Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 13/2012/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 29 tháng 02 năm 2012

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp về hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội, ký tại Hà Nội ngày 12 tháng 11 năm 2009, có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 02 năm 2012.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ




Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC GIỮ GÌN TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, sau đây được gọi là “các Bên”;

Nhận thức về tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Chính phủ hai nước trong lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội;

Với mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác hiệu quả và trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến quyền lợi chung;

Với mong muốn góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm quốc tế;

Đã thỏa thuận những điều sau đây:

Điều 1. Phạm vi hợp tác

Các Bên tiến hành hợp tác kỹ thuật và nghiệp vụ trong lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội và dành cho nhau sự hỗ trợ trong các lĩnh vực sau:

1. Chống tội phạm có tổ chức;

2. Chống khủng bố;

3. Chống buôn bán người, lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em;

4. Chống buôn bán nội tạng, mô, tế bào, các bộ phận cơ thể người;

5. Chống nhập cư bất hợp pháp và tội phạm có liên quan;

6. Chống hàng giả và sản xuất hàng giả;

7. Chống buôn bán bất hợp pháp chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất;

8. Chống tội phạm kinh tế, tài chính, đặc biệt là tội rửa tiền;

9. Đảm bảo an toàn các phương tiện giao thông đường không, đường thủy và đường bộ;

10. Chống ăn cắp, buôn bán bất hợp pháp vũ khí, đạn dược, chất nổ, chất phóng xạ, các hợp chất hóa học và các sản phẩm vi sinh cũng như các thiết bị nguy hiểm khác, hàng hóa và công nghệ cao dùng vào mục đích dân sự cũng như quân sự;

11. Chống buôn bán các phương tiện giao thông bị đánh cắp;

12. Chống buôn bán các sản phẩm văn hóa và các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp;

13. Chống tội phạm mạng;

14. Khoa học kỹ thuật hình sự cũng như các biện pháp điều tra nghiệp vụ cảnh sát;

15. Bảo vệ an toàn dân sự, phòng chống cháy nổ và cứu hộ, cứu nạn;

16. Giám sát và xử lý các thảm họa, khủng hoảng;

17. Đào tạo nhân sự.

Trên cơ sở tôn trọng các thủ tục hiện hành của hai nước, việc hợp tác này có thể được mở rộng ra các lĩnh vực khác liên quan đến trật tự an toàn xã hội bằng một thỏa thuận chung giữa các Bên.

Điều 2. Phương thức hợp tác

Các Bên hỗ trợ nhau trong các hoạt động đấu tranh chống các loại tội phạm ghi trong Điều 1. Để đạt được mục tiêu này:

Theo quy định luật pháp của hai nước, để phòng ngừa, hạn chế tội phạm quốc tế, hai Bên có thể trao đổi thông tin liên quan tới những đối tượng bị tình nghi tham gia vào các hoạt động tội phạm quốc tế, quan hệ giữa những người này, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức tội phạm này, các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, các biện pháp đã được áp dụng để phòng chống các vi phạm đó. Trong khuôn khổ hợp tác này, mỗi Bên có thể cung cấp các mẫu, các đồ vật hoặc thông tin về đối tượng bị tình nghi theo yêu cầu của Bên kia.

Theo yêu cầu, mỗi Bên có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nếu thấy cần thiết để thực hiện Hiệp định này.

Hai Bên hợp tác dưới hình thức phối hợp các biện pháp nghiệp vụ, hỗ trợ về nhân lực và trang thiết bị trên cơ sở ký kết các thỏa thuận bổ sung.

Điều 3. Phòng chống ma túy

Để ngăn chặn việc trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, bào chế, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất, các Bên áp dụng các biện pháp và tiến hành trao đổi:

1. Thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, buôn lậu ma túy, chất hướng thần và tiền chất, các thủ đoạn che dấu và phương tiện chuyên chở, nơi sản xuất, nơi trung chuyển, nơi tiếp nhận các chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất cũng như các tình tiết đặc biệt liên quan đến hành vi phạm tội, nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện loại tội phạm này theo Công ước thống nhất của Liên Hợp Quốc về các chất ma túy ký ngày 30/3/1961, được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định thư ngày 25/3/1972, Công ước về các chất hướng thần ngày 21/2/1971 và Công ước chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần ngày 19/12/1988;

2. Thông tin nghiệp vụ về các đường dây buôn bán bất hợp pháp chất ma túy, chất hướng thần và rửa tiền có liên quan;

3. Thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học hình sự và tội phạm học trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn bán bất hợp pháp và lạm dụng chất ma túy, tiền chất.

4. Mẫu ma túy, chất hướng thần cũng như các tiền chất có thể bị sử dụng sai mục đích hoặc trao đổi thông tin kỹ thuật về các mẫu lấy được;

5. Kinh nghiệm liên quan đến việc kiểm soát các hoạt động và buôn bán bất hợp pháp ma túy, chất hướng thần, tiền chất ma túy bất hợp pháp cũng như thông tin nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực này.

Điều 4. Đấu tranh chống khủng bố

Trong khuôn khổ hợp tác đấu tranh chống khủng bố, các Bên trao đổi thông tin liên quan đến:

1. Các hoạt động khủng bố đã tiến hành hoặc dự định tiến hành, phương thức và biện pháp kỹ thuật được sử dụng để tiến hành các hoạt động khủng bố;

2. Tất cả các thông tin cho phép phòng ngừa mọi hành vi khủng bố trên lãnh thổ của một trong hai Bên.

Điều 5. Phòng chống hàng giả

Các Bên phối hợp hợp tác, chia sẻ thông tin liên quan đến phòng chống hàng giả trong trường hợp tội phạm làm hàng giả bị kết án là tội chính hay kết án cùng với các tội danh khác;

Các Bên hợp tác trong lĩnh vực khoa học hình sự nhằm phòng ngừa và đấu tranh chống nạn hàng giả.

Điều 6. Hợp tác nghiệp vụ

Trong các lĩnh vực liệt kê tại Điều 1 của Hiệp định này, hợp tác nghiệp vụ nhằm những mục tiêu chính sau:

1. Đào tạo đại cương và chuyên sâu;

2. Trao đổi thông tin và kinh nghiệm nghiệp vụ;

3. Tư vấn kỹ thuật;

4. Trao đổi tài liệu chuyên ngành;

5. Nếu cần, trao đổi và tiếp đón cán bộ cũng như chuyên gia của cả hai Bên.

Hợp tác nghiệp vụ có thể được áp dụng trong các lĩnh vực quy định trong Hiệp định này phải có sự trao đổi, thỏa thuận giữa các Bên thông qua đường ngoại giao. Trong trường hợp cần thiết, những dàn xếp kỹ thuật giữa các cơ quan có liên quan phải được quy định rõ những phương thức cụ thể để tiến hành các hoạt động hợp tác.

Việc tiến hành các hoạt động phối hợp phải được lập kế hoạch hàng năm.

Bên đề nghị hợp tác chịu trách nhiệm cử phiên dịch cho các đoàn.

Điều 7. Từ chối hợp tác

Toàn bộ các hoạt động hợp tác do hai Bên tiến hành trong khuôn khổ Hiệp định này phải tuân thủ luật pháp của hai quốc gia và phù hợp với các điều ước quốc tế mà hai Bên là thành viên.

Hai Bên có thể từ chối cung cấp thông tin, trong khuôn khổ Hiệp định này, nếu xét thấy việc cung cấp thông tin không phù hợp với luật pháp nước mình hay vi phạm nghĩa vụ quốc tế, kể cả nghĩa vụ trong vấn đề bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.

Trong khuôn khổ Hiệp định này, hai Bên có thể từ chối hợp tác nếu xét thấy điều này xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự công cộng, quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp hoặc các quyền lợi cơ bản khác của quốc gia.

Khi áp dụng nội dung ghi trong khổ 2 và 3 của Điều này, nếu một trong hai Bên từ chối thì phải thông báo cho Bên kia biết.

Điều 8. Bảo mật

Các cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận thông tin và tài liệu trong khuôn khổ Hiệp định này phải đảm bảo độ bảo mật giống như Bên cung cấp tin hay tài liệu.

Các thiết bị, mẫu vật và thông tin được chuyển giao trong khuôn khổ Hiệp định này không được chuyển giao cho một nước thứ ba nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của Bên cung cấp.

Để bảo mật, các thông tin về danh tính đương sự chuyển cho Bên kia trong khuôn khổ Hiệp định này được quản lý theo điều kiện sau:

1. Bên nhận thông tin có danh tính đương sự chỉ được sử dụng các thông tin này đúng theo mục đích và điều kiện mà Bên cung cấp thông tin quy định, trong đó, bao gồm cả thời hạn phải hủy thông tin;

2. Khi Bên cung cấp thông tin yêu cầu, Bên nhận thông tin phải thông báo về việc sử dụng thông tin và kết quả thu được;

3. Các dữ liệu chuyển giao chỉ được chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền và cần thiết cho các hoạt động đó. Việc chuyển giao các dữ liệu này cho các cơ quan khác chỉ được phép khi có sự đồng ý bằng văn bản của bên chuyển giao.

4. Bên cung cấp thông tin đảm bảo độ chính xác của các thông tin chuyển giao sau khi chắc chắn rằng thông tin này cần thiết và phù hợp với mục tiêu công việc. Trong trường hợp thông tin không được phép chuyển hoặc không chính xác đã bị gửi đi, bên cung cấp thông tin phải báo ngay cho Bên nhận để sửa lại thông tin sai hay hủy thông tin không được phép chuyển;

5. Bên tiếp nhận thông tin phải hủy ngay các thông tin dữ liệu khi không dùng nữa hoặc khi kết thúc thời hạn lưu trữ tối đa mà bên cung cấp thông tin đã thông báo khi cung cấp thông tin theo quy định của luật pháp nước mình. Bên nhận thông tin thông báo ngay cho Bên cung cấp thông tin về việc hủy thông tin và nói rõ lý do của việc hủy;

6. Những người chứng minh được căn cước của mình đều có quyền chất vấn các cơ quan có thẩm quyền để biết rằng các cơ quan đó lưu giữ những thông tin có liên quan đến họ, trong trường hợp đó, họ có thể yêu cầu cung cấp thông tin.

7. Mỗi Bên lập sổ theo dõi thông tin được trao đổi và việc tiêu hủy chúng;

8. Các Bên đảm bảo việc bảo vệ thông tin, không để lộ thông tin, không được sửa đổi và công bố các thông tin nếu không được phép.

9. Trong trường hợp ngừng thực hiện Hiệp định này hay Hiệp định hết thời hạn và không gia hạn thêm, phải hủy bỏ tất cả các thông tin dữ liệu.

Điều 9. Cơ quan thực hiện Hiệp định

Các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm thi hành Hiệp định này là:

- Thay mặt Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Bộ trưởng Bộ Công an;

- Thay mặt Chính phủ Cộng hòa Pháp: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Hải ngoại và Quản lý địa phương.

Mỗi Bộ trưởng chỉ định những đơn vị chịu trách nhiệm về từng lĩnh vực cụ thể được ghi trong Hiệp định này và thông báo tên các đơn vị này cho Bên kia biết thông qua đường ngoại giao.

Điều 10. Chi phí

Khi áp dụng Hiệp định này và tôn trọng sự hạn chế về ngân sách của nhau, hai Bên chịu trách nhiệm về chi phí ở mỗi bên, trừ khi có thỏa thuận chung được áp dụng trong từng trường hợp.

Điều 11. Giải quyết tranh chấp

Các bất đồng liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua tham vấn hoặc đàm phán giữa các Bên.

Điều 12. Điều khoản cuối cùng

Mỗi Bên sẽ thông báo cho nhau bằng văn bản về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý theo pháp luật của mỗi Bên để Hiệp định này có hiệu lực. Hiệp định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày nhận được văn bản thông báo sau cùng.

Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn ba (03) năm và được mặc nhiên gia hạn từng ba (03) năm một. Mỗi Bên có thể tạm ngừng áp dụng việc thực hiện Hiệp định này từng phần hoặc toàn phần bằng thông báo dưới hình thức văn bản trước sáu (06) tháng qua đường ngoại giao.

Mỗi Bên có thể tuyên bố hủy bỏ Hiệp định này vào bất cứ lúc nào bằng văn bản gửi cho Bên kia. Hiệp định sẽ hủy bỏ sau sáu (06) tháng kể từ ngày một Bên nhận được thông báo bằng văn bản của Bên kia. Việc hủy bỏ sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác đang thực hiện, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận giữa hai Bên.

Để làm bằng, các đại diện được ủy quyền của hai Bên đã ký và đóng dấu vào Hiệp định này.

Làm tại Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2009 thành hai bản bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, hai văn bản đều có giá trị pháp lý ngang nhau.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN





Lê Thế Tiệm

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA PHÁP
ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP TẠI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Hervé Bolot

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội giữa Việt Nam - Pháp

  • Số hiệu: 13/2012/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 12/11/2009
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Pháp, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Lê Thế Tiệm, Hervé Bolot
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 261 đến số 262
  • Ngày hiệu lực: 17/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản