Hệ thống pháp luật

Điều 26 Thông tư 01/2020/TT-TANDTC quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân

Điều 26. Giải quyết việc tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo

1. Khi tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật Tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận xử lý như sau:

a) Người tiếp nhận vào sổ đăng ký, phân loại, nghiên cứu nội dung tố cáo, đánh giá tính chất, mức độ vụ việc, báo cáo kết quả xử lý bước đầu thông tin có nội dung tố cáo cho người giải quyết tố cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận thông tin có nội dung tố cáo;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả xử lý bước đầu thông tin có nội dung tố cáo nếu nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì người giải quyết tố cáo phải quyết định việc thẩm tra, xác minh nội dung tố cáo hoặc quyết định tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền phục vụ cho công tác quản lý;

c) Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì phải chuyển thông tin đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận thông tin có nội dung tố cáo;

d) Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm tra và việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và pháp luật khác có liên quan.

2. Tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 của Luật Tố cáo thì xử lý như sau:

a) Trường hợp tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến Tòa án nhân dân tối cao thì Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao phải tiến hành phân loại, đánh giá tính chất, mức độ vụ việc, nếu thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì tham mưu cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện thẩm tra, xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh hoặc đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền phục vụ cho công tác quản lý;

b) Trường hợp tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thì đơn vị có chức năng thanh tra phải tiến hành phân loại, đánh giá tính chất, mức độ vụ việc, nếu thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì tham mưu cho lãnh đạo Tòa án cùng cấp thực hiện thẩm tra, xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh hoặc đề xuất lãnh đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền phục vụ cho công tác quản lý;

c) Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm tra và việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và pháp luật khác có liên quan.

3. Tiếp nhận, xử lý đơn kiến nghị, phản ánh, đề nghị, yêu cầu có nội dung tố cáo thì xử lý như sau:

a) Đơn kiến nghị, phản ánh, đề nghị, yêu cầu có nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thì người xử lý đơn đề xuất người có thẩm quyền giải quyết theo quy định;

b) Trường hợp đơn kiến nghị, phản ánh, đề nghị, yêu cầu không có nội dung tố cáo hoặc có nội dung tố cáo nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thì người xử lý đơn đề xuất người có thẩm quyền giải quyết trả lại đơn cho người gửi đơn hoặc chuyển đơn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định và thông báo cho người gửi đơn biết lý do không thụ lý giải quyết.

4. Giải quyết việc tiếp nhận, xử lý tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì xử lý như sau:

a) Trong quá trình tiếp nhận, xử lý tố cáo nếu thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì người tiếp nhận báo cáo ngay với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại Điều 14 của Luật Tố cáoĐiều 22 của Thông tư này xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Sau khi xem xét nếu tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì người giải quyết tố cáo ban hành văn bản, chuyển hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp công chức, người lao động bị tố cáo thuộc quyền quản lý của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện có dấu hiệu của tội phạm, khi chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân, đồng thời báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Ban Thanh tra).

b) Sau khi chuyển hồ sơ, tài liệu có dấu hiệu tội phạm cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân trực tiếp quản lý công chức, người lao động bị tố cáo phối hợp với Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân để theo dõi, nắm tình hình, giải quyết hoặc đề xuất người có thẩm quyền xem xét, giải quyết, áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

5. Tiếp nhận, xử lý tố cáo có nhiều nội dung hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị trong Tòa án nhân dân thì xử lý như sau:

a) Tố cáo có nhiều nội dung, trong đó có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp mình, có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác, thì thụ lý nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp mình, đồng thời có văn bản hướng dẫn người tố cáo trình bày nội dung tố cáo khác gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

b) Trường hợp tố cáo có nhiều nội dung nhưng đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp mình, mà từng nội dung này lại do các đơn vị khác nhau xem xét, thì đơn vị thực hiện chức năng thanh tra đề xuất Chánh án phân công đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc giải quyết tố cáo, trả lời người tố cáo;

c) Trường hợp đơn vừa có nội dung tố cáo, vừa có nội dung đề nghị xem xét giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì xử lý như sau:

Trường hợp đơn vừa có nội dung tố cáo, vừa có nội dung đề nghị xem xét giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì đề xuất người có thẩm quyền xem xét giải quyết nội dung tố cáo theo quy định. Đối với nội dung đề nghị xem xét giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì đề xuất người có thẩm quyền chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đơn vừa có nội dung tố cáo, vừa có nội dung đề nghị xem xét giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng hai nội dung này có liên quan thì đơn vị có chức năng thanh tra phối hợp với các đơn vị có chức năng giám đốc, kiểm tra để xem xét, giải quyết nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật.

Tiểu mục 3. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

Thông tư 01/2020/TT-TANDTC quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân

  • Số hiệu: 01/2020/TT-TANDTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/06/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: 28/06/2020
  • Số công báo: Từ số 655 đến số 656
  • Ngày hiệu lực: 10/08/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH