TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP | VIỆT |
Số: 01-TCLN/TT | Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 1960 |
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BẢO QUẢN LÂM SẢN
Hiện nay để phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển kinh tế lâm sản khai thác ra ngày càng nhiều, ngoài việc đẩy mạnh khai thác rừng, việc bảo quản phải đặc biệt chú ý giảm bớt những lãng phí, hư hỏng, mất mát. Mấy lâu nay lâm sản đã để xảy ra mất mát hư hỏng khá nghiêm trọng thiệt hại cho công quỹ và cản trở việc cung cấp. Nguyên nhân một mặt là ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản của Nhà nước chưa được đề cao, mặt khác chưa có chế độ trách nhiệm cho các cấp trong việc bảo vệ lâm sản. Có nơi đã để xảy ra thiệt hại tính tới hàng ngàn đồng, nhưng chưa quy định trách nhiệm về ai.
Tổng cục xét thấy cần phải chấm dứt những lãng phí và quy định trách nhiệm bảo quản lâm sản như sau:
1. Các lâm sản khai thác ra, phải có kế hoạch bảo quản cụ thể cho từng loại lâm sản ở rừng, bãi bến, sông, suối, kho. Phí tổn về bảo quản lâm sản tính vào giá thành khai thác nhưng không quá tiêu chuẩn đã quy định.
2. Mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm bảo quản lâm sản và phát hiện những trường hợp bất hợp lý về bảo quản. Từng đơn vị xây dựng kế hoạch, đề nghị bố trí tổ chức kho tàng, nhân lực, thể lệ bảo quản do Ty Lâm nghiệp, chi nhánh Lâm sản duyệt và thi hành.
3. Lâm sản mất mát, hư hỏng, cá nhân hoặc đơn vị trực tiếp phụ trách sẽ chịu trách nhiệm.
4. Lâm sản khi nào đã bàn giao xong cho người khác, đơn vị khác, mới hết trách nhiệm. Trường hợp lâm sản còn để ở bãi bến, sông, suối, kho chưa giao, nếu xảy ra thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm.
5. Khi giao trách nhiệm phải giao phương tiện (nếu cần). Những thiệt hại xảy ra do thiếu phương tiện hoặc giải quyết chậm thì cấp giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm, ví dụ lâm sản bị mốc do thiếu bao bì, lâm sản bị trôi vì không có dây chằng buộc, v.v…
6. Những việc đã có chỉ thị, có kế hoạch, có phương tiện, không thi hành để gặp thiên tai gây nên thiệt hại thì đơn vị hoặc cá nhân trực tiếp phụ trách phải chịu trách nhiệm.
7. Lâm sản giao nhận, phải lập biên bản ghi rõ địa điểm, thời gian, tên đơn vị hoặc cá nhân giao nhận, số lượng, quy cách, phẩm chất.
8. Hàng tháng phải có sự kiểm tra trách nhiệm của cấp trên với cấp dưới, của đơn vị với cá nhân, và báo cáo đều hàng tháng giữa các cấp. Đặc biệt trong mùa mưa lũ các cơ sở, các Ty, Chi nhánh phải báo cáo đều hàng tuần về trung ương (từ tháng 5 đến hết tháng 9 mỗi năm).
9. Hội nghị cán bộ, công nhân viên hàng tuần trong các đơn vị phải có mục báo cáo kiểm điểm về công tác bảo quản lâm sản và cuối mỗi tháng, quý phải sơ kết tình hình trong báo cáo chung.
1. Những trường hợp dưới đây đều thuộc phạm vi trách nhiệm của tổ chức hoặc bản thân cán bộ mà không thể đổ cho khách quan.
a) Những việc biết trước có thể xảy ra mà không có kế hoạch bảo vệ, như tới mùa mưa lụt mà không bố trí kho bảo quản, địa điểm trú ẩn, không đủ song, neo bảo quản, không bàn kế hoạch bảo quản, không quy định rõ trách nhiệm, không kiểm tra đôn đốc tại chỗ.
b) Những việc gây nên thiệt hại do tổ chức bố trí trái với ý thức thông thường như:
Chất dầu dễ cháy để chung với lâm sản phụ, rêu ăn trong nhà kho, hoặc bên cạnh kho, để kho bỏ ngỏ người ta vào tự nhiên,… cán bộ lãnh đạo trực tiếp phải chịu trách nhiệm, cán bộ lãnh đạo cấp trên không kiểm tra đôn đốc, không lãnh đạo xây dựng thể lệ nội quy cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
2. Cá nhân hay đơn vị để xảy ra thiệt hại, sẽ tùy lỗi nặng nhẹ mà thi hành kỷ luật: phê bình, cảnh cáo, giáng chức, bồi thường hoặc truy tố trước tòa án. Dựa vào các hình thức sau đây để có kỷ luật thích đáng:
Những trường hợp giảm nhẹ:
- Những thiệt hại do ảnh hưởng bên ngoài gây nên như cháy nhà của người khác cháy lan vào kho.
- Những thiệt hại do kỹ thuật non yếu: kỹ thuật chế biến kém, xuống thác, bè bị tan vỡ mất gỗ, v.v…
Những trường hợp nặng:
- Những thiệt hại lớn cho quốc gia do không có ý thức trách nhiệm, không chấp hành chế độ bảo quản để lâm sản bị lũ cuốn trôi, bị mọt, mục hỏng phẩm chất hoặc tự gây nên cháy nhà, cháy kho v.v…
3. Cá nhân hoặc đơn vị có thành tích bảo quản lâm sản như:
- Suốt một năm việc bảo quản không để xảy ra thiệt hại đáng kể đều được quy định là thành tích.
- Trong trường hợp thiên tai như bão, lụt nghiêm trọng; nhân họa như cướp phá mà không thiệt hại hư hỏng do tinh thần tích cực đấu tranh của cán bộ, công nhân bảo vệ cũng được quy định là thành tích.
- Những thành tích bình thường thì bình nghị vào trong các cuộc thi đua. Nếu là thành tích đột xuất thì phải xét ngay khen thưởng, đề bạt.
4. Những lãng phí cũng như những thành tích nhỏ do Ty, Chi nhánh Lâm nghiệp báo cáo lên Ủy ban tỉnh để xét khen thưởng hoặc thi hành kỷ luật. Những vụ lãng phí lớn, cũng như những thành tích lớn Ty, Chi nhánh báo cáo lên Tổng cục Lâm nghiệp quyết định các hình thức khen thưởng, kỷ luật.
1. Các tổ chức, đơn vị, cán bộ, công nhân thuộc ngành Lâm nghiệp đều phải thi hành chế độ này.
2. Các Sở, Ty, Chi nhánh, Lâm trường tổ chức cho từng đơn vị cá nhân nghiên cứu thấm nhuần chế độ trách nhiệm. Đồng thời đặt kế hoạch cụ thể hóa trách nhiệm cho từng đơn vị, bộ phận, cá nhân phụ trách.
3. Đề nghị Ủy ban hành chính các cấp trực tiếp lãnh đạo ngành Lâm nghiệp thi hành đầy đủ và thường xuyên kiểm tra đôn đốc. Đề nghị nghiêm khắc thi hành kỷ luật đối với những lãng phí và kịp thời khen thưởng những cá nhân, đơn vị có thành tích.
TỔNG CỤC TRƯỞNG CỤC LÂM NGHIỆP |
Thông tư 01-TCLN/TT năm 1960 quy định trách nhiệm bảo quản lâm sản do Tổng Cục Lâm Nghiệp ban hành.
- Số hiệu: 01-TCLN/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 11/06/1960
- Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp
- Người ký: Nguyễn Tạo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 27
- Ngày hiệu lực: 26/06/1960
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định