Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 137/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2009 |
Ngày 17 tháng 4 năm 2009, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì họp giao ban trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về đầu tư xây dựng ngành giao thông vận tải. Tham dự họp có đại diện các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và một số đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các địa phương và ý kiến của các Bộ dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
Trong thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng nói chung, đầu tư xây dựng ngành giao thông vận tải nói riêng còn tồn tại nhiều yếu kém, thể hiện như: công tác quy hoạch chưa đạt yêu cầu, công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm, chất lượng tư vấn chưa tốt dẫn đến chất lượng các dự án đầu tư còn thấp, công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư còn nhiều vướng mắc, năng lực thi công của các nhà thầu kém . . .
Chính phủ, các Bộ, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng tháo gỡ các vướng mắc để khắc phục những yếu kém, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong điều kiện khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư các công trình giao thông trong những tháng đầu năm 2009 vẫn chậm so với yêu cầu.
1. Về quy hoạch :
- Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các quy hoạch về cảng biển để bổ sung những kết nối cần thiết với các tuyến đường bộ trong khu vực, chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư các dự án này đồng bộ với việc phát triển các cảng biển đang và sẽ triển khai; khẩn trương hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý II năm 2009 Quy hoạch đường ven biển; lập quy hoạch các đường ngang trên tuyến đường Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2009 để có căn cứ công bố cho các địa phương thực hiện.
- Các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển giao thông vận tải cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương; rà soát điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông nông thôn phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương huy động vốn đẩy mạnh công tác phát triển giao thông nông thôn đáp ứng mục tiêu đến 2010 có 100% đường tới trung tâm các xã.
2. Về các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới;
- Nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày ngày 11 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh, Hơp đồng Xây dựng - Chuyển giao, theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật - hồ sơ mời thầu các dự án BOT, BT để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư các dự án BOT, BT; bổ sung việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thu "chi phí thành công" đối với các dự án BOT, BT lựa chọn được nhà đầu tư để bổ sung vào kinh phí phục vụ cho trang trải các chi phí chuẩn bị dự án và chi phí khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Về một số vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi dự thảo sửa đổi các Nghị định liên quan đến hướng dẫn Luật Đất đai cho các địa phương để lấy ý kiến. Đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ và góp ý để sớm ban hành một văn bản khả thi nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở hầu hết các dự án đầu tư xây dựng hiện nay.
4. Về vốn cho tái định cư: đề nghị các địa phương nghiên cứu các mô hình của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Cần Thơ để tạo nguồn vốn cho xây dựng quỹ nhà tái định cư cho các dự án đầu tư xây dựng của địa phương mình.
5. Về năng lực của các nhà thầu thi công: yêu cầu các Bộ, các địa phương thường xuyên tổ chức giao ban, báo cáo kịp thời để giải quyết vướng mắc cho chủ đầu tư và nhà thầu. Trường hợp nhà thầu thi công kém, không có năng lực hoặc cố tình chây ỳ thì cho phép chỉ định nhà thầu khác thay thế để đảm bảo tiến độ dự án.
6. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thường xuyên theo dõi để bố trí đủ vốn cho các dự án đã có trong kế hoạch của các Bộ và địa phương. Kiên quyết điều chuyển kịp thời vốn từ các công trình, dự án không thực hiện được giải ngân cho các dự án có điều kiện giải ngân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng chủ trương kích cầu của Chính phủ, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng vốn cho các công trình; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đã có đủ điều kiện thi công (vốn, mặt bằng...), đặc biệt là các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2009, 2010, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn nhà nước đã giao.
7. Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các địa phương, các Ban quản lý dự án chỉ đạo việc chấn chỉnh công táo bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng và an toàn lao động, không để xảy ra tình trạng như một số dự án vừa qua.
8. Các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp trọng tâm có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án của ngành theo tinh thần các Nghị quyết của Chính phủ; tập trung chỉ đạo quyết liệt để các đơn vị, nhất là các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty lớn thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2009, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
II. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG:
1. Hai dự án ưu tiên trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam (Ninh Bình - Thanh Hoá và Dầu Giây - Phan Thiết): đồng ý Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Dự án đầu tư để làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế thu xếp vốn cho dự án, mặt khác các nhà đầu tư BOT có cơ sở nghiên cứu dự án để tham gia. Do đây là các dự án lớn nên có thể thực hiện theo phương thức PPP.
2. Đồng ý Bộ Giao thông vận tải sử dụng vốn trong nước lập thiết kế kỹ thuật - hồ sơ mời thầu cho Dự án Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để kịp tiến độ. Vốn cho xây lắp và tư vấn giám sát sử dụng vốn vay JICA sau khi có kết quả đấu thầu. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc với phía Nhật Bản để giải quyết dứt điểm gói thầu phía Nam cầu Nhật Tân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2009; khẩn trương hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng dự án đường Nhật Tân - Nội Bài và làm việc với phía Nhật Bản về nguồn vốn cho Dự án. Yêu cầu hoàn thành đồng bộ các dự án cầu - đường - và nhà ga T2 Nội Bài vào năm 2012.
3. Dự án đường ô tô cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: việc nghiên cứu thí điểm đầu tư theo hình thức Hợp tác Nhà nước - Tư nhân (PPP) sẽ không đáp ứng tiến độ. Đồng ý Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện triển khai sớm.
4. Đầu tư đoạn tuyến Tân Vũ - Lạch Huyện: đồng ý sử dụng vốn JICA cho cầu Tân Vũ, phần đường Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục thu xếp vốn để đầu tư. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và JICA về vốn cho Dự án này.
5. Giao Bộ Giao thông vận tải xem xét lại quy hoạch giao thông thuỷ của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, đề xuất điều chỉnh quy hoạch này để tránh phải đầu tư cầu lớn, làm tăng kinh phí đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
6. Tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây: đồng ý bổ sung đoạn An Phú - Vành đai II (thành phố Hồ Chí Minh) vào Dự án để triển khai đồng bộ.
7. Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: giao Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh phê duyệt dự án để huy động vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính quốc tế.
8. Giao Bộ Giao thông vận tải:
- Sớm hoàn thành hồ sơ chỉ giới đường đỏ và hồ sơ thu hồi đất các dự án: đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
- Nghiên cứu bổ sung các nút giao khác mức giao cắt tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương với đường Trần Đại Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh), với tỉnh lộ 10 đi Đức Hòa (Long An).
- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Cảng hàng không Đà Nẵng.
- Hoàn thành phê duyệt hồ sơ dự án BOT hầm Đèo Cả để sớm triển khai thi công.
- Thực hiện chuẩn bị đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
- Nghiên cứu các nút giao khác mức Thanh Hà, Bình Giang trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc thực hiện đầu tư đường tỉnh lộ 669 (thị xã An Khê đến Kanat).
9. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Theo dõi việc thực hiện các dự án vốn Trái phiếu Chính phủ của các địa phương, hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tập trung chỉ đạo.
- Làm việc với JICA về nguồn vốn thiếu cho Dự án Đại lộ Đông Tây.
- Tổng hợp nhu cầu vốn cho đường giao thông đến trung tâm xã của các địa phương để trình Quốc Hội bổ sung vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2.
- Bổ sung vốn cho Dự án giao thông nông thôn ADB5, cầu Thuận Phước, đường Đà Nẵng - Hội An.
- Bổ sung vốn cho Dự án Nha Trang - Lâm Đồng.
- Giải quyết kịp thời kiến nghị của các địa phương về việc chỉ định thầu.
- Nghiên cứu, đề xuất việc sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ cho công tác giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư.
10. Bộ Tài chính ứng 2000 tỷ đồng cho Bộ Giao thông vận tải để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
11. Bộ Xây dựng kết luận sớm vết nứt hầm Thủ Thiêm để thi công cho kịp mùa khô năm 2009.
12. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 (nút Thanh Xuân, Mai Dịch) và đường Láng – Hòa Lạc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5 năm 2009.
13. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định tập trung giải quyết giải phóng mặt bằng cho Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
14. Bộ Giao thông vận tải tập hợp danh mục các dự án, các doanh nghiệp giao thông chưa tiếp cận được với nguồn vốn kích cầu của Chính phủ, làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để giải quyết.
15 . Bộ Giao thông vận tải và các địa phương sớm phê duyệt dự toán các dự án thuộc diện phải điều chỉnh giá năm 2008 để có căn cứ thực hiện.
16. Đối với những dự án đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, cho phép Tư vấn lập Dự án đầu tư được tham gia tư vấn các giai đoạn tiếp theo, nhưng không đồng thời làm tư vấn giám sát.
Mặc dù có những bất lợi do ảnh hưởng lớn từ cuộc suy thoái kinh tế Thế giới tới tình hình phát triển kinh tế nước ta. Tuy nhiên, chúng ta có thuận lợi cơ bản là sự ổn định chính trị, sự đoàn kết và nhất trí cao trong Đảng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị nên nhiều chính sách và các nhóm giải pháp của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, an sinh xã hội được bảo đảm, tạo tiền đề vật chất và tinh thần cũng như kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cho những tháng tiếp theo của năm 2009. Yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương tiếp tục phát huy, cùng chung sức vượt qua khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch đầu tư các dự án ngành giao thông vận tải.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Nghị định 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao
- 2Chỉ thị 07/CT-BGTVT năm 2020 về tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng ngành giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông báo số 137/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về đầu tư xây dựng ngành giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 137/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 24/04/2009
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Phượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra