- 1Thông tư 08/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Hiệp định về vận tải thủy giữa Việt Nam - Campuchia do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Thông tư 03/2013/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 08/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Hiệp định về vận tải thủy giữa Việt Nam - Campuchia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Thông tư 13/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định về vận tải đường thủy giữa Việt Nam - Campuchia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2011/SL-LPQT | Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2011 |
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao (Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế) trân trọng thông báo:
“Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy”.
ký tại Phnôm Pênh ngày 17 tháng 12 năm 2009, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2011;
và gửi kèm Bản sao lục Hiệp định theo quy định Điều 68 của Luật nêu trên.
| TL. BỘ TRƯỞNG KT. VỤ TRƯỞNG |
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ
CHÍNH PHỦ HOÀNG GIA CAMPUCHIA
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia, dưới đây gọi tắt là các Bên Ký kết,
Với mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, tăng cường các sáng kiến thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng và đôi bên cùng có lợi;
Mong muốn tạo thuận lợi vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường thủy giữa hai nước và vận tải quá cảnh hàng hóa và hành khách đến và đi từ các nước thứ ba qua lãnh thổ mỗi Bên Ký kết;
Xét thấy sự cần thiết cập nhật Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về Vận tải đường thủy được ký ngày 13/12/1998 tại Hà Nội, và Hiệp định năm 1998 sẽ được thay thế toàn bộ bởi Hiệp định này;
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1. Mục đích của hiệp định
Mục đích của Hiệp định:
(1) Thiết lập khung pháp lý cho việc thực hiện tự do giao thông thủy có hiệu quả trên Hệ thống sông Mê Công, qua đó để thực hiện Điều 9 của Hiệp định về hợp tác vì sự phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công ký tại Chiêng Rai, Thái Lan ngày 5/4/1995.
(2) Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thông thủy quá cảnh và qua biên giới trên các tuyến đường thủy quy định.
Trong Hiệp định này những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
(1) “Các tuyến đường thủy quy định” là:
(a) các tuyến đường thủy thuộc hệ thống sông Mê Công trên phạm vi lãnh thổ của mỗi Bên Ký kết và sẽ được nêu cụ thể trong Phụ lục A và trong hồ sơ ở Phụ lục B, như một phần không thể tách rời của Hiệp định này;
(b) các tuyến khác do hai Bên Ký kết cùng quy định.
(2) “Tuyến quá cảnh”: là những phần của các tuyến đường thủy quy định cho phép tàu biển tham gia vận tải quá cảnh đi lại, được nêu cụ thể trong Phụ lục A và trong sơ đồ ở Phụ lục B, bao gồm:
(a) Tuyến sông Tiền từ Cửa Tiểu đến Cảng Phnôm-Pênh
(b) Tuyến sông Hậu từ Cửa Định An qua kênh Vàm Nao và sông Tiền đến Cảng Phnôm-Pênh
(3) “Tự do giao thông thủy” là quyền được sử dụng các tuyến đường thủy quy định cho mục đích giao thông thủy, phù hợp với các quy định của luật pháp của mỗi Bên Ký kết và các thỏa thuận của Hiệp định này.
(4) “Cơ quan có thẩm quyền” là:
(a) Đối với Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Giao thông vận tải hoặc bất kỳ cơ quan nào khác được Bộ ủy quyền.
(b) Đối với Chính phủ Vương quốc Campuchia là Bộ Giao thông Công chính Campuchia, hoặc bất kỳ cơ quan nào khác được Bộ ủy quyền.
(5) “Tàu biển” là tàu hoặc cấu trúc nổi di động khác chuyên dùng hoạt động trên biển treo cờ của một Bên Ký kết, hoặc của một quốc gia thứ ba được đăng ký là tàu biển theo luật của quốc gia đó cũng như bất kỳ tàu khác tham gia vận tải quá cảnh.
(6) “Phương tiện thủy nội địa” là tất cả các tàu hoặc cấu trúc nổi, bao gồm tàu, thuyền hoặc sà lan hoặc các loại phương tiện khác ngoài tàu biển được đăng ký là phương tiện thủy nội địa theo luật pháp của một Bên Ký kết.
(7) “Cấu trúc nổi” là vật thể nổi không được sử dụng làm phương tiện vận chuyển mà được sử dụng với mục đích thương mại khác như dùng để lưu giữ hoặc chỗ để neo đỗ, khai thác, xây dựng hoặc sửa chữa giàn khoan dầu hoặc các ụ, cần cẩu, khoan dầu, nạo vét hoặc gầu ngoạm ngoại trừ các cấu trúc nổi được sử dụng để làm nhà, nơi ở, kinh doanh hoặc văn phòng.
(8) “Phương tiện gia dụng” là các loại phương tiện thủy nội địa trọng tải không quá một (01) DWT, chở không quá năm (05) người và không được sử dụng với mục đích thương mại.
(9) “Vận tải quá cảnh” là vận tải đường thủy các loại hàng hóa hoặc hành khách giữa các cảng, bến thuộc Vương quốc Campuchia và cảng, bến của một quốc gia thứ ba qua các tuyến quá cảnh.
(10) “Vận tải qua biên giới” là vận tải đường thủy hàng hóa hoặc hành khách giữa các cảng hoặc bến của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cảng hoặc bến của Vương quốc Campuchia trên các tuyến đường thủy quy định, trừ hàng hóa hoặc hành khách được chuyên chở trên tàu vận tải quá cảnh.
(11) “Vận tải nội địa” là việc vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách giữa hai cảng hoặc bến trên phạm vi lãnh thổ của một Bên Ký kết
(12) “Cụm cảng” là những cảng bến nằm trong phạm vi một thành phố, thị xã, tỉnh hoặc tuyến đường thủy quy định, không kể đến các yếu tố về chủ sở hữu cảng, cơ cấu quản lý.
(13) “Thuyền viên” là bất kỳ người nào bao gồm thuyền trưởng, người chỉ huy, sỹ quan hoặc những người làm công khác, thực hiện các công việc trên tàu biển hoặc phương tiện thủy nội địa liên quan tới việc vận hành của tàu đó, có giấy tờ tùy thân do Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên Ký kết hoặc của nước mà tàu đó mang cờ cấp và có tên trong danh sách thuyền viên của tàu.
(14) “Hành khách” là bất kỳ người nào được chuyên chở trên tàu, không phải là thuyền viên và có tên trong danh sách hành khách của tàu.
(15) “Hàng nguy hiểm” là hàng hóa được quy định là hàng nguy hiểm khi vận tải bằng đường biển trong “Bộ luật hàng nguy hiển” (IMDG Code) của Tổ chức Hàng hải quốc tế, trong những tài liệu có liên quan khác của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), hoặc những chất và hàng hóa mà tính chất của nó có thể sẽ gây nguy hiểm nếu được vận chuyển bằng đường thủy, bao gồm cả thùng chứa rỗng, phần hóa chất còn tồn đọng trong thùng hoặc trong khoang chứa hàng đã được sử dụng trước đây để vận chuyển hàng nguy hiểm trừ khi những thùng chứa đó hoặc khoang chứa hàng đã được rửa sạch, làm khô, làm sạch, xả hết khí ga hoặc thông không khí bằng những phương pháp phù hợp, hoặc trong trường hợp các chất phóng xạ thì cần phải được rửa sạch và đậy kín đúng quy định; nhưng định nghĩa này sẽ không bao gồm hàng hóa cấu thành nên một bộ phận của thiết bị hoặc hàng dự phòng cho tàu mà được chuyên chở trên tàu.
(1) Tự do giao thông thủy đối với mục đích vận tải quá cảnh và vận tải qua biên giới sẽ được áp dụng trên các tuyến đường thủy quy định được định nghĩa trong Điều 2 (1).
(2) Tự do giao thông thủy được áp dụng cho các đối tượng sau đây phù hợp với những hạn chế quy định trong Hiệp định này:
(a) Tàu của các Bên Ký kết và tàu của các quốc gia thứ ba;
(b) Các hoạt động vận tải thủy nội địa và vận tải biển;
(c) Các hoạt động vận tải quá cảnh và vận tải qua biên giới;
(d) Các hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa.
(3) Tự do giao thông thủy bao gồm quyền sử dụng các tuyến vào cảng, bến cảng và cụm cảng được nêu trong Phụ lục C, như một phần không thể tách rời của Hiệp định này.
(4) Mọi đối tượng được hưởng quyền tự do giao thông thủy đều được vận dụng trực tiếp và tuân theo những điều khoản của Hiệp định này.
(5) Hiệp định này không áp dụng với:
(a) tàu của các tổ chức quốc tế, của các đoàn ngoại giao của Chính phủ và tàu cứu nạn của các Bên Ký kết, các đối tượng này sẽ được áp dụng những quy định thích hợp khác;
(b) Phương tiện gia dụng của những cư dân sống trong khu vực biên giới, các tàu này sẽ được áp dụng những quy định thích hợp khác bao gồm cả các quy định biên giới.
PHẦN A. CÁC TUYẾN ĐƯỜNG, CỬA KHẨU, CẢNG BẾN
Điều 4. Tuyến vận tải quá cảnh
Tàu biển tham gia vận tải quá cảnh được phép sử dụng các tuyến quá cảnh.
Điều 5. Tuyến vận tải qua biên giới
Phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải qua biên giới được phép sử dụng các tuyến đường thủy quy định.
(1) Các tàu sử dụng quyền tự do giao thông thủy với mục đích quá cảnh và vận tải thủy qua biên giới sẽ phải đi qua cửa khẩu Vĩnh Xương - Thường Phước (Việt Nam) - Caom Samno (Campuchia).
(2) Khi có yêu cầu của một Bên Ký kết, các Bên Ký kết sẽ tiến hành đàm phán nhằm mục đích mở thêm cửa khẩu tạo điều kiện cho hoạt động vận tải.
(3) Các khoản trên của Điều này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của các thỏa thuận hiện hành về sử dụng cửa khẩu biên giới khác giữa các chính quyền địa phương của các Bên Ký kết.
Điều 7. Cảng, bến cảng và cụm cảng
(1) Tự do giao thông thủy bao gồm quyền được ra vào ít nhất là những cảng, bến cảng và cụm cảng được xác định trong Phụ lục C, như một phần không thể tách rời của Hiệp định này.
(2) Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên Ký kết có thể công bố mở thêm cảng, bến cảng và cụm cảng. Các công bố này cần được thông báo cho Bên Ký kết kia thông qua Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công.
Điều 8. Sơ đồ các tuyến đường thủy
(1) Các tuyến đường thủy quy định, các tuyến quá cảnh, cửa khẩu và các cảng bến đã được xác định tại các Điều trên sẽ được chỉ ra trong sơ đồ tại Phụ lục B, như một phần không thể tách rời của Hiệp định này.
(2) Khi cần thiết trong các trường hợp yêu cầu, nhưng không phải là trường hợp cần điều chỉnh các điều kiện đi lại mang tính chất tạm thời như do đâm va, hai Bên Ký kết sẽ bổ sung sửa đổi hoặc thay thế sơ đồ nêu trong khoản (1).
PHẦN B. THỰC HIỆN TỰ DO GIAO THÔNG THỦY
Điều 9. Không phân biệt đối xử và điều khoản đãi ngộ tối huệ quốc
(1) Các Bên Ký kết có quyền và các cơ hội ngang nhau về tự do giao thông thủy
(2) Mỗi Bên Ký kết không đưa ra bất cứ biện pháp nào phân biệt đối xử với tàu của Bên Ký kết kia trong việc tham gia vận tải giữa hai nước.
(3) Các Bên Ký kết cùng áp dụng chế độ đãi ngộ tối huệ quốc cho tàu thuyền của Bên Ký kết kia trong các thủ tục đến và rời cảng, thủ tục hải quan và các thủ tục khác, sử dụng cầu tàu để xếp, dỡ hàng, sử dụng các ụ tàu, bến và nhà kho cũng như các trang thiết bị khác của cảng, kể cả các nguồn cung ứng nguyên vật liệu.
Vận tải nội địa được dành cho tàu của Bên Ký kết nơi có các tuyến đường thủy quy định liên quan, trừ những trường hợp được Cơ quan có thẩm quyền của Bên Ký kết đó cho phép.
Điều 11. Ra vào liên tiếp ở các cảng, bến
Việc không được vận tải nội địa như quy định trong Điều 10 không cản trở các tàu của mỗi Bên Ký kết trong những việc sau:
(1) xếp hàng hóa hoặc đón hành khách tại một số cảng, bến liên tiếp trong lãnh thổ của một Bên Ký kết với mục đích chuyên chở số hàng hóa, hành khách này đến lãnh thổ của Bên Ký kết kia;
(2) dỡ hàng hóa hoặc trả hành khách tại một số cảng, bến liên tiếp trong lãnh thổ của một Bên Ký kết sau khi đã đưa số hàng hóa và hành khách này lên tàu trong phạm vi lãnh thổ của Bên Ký kết kia.
Điều 12. Áp dụng và hài hòa luật lệ, quy định
(1) Các luật, quy tắc và các quy định theo đó mà quyền tự do giao thông thủy được thực hiện bao gồm các thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, y tế và kiểm dịch động thực vật sẽ được áp dụng, và với mục đích tăng cường các điều kiện đi lại, các luật, quy tắc quy định này sẽ được hài hòa thông qua các quyết định chung của hai Bên Ký kết. Các đề xuất hài hòa thống nhất các luật, quy tắc và quy định sẽ được Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công đề xuất và trình các Bên Ký kết xem xét thông qua.
(2) Các mối quan hệ theo hợp đồng giữa các nhà khai thác tàu, chủ hàng, người cung cấp dịch vụ … cũng như trách nhiệm pháp lý đối với bên thứ ba được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự, thương mại, giao thông thủy nội địa và pháp luật hàng hải hiện hành, và phù hợp các công ước và tiêu chuẩn quốc tế đã được các Bên Ký kết công nhận.
Điều 13. Cung cấp các dịch vụ cần thiết
Các Bên Ký kết cam kết sẽ cung cấp các dịch vụ cần thiết trên lãnh thổ của mình để đáp ứng các yêu cầu của tàu, người khai thác tàu, thuyền viên, hành khách và các thương nhân.
Điều 14. Các giấy tờ đối với tàu biển
(1) Tàu biển phải mang theo và phải xuất trình theo yêu cầu của các Cơ quan có thẩm quyền các loại giấy tờ được cấp theo quy định của các Công ước quốc tế và pháp luật hiện hành của quốc gia mà tàu đó mang cờ.
(2) Tàu biển thực hiện tự do giao thông thủy, kể cả tàu biển được sử dụng cho mục đích vận tải qua biên giới không cần phải có bất kỳ loại giấy phép vận tải thủy nào khác cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở địa phương hay quốc gia của một Bên Ký kết.
Điều 15. Các giấy tờ đối với phương tiện thủy nội địa
(1) Phương tiện thủy nội địa thực hiện vận tải qua biên giới phải mang theo và phải xuất trình theo yêu cầu của các Cơ quan có thẩm quyền những giấy tờ sau:
(a) giấy chứng nhận đăng ký;
(b) giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó hoặc các cơ quan phân cấp tàu cấp;
(c) giấy phép vận tải thủy qua biên giới được cấp bởi Cơ quan có thẩm quyền;
(d) bản kê hàng hóa và/hoặc danh sách hành khách kèm theo thông tin chi tiết của hộ chiếu;
(e) giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba của chủ tàu cũng như các loại bảo hiểm khác theo quy định hiện hành;
(f) danh sách thuyền viên với đầy đủ chức danh, giấy chứng nhận chuyên môn, hộ chiếu, chứng nhận tiêm chủng quốc tế của thuyền viên.
Các cơ quan có thẩm quyền sẽ thừa nhận và công nhận những giấy tờ trên khi những giấy tờ này được cấp theo đúng luật quốc gia của các Bên Ký kết, nhưng cũng có quyền nêu những trường hợp không đúng quy định, các khiếu nại và những vấn đề có liên quan khác với Bên Ký kết kia.
(2) Giấy phép vận tải thủy qua biên giới được chia làm ba Nhóm:
(a) Nhóm 1: giấy phép cho phương tiện đi lại nhiều lần, với thời hạn tối đa là 12 tháng;
(b) Nhóm 2: giấy phép cho phương tiện đi một chuyến, với thời hạn tối đa là 60 ngày;
(c) Nhóm Đặc biệt: giấy phép cho các phương tiện chở hàng nguy hiểm, với thời hạn tối đa là 60 ngày.
(4) Giấy phép vận tải thủy qua biên giới sẽ liệt kê những tuyến cụ thể hoặc hạn chế ra vào một số cảng, cụm cảng nhất định tùy thuộc loại, trọng tải và mục đích của phương tiện.
(6) Các Bên Ký kết thông báo cho nhau thường xuyên để cập nhật danh sách Giấy phép vận tải thủy qua biên giới, trong đó nêu rõ số lượng phương tiện, trọng tải, kích thước và số đăng ký của phương tiện cũng như người được cấp giấy phép.
Điều 16. Thủ tục về xuất nhập cảnh, hải quan, y tế, kiểm dịch động thực vật và môi trường
(1) Luật và quy định về các vấn đề nhập cảnh, hải quan, y tế, kiểm dịch động thực vật và môi trường sẽ được các Bên Ký kết ban hành.
(2) Luật và quy định nêu tại khoản (1) sẽ phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan và thông lệ quốc tế được thừa nhận chung.
(3) Việc kiểm tra theo các luật và quy định nêu tại khoản (1) sẽ được thực hiện nhưng không được gây cản trở một cách không cần thiết việc thực hiện tự do giao thông thủy.
(4) Với mục đích áp dụng các luật và quy định về hải quan, thì việc đi lại của tàu vận tải quá cảnh sẽ được coi là tàu thực hiện hành trình hàng hải. Ngoại trừ những loại hàng như vũ khí, đạn dược, chất nổ, chất phóng xạ, chất gây nghiện, chất kích thích, động vật quý hiếm và động vật có nguy cơ tuyệt chủng, thì không cần bất kỳ giấy phép quá cảnh, xuất nhập khẩu của các cơ quan có thẩm quyền của nước quá cảnh cho việc vận tải quá cảnh các loại hàng.
(1) Tàu tham gia vận tải quá cảnh phải thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, y tế và kiểm dịch động thực vật như sau:
(a) nhập cảnh (đến):
i. Thủ tục một điểm dừng được cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành tại Vũng Tàu hoặc tại cửa Định An;
ii. Thủ tục một điểm dừng được cơ quan chức năng của Campuchia tiến hành tại Phnôm Pênh hoặc bất cứ một cảng, bến đến nào khác nơi tàu đến;
(b) xuất cảnh (rời):
i. Thủ tục một điểm dừng được cơ quan chức năng của Campuchia tiến hành tại cảng Phnôm Pênh hoặc bất cứ một cảng, bến đi nào khác nơi tàu rời;
ii. Thủ tục một điểm dừng được cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành tại cửa khẩu Vĩnh Xương - Thường Phước (Việt Nam) - Caom Samno (Campuchia).
(2) Tàu biển và phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải qua biên giới phải tiến hành các thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, y tế, kiểm dịch động thực vật một lần tại cảng hoặc bến đi và cảng hoặc bến đến.
Trong trường hợp tại những cảng không có bố trí các cơ quan chức năng các thủ tục sẽ được tiến hành tại cửa khẩu.
(3) Khi tàu đến các cửa sông hoặc cửa khẩu được nêu trong khoản (1) và (2), nhân viên của các cơ quan chức năng sẽ cùng lên tàu và rời tàu một lần đề tránh những chậm trễ không đáng có.
(4) Các Bên Ký kết sẽ sắp xếp để các tàu và các Bên có liên quan tiến hành các thủ tục này trong cả ngày và đêm. Cần bảo đảm rằng khi các tàu đã thông báo giờ đến cảng và giờ rời cảng dự kiến của mình, các cơ quan chức năng sẽ có mặt ngay tại nơi các thủ tục, các quy trình này cần được tiến hành khi tàu đến.
(1) Các Bên Ký kết cam kết cung cấp các dịch vụ hoa tiêu phù hợp cho các tàu có yêu cầu hỗ trợ hoa tiêu.
(2) Hoa tiêu bắt buộc chỉ được áp dụng đối với:
(a) tàu quá cảnh có trọng tải từ 250GT trở lên;
(b) tàu vận tải qua biên giới có chở các loại hàng nguy hiểm.
(3) Thuyền trưởng hoặc chủ tàu của những loại tàu không được nêu trong khoản (2) có quyền yêu cầu hỗ trợ về hoa tiêu với điều kiện yêu cầu này phải được đề nghị trước theo quy định và thông lệ quốc tế.
(4) Các Bên Ký kết sẽ xem xét quy định:
(a) việc cấp giấy chứng nhận được miễn hoa tiêu đối với những thuyền trưởng có kinh nghiệm, hiểu biết tốt về địa bàn và đáp ứng được những điều kiện để được cấp Chứng nhận nói trên;
(b) việc tổ chức hoạt động hoa tiêu bao gồm địa điểm, thủ tục đón trả hoa tiêu;
(c) Miễn hoặc hạn chế trách nhiệm đối với các dịch vụ hoa tiêu và người hoa tiêu;
(d) tất cả các quy cách cần thiết cho việc thực hiện các nguyên tắc trên, bao gồm cả những miêu tả chi tiết loại tàu, quy định về trọng tải, phân loại hàng nguy hiểm, cùng với các quy tắc và điều kiện;
(e) tất cả các khía cạnh khác của dịch vụ hoa tiêu.
(5) Các Quy định về hoa tiêu sẽ do các Bên Ký kết quy định. Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công sẽ đưa ra những đề xuất về việc thống nhất các quy định đã được chấp thuận theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
(2) Thuyền viên trên tàu của mỗi Bên Ký kết hoặc của quốc gia thứ ba được phép liên hệ với nhân viên lãnh sự hoặc đại diện ngoại giao của nước mình để giải quyết các thủ tục.
(3) Thuyền viên trên tàu của mỗi Bên Ký kết hoặc của quốc gia thứ ba được phép lên bờ trong thời gian tàu dừng tại cảng của Bên Ký kết kia phù hợp với luật pháp và quy định của Bên Ký kết đó.
(4) Trong trường hợp bị ốm, thuyền viên trên tàu của mỗi Bên Ký kết hoặc của quốc gia thứ ba được phép lưu lại trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia trong một thời gian cần thiết theo yêu cầu điều trị phù hợp với luật pháp và quy định của Bên Ký kết đó.
(5) Thuyền viên trên tàu của mỗi Bên Ký kết hoặc của quốc gia thứ ba có thể vào lãnh thổ của Bên Ký kết kia với mục đích lên tàu hoặc hồi hương về nước hoặc vì một lý do được cơ quan chức năng Bên Ký kết kia chấp thuận, sau khi đã hoàn thành các thủ tục cần thiết theo luật pháp và quy định của Bên Ký kết đó với điều kiện không làm ảnh hưởng một cách không cần thiết đến hoạt động của tàu thuyền. Thuyền viên có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu còn hiệu lực do các cơ quan có thẩm quyền liên quan cấp, làm việc trêu tàu biển và phương tiện thủy nội địa thực hiện vận tải quá cảnh và vận tải qua biên giới được miễn thị thực xuất nhập cảnh.
Điều 20. Thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật
(1) Những người trên tàu vận tải quá cảnh hoặc vận tải qua biên giới mang quốc tịch của mỗi Bên Ký kết hoặc của quốc gia thứ ba, trong thời gian có mặt tại lãnh thổ của Bên Ký kết kia phải tuân theo pháp luật và quy định của Bên Ký kết đó.
(2) Khi tàu của mỗi Bên Ký kết hoặc của nước thứ ba đang ở tại cảng, bến hoặc trên đường hành trình trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia, các Cơ quan có thẩm quyền địa phương của Bên Ký kết đó sẽ không can thiệp vào các vi phạm xảy ra trên tàu, trừ các trường hợp sau:
(a) nếu hậu quả của việc vi phạm liên quan đến Bên Ký kết đó;
(b) nếu tính chất của việc vi phạm ảnh hưởng đến hòa bình của quốc gia hoặc đến trật tự ổn định của hệ thống sông Mê Công;
(c) nều thuyền trưởng hoặc chỉ huy của các tàu, đại diện ngoại giao, nhân viên lãnh sự của nước tàu đó mang cờ yêu cầu có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng địa phương; hoặc
(d) để áp dụng những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc vận chuyển trái phép các loại hàng cấm theo quy định của nước sở tại như: ma túy hoặc các chất gây kích thích khác, vũ khí, chất nổ, phóng xạ.
(3) Trong những trường hợp được nêu tại khoản (2), nếu thuyền trưởng yêu cầu, Bên Ký kết liên quan phải thông báo cho đại diện ngoại giao hoặc nhân viên lãnh sự của nước tàu đó mang cờ trước khi có bất cứ một hành động nào và tạo điều kiện thuận lợi duy trì liên lạc giữa đại diện ngoại giao hoặc nhân viên lãnh sự này với các thuyền viên của tàu. Trong trường hợp khẩn cấp việc thông báo này có thể được thông báo cùng lúc với việc tiến hành các biện pháp cần thiết.
(4) Khi xem xét việc tiến hành bắt giữ, cơ quan chức năng của địa phương cần phải chú ý thích đáng đến quyền lợi của giao thông thủy.
(5) Các quy định tại Điều này không làm ảnh hưởng đến quyền của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực thi luật định liên quan đến hải quan, y tế công cộng và các biện pháp giám sát an toàn của tàu và cảng, bảo vệ tính mạng con người, an ninh hàng hóa, xuất nhập cảnh cũng như việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và chống ô nhiễm môi trường với điều kiện những biện pháp này không làm ảnh hưởng đến tự do giao thông thủy được quy định trong Hiệp định này.
Điều 21. Bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba
Các chủ tàu của mỗi Bên Ký kết và chủ tàu nước thứ ba phải có bảo hiểm hoặc các hình thức bảo đảm tài chính khác để trang trải cho trách nhiệm pháp lý của họ đối với bên thứ ba phù hợp với các điều ước quốc tế và luật pháp quốc gia hiện hành của Bên Ký kết đó.
(1) Khi tàu gặp nạn mà không tự khắc phục được, thuyền trưởng hoặc chỉ huy tàu cần thông báo sự việc cho cơ quan chức năng nơi xảy ra tai nạn. Các cơ quan đó cần nỗ lực tối đa giúp đỡ tàu, thuyền viên, hành khách, hàng hóa và sớm thông báo cho đại diện ngoại giao và cơ quan có thẩm quyền của nước tàu đó mang cờ trong thời gian sớm nhất.
(2) Trong trường hợp tàu phải neo đậu ngoài khu vực cho phép, thuyền trưởng hoặc chỉ huy tàu phải thông báo lý do và vị trí của tàu cho cơ quan có thẩm quyền nước sở tại.
(3) Trong trường hợp Bên Ký kết sở tại không có đủ khả năng cứu hộ, cứu nạn cho phương tiện bị nạn của Bên Ký kết kia, Cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại này có thể cho phép và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Bên Ký kết hoặc các quốc gia thứ ba đưa đội cung cấp dịch vụ hỗ trợ cứu nạn, thiết bị, phương tiện vào lãnh thổ nước mình với mục đích cứu nạn và cứu hộ.
(4) Trong trường hợp hàng hóa được cứu và dỡ ra khỏi tàu và lưu kho trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia thì chủ hàng phải thanh toán mọi chi phí liên quan đến việc lưu giữ tài sản được cứu hộ phù hợp với các quy định hiện hành của Bên Ký kết đó.
(5) Trong trường hợp người trên tàu bị tai nạn, ốm đau thì được các cơ quan có thẩm quyền địa phương sơ cứu và giải quyết theo các luật và quy định liên quan của Bên Ký kết đó hoặc theo các điều khoản của các quy định quốc tế.
(1) Sẽ không áp dụng bất kỳ một khoản thu nào trên tuyến đường thủy quy định, các cảng và bến cảng ngoài những loại phí được trả cho các dịch vụ cụ thể phục vụ tàu. Những mức phí phải là mức thấp nhất có thể.
(2) Không trái với khoản 1, tàu vận tải quá cảnh phải trả phí thủ tục, phí luồng, phí hoa tiêu nếu sử dụng dịch vụ hoa tiêu.
(3) Không trái với khoản 1, tàu vận chuyển qua biên giới phải trả phí thủ tục, phí luồng, phí trọng tải, phí hoa tiêu trong trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu.
(4) Tàu sử dụng các tuyến đường thủy quy định không phải trả bất kỳ loại phí, lệ phí và thuế nào khác ngoài những loại đã nêu trong khoản (2) và (3).
(5) Biểu phí được đề cập đến trong khoản (2) và (3) sẽ được các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên Ký kết chấp thuận phù hợp với các quy định pháp luật của các Bên Ký kết. Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công sẽ:
(a) thường xuyên, ít nhất là một năm một lần xem xét lại biểu phí và đề xuất về việc thống nhất hài hòa biểu phí với các Bên Ký kết, trong đó biểu phí hiện hành tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực sẽ được xem là cơ sở cho việc đánh giá lần đầu tiên về biểu phí;
(b) đánh giá các đề nghị cho việc áp dụng mức phí thuận lợi hơn cho những người sử dụng thường xuyên như có mức giảm hoặc mức giá cho một khoảng thời gian nhất định.
(6) Mức và hình thức thu các loại phí nêu tại điều này sẽ được thực hiện sao cho không gây ra việc kiểm tra hàng hóa một cách không cần thiết, trừ những trường hợp nghi là có gian lận hoặc vi phạm luật, với mục tiêu là để tàu quay vòng nhanh chóng và thúc đẩy thương mại quốc tế và giao thông nói chung.
(7) Các cơ quan có thẩm quyền phải bảo đảm là việc thu thuế và phí, lệ phí, bất kể là loại nào, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thuế và phí đã được quy định theo pháp luật của Bên Ký kết liên quan.
Những loại hàng hóa sau đây sẽ được miễn các loại thuế nhập khẩu khi được mang vào lãnh thổ của Bên Ký kết kia:
(1) nhiên liệu và dầu bôi trơn cần thiết cho máy tàu được chứa trong két theo thiết kế kỹ thuật được đăng ký với đúng dung lượng được nêu trong tiêu chuẩn kỹ thuật tàu của Bên Ký kết đó;
(2) phụ tùng được khai báo khi nhập cảnh, dự trữ dùng cho việc thay thế những phần bị hỏng hóc của tàu và những dụng cụ cần thiết khác để sửa chữa tàu trong quá trình vận tải;
(3) hành lý, tư trang, đồ dùng và vật phẩm cá nhân của thuyền viên theo các quy định của Bên Ký kết đó.
Điều 25. Đồng tiền tự do chuyển đổi
Mọi khoản thu nhập phát sinh từ các dịch vụ vận tải hoặc các dịch vụ liên quan khác được người nhận dịch vụ của một Bên Ký kết trả cho người cung cấp dịch vụ của Bên Ký kết kia sẽ được dùng bằng đồng tiền tự do chuyển đổi được chấp thuận bởi cả hai Bên Ký kết. Các khoản tiền thu này có thể được sử dụng cho việc thanh toán tại mỗi Bên Ký kết hoặc tự do chuyển ra nước ngoài từ quốc gia của bất kỳ Bên Ký kết nào.
Điều 26. Nghĩa vụ bảo trì và cung cấp phao tiêu biển báo trên tuyến luồng
Mỗi Bên Ký kết cần duy trì tốt các tuyến đường thủy quy định trong phạm vi lãnh thổ của mình, cung cấp và duy trì hệ thống phao tiêu biển báo để hỗ trợ cho tàu thuyền, ít nhất là trên các tuyến quá cảnh, đi lại liên tục cả ngày và đêm.
Điều 27. Tiêu chuẩn kỹ thuật khai thác tối thiểu
Nhóm tạo điều kiện thuận lợi giao thông thủy trên sông Mê Công sẽ đề xuất trình cơ quan có thẩm quyền của các Bên Ký kết để thống nhất những yêu cầu chi tiết về kỹ thuật và khai thác cho các tuyến đường thủy quy định. Những yêu cầu này sẽ là những tiêu chuẩn tối thiểu cho việc bảo trì và nâng cấp các tuyến giao thông thủy liên quan đến: kích thước luồng, trọng tải và mớn nước của tàu cũng như các tĩnh không, bao gồm cả tĩnh không dưới các cầu.
Điều 28. Không làm ảnh hưởng đến khả năng giao thông thủy và trách nhiệm thanh thải chướng ngại vật
Các Bên Ký kết cần hạn chế việc đưa ra bất cứ biện pháp hoặc quy định nào có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng giao thông thủy hoặc gây ra những khó khăn cố định, cần phải có những biện pháp cần thiết để thanh thải chướng ngại vật xóa bỏ các trở ngại hoặc các tác động xấu đến việc đi lại của tàu thuyền thương mại trong thời hạn sớm nhất.
Điều 29. Chỉ định các tuyến đường thay thế
Trong những trường hợp tuyến luồng bị tắc nghẽn hoặc bị chặn trên lãnh thổ của một Bên Ký kết, thì Bên Ký kết đó, cần phải nhanh chóng mở một tuyến vận tải khác phù hợp để bảo đảm không làm gián đoạn việc đi lại của tàu thuyền thương mại và thực hiện mọi biện pháp để sớm khôi phục lại khả năng giao thông thủy bình thường tại các tuyến bị tắc nghẽn. Trong trường hợp các tuyến mới được mở để thay thế các tuyến hiện tại, những tuyến mới này phải có đầy đủ điều kiện cho giao thông thủy và sẽ được coi là các tuyến đường thủy quy định như đã được định nghĩa trong các điều khoản của Hiệp định này và được điều chỉnh bởi các quy định của Hiệp định này.
Điều 30. Hợp tác trong hoạt động, bảo trì, nâng cấp luồng tuyến và trợ giúp đi lại
Các Bên Ký kết hợp tác chặt chẽ trong việc tăng cường hoạt động bảo trì, bảo dưỡng và cải tạo khả năng đi lại của các tuyến đường thủy quy định và các đầu tư mới cần thiết liên quan. Đặc biệt, các Bên Ký kết cam kết:
(a) bảo trì thường xuyên các tuyến đường thủy quy định trên lãnh thổ của mình nhằm đảm bảo các thông số kỹ thuật và khai thác đã thống nhất tại Điều 27;
(b) phối hợp nhằm mục đích cải tạo nâng cấp luồng tuyến, hệ thống phao tiêu biển báo, ưu tiên đầu tư tuyến quá cảnh;
(c) tìm kiếm hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí và những hỗ trợ khác từ phía Ủy hội sông Mê Công và của các tổ chức quốc tế cũng như của các nước khác.
NHÓM TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO GIAO THÔNG THỦY TRÊN SÔNG MÊ CÔNG
Điều 31. Thành lập Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công
Một Nhóm công tác với đại diện của các Bên Ký kết có tên gọi là Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công được thành lập.
Điều 32. Nhiệm vụ chung của Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công
Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công có trách nhiệm:
(a) bảo đảm cho việc thực hiện Hiệp định này một cách thuận tiện và hoàn thành các mục tiêu của Hiệp định;
(b) tăng cường và thống nhất các quy định cũng như các điều kiện khác cho việc thực hiện tự do giao thông thủy;
(c) tăng cường hợp tác giữa các Bên Ký kết trong các vấn đề liên quan đến tự do giao thông thủy trên hệ thống sông Mê Công và các hoạt động có liên quan;
(d) thống nhất với các điều khoản của Hiệp định hiện tại.
Điều 33. Các nhiệm vụ cụ thể của Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công
(1) Với mục đích thống nhất các quy định có liên quan trong hoạt động vận tải quá cảnh và vận tải qua biên giới, Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền của các Bên Ký kết, bao gồm cả việc thường xuyên cập nhật những vấn đề sau:
(a) Các quy tắc và quy định về an toàn giao thông thủy và tránh đâm va (kể cả các quy định về đường bộ liên quan);
(b) Quy định về hoa tiêu như đề cập tại Điều 18;
(c) Các biểu thuế, phí nêu tại Điều 23 và các điều kiện liên quan;
(d) Các quy tắc và quy định về phao tiêu biển báo;
(e) Các quy tắc và quy định về các dịch vụ giao thông tàu thuyền;
(f) Các quy tắc và quy định về vận tải hàng nguy hiểm;
(g) Các quy tắc và quy định về tìm kiếm cứu nạn và các điều khoản liên quan đến khả năng cứu hộ cứu nạn;
(h) Các quy tắc và quy định về việc điều phối việc phòng ngừa ô nhiễm môi trường qua biên giới, lập kế hoạch ứng cứu;
(i) Các quy tắc và quy định về điều tra tai nạn;
(j) Các quy định kỹ thuật về khảo sát đường thủy và tàu;
(k) Các quy tắc và quy định về chương trình đào tạo và sát hạch cấp chứng chỉ chung;
(l) Các quy tắc và quy định về sử dụng và khai thác cấu trúc nổi;
(m) Các quy định khác khi cần thiết.
(2) Việc thực hiện các quy định được nêu trong khoản (1) cần phải phù hợp với Hiệp định này và các công ước quốc tế khác cũng như các tiêu chuẩn quốc tế đã được chấp thuận rộng rãi.
(3) Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công còn có những trách nhiệm sau:
(a) Khuyến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích tuân thủ Hiệp định này và các quy tắc cho việc thực hiện;
(b) khảo sát và đề xuất mở thêm cửa khẩu như đã được nêu trong Điều 6;
(c) khảo sát và đề xuất việc mở thêm cảng, bến, cụm cảng như đã được nêu trong Điều 7;
(d) khảo sát về đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, cập nhật hoặc thay thế sơ đồ tuyến được nêu trong Điều 8;
(e) khảo sát và đề xuất những yêu cầu khai thác và kỹ thuật tối thiều như đã nêu trong Điều 27;
(f) duy trì thông tin liên lạc với các Bên Ký kết liên quan đến các kế hoạch bảo trì, cải tạo và đầu tư, các dự án;
(g) tiếp nhận đề nghị, đề xuất, khuyến nghị và kiến nghị của các cơ quan nhà nước, cá nhân, công ty hoặc các đơn vị có tư cách pháp nhân khác của tất cả các quốc gia, bao gồm cả đại diện nước ngoài, có sử dụng hệ thống sông Mê Công và đề nghị của Bên Ký kết, tiếp thu ý kiến của tổ chức, cá nhân, công ty hoặc các đơn vị có tư cách pháp nhân khác và xử lý những vấn đề bằng những biện pháp phù hợp nhất;
(h) phối hợp với Ủy hội sông Mê Công và các Ủy ban Sông Mê Công quốc gia;
(i) đề xuất điều chỉnh Hiệp định này, nếu có.
Điều 34. Cơ cấu tổ chức của Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công
(1) Thành phần Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công bao gồm:
(a) một Hội đồng Điều hành là một Bộ trưởng hoặc người thay thế, người chịu trách nhiệm về giao thông thủy của mỗi Bên Ký kết;
(b) một Ban Thường trực gồm 3 thành viên được các cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên Ký kết lựa chọn, ít nhất có một người thuộc cấp Cục trưởng, Vụ trưởng;
(c) Tổ công tác gồm các đại diện được các cơ quan có thẩm quyền đề cử, là những người có kinh nghiệm về các vấn đề được tổ công tác quan tâm;
(d) Tổ tư vấn vận tải thủy gồm các đại diện được cộng đồng người sử dụng đường thủy đề cử.
(2) Mặc dù cần phải được các Chính phủ phê duyệt trước hoặc sau đó, khi có những yêu cầu được đệ trình, Hội đồng Điều hành có quyền:
(a) thiết lập và thông qua các quy định thực hiện theo Hiệp định;
(b) tiến hành các quyết định một cách hợp pháp hoặc các quy định gắn liền với việc thực hiện Hiệp định.
(3) Ban Thường trực có trách nhiệm:
(a) chuẩn bị các quyết định để Hội đồng Điều hành phê duyệt;
(b) đưa ra các khuyến nghị như được nêu trong Điều 33 (3) (a);
(c) giải quyết các vấn đề liên quan đến các bên thứ ba như đã nêu trong Điều 33 (3) (g), (h);
(d) đưa ra các khuyến nghị về các thông lệ liên quan đến các lĩnh vực của giao thông thủy trên sông Mê Công;
(e) đưa ra những quyết định về những trường hợp đơn lẻ liên quan đến việc thực hiện Hiệp định;
(f) thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để bảo đảm việc thực hiện tự do giao thông thủy và phối hợp giải quyết khi có sự gián đoạn.
(4) Tổ công tác chịu trách nhiệm chuẩn bị và hỗ trợ công việc của Hội đồng điều hành và Ban Thường trực, tiến hành các nhiệm vụ khác do Hội đồng điều hành và Ban Thường trực giao cho;
(5) Dựa trên các yêu cầu, Tổ Tư vấn vận tải thủy sẽ có những khuyến nghị cho các bộ phận của Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công.
(6) Trong cuộc họp đầu tiên, Hội đồng điều hành sẽ thông qua các quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động của Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công.
Bất kỳ sự khác biệt có thể phát sinh liên quan đến việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán và tham vấn trong Nhóm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy trên sông Mê Công. Trường hợp sự khác biệt vẫn còn tồn tại, sẽ được đưa ra Chính phủ của hai Bên Ký kết để giải quyết thông qua kênh ngoại giao.
Những tranh chấp không thể giải quyết theo Điều 35 của Hiệp định này hoặc các tranh chấp liên quan tới các Công ước hiện hành khác giữa các Bên Ký kết liên quan tới các vấn đề của Hiệp định này thì sẽ được đưa ra hội đồng trọng tài để giải quyết theo nguyên tắc của luật quốc tế.
(1) Hiệp định sẽ có hiệu lực kể từ ngày có thông báo cuối cùng của các Bên Ký kết về việc đã hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước cần thiết theo luật của nước mình.
(2) Ngay sau khi ký, Hiệp định này sẽ được áp dụng tạm thời trong khi chờ hoàn tất các thủ tục pháp lý được nêu trong khoản (1).
Hiệp định có hiệu lực trong thời gian năm (5) năm. Sẽ mặc nhiên có hiệu lực trong từng thời hạn năm (5) năm kế tiếp, trừ khi sáu (6) tháng trước khi hết hiệu lực của thời hạn năm (5) năm hiện tại, một Bên Ký kết thông báo cho Bên Ký kết kia bằng văn bản, qua đường ngoại giao đề nghị chấm dứt hiệu lực của Hiệp định.
(1) Nếu một Bên trong các Bên Ký kết thông báo cho Bên Ký kết kia bằng văn bản qua đường ngoại giao đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung Hiệp định này, thì các Bên Ký kết sẽ tiến hành đàm phán về đề nghị sửa đổi, bổ sung nói trên không chậm hơn sáu (6) tháng kể từ ngày nhận được thông báo.
(2) Các quyết định sau đây sẽ được thể hiện trong Thỏa thuận của các Bộ trưởng có thẩm quyền của các Bên Ký kết sẽ có hiệu lực ngay:
(a) quyết định bổ sung tuyến đường thủy vào danh sách các tuyến đường thủy quy định nêu trong Điều 2 (1) (b);
(b) quyết định công bố thêm cửa khẩu như đã nêu trong điều 6(2);
(c) quyết định điều chỉnh, bổ sung và thay thế sơ đồ tuyến nêu trong Điều 8(2).
Hiệp định này được làm tại Phnôm Pênh ngày 17 tháng 12 năm 2009, thành hai bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng Khơ me và tiếng Anh. Các văn bản bằng tiếng Việt, tiếng Khơ me, tiếng Anh đều có giá trị pháp lý ngang nhau. Trong trường hợp có sự khác nhau về giải thích thì sẽ sử dụng bản tiếng Anh.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
DANH MỤC CÁC TUYẾN ĐƯỜNG THỦY QUY ĐỊNH VÀ CÁC TUYẾN QUÁ CẢNH
1. Các tuyến đường thủy quy định tại Campuchia:
Đánh số đoạn theo sơ đồ trong Phụ lục B | Tên tuyến | Điểm đầu - Điểm cuối | Chiều dài (km) |
1a | Hồ Tonle Sap | Từ Chong Kneas đến Kampong Chhnang | 152 |
1 | Hồ Tonle Sap | Từ Kampong Chhnang đến Phnôm-Pênh | 100 |
1c | Sông Mê Công | Từ Phnôm-Pênh đến cửa khẩu Vĩnh Xương/Kaom Samnor | 102 |
2 | Sông Mê Công | Từ Kampong Cham đến Phnôm-Pênh | 106 |
2. Các tuyến đường thủy quy định tại Việt Nam:
Đánh số đoạn theo sơ đồ trong Phụ lục B | Tên tuyến | Điểm đầu - Điểm cuối | Chiều dài (km) |
1a | Sông Tiền (Sông Mê Công) | Từ cửa khẩu Vĩnh Xương/Kaom Samnor đến Ngã ba kênh Tân Châu | 12.3 |
1b | Sông Tiền (Sông Mê Công) | Từ Ngã ba kênh Tân Châu đến Ngã ba Kênh Tháp Mười số 2 | 56.3 |
1c | Sông Tiền (Sông Mê Công) | Từ Ngã ba kênh Tân Châu đến Ngã ba sông Vàm Nao | 23.5 |
1d | Sông Tiền (Sông Mê Công) | Từ Ngã ba kênh Tháp Mười số 2 đến Ngã ba Rạch Kỳ Hôn | 112.9 |
1e | Sông Tiền (Sông Mê Công) | Từ Ngã ba Rạch Kỳ Hôn ra đến biển | 41.1 |
2a.1 | Sông Vàm Nao | Từ Ngã ba sông Tiền đến Ngã ba sông Hậu | 6.5 |
2a.2 | Sông Hậu (sông Bassac) | Từ Ngã ba sông Vàm Nao đến cảng Cần Thơ | 68 |
2a.3 | Sông Hậu (sông Bassac) | Từ cảng Cần Thơ ra đến biển (phao số 0) | 117.8 |
2b.1 | Kênh Tân Châu | Từ Ngã ba sông Tiền đến Ngã ba sông Hậu | 9.5 |
2b.2 | Sông Hậu (sông Bassac) | Từ Ngã ba kênh Tân Châu đến Ngã ba sông Vàm Nao | 39.5 |
3a.1 | Kênh Tháp Mười số 1 | Từ Ngã ba sông Tiền đến Ngã ba sông Vàm Cỏ Tây | 90.5 |
3a.2 | Sông Vàm Cỏ Tây | Từ Km 43 đến Km 82 | 39 |
3a.3 | Kênh Thủ Thừa | Từ Ngã ba sông Vàm Cỏ Tây đến Ngã ba sông Vàm Cỏ Đông | 10.5 |
3a.4 | Sông Vàm Cỏ Đông | Từ Km 105 đến Km 108 | 3 |
3a.5 | Bến Lức - Chợ Đệm | Từ Ngã ba sông Vàm Cỏ Đông đến Ngã ba Kênh Đôi | 20 |
3a.6 | Kênh Đôi | Từ Ngã ba chợ Đệm đến Ngã ba Rạch Ông Lớn | 8.5 |
3a.7 | Kênh Tẻ | Từ Ngã ba Rạch Ông Lớn đến TPHCM | 4.5 |
3b.1 | Kênh Chợ Gạo | Từ Rạch Kỳ Hôn đến Rạch Lá | 28 |
3b.2 | Sông Vàm Vỏ | Từ Km 8 đến Km 18 | 10 |
3b.3 | Kênh Nước Mặn | Từ Ngã ba sông Vàm Cỏ đến Ngã ba sông Cần Giuộc | 2 |
3b.4 | Sông Cần Giuộc | Từ Ngã ba Kênh Nước Mặn đến Km 0 | 22 |
3b.5 | Kênh Cây Khô | Từ Km 3 + 500m đến Km 0 | 3.5 |
3b.6 | Rạch Ông Lớn | Từ Kênh Cây Khô đến Ngã ba Kênh Tẻ | 5 |
3b.7 | Kênh Tẻ | Từ Ngã ba Rạch Ông Lớn đến TPHCM | 4.5 |
3c.1 | Sông Vàm Cỏ | Từ Rạch Lá đến Ngã Ba sông Soài Rạp | 24 |
3c.2 | Sông Soài Rạp | Từ Ngã ba sông Vàm Cỏ đến Ngã ba Nhà Bè (Sông Sài Gòn) | 20 |
3c.3 | Sông Sài Gòn | Từ Ngã ba sông Nhà Bè (sông Sài Gòn) đến cảng TPHCM | 13 |
3d.1 | Khu vực cửa sông | Từ cửa sông Tiến đến cửa sông Soài Rạp | 20 |
3d.2 | Sông Soài Rạp | Từ cửa sông Soài Rạp đến Ngã ba Kênh Nước Mặn | 16 |
3c.2 | Sông Soài Rạp | Từ Ngã ba Kênh Nước Mặn đến Ngã ba sông Sài Gòn | 20 |
3c.3 | Sông Sài Gòn | Từ Ngã ba Sông Soài Rạp đến cảng TPHCM | 13 |
3d.1 | Khu vực cửa sông | Từ Cửa sông Tiền đến cửa sông Soài Rạp | 20 |
3e.1 | Khu vực cửa sông | Từ cửa sông Soài Rạp đến cửa sông Sài Gòn | 25 |
3e.2 | Sông Sài Gòn | Từ cửa sông Sài Gòn đến Ngã ba sông Soài Rạp | 35 |
4 | Sông Sài Gòn | Từ biên giới tỉnh đến cảng TPHCM | 47 |
5 | Sông Hậu | Từ Ngã ba sông Hậu - Sông Vàm Nao đến ngã 3 Kênh Ba Thê - sông Hậu | 16.4 |
6a | Kênh Tri Tôn - Hậu Giang | Từ Ngã 3 Tri Tôn Hậu Giang đến Ngã 3 Kênh Rạch Giá Hà Tiên | 58 |
6b | Rạch Giá Hà Tiên | Từ Ngã ba Rạch Giá Hà Tiên đến Nhà máy Xi măng Hà Tiên | 56.9 |
Tuyến sông Tiền (sông Mê Công) qua Cửa Tiểu đến cảng Phnôm-Pênh theo các tuyến đường thủy quy định số 1e, 1d, 1c, 1b và 1a tại Việt Nam và số 1c và 1b tại Campuchia, và ngược lại.
Tuyến sông Hậu (sông Bassac) qua Cửa Định An và qua Kênh Vàm Nao và qua sông Tiền (sông Mê Công) đến cảng Phnôm-Pênh theo các tuyến đường thủy quy định số 2a.3, 2a.2, 2a.1, 1c, 1b và 1a tại Việt Nam và số 1c và 1b tại Campuchia, và ngược lại.
1. Cảng, bến, cụm cảng tại Campuchia
TT | Tên cảng bến | Chủ sở hữu cảng | Nằm trên sông | Loại hàng xếp dỡ | Loại cảng (Cấp sông) | Thông số Cầu cảng | Ghi chú | ||
Dài (m) | Rộng (m) | Sâu trước cảng (m) | |||||||
1 | Cảng nổi hành khách và dây chuyền (TS1) | Cảng Phnôm-Pênh | Tonle Sap | Hàng hóa, hành khách | Chưa xác định | 45 | 15 | 5,3 |
|
2 | Cảng container và dây chuyền (TS3) | Cảng Phnôm-Pênh | Tonle Sap | Hàng hóa, container | Chưa xác định | 300 | 20 | 6,3 |
|
3 | Cảng nội địa (TS5) | Cảng Phnôm-Pênh | Tonle Sap | Hàng hóa | Chưa xác định |
|
| 4,5 |
|
4 | Cảng nổi Sokimex (TS7) | Công ty Sokimex | Tonle Sap | Xăng dầu | Chưa xác định | 30 | 7 | 4,6 |
|
5 | Cảng nổi Savimex (TS9) | Công ty Savimex | Tonle Sap | Xăng dầu | Chưa xác định | 15 | 5 | 4,0 |
|
6 | Cảng Km6 (TS11) | Công ty Green Trade | Tonle Sap | Hàng hóa | Chưa xác định | 40 | 6 | 4,0 |
|
7 | Cảng Prek Pneou (TS15) | Công ty Siam Gas | Tonle Sap | Khí gas | Chưa xác định | Hai cầu cảng |
| 5,0 |
|
8 | Cầu cảng Tela (TS17) | Công ty Tela | Tonle Sap | Xăng dầu | Chưa xác định | 30 | 8 | 4,6 |
|
9 | Cầu cảng Bright Victory (TS19) | Công ty Bright Victory | Tonle Sap | Xăng dầu | Chưa xác định | 25 | 6 | 4,6 |
|
10 | Cầu cảng Men Sarun (TS21) | Công ty Men Sarun | Tonle Sap | Hàng hóa | Chưa xác định | 200 | 15 | 5,0 |
|
11 | Cảng Kampong Chhang | MPWT | Tonle Sap | Hàng hóa nội địa | Chưa xác định | 20 | 6 | 4 |
|
12 | Cảng Siem Reap (Chong Khneas) | MPWT | Tonle Sap | Hàng hóa nội địa, hành khách | Chưa xác định |
|
|
| Đang xây dựng |
13 | Cầu cảng Mekong Shore (Chi nhánh Công ty Bright Victory) | Công ty xăng dầu Bright Victory Mekong | Thượng lưu Mekong | Xăng dầu | Chưa xác định |
|
| 5,5 |
|
14 | Cầu cảng Prek Anchanh Shore, Berths (UM1) | Cảng Phnôm-Pênh | Thượng lưu Mekong | Sản phẩm gỗ | Chưa xác định |
|
| 5 |
|
15 | Cầu cảng Tonle Bet Shore Berth (UM2) | Cảng Phnôm-Pênh | Thượng lưu Mekong | Hàng hóa | Chưa xác định |
|
| 5 |
|
16 | Cảng nội địa Kampong Cham (UM3) | Cảng Phnôm-Pênh | Thượng lưu Mekong | Hàng hóa, hành khách | Chưa xác định |
|
| 4 |
|
17 | Cầu cảng Dey Eth (LM5) | Cảng Phnôm-Pênh | Hạ lưu Mekong | Hàng hóa | Chưa xác định | 35 | 20 | 14 |
|
18 | Cảng nổi (LM11) | Công ty Total | Hạ lưu Mekong | Xăng dầu, khí | Chưa xác định | 30 | 6 | 10 |
|
19 | Cảng container mới (LM17) | Cảng Phnôm-Pênh | Hạ lưu Mekong |
| Chưa xác định |
|
| 10 | Đang xây dựng |
20 | Cảng nổi Petronas (LM19) | Công ty Petronas | Hạ lưu Mekong | Xăng dầu | Chưa xác định | 30 | 6 | 14 |
|
21 | Cảng nổi Prek Ksay | Công ty Đầu tư LHR Asean Investment | Hạ lưu Mekong | Xăng dầu | Chưa xác định | 20 | 6 | 2 |
|
22 | Cảng Sokimex Prek Ksay (LM2) | Công ty Sokimex | Hạ lưu Mekong | Xăng dầu | Chưa xác định |
|
| 3 |
|
23 | Neak Loeung | Cảng Phnôm-Pênh | Hạ lưu Mekong | Hàng hóa | Chưa xác định |
|
| 4 |
|
24 | Cảng công ty Asia Flour Mill Corperation (TB3) | Công ty Asia Flour Mild | Tonle Basak | Hàng hóa | Chưa xác định |
|
| 6 |
|
25 | Cảng nổi Chak Angre (TB5) | Công ty EDC. Chak Angre | Tonle Basak | Xăng dầu | Chưa xác định | 25 | 6 | 4 |
|
2. Cảng, bến, cụm cảng tại Việt Nam
TT | Tên cảng bến | Chủ sở hữu cảng | Nằm trên sông | Loại hàng xếp dỡ | Loại cảng (Cấp sông) | Thông số Cầu cảng | ||
Dài (m) | Rộng (m) | Sâu trước cảng (m) | ||||||
1 | Cảng chuyên dùng nhà máy điện Thủy Đức | Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức | Kênh Xáng | Xăng dầu | Sông Cấp 3 | 120 | 15 | 3.0 |
2 | Cảng kho vận miền Nam | Công ty kho vận miền Nam | Kênh Xáng | Container hàng rời | Sông Cấp 3 | 120 | 15 | 3.0 |
3 | Cảng nhà máy thép miền Nam | Công ty thép miền Nam | Kênh Xáng | Phôi sắt thép | Sông Cấp 3 | 45 | 15 | 3.0 |
4 | Cảng Tây Nam | Công ty sản xuất thương mại Tây Nam | Sông Sài Gòn | Container hàng hóa | Sông Cấp 2 | 130 | 15 | 4.5 |
5 | Cảng Trường Thọ | Công ty cổ phần cơ khí | Sông Sài Gòn | Container hàng hóa | Sông Cấp 2 | 460 | 30 | 4.5 |
6 | Cảng Trancimex | Công ty cổ phần giao nhận ngoại thương | Sông Sài Gòn | Container hàng hóa | Sông Cấp 3 | 100 | 30 | 4.5 |
7 | Cảng Phúc Long | Công ty cổ phần Phúc Long | Sông Sài Gòn | Container hàng hóa | Sông Cấp 3 | 80 | 30 | 4.5 |
8 | Cảng Hoàng Long | Công ty TNHH thương mại Hoàng Long | Sông Đồng Nai | Hàng hóa | Sông Cấp 4 | 50 | 15 | 3.0 |
9 | Cảng Hoàng Tuấn | Công ty TNHH thương mại Hoàng Tuấn | Sông Vàm Cỏ Đông | Hàng hóa | Sông Cấp 3 | 50 | 15 | 3.0 |
10 | Cảng Tôn Thất Thuyết | Tổng công ty đường sông miền Nam | Kênh Tẻ | Hàng hóa | Sông Cấp 3 | 220 | 15 | 3.0 |
11 | Cảng Tây Ninh | Xí nghiệp xăng dầu khí đốt Tây Ninh | Sông Vàm Cỏ Đông | Xăng dầu khí đốt | Sông Cấp 4 | 60 | 30 | 3.0 |
12 | Cảng xi măng Sài Gòn | Nhà máy xi măng Sài Gòn | Sông Đồng Nai | Xi măng Clinke | Sông Cấp 3 | 80 | 30 | 4.0 |
13 | Cảng xăng dầu Long Bình Tân | Công ty xăng dầu Đồng Nai | Sông Đồng Nai | Xăng dầu | Sông Cấp 4 | 120 | 30 | 3.0 |
14 | Cảng Tín Nghĩa | Công ty TNHH Tín Nghĩa | Sông Đồng Nai | Hàng bách hóa | Sông Cấp 3 | 124 | 30 | 4.0 |
15 | Cảng Thành Tài | Công ty cổ phần thương mại Thành Tài | Sông Vàm Cỏ Đông | Hàng hóa, Gas | Sông Cấp 3 | 300 | 20 | 4.5 |
16 | Cảng Buocboong | Công ty TNHH Buocbong Bến Lức | Sông Vàm Cỏ Đông | Hàng hóa, Gas | Sông Cấp 3 | 200 | 20 | 4.5 |
17 | Cảng MT Gas | Công ty TNHH MT Gas | Sông Vàm Cỏ Đông | Gas | Sông Cấp 3 | 140 | 16 | 4.5 |
18 | Cảng Long Bình | Tổng công ty đường sông miền nam | Sông Đồng Nai | Hàng hóa | Sông Cấp 2 | 560 | 30 | 4.5 |
19 | Cảng xi măng Hà Tiên II | Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên Cần Thơ | Sông Hậu | Hàng hóa | Sông Cấp 3 | 50 | 15 | 4.0 |
20 | Cảng Huỳnh Lâm | Doanh nghiệp Huỳnh Lâm | Sông Hậu | Hàng hóa | Sông Cấp 4 | 50 | 15 | 4.5 |
21 | Cảng vật tư An Giang | Công ty cổ phần vật tư An Giang | Rạch Cần Thơ | Hàng hóa | Sông Cấp 4 | - | - | 2.6 |
22 | Cảng xăng dầu Cái Răng | Công ty xăng dầu Nam Bộ | Rạch Cần Thơ | Xăng dầu | Sông Cấp 4 | - | - | 2.8 |
23 | Cảng Đức Long | Công ty phát triển hạ tầng Đức Long | Sông Cổ Chiêm | Hàng hóa | Sông Cấp 3 | - | - | 2.5 |
24 | Cảng xi măng Hà Tiên Kiên Giang | Công ty xi măng Hà Tiên II | Kênh Ba Hòn | Hàng hóa | Sông Cấp 3 | - | - | 2.4 |
25 | Cảng Long Bình | Cụm cảng Mỹ thới An Giang | Sông Hậu | Hàng hóa | Sông Cấp 3 | - | - | 2.5 |
26 | Cảng Bảo Mai | Doanh nghiệp Bảo Mai | Sông Hậu | Hàng hóa | Sông Cấp 4 | - | - | 2.5 |
27 | Càng Hành khách Châu Đốc | Quản lý các khu du lịch An Giang | Sông Hậu | Hành khách | Sông Cấp 2 | - | - | 2.0 |
28 | Cảng nhà máy Việt Đan | Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp | Sông Cổ Chiêm | Hàng hóa | Sông Cấp 4 | - | - | 2.05 |
29 | Các Cầu Cảng khu cảng biển Sài Gòn |
| Sông Sài Gòn |
| Biển |
|
|
|
30 | Cảng biển Sài Gòn |
| Sông Sài Gòn |
| Biển |
|
|
|
31 | Các cầu cảng khu cảng biển Cát Lái |
| Sông Đồng Nai |
| Biển |
|
|
|
32 | Các cầu cảng khu cảng biển Hiệp Phước |
| Sông Soài Rạp |
| Biển |
|
|
|
33 | Khu chuyển tải |
| Sông Ngã bảy Thiềng Liềng |
| Biển |
|
|
|
34 | Các cầu cảng khu cảng Đồng Nai |
| Sông Đồng Nai |
| Biển |
|
|
|
35 | Các cầu cảng khu cảng Gò Dầu, Phước An, Phú Mỹ, Cái Mép |
| Sông Thị Vải |
| Biển |
|
|
|
36 | Các cầu cảng khu cảng Vũng Tàu |
| Sông Đinh |
| Biển |
|
|
|
37 | Các cầu cảng thuộc khu vực cảng Cần Thơ |
| Sông Hậu |
| Biển |
|
|
|
38 | Các cầu cảng thuộc khu vực cảng Đồng Tháp |
| Sông Tiền |
| Biển |
|
|
|
39 | Các cầu cảng thuộc khu vực cảng Mỹ Tho |
| Sông Tiền |
| Biển |
|
|
|
40 | Các cầu cảng thuộc khu vực cảng Hòn Chông, Rạch Giá |
|
|
| Biển |
|
|
|
ĐỊNH DẠNG GIẤY PHÉP VẬN TẢI QUA BIÊN GIỚI
[Trang bìa - COVER] Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Socialist Republic of Vietnam [hoặc-or] Hoàng gia Campuchia - Kingdom of Cambodia [Hình quốc huy và hoặc biểu tượng của cơ quan cấp phép - insert national emblem and/or logo of issuing authority] GIẤY PHÉP VẬN TẢI QUA BIÊN GIỚI |
[Trang 1 - PAGE 1] Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Socialist Republic of Vietnam [hoặc-or] Hoàng gia Campuchia - Kingdom of Cambodia [Hình quốc huy và hoặc biểu tượng của cơ quan cấp phép - insert national emblem and/or logo of issuing authority] GIẤY PHÉP VẬN TẢI QUA BIÊN GIỚI được cấp theo Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về Vận tải đường thủy do (tên cơ quan cấp) - by [insert name of issuing authority] □ cho tàu đường thủy nội địa đi nhiều chuyến (Loại 1) □ cho tàu đường thủy nội địa đi một chuyến khứ hồi (Loại 2) □ cho tàu đường thủy nội địa chở hàng nguy hiểm (Loại 3) [tick box] |
[Trang 2 - PAGE 2] CẤP PHÉP VÀ HẠN SỬ DỤNG - ISSUE AND VALIDITY Số - This is Cross-Border Transportation Permit No. ………………………………… Nước cấp - Issuing country: ………………………….. Cơ quan cấp - Issuing authority: …………………… Nơi cấp - Place of issue: ……………………………. Ngày cấp - Date of issue: …………………………. Ngày hết hạn - Date of expiry: ………………………. Loại (ghi rõ loại tàu) - Category: [either 'inland waterway vessel undertaking multiple trips (Category 1)' or 'inland waterway vessel undertaking one round trip (Category 2)' or 'inland waterway vessel carrying dangerous goods (Category 3)'] Trên tàu - Name of vessel: …………………………………… [đóng dấu - insert name and/or stamp and/or signature of issuing authority of official] |
[TRANG 3 - PAGE 3] GIA HẠN - RENEWALS Ngày gia hạn - Date of renewal: ………………………… Ngày hết hạn mới - New date of expiry: ……………………………… Nơi gia hạn - Place of renewal: ……………………………………….. Ghi chú: ………………………………… [insert name and/or stamp and/or signature of issuing authority of official] |
[TRANG 4 - PAGE 4] ĐẶC ĐIỂM CỦA TÀU - VESSEL PARTICULARS Tên tàu - Name of vessel: …………………………… Chủng loại (mục đích) - Type and purpose of vessel: ………………………… Số đăng ký - Registration no: …………………………………… GRT: ………………………………… DWT: ………………………………… LOA: …………………………………. Chiều rộng - Beam: ………………………………. Mớn tối đa - Maximum draught: ……………………………. Năm đóng - Year built: …………………………………. Loại máy và số máy - Type and number of engine: ……………………………. Tốc độ tối đa - Maximum speed: ………………………………….. HP/kW: …………………………………………. |
[TRANG 5 - PAGE 5] CÁC CHI TIẾT VỀ CHỦ TÀU HOẶC NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN - OWNER OR OPERATOR PARTICULARS Tên - Owner or operator of vessel: …………………………… Địa chỉ - Address of owner or operator: ……………………….. [theo đúng quy định - only if applicable under national law]: Số công ty và giấy phép No.of company or operator's license: ……………………………… Nơi cấp - Place of issue: …………………………………….. Ngày cấp - Date of issue: …………………………………… Ngày hết hạn - Date of expiry: …………………………….. |
[TRANG 6 - PAGE 6] TUYẾN ĐƯỜNG ĐI, CẢNG BẾN - ROUTES, PORTS AND TERMINALS theo Điều 15 (4) của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về Vận tải đường thủy (nếu cần thiết) under Art 15(4) of the Agreement between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and the Royal Government of Cambodia on Waterway Transportation (if applicable) Tuyến - Prescribed routes: ………………………….. Cảng bến - Prescribed port and/or terminals: ………………………. |
[TRANG 7 ĐẾN 47 - PAGES 7-47] XÁC NHẬN - CERTIFICATIONS kiểm tra tại cửa khẩu, cảng bến - of summary checks at the border gate and of inspection at the port or terminal of departure and at the port or terminal of destination ……………………………………. |
[TRANG 48 - PAGE 48] QUY ĐỊNH VỀ VIỆC SỬ DỤNG - RULES OF USE 1. Giấy phép này có 48 trang không kể trang bìa 2. Giấy phép này được mang ra nước ngoài cùng với tàu và sẽ được trình cho các cơ quan chức năng khi được yêu cầu 3. Chỉ tàu được ghi trên giấy phép này được sử dụng Giấy phép này 4. Giấy phép này chỉ được gia hạn một lần và sẽ không có giá trị vào ngày hết hiệu lực 5. Giấy phép này cần được nộp trả lại cho cơ quan cấp. 6. Những thay đổi, bổ sung và điều chỉnh trên Giấy phép này mà không được phép hoàn toàn bị cấm. Trong trường hợp bị mất cần báo ngay cho cơ quan cấp. 7. Tàu chỉ được phép đi lại trên các tuyến, ra vào các cảng bến đã được ghi trong Giấy phép, tàu vận tải qua biên giới được phép đi lại trên các tuyến đường thủy quy định, ra vào các cảng bến được xác định trong Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng Gia Campuchia về Vận tải đường thủy. |
Lưu ý:
Việc sử dụng các tuyến đường thủy quy định, các tuyến quá cảnh, cảng bến là đối tượng của luật định phù hợp với Hiệp định này. Các hoạt động giao thông thủy tại các khu vực cửa sông và vùng ven biển cần chú ý đặc biệt đến điều kiện địa hình địa phương.
- 1Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005
- 2Thông tư 08/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Hiệp định về vận tải thủy giữa Việt Nam - Campuchia do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Thông tư 03/2013/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 08/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Hiệp định về vận tải thủy giữa Việt Nam - Campuchia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Thông báo hiệu lực của Bản ghi nhớ về vận tải đường bộ giữa Việt Nam - Lào và Cam-pu-chia
- 5Thông báo hiệu lực của Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và Cam-pu-chia
- 6Thông tư 13/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định về vận tải đường thủy giữa Việt Nam - Campuchia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông báo hiệu lực về Hiệp định vận tải đường thủy giữa Việt Nam và Campuchia
- Số hiệu: 08/2011/SL-LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 17/12/2009
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Hoàng gia Cam pu chia
- Người ký: Lê Mạnh Hùng, Mom Sibon
- Ngày công báo: 01/03/2011
- Số công báo: Từ số 111 đến số 112
- Ngày hiệu lực: 20/01/2011
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực