Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 002-TT/TKV

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH GIÁ CƯỚC BƯU ĐIỆN

Ngày 23 tháng 10 năm 1957 Bộ Giao thông và Bưu điện, sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua, đã ban hành nghị định số 330-NĐ điều chỉnh giá cước bưu điện.

Để nhận rõ lý do và nội dung việc điều chỉnh giá cước, Bộ Giao thông và Bưu điện ra thông tư này, mong các cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp căn cứ vào đó giải thích cho cán bộ, cho nhân dân rõ.

I. TẠI SAO PHẢI ĐIỀU CHỈNH GIÁ CƯỚC BƯU ĐIỆN

Từ đầu kháng chiến đến tháng 9 năm 1953, ngành Bưu điện còn là một công sở chi phí do ngân sách Nhà nước đài thọ. Lúc đó Bưu điện chỉ cho bảo đảm thông tin liên lạc, ít chú ý đến việc thu, chi hàng tháng lĩnh tiền Nhà nước cung cấp mà chi dùng.

Từ tháng 9 năm 1953, chuyển thành một công sở quản lý tài chính như một doanh nghiệp Quốc gia. Sau khi hòa bình lập lại, vì chưa có kinh nghiệm quản lý xí nghiệp, Bưu điện chưa tính được giá cước đúng mức. Phần lớn giá cước còn giữ nguyên như hồi kháng chiến. Do đó, mặc dầu công nhân viên và cán bộ Bưu điện tích cực thi đua sản xuất tiết kiệm, tổ chức được chấn chỉnh và biên chế rút tới gần 50% (so sánh cuối năm 1957 với đầu năm 1954). Nhà nước bỏ vốn thêm cho ngành Bưu điện hàng chục tỷ, nghiệp vụ đã bước đầu cải tiến, thế mà hàng năm ngành Bưu điện thu vẫn không đủ chi; mỗi năm Nhà nước phải phụ cấp thêm cho ngành Bưu điện từ 4 đến 5 triệu đồng.

Hiện nay, ngoài nhiệm vụ phục vụ thông tin liên lạc được tốt với chất lượng ngày càng cao, ngành Bưu điện còn phải hoàn thành nhiệm vụ kinh tế của xí nghiệp là thăng bằng thu chi dần dần thu hồi vốn cho Nhà nước để góp phần kiến thiết Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Nếu cứ để nguyên giá cước cũ quá  hạ so với mức sinh hoạt chung thì ngành Bưu điện năm nào cũng lỗ, chẳng những không tích lũy vốn được cho Nhà nước mà hàng năm Nhà nước phải bỏ ra  một số tiền để bù lỗ cho Bưu điện, Bưu điện không có đủ Điều kiện để cải tiến và tăng thêm thiết bị phương tiện chuyển vận, phát triển nghiệp vụ để mở rộng diện phục vụ nhân dân và cơ quan xí nghiệp được tốt.

Điều chỉnh lại giá cước bưu điện không phải vì ngành Bưu điện quản lý kém để lỗ, mà thực tế là công việc đã cải tiến (tuy còn phải tiếp tục cải tiến) nhưng vì thu chưa đủ mức chi, cước phí cũ quá thấp. Điều chỉnh cước để hàng năm Chính phủ không phải bỏ tiền ra bù lỗ cho Bưu điện, số tiền đó sẽ dùng vào việc kiến thiết chung mang lại lợi ích chung cho toàn thể nhân dân, hơn nữa Bưu điện lại góp phần tích lũy vốn cho Nhà nước và, mặc khác, có đủ điều kiện để mở rộng và cải tiến nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu thông tin liên lạc ngày càng cao của nhân dân và các cơ quan Nhà nước.

Điều chỉnh lại giá cước người dùng bưu điện phải trả cước thêm một ít cho tương xứng với chi phí và lao động của bưu điện là một điều hợp lý; không nên dùng tiền đóng góp chung của quảng đại nhân dân để bù cho những người dùng bưu điện; người dùng bưu điện phải trả thêm một phần tiền cho hợp sức lao động của bưu điện không đáng là bao mà nhân dân dành được khoảng chi lớn vào công việc kiến thiết chung.

Cước bưu điện áp dụng đối với các cơ quan của Nhà nước trước đây quy định hạ hơn so với tư nhân và xí nghiệp. Trong khi ngành Bưu điện còn là một cơ sở chưa  quản lý tài chính như một doanh nghiệp quốc gia thì giá cước quy định như vậy là hợp lý (vì đằng nào cũng do ngân sách Nhà nước đài thọ). Nhưng từ ngày Bưu điện chuyển thành một doanh nghiệp quốc gia thì giá cước ấy trở thành không hợp lý vì:

- Giá thành vận chuyển bưu tín, điện tín của cơ quan cũng như của tư nhân đều như nhau, nếu tính cước đối với cơ quan hạ hơn đối với tư nhân và xí nghiệp Bưu điện không có đủ điều kiện để thăng bằng thu chi, hoặc nếu muốn thăng bằng thu chi thì phải tính cước đối với tư nhân và xí nghiệp cao hơn nữa để bù vào chỗ hạ cho cơ quan và như thế là một điều không hợp lý. Các cơ quan được ưu đãi không phải ở giá cước mà được ưu đãi về thư từ ưu tiên giải quyết.

- Tuy cơ quan trả cước cao hơn trước thì khoản chi thêm đó cũng do ngân sách Nhà nước đài thọ, nhưng có lợi là:

Nhà nước có điều kiện tính toán được một cách chính xác chi phí của mỗi ngành.

Đề cao được trách nhiệm của Bưu điện trong việc phục vụ và kinh doanh (lấy thu bù chi, tiến đến có lãi).

Các cơ quan sẽ tích cực giảm bớt giấy tờ vô ích, sử dụng bưu điện hợp lý hơn nữa, do đó tiết kiệm được công quỹ và dành được cho khả năng của Bưu điện phục vụ được nhân dân nhiều hơn.

- Vì những lý do trên, cần phải điều chỉnh giá cước bưu điện để người dùng bưu điện trả cước với một giá tương xứng với chi phí của Bưu điện và Nhà nước có lời, toàn thể nhân dân có lợi.

Ngoài ra, giá cước bưu điện trước đây còn có những bất hợp lý khác, ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển nghiệp vụ và cải tiến nghiệp vụ bưu điện như:

- Cước điện thoại quá rẻ, đưa đến trình trạng nhiều người dùng điện thoại, ít dùng điện báo, khiến đường giây điện thoại bận nhiều, có khi công việc ứ đọng, chậm trễ, trong khi đó đường điện báo ít việc, khả năng giây máy điện báo không sử dụng hết.

- Nhiều cước phí phức tạp, không tiện lợi cho nhân dân dùng bưu điện và làm cho nhân viên bưu điện khó nhớ, dễ tính sai, tính sót và nhân dân cũng khó dùng bưu điện như: Cước ấn loát phẩm, giấy tờ giao dịch và mẫu hàng khác nhau; cước bưu thiếp, danh thiếp, thiếp hiếu hỉ, thiếp mời cũng khác nhau: cước thuê một máy chính điện thoại gồm đến 6 khoản, cước thuê một tổng đài điện thoại gồm 12 khoản, cước cơ quan có loại bằng nửa cước tư nhân (cước báo chí, công điện, điện thoại đường dài) có loại bằng 8/10 (cước công văn, cước sử dụng điện thoại nội hạt), lại có loại ngang với cước tư nhân như: cước gửi ấn phẩm, cước thuê và tu bổ giấy và máy điện thoại v.v…

Đó cũng là những nguyên nhân cần phải điều chỉnh chi phí bưu điện.

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN VỀ CHỈNH CƯỚC PHÍ VÀ NỘI DUNG CHỈNH

Việc chỉnh cước phí bưu điện dựa trên những nguyên tắc căn bản sau đây:

1. - Xuất phát từ quan điểm có lợi cho việc kiến thiết kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, có lợi cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

2. - Xuất phát từ nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch tài vụ Quốc gia kết hợp với tình hình mức sống của nhân dân, giá cả sinh hoạt của xã hội đồng thời chiếu cố đến tập quán của nhân dân trong việc dùng các loại nghiệp vụ bưu điện.

3. – Không ưu đãi cơ quan về chi phí mà ưu đãi về thứ tự giải quyết, bảo đảm nhu cầu và chất lượng.

4. – Dùng cước phí làm phương pháp điều chỉnh các nghiệp vụ và phát huy khả năng của máy móc.

5. -  Cước tính được dễ dàng, thủ tục giản dị, tránh trình trạng nhiều loại cước phí linh tinh, khó khăn cho người dùng bưu điện và dễ sinh ra khuyết điểm chậm chạp, nhầm lẫn trong khi nhân viên Bưu điện tính cước.

Năm nguyên tắc trên đây kết hợp chặt chẽ với nhau, không thể trách rời từng nguyên tắc và không thể thiếu một nguyên tắc nào.

Dựa vào nguyên tắc đó, cước bưu điện đã được điều chỉnh như sau: (chỉ nói một số cước chính).

Thư từ: Cước cũ: 100 đồng 20gam đầu; cước mới 150 đồng. Sỡ dĩ cước mới tăng lên 50 đồng so với cước cũ vì cước cũ quy định trong thời kỳ kháng chiến, không hợp với tình hình giá sinh hoạt và giá trị đồng bạc hiện nay. Trong công tác và vận chuyển thư từ, hiện nay Bưu điện phải chi phí gấp bội so với thời kỳ kháng chiến. Do đó tính cước một bức thư tăng lên 50 đồng để tương xứng với chi phí của Bưu điện.

Công văn: Cước cũ 80 đồng. Cước mới 150 đồng (tính như thư).

Bưu thiếp: Cước cũ:

- Đơn: 80 đồng (không hạn chế số tiếng viết)

- Kép: 160 đồng (không hạn chế số tiếng viết)

- Có in ảnh viết không quá 5 tiếng: 40 đồng

- Có in ảnh viết quá 5 tiếng: 80 đồng

- Đơn: 80 đồng (không hạn chế số tiếng viết)

- Kép: 150 đồng (không hạn chế số tiếng viết)

Cước cũ chia làm nhiều loại, phức tạp, có loại hạn chế số tiếng viết không thích hợp với tập quán dùng bưu thiếp thường viết nhiều tiếng của nhân dân. Cước mới chỉ chia làm hai loại đơn và kép (bưu thiếp kép và bưu thiếp có trả lời) và không hạn chế số tiếng viết để đơn giản việc tính cước và thuận tiện cho người dùng.

Danh thiếp: thiếp hiếu hỷ, thiếp mời:

Cước cũ:

- Danh thiếp có chữ in, không viết chữ nào: 30 đồng.

- Viết không quá 5 tiếng 40 đồng.

- Viết quá 5 tiếng: như thư (100 đồng).

- Thiếp hiếu hỷ, thiếp mời nếu toàn chữ in, chỉ viết thêm tên người: như cước ấn phẩm (5gam đầu: 30 đồng) .

Cước mới: Danh thiếp, thiếp hiếu hỷ, thiếp mời:

- Để ngỏ (không hạn chế số tiếng viết): 80đ.

- Dán kín: như thư (150đ).

Cước cũ chia làm nhiều loại, phức tạp, không thuận tiện cho người dùng và việc tính cước của nhân viên bưu điện. Cước mới thống nhất cước các loại thiếp để đơn giản cước phí, trường hợp để ngỏ, tính bằng cước bưu thiếp đơn (80đ) vì cũng là thiếp cả, trường hợp dán kín tính như thư, vì nếu dán kín thì Bưu  điện không thể phân biệt được nội dung là một thiếp hay một thư.

Ấn loát phẩm giấy tờ giao dịch, mẫu hàng:

Cước cũ:

- Ấn loát phẩm: 50 gam đầu 30đ

- 50 gam tiếp tục 20đ

- Giấy tờ giao dịch: 50 gam đầu 50đ

- 50 gam tiếp tục 30đ

Cước mới:

- Ấn loát phẩm, giấy tờ giao dịch, bài báo, mẫu hàng:

Mỗi gói 50 gam đầu: 50đ

Mỗi gói 50 gam tiếp tục 30đ

Tối thiểu thu 80đ

Trong giá cước cũ cũng như mới, các loại bưu phẩm này đều được tính cước rẻ hơn thư vì có tác dụng trong việc phát triển văn hóa và kinh tế. Nhưng trong cước cũ, phân biệt hai giá cước khác nhau làm cho giá cước phức tạp; so với thư thì cước cũ ấn loạt phẩm tương đối thấp mà cước giấy tờ giao dịch, mẫu hàng tương đối cao.

Cước mới ấn định một số giá cước chung cho cả ba loại vì tác dụng của ấn loạt phẩm trong việc phát triển văn hóa cũng như tác dụng của giấy tờ giao dịch và mẫu hàng trong việc phát triển kinh tế.

Cước mới có cao hơn cước cũ là vì lấy giá thư làm căn bản để tính (cước mới tăng lên theo tỷ lệ cước thư tăng lên).

Báo chí, tập san xuất bản định kỳ:

Cước cũ: - Mỗi 50 gam

- Tư nhân 10đ

- Cơ quan, nhà báo, phát hành, đại lý: 5đ

Cước mới: - mỗi gói 50 gam đầu 20đ

 - 50 gam sau 10đ

(Không phân biệt nhà xuất bản, cơ quan và tư nhân).

Cước cũ: - Tư nhân khác, cơ quan khác; cước mới quy định đồng loạt cơ quan cũng như tư nhân.

Cước cũ, cứ mỗi 50 gam từ đầu đến cuối đều thu 10đ; cước mới chỉ khác là 50 gam đầu thu 20đ, còn các 50 gam sau, cứ mỗi 50 gam thu 10đ. Sỡ dĩ quy định như vậy là để phân biệt gửi nhiều được hạ giá, tức là chiếu cố tới việc tuyên truyền, phát triển văn hóa.

Đối với cơ quan phát hành tuy cước mới gấp đôi cước cũ nhưng vì gửi nhiều và được tính theo trọng lượng (không phải tính theo từng tờ) nên đổ đồng mỗi tờ báo 4 trang nặng 25 gam chỉ phải trả bưu phí có 5đ (5% giá 1 tờ báo).

Ví dụ:

- Gửi 1.000 tờ báo (mỗi tờ 25 gam) nặng tất cả là 25.000 gam phải trả cước:

20 +

(25.000 – 50g)

x 10

= 5.010 đồng

50

- Đổ đồng mỗi tờ báo phải trả cước

5010

= 5,01

1000

- Điện báo:

Cước cũ:

- Tư điện: 60đ 1 tiếng

- Công điện 30đ -

- Báo chí điện 15đ -

- Điện báo phòng không 30đ -

Cước mới:

- Tư điện và công điện như nhau: 75 đồng 1 tiếng.

- Báo chí điện: 20đ 1 tiếng

- Điện báo phòng không: miễn cước.

Cước một tiếng tư điện tăng lên 15đ tùy theo tỷ lệ cước của một bức thư tăng lên (1 tiếng điện bằng 1/2 cước bức thư thường dưới 20 gam).

Cước báo chí điện cũng tăng lên 5đ vì cước cũ hạ giá; tuy nhiên tỷ lệ tăng so với cước thư vẫn còn ít (cước cũ: 1 tiếng báo chí điện bằng 3/20 cước một thư thường; cước mới bằng 2/15).

Điện thoại đường dài:

Cước cũ:

- Trong phạm vi 10km 150đ 1 đơn vị 3 phút hay phần lẻ 3 phút.

- Từ 11 đến 30km: 220đ 1 đơn vị 3 phút hay phần lẻ 3 phút.

- Từ 31 đến 50km: 300đ 1 đơn vị 3 phút hay phần lẻ 3 phút.

- Từ 51 đến 250km thì 50km đầu 300đ 1 đơn vị 3 phút hay phần lẻ 3 phút.

25km sau 150đ 1 đơn vị 3 phút hay phần lẻ 3 phút.

- Trên 250 đến 800km 2.300đ 1 đơn vị 3 phút hay phần lẻ 3 phút.

- Trên 800km 2.300 1 đơn vị 3 phút hay phần lẻ 3 phút.

Cước mới: (tính theo đơn vị 3 phút)

- Trong phạm vi 25km 600đ

- Trên 25 đến 50km 900đ

- 50 - 100km 1.200đ

- 100 - 150km 1.500đ

- 50 - 200km 1.800đ

- 200 - 250km 2.100đ

- 250 - 300km 2.400đ

- Trên 300km trở lên cứ 100 km thu thêm 300đ

Khoảng cách đường dài tính cước trên đây là dựa theo tình hình màng lưới điện thoại của Bưu điện phân chia cho thích hợp.

Khoảng cách đường dài càng xa thì tính cước càng rẻ.

Cước điện thoại nâng lên vì cước cũ quá hạ. Nâng cước điện thoại lên cho vừa với chi phí xây dựng và quản lý tu sửa giây máy và có tác dụng làm cho điện báo phát triển thêm, điện thoại hạn chế bớt, điều hòa 2 nghiệp vụ, bổ cứu trình trạng hiện nay điện thoại phát triển bề bộn khó bảo đảm chất lượng vừa kìm hãm điện báo.

III. SO SÁNH CƯỚC PHÍ MỚI VƠÍ CƯỚC PHÍ TRƯỚC CỦA PHÁP

Trước chiến tranh (1939) khi giá gạo là 10đ một tạ thì cước một bức thư là 5 xu, một tiếng điện là 4 xu. Như thế cước một bức thư bằng nữa cân gạo, cước một tiếng điện bằng giá 4 lạng gạo. Nay cước một bức thư là 150đ, cước một tiếng điện là 75đ so với giá một cân gạo là 400đ thì cước một bức thư bằng giá 0kg187 gạo hạ hơn trước 53%.

Trong thời kỳ tạm chiếm (đầu 1954) theo giá gạo ở Hà-nội là 300đ một tạ thì cước một bức thư là 1đ50, bằng giá nữa cân gạo, cước 50 gam báo là 0đ40 bằng giá 0kg133 gạo. Giá cước một bức thư hiện nay so với đầu năm 1954 là 20đ (bằng 50 gam gạo) cũng hạ hơn 62% so với đầu năm 1954.

Phân tích đối chiếu những giá cước đó ta thấy rõ là cước mới điều chỉnh còn hạ hơn cước trước.

Với hoàn cảnh và khả năng hiện tại, với nhiệm vụ của Bưu điện vừa bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo, phục vụ nhân dân, vừa đảm bảo kinh doanh tự túc, tiến đến có lãi, góp phần tích lũy vốn cho Nhà nước, giá cước mới điều chỉnh là giá cước hợp lý, cơ quan, nhân dân sử dụng bưu điện trả theo cước mới là đúng mức.

Bưu điện có điều kiện lấy thu bù chi, phải phấn đấu để hạ giá thành hơn nữa và cố gắng nâng cao chất lượng công tác, tăng cường phục vụ để thỏa mãn yêu cầu của cơ quan, của nhân dân để xứng đáng là một xí nghiệp xã hội chủ nghĩa.

 

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG

 


 
Nguyễn Hữu Mai