CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01-CT | Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 1981 |
Hội đồng bộ trưởng đã quyết định cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, xã, phường, thị trấn sẽ tổ chức từ đầu tháng 9 năm 1981đến ngày 30 tháng 11 năm 1981.
Các địa phương căn cứ vào Pháp lệnh bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 1961, Pháp lệnh ngày 22 tháng 1 năm 1981 sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Pháp lệnh 1961, thông tư số 20 - CP ngày 16 tháng 1 năm 1981 và thông tư số 19 - TTg ngày 22 tháng 1 năm 1981 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thnàh phố, mà tiến hành cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã và các cấp tương đương; ngoài ra cần chú ý một số điểm sau đây.
Việc lập danh sách cử tri vẫn dựa vào thông tư số 20 - CP ngày 16 tháng 1 năm 1981. Đối với những người đến tuổi đi bầu cử thì theo luật phải từ 18 tuổi trở lên (18 tuổi tròn).
Các đơn vị quân đội, công, nông, lâm trường, trường học... đóng tại địa phương đều phải tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân ở đó. Trường hợp đơn vị nào không tham gia bầu cử được thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu bàn với thủ trưởng đơn vị đó để quyết định.
2. Việc giới thiệu người ra ứng cử.
Tổ chức giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cần tiến hành theo kế hoạch và phương pháp thống nhất của Mặt trận Tổ quốc các cấp, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng địa phương, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở địa phương tổ chức các hội nghị để cử tri trao đổi về tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu thành phần Hội đồng nhân dân, dân chủ đề cử người ra ứng cử. Chú ý giới thiệu người sinh sống ở địa phương ra ứng cử, trường hợp có khó khăn về nhân sự mới giới thiệu người ở nơi khác . Trên cơ sở ý kiến của tập thể cử tri, Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức hội nghị hiệp thương giới thiệu danh sách những người ra ứng cử.
Danh sách những người ra ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử nên giới thiệu dư ít nhất từ 2 đại biểu trở lên, và mỗi đơn vị bầu cử nên bầu nhiều nhất là 8 đại biểu để tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn được dễ dàng.
3. Việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử.
Thành viên của hội đồng bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử phải là những người có năng lực và uy tín, đại diện cho các chính Đảng, đoàn thể nhân dân, không đưa những người ở các cơ quan công an, toà án, kiểm sát, Uỷ ban nhân dân vào các tổ chức phụ trách bầu cử.
Hội đồng bầu cử Hội đồng nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận kiêm nhiệm vụ của hội đồng giám sát việc bầu cử ở xã, phường, thị trấn.
4. Việc tổ chức kiểm điểm của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp trước khi hết nhiệm kỳ.
Nội dung kiểm điểm của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp cần thực hiện nghiêm chỉnh theo thông tư số 19 - CP ngày 22 tháng 1 năm 1981 của Thủ tướng Chính phủ. Uỷ ban nhân dân các cấp, ngoài phần kiểm điểm trách nhiệm chung của Uỷ ban nhân dân, từng thành viên nhất là từng đồng chí trong bộ phận thường trực của Uỷ ban phải tự kiểm điểm nghiêm túc trước cử tri và tiến thu sự phê bình chân thành của cử tri. Đồng thời cũng phải động viên cử tri tự phê bình việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước.
5. Về tài liệu, vật liệu phục vụ cho cuộc bầu cử.
Cần tận dụng triệt để những tài liệu, vật liệu dùng trong cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố để phục vụ cho cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp sắp tới như danh sách cử tri, hòm phiếu, vật liệu trang trí, ... Riêng con dấu, có thể sử dụng những con dấu cũ trong các cuộc bầu cử trước; nếu thiếu thì khắc thêm nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy cách như đã hướng dẫn.
Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã và các cấp tương đương lần này được tiến hành trong thời gian các địa phương có nhiều công tác quan trọng khác phải làm. Vì vậy, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố và đặc khu cần có kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp trong địa phương phối hợp chặt chẽ tổ chức cuộc bầu cử đạt kết quả tốt; đồng thời vẫn bảo đảm thực hiện các công tác trọng tâm khác ở địa phương.
Các ngành ở trung ương cần có kế hoạch phục vụ cuộc bầu cử, giải quyết kịp thời những yêu cầu cần thiết của các địa phương để cuộc bầu cử đạt kết quả tốt:
- Bộ Tài chính có kế hoạch cấp phát kinh phí bầu cử kịp thời cho các địa phương.
- Bộ Văn hoá có kế hoạch tuyên truyền cổ động cho cuộc bầu cử, biên soạn tài liệu học tập trong nhân dân và cung cấp giấy in tài liệu bầu cử kịp thời cho các địa phương.
- Thông tấn xã Việt Nam, Uỷ ban Phát thanh và truyền hình, các cơ quan báo chí, Tổng cục Bưu điện, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư... theo chức năng của mình có kế hoạch phục vụ tốt cho cuộc bầu cử.
- Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng có kế hoạch bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả từng bước của cuộc bầu cử và sau bầu xử phải báo cáo kết quả bầu cử của từng cấp với Hội đồng Bộ trưởng.
Tố Hữu (Đã ký) |
Thông tư 01-CT-1981 hướng dẫn việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 01-CT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 13/07/1981
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: 28/07/1981
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định