Điều 7 của Nghị định 127 bao gồm:

- Nghiên cứu khoa học để đưa ra các sản phẩm trái đạo đức, không phù hợp với bản sắc, thuần phong mỹ tục của dân tộc;

- Sử dụng các công nghệ để sản xuất, thử nghiệm các sản phẩm mà pháp luật Việt Nam không cho phép sản xuất;

- Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ có sản phẩm hoặc quá trình nghiên cứu không thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan gây thiệt hại tới tài nguyên, môi trường hoặc làm thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

- Lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để đưa ra các quan điểm, kết quả, nhận xét làm sai lệch hoặc diễn giải sai lệch thực tế khách quan; trình bày, tuyên truyền trái pháp luật kết quả nghiên cứu khoa học với dụng ý xấu, cố tình xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Hành vi chiếm đoạt kết quả hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 8 Nghị định 127 là việc sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức khác nhằm mục đích thu lợi về vật chất và tinh thần cho cá nhân, tổ chức mình, bao gồm:

- Sử dụng, công bố số liệu, quy trình công nghệ, thông tin liên quan đến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức khác nhằm thu lợi về vật chất.

- Đăng ký, công bố các công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức khác mà không được phép của cá nhân, tổ chức đó.

- Sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, số liệu, thông tin của cá nhân, tổ chức khác như là kết quả của mình trong các báo cáo khoa học và các tài liệu khoa học mà không chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ của các kết quả đó.

- Sử dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình công nghệ của cá nhân, tổ chức khác để đăng ký tham dự các cuộc thi, các giải thưởng về khoa học và công nghệ, tham dự các cuộc triển lãm...

3. Hành vi vi phạm về chuyển giao, chuyển nhượng, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 9 của Nghị định 127 bao gồm:

Thông tin về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ là các dữ liệu, số liệu, tin tức thu được từ kết quả hoạt động khoa học và công nghệ. Thông tin trên được cung cấp dưới dạng văn bản, âm thanh, đồ họa, hình ảnh, phim, video hoặc các vật mang tin khác.

Hành vi chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ trái quy định được thể hiện như sau:

- Cá nhân, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng tài sản của cá nhân, tổ chức khác để thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ và có kết quả thì được hưởng quyền tác giả theo quy định của pháp luật, nếu trong hợp đồng không có thoả thuận khác. Nhưng nếu tác giả tự ý chuyển giao kết quả hoạt động khoa học và công nghệ khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu kết quả đó là trái quy định của pháp luật;

- Cá nhân, tổ chức không phải là chủ sở hữu các thông tin về hoạt động khoa học và công nghệ (tạo ra do nghiên cứu khoa học và công nghệ, dịch vụ phân tích, kiểm nghiệm, tư vấn, giám định) nhưng cung cấp thông tin, tư liệu về các kết quả này mà không được chủ sở hữu đồng ý;

- Cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu kết quả hoạt động khoa học và công nghệ nhưng tạo thông tin giả, xuyên tạc, cung cấp thông tin không đúng sự thật về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, lợi dụng cung cấp thông tin về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

4. Hành vi gian lận, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 10 Nghị định 127 được thể hiện như sau:

- Giả mạo, gian lận trong việc lập hồ sơ tham gia tuyển chọn chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học gồm: kê khai không trung thực về thành tựu hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, về lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm đề tài, dự án, về các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia phối hợp thực hiện, về khả năng tài chính...;

- Vu khống, có đơn thư khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật nhằm làm mất uy tín của nhà khoa học, của tổ chức khoa học và công nghệ cùng tham gia tuyển chọn chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

- Gian lận trong khi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thể hiện dưới các dạng như: báo cáo không trung thực về tiến độ và kết quả nghiên cứu; không thực hiện các nội dung theo hợp đồng đã ký nhưng báo cáo có thực hiện để được nhận kinh phí, bịa đặt số liệu; sử dụng hợp đồng, hóa đơn, chứng từ khống, chứng từ giả mạo, mạo chữ ký để thanh toán kinh phí được cấp từ ngân sách nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; gian lận trong quá trình nghiệm thu, đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ; gian lận trong việc sử dụng kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước để hoạt động khoa học và công nghệ;

Trong trường hợp hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 đến mức cần thiết phải hủy bỏ quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn thì sau khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có văn bản đề nghị cơ quan quản lý khoa học và công nghệ có thẩm quyền xem xét, ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyển chọn có liên quan đến hành vi vi phạm.

5. Hành vi vi phạm quy định về bí mật trong hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 11 của Nghị định 127:

Tài liệu bí mật trong hoạt động khoa học và công nghệ gồm: tư liệu, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, tài liệu khoa học và công nghệ, mẫu vật nghiên cứu, sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc bí mật nhà nước.

Sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc bí mật nhà nước là:

- Sáng chế, giải pháp hữu ích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế và xã hội chưa công bố;

- Sáng chế, giải pháp hữu ích đã nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ liên quan đến an ninh, quốc phòng chưa công bố hoặc cơ quan có thẩm quyền không cho công bố;

- Sáng chế, giải pháp hữu ích đã nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ chưa công bố.

Việc phổ biến, công bố, lưu hành các sáng chế, giải pháp hữu ích, tài liệu khoa học và công nghệ, mẫu vật nghiên cứu có nội dung thuộc bí mật nhà nước ở trong nước và tại nước ngoài phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 và Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

6. Hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 127 gồm: gây khó khăn, trốn tránh thanh tra, kiểm tra; không thực hiện hoặc kéo dài, trì hoãn thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kết luận, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, của đoàn thanh tra, kiểm tra.

7. Hành vi không đăng ký, giao nộp kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 13 Nghị định 127:

Tất cả các kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước, bao gồm các chương trình, đề tài, dự án, các nhiệm vụ điều tra cơ bản phải được đăng ký và lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia theo quy định tại Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/8/2004 của Chính phủ quy định về thông tin khoa học và công nghệ. Nếu tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không tiến hành việc đăng ký và giao nộp kết quả thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

8. Hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động của thành viên các hội đồng khoa học và công nghệ quy định tại Điều 14 Nghị định 127 gồm:

- Không đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai trong hoạt động của hội đồng; vi phạm các quy định về tư vấn, thẩm định, đánh giá, tuyển chọn.

- Công bố, cung cấp các thông tin liên quan đến quá trình đánh giá, nhận xét và kết quả tư vấn khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quyết định thành lập hội đồng.

9. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 15 Nghị định 127 gồm:

- Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tự đầu tư kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ phổ biến, tuyên truyền, ứng dụng quy trình công nghệ, sản phẩm, vật nuôi mới, giống cây trồng mới xâm hại tới môi trường, sức khoẻ, đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho phép;

- Công bố kết quả điều tra cơ bản, khảo sát thực tiễn, hội thảo khoa học và các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ khác có nội dung liên quan đến các vấn đề nhạy cảm về kinh tế - xã hội chưa được chủ sở hữu kết quả đó, cơ quan có thẩm quyền, hoặc cơ quan chủ trì tổ chức hội thảo cho phép;

- Phổ biến kết quả phân tích, thẩm định, giám định khi chưa được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đặt hàng.

10. Hành vi vi phạm các quy định về liên doanh, liên kết, nhận tài trợ để hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 18 Nghị định 127 gồm:

- Cá nhân đang hoạt động trong tổ chức khoa học và công nghệ trực tiếp nhận tài trợ, không thông qua tổ chức mà mình là thành viên.

- Cá nhân đang hoạt động trong một tổ chức khoa học và công nghệ có đề tài riêng hoặc được phía nước ngoài thuê thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thuộc phạm vi hoạt động của tổ chức trực tiếp quản lý cá nhân đó và không thuộc lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích nhưng không thông báo việc nhận tài trợ cho Sở Khoa học và Công nghệ.

- Cá nhân không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ nào, khi được tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ để hoạt động khoa học và công nghệ ở lĩnh vực không được Nhà nước khuyến khích nhưng không thông báo việc nhận tài trợ cho Sở Khoa học và Công nghệ.

11. Hành vi vi phạm các quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ và ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 19 của Nghị định 127.

a) Hành vi không đăng ký hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ ở khoản 1 Điều 19 Nghị định 127 gồm các trường hợp sau đây:

- Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là cấp bộ), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) không đăng ký tại Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhưng hoạt động độc lập với doanh nghiệp đó, có tư cách pháp nhân đầy đủ và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân không đăng ký hoạt động tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thành lập Quỹ.

b) Hành vi chiếm dụng, không hoàn trả đúng thời hạn mà không có lý do chính đáng kinh phí tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ các cấp quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 127 bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ cấp Quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh sử dụng kinh phí sai mục đích; chiếm dụng kinh phí được cấp, được tài trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ; nhận kinh phí nhưng không thực hiện nhiệm vụ, hoặc thực hiện không đúng nội dung đã cam kết;

- Không hoàn trả đúng thời hạn các khoản, loại thu hồi (đã được thể hiện bằng các cam kết tại hợp đồng khoa học và công nghệ) khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà không có lý do chính đáng.

12. Hành vi vi phạm các quy định về đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ quy định tại Điều 20 Nghị định 127 gồm:

- Lợi dụng việc đặt và tặng giải thưởng khoa học và công nghệ để vụ lợi về vật chất;

- Lợi dụng việc đặt giải thưởng khoa học và công nghệ để đưa ra các giải thưởng có nội dung khuyến khích các nghiên cứu khoa học trái đạo đức, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam, các giải thưởng vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước.

13. Đối với hành vi sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sai mục đích, không đúng với nội dung chương trình đã được phê duyệt và hành vi sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trùng lặp với các nguồn kinh phí khác gây lãng phí thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Thông tư số 101/2006/TT-BTC ngày 31/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

III. THỦ TỤC XỬ PHẠT

1. Lập Biên bản vi phạm hành chính:

Theo quy định tại Điều 50 Luật Thanh tra Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, những người sau đây có quyền lập Biên bản vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ:

- Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ;

- Thanh tra viên chuyên ngành khoa học và công nghệ;

- Trưởng Đoàn Thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ.

Trường hợp người không có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính thì sau khi lập biên bản phải chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.

2. Đối với biên bản hành chính do Thanh tra viên chuyên ngành khoa học và công nghệ lập và quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Thanh tra viên ký thì đóng dấu của cơ quan thanh tra quản lý Thanh tra viên đó. Dấu của tổ chức thanh tra được đóng ở góc bên trái, phía trên tại vị trí ghi tên cơ quan thanh tra, số và ký hiệu văn bản.

IV. CƠ CHẾ PHỐI HỢP

Trong quá trình thực hiện công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ thì các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho Thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ biết để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, giải quyết.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ KH&CN;
- Công báo;
- Lưu: VT, TTra, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Thắng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định 127/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 02/2007/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/03/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Trần Quốc Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 262 đến số 263
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản