Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2002/TT-BYT

Hà Nội, ngày 06 tháng 2 năm 2002

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 01/2002/TT-BYT NGÀY 06/2/2002 HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH NHÂN ĐẠO

Căn cứ Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyên khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao;
Căn cứ Nghị định Số 177/1999/NĐ-CP ngày 22/12/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện;

Căn cứ Quyết đinh Số 56/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế Quản lý tài chính quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
Căn cứ Thông tư số 08/2000/TT-BYT ngày 21/4/2000 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị đinh số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao;
Căn cứ Thông tư Số 20/2000/TT-BYT ngày 28/11/2000 của Bộ Y tế hướng dẫn về việc xét cấp giấy chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền để ký kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kinh doanh thuốc y học cổ truyền;
Căn cứ Thông tư số 21/2001/TT-BYT ngày 28/9/2001 của Bộ Y tế hướng dẫn điều kiện và phạm vi hành nghề khám, chữa bệnh dân lập;
Căn cứ Thông tư số 18/2000/TT-BTC ngày 01/3/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao;
Căn cứ Thông tư số 19/2000/TT-BYT ngày 24/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh;
Căn cứ Thông tư số 01/2001/TT-BYT ngày 19/1/2001 của Bộ Y tế hướng dẫn việc xét cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dược phẩm; Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo là cơ sở khám, chữa bệnh dân lập do tổ chức nhân đạo, tổ chức từ thiện đứng ra thành lập, quản lý và điều hành theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo có chức năng như sau:

- Khám, chữa bệnh nhân đạo (miễn phí cho các đối tượng được các tổ chức đứng ra thành lập bảo trợ.

- Khám, chữa bệnh theo yêu cầu cho nhân dân trên địa bàn nơi cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo hoạt động.

Điều 3. Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của Thông tư số 19/2000/TT- BYT ngày 24/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và Thông tư số 20/2000/TT-BYT ngày 28/11/2000 của Bộ Y tế hướng dẫn về việc xét cấp giấy chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền để đăng ký kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kinh doanh thuốc y học cổ truyền.

Điều 4. Hình thức tổ chức các cơ sở khám, chữa bệnh nhân dạo:

A. Hành nghề y.

1- Bệnh viện:

- Đa khoa;

- Chuyên khoa.

2. Phòng khám đa khoa: là phòng khám có nhiều chuyên khoa (ít nhất có 2 chuyên khoa).

3. Phòng khám chuyên khoa:

- Phòng khám nội gồm các loại:

+ Phòng khám nội tổng hợp;

+ Các phòng khám thuộc hệ nội;

+ Phòng khám gia đình;

+ Phòng tư vấn y tế qua điện thoại.

- Phòng khám chuyên khoa ngoại.

- Phòng khám chuyên khoa phụ sản - kế hoạch hóa gia đình.

- Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt.

- Phòng khám chuyên khoa mắt.

- Phòng khám chuyên khoa tai mũi họng.

- Phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ.

- Phòng khám chuyên khoa điều dưỡng - phục hồi chức năng và vật lý trị liệu.

- Phòng khám chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.

- Phòng xét nghiệm: sinh hóa, huyết học, vi sinh, giải phẫu bệnh vi thể.

4. Nhà hộ sinh.

5. Dịch vụ y tế:

- Dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp.

- Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.

- Dịch vụ hỗ trợ vận chuyển người bệnh.

B. Hành nghề y dược học cổ truyền.

1- Bệnh viện Y học cổ truyền.

2. Trung tâm Thừa kế ứng dựng y dược học cổ truyền (gọi tắt là Trung tâm Y học cổ truyền).

3. Phòng Chẩn trị y học cổ truyền.

C. Tổ chức các đợt khám, chữa bệnh miễn phí, tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà miễn phí.

Điều 5. Các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo phải thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 6. Các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo chỉ được phép hoạt động sau khi được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được gọi chung là tỉnh) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh.

Điều 7. Các tổ chức nhân đạo, từ thiện muốn tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo phải theo đúng quy định của Thông tư này.

Phương 2:

ĐIỀU KIỆN VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN, CUNG ỨNG THUỐC CỦA CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH NHÂN ĐẠO

Điều 8. Hành nghề y: Thực hiện theo quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20 của Thông tư số 21/2001/TT-BYT ngày 28/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn điều kiện và phạm vi hành nghề khám, chữa bệnh dân lập. Giám đốc cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của Thông tư số 19/2000/TT-BYT ngày 24/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Điều 9. Hành nghề y dược học cổ truyền: Thực hiện theo quy định tại Chương lI, Chương III của Thông tư số 08/2000/TT-BYT ngày 21/4/2000 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ, Giám đốc cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định tại Điều 9, 10, 11 của Thông tư số 20/2000/TT-BYT ngày 28/11/2000 của Bộ Y tế về việc xét cấp giấy chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền để đăng ký kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kinh doanh thuốc y học cổ truyền.

Điều 10. Việc cung ứng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo được tổ chức như sau:

1- Đối với bệnh viện:

1.1. Khoa Dược : Thực hiện theo đúng Quy chế Bệnh viện (ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ y tế.

1.2. Tủ thuốc cấp cứu; tủ thuốc miễn phí cho các đối tượng được bảo trợ.

1.3. Nếu tổ chức dịch vụ cung ứng thuốc thì thực hiện theo Quyết định số 3016/1999/QĐ-BYT ngày 06/10/1999 của Bộ Y tế về tổ chức và hoạt động của nhà thuốc bệnh viện.

1.4. Thuốc cấp phát miễn phí và thuốc cung ứng cho các đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu phải được quản lý riêng biệt.

2. Đối với phòng khám, chữa bệnh, nhà hộ sinh nhân đạo:

2.1. Tủ thuốc cấp cứu; tủ thuốc cấp phát miễn phí cho các đối tượng được bảo trợ.

2.2. Nếu tổ chức dịch vụ cung ứng thuốc thì thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

3. Đối với Trung tâm Y học cổ truyền: Thực hiện theo Điều 9 Chương II Thông tư số 08/2000/TT-BYT ngày 21/4/2000 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.

4. Đối với Phòng Chẩn trị y học cổ truyền: Thực hiện theo Điều 10 Chương llI Thông tư số 08/2000/TT-BYT ngày 21/4/2000 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao.

5. Về tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động chuyên môn của các tủ thuốc cấp phát miễn phí:

- Người trực tiếp phụ trách tủ thuốc phải có bằng cấp chuyên môn tối thiểu là dược tá.

- Hoạt động cấp phát thuốc phải thực hiện đầy đủ các quy định về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả:

+ Chỉ được cấp phát các thuốc phù hợp với trình độ chuyên môn của cán bộ y tế tại cơ sở khám bệnh.

+ Chấp hành các quy chế chuyên môn hiện hành: Quy chế Kê đơn và bán thuốc theo đơn, Quy chế Quản lý thuốc độc, Quy chế Quản lý thuốc gây nghiện, Quy chế Quản lý thuốc hướng tâm thần và tiền chất, v.v....

Chương 3:

HỒ SƠ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH NHÂN ĐẠO

Điều 11

1. Hành nghề y: Thực hiện theo quy định tại Chương III của Thông tư số 21/2001/TT-BYT ngày 28/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn điều kiện và phạm vi hành nghề khám, chữa bệnh dân lập.

2. Hành nghề y dược học cổ truyền: Thực hiện theo quy định tại Chương IV của Thông tư số 08/2000/TT-BYT ngày 21/4/2000 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao về tiêu chuẩn và điều kiện thành lập các cơ sở hành nghề y học cổ truyền dân lập.

Điều 12.

1. Các tổ chức nhân đạo, từ thiện trong nước tổ chức các đợt khám, chữa bệnh miễn phí, tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà miễn phí do Sở Y tế tỉnh xem xét phê duyệt.

2. Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam hoặc các tổ cchức nước ngoài đến Việt Nam để tổ chức các đợt khám, chữa bệnh nhân dạo miễn phí phải gửi báo cáo và hồ sơ của từng thành viên trong đoàn về Bộ Y tế (Vụ Điều trị đối với hành nghề y, Vụ Y học cổ truyền đối với hành nghề y dược học cổ truyền) để xem xét và phê duyệt.

Chương 4:

QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH NHÂN ĐẠO VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC TRONG CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH NHÂN ĐẠO

Điều 13. Cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo và người làm việc trong cơ sở khám, chữa bệnh này có quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Quyền lợi:

- Được ký hợp đồng với các cơ sở y tế nhà nước để được nhận sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, cán bộ....

- Được ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm y tế về việc khám, chữa bệnh cho các đối tượng được bảo hiểm y tế.

- Được nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

- Được tham gia hoạt động về chuyên môn kỹ thuật có liên quan.

- Được từ chối cấp thuốc hoặc bán thuốc nếu thấy ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng.

- Được tham gia sinh hoạt trong một tổ chức nghề nghiệp y, dược, y học cổ truyền, được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Không phải nộp lệ phí, phí khi đăng ký các hình thức dịch vụ khám, chữa bệnh nhân đạo.

- Người làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo được học tập dài hạn theo các quy định tuyển sinh của Nhà nước để nâng cao nghiệp vụ; tham gia đều đặn các sinh hoạt và bồi dưỡng chuyên môn của ngành. Người hoạt động khám, chữa bệnh nhân dạo được dự tập huấn cập nhật kiến thức, dặc biệt là những dịch bệnh nguy hiểm (sốt rét, tả, thương hàn, HIV/AIDS...). Sở Y tế tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Hội Y dược học tỉnh tổ chức đào tạo, huấn luyện, nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức cho những người hoạt động khám, chữa bệnh nhân dạo.

Cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo hoặc người làm việc trong cơ sở khám, chữa bệnh này có thành tích phục vụ người bệnh được biểu dương, khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

2. Nghĩa vụ:

- Phải thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế do Bộ Y tế ban hành.

- Phải thực hiện đúng phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật cho phép.

- Bệnh viện nhân đạo và các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo khác xây dựng bảng giá viện phí (nếu cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thu phí) báo cáo Sở Y tế để xem xét và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với hình thức bệnh viện, sở Y tế tỉnh sẽ phê duyệt đối với các loại hình khác.

- Có tủ thuốc cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế, không được sử dụng các loại thuốc, sử dụng các thiết bị y tế chưa được cấp đăng ký lưu hành, áp dựng các kỹ thuật mới chưa được phép của Bộ Y tế.

Các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo có nghĩa vụ tham gia phòng chống dịch và tham gia các chương trình y tế quốc gia.

Chương 5:

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHÁM, CHỮA BỆNH NHÂN ĐẠO

Điều 14. Sở Y tế tỉnh là cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo.

Điều 15. Tổ chức đứng ra thành lập cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo sẽ quản lý trực tiếp và toàn diện đối với cơ sở khám, chữa bệnh đó.

Điều 16. Nguồn thu của cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo:

1. Sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

2. Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương (nếu có).

3. Thu từ các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu của nhân dân trên địa bàn.

4. Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tại khoản 1, 2, 3 Điều này phải theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 17.

1. Báo cáo định kỳ của Sở Y tế tỉnh gửi về Bộ Y tế (Vụ Điều trị cần có phần quản lý hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo của địa phương.

2. Hàng năm, các Sở Y tế tỉnh có báo cáo riêng về hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo về Bộ Y tế (Vụ Điều trị về hành nghề y, Vụ Y học cổ truyền về hành nghề y học cổ truyền, Vụ Pháp chế) theo mẫu quy định tại Phụ lục số 18 của Thông tư số 21/2001/TT-BYT ngày 28/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chương 6:

KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 18. Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ hay đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo. Các tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo phải chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, thanh tra tại cơ sở của mình.

Điều 19. Xử lý vi phạm: Cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo và người làm việc trong cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo vi phạm các quy định của Thông tư này, vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước dây trái với những quy định trong Thông tư này đều bãi bỏ.

Điều 21. Bộ Y tế giao cho Vụ Điều trị làm đầu mối phối hợp Thanh tra, Cục Quản lý dược Việt Nam, Vụ Pháp chế, Vụ Y học cổ truyền, các Vụ có liên quan thuộc Bộ Y tế để theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này.

Điều 22. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn yêu cầu báo cáo bằng vản bản về Bộ Y tế (Vụ Điều trị đối với hành nghề y, Vụ Y học cổ truyền đối với hành nghề y dược học cổ truyền) để nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết.

Lê Ngọc Trọng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01/2002/TT-BYT hướng dẫn tổ chức và hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 01/2002/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/02/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Lê Ngọc Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 21/02/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 15/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản