Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2002/TT-BCN

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2002

THÔNG TƯ

CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 02/2002/TT-BCN NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 2002 VỀ HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN ĐẦU TƯ SẢN XUẤT, LẮP RÁP ĐỘNG CƠ XE GẮN MÁY HAI BÁNH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC

Căn cứ Quyết định số 38/2002/QĐ-TTg ngày 14/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sản xuất lắp ráp và nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy;
Căn cứ Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 06/6/2002 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề thực hiện chính sách nội địa hoá xe hai bánh gắn máy;
Căn cứ các Thông tư liên tịch số 92/TTLT-BTC-BCN-TCHQ ngày 20/11/2001 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp - Tổng cục Hải quan, số 52/2002/TTLT-BTC-BCN ngày 04/6/2002 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với sản xuất xe hai bánh gắn máy và động cơ xe hai bánh gắn máy,
Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc thực hiện đầu tư sản xuất, lắp ráp động cơ xe gắn máy hai bánh của các doanh nghiệp trong nước như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

Thông tư này áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam (trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp động cơ xe gắn máy hai bánh phải được xây dựng theo đúng các quy định về quy chế quản lý đầu tư và xây dựng được ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ, trình Bộ Công nghiệp xem xét thẩm định.

2. Các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp động cơ xe gắn máy phải tuân thủ mục d, điểm 2 trong Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy được ban hành kèm theo Quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 7/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

Quy định về việc phải chế tạo hoàn chỉnh được 01 cụm chi tiết của động cơ ban hành kèm theo Quyết định nêu trên được hiểu như sau:

Doanh nghiệp phải tự đầu tư công nghệ, nhà xưởng để sản xuất được các chi tiết của cụm sản phẩm do doanh nghiệp đăng ký (liệt kê tại phụ lục 6, Thông tư liên tịch số 52/2002/TTLT-BTC-BCN ngày 04/6/2002 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp) theo một quy trình công nghệ hoàn chỉnh từ nguyên liệu và bán thành phẩm. Các phôi đúc, dập, rèn của chi tiết, cụm chi tiết được phép mua của các nhà sản xuất khác (trong nước và ngoài nước) và không nhất thiết phải sản xuất các loại gioăng, đệm và các chi tiết đã được tiêu chuẩn hoá như bulông, đai ốc, vòng bi…

3. Doanh nghiệp phải thực hiện chương trình nội địa hoá động cơ xe gắn máy theo mục tiêu và tiến độ cụ thể hàng năm như sau (bắt đầu tính từ năm thứ 1 sau khi dự án đã đi vào sản xuất):

Năm thứ 1: tỷ lệ nội địa hoá động cơ ³ 20%

Năm thứ 2: tỷ lệ nội địa hoá động cơ ³ 30%

Năm thứ 3: tỷ lệ nội địa hoá động cơ ³ 45%

Năm thứ 4: tỷ lệ nội địa hoá động cơ ³ 60%.

Việc tính toán tỷ lệ nội địa hoá động cơ xe hai bánh gắn máy hai bánh thực hiện theo quy định tại bản phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 52/2002/TTLT-BTC-BCN của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp ngày 04/6/2002.

4. Các động cơ xe gắn máy hai bánh do các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp phải được kiểm tra theo quy định tại mục c, điều 4 (tiêu chuẩn về trình độ kỹ thuật, công nghệ) trong Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe hai bánh gắn máy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 07/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

5. Các doanh nghiệp sản xuất động cơ xe gắn máy phải có bản quyền về thiết kế động cơ xe máy (do doanh nghiệp nghiên cứu phát triển hoặc được chuyển giao công nghệ hợp pháp từ nhà sản xuất gốc). Trong trường hợp doanh nghiệp mua thiết kế, công nghệ sản xuất động cơ của đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp phải có được Hợp đồng chuyển giao công nghệ, Hợp đồng Licence nhãn mác sản phẩm, quyền sở hữu công nghiệp của đối tác nước ngoài cung cấp cho phía Việt Nam để sản xuất, lắp ráp động cơ.

Nội dung chuyển giao công nghệ bao gồm:

- Tài liệu thiết kế sản phẩm,

- Tài liệu về công nghệ sản xuất, lắp ráp động cơ,

- Giấy phép sử dụng nhãn hàng,

- Chương trình đào tạo,

- Chương trình hỗ trợ kỹ thuật.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ xe gắn máy từ nước ngoài vào Việt Nam phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp động cơ xe gắn máy hai bánh không được vi phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hoá kiểu dáng công nghiệp trong việc sản xuất, lắp ráp động cơ xe gắn máy, phải đăng kiểm động cơ xe được sản xuất, lắp ráp theo pháp luật hiện hành và tuân thủ các quy định về quản lý số máy của động cơ xe gắn máy của các cơ quan quản lý nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp động cơ xe gắn máy (nếu là các doanh nghiệp Nhà nước phải thông qua chủ quản đầu tư) gửi hồ sơ về Bộ Công nghiệp để được xem xét, thẩm định. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công nghiệp sẽ có ý kiến chính thức về nội dung của dự án đầu tư.

2. Sau khi hoàn tất việc đầu tư, các doanh nghiệp báo cáo Bộ Công nghiệp để được kiểm tra cụ thể.

Các doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất động cơ xe hai bánh gắn máy ở trong nước được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo như Quy định tại Điều 3, Quyết định số 38/2002/QĐ-TTg ngày 14/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy.

3. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy, sau khi được Bộ Công nghiệp kiểm tra, xác nhận đủ tiêu chuẩn quy định được ban hành theo Quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 07/6/2002 của Bộ Công nghiệp và quy định tại Thông tư liên tịch số 52/2002/TTLT-BTC ngày 04/6/2002 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp, được nhập khẩu động cơ xe gắn máy nguyên chiếc (nếu doanh nghiệp chưa có dây chuyền lắp ráp động cơ xe máy) hoặc bộ linh kiện động cơ xe gắn máy hai bánh (nếu doanh nghiệp có đầu tư dây chuyền lắp ráp động cơ) theo quy định tại Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001-2005 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp động cơ xe gắn máy hai bánh khi làm thủ tục nhập khẩu bộ linh kiện động cơ phải xuất trình văn bản xác nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp của Bộ Công nghiệp với cơ quan Hải quan.

5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Nguyễn Xuân Chuẩn

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/2002/TT-BCN hướng dẫn đầu tư sản xuất, lắp ráp động cơ xe gắn máy hai bánh của các doanh nghiệp trong nước do Bộ Công nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 02/2002/TT-BCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/09/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Xuân Chuẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 54
  • Ngày hiệu lực: 03/10/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 04/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản