Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2013/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2013

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pê-ru về hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ký tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a, ngày 07 tháng 10 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 10 năm 2013.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Bản ghi nhớ theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

BẢN GHI NHỚ

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA PÊ-RU VỀ HỢP TÁC TRONG KHUÔN KHỔ DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (APEC)

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pê-ru (sau đây được gọi là "các Bên"),

Nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị vốn có giữa hai nước, thông qua việc thiết lập cơ chế hợp tác chung trên các lĩnh vực khác nhau trong quan hệ song phương;

Xét rằng nước Cộng hòa Pê-ru và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được chấp nhận là thành viên đầy đủ của Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998; và sẽ trở thành nước chủ nhà của Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC, các cuộc họp cấp Bộ trưởng và các cuộc họp liên quan, tương ứng vào các năm 2016 và 2017; và

Với mong muốn tăng cường hợp tác chung giữa các Bên trong khuôn khổ APEC nhằm cùng đóng góp cho việc thúc đẩy vai trò của các nền kinh tế APEC trong các liên kết kinh tế đa tầng ở cấp độ toàn cầu và khu vực, cũng như cho việc duy trì sự vững mạnh, năng động và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương,

Đã đạt được sự hiểu biết như sau:

Điều 1.

Mục đích của Bản ghi nhớ này là nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các Bên trong khuôn khổ APEC thông qua việc trao đổi quan điểm và đối thoại thường xuyên ở mọi cấp và việc thực hiện các chương trình và dự án trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, phù hợp với các nội dung ưu tiên trong chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xã hội của mỗi Bên, các quy tắc quốc tế và quy định của mỗi nước, nhằm bảo đảm sự thành công của năm APEC tại Pê-ru năm 2016 và năm APEC tại Việt Nam năm 2017.

Điều 2.

Các Bên nhất trí thành lập cơ chế trao đổi các chuyến thăm giữa các quan chức chính phủ nhằm hỗ trợ công tác hậu cần và chuyên đề của APEC.

Điều 3.

1. Các Bên sẽ trao đổi thường xuyên các thông tin phù hợp liên quan đến việc chuẩn bị và đệ trình các dự án cho các ủy ban và nhóm task force để cùng ủng hộ việc thông qua các dự án này.

2. Các Bên sẽ ủng hộ việc đề xuất các sáng kiến trong các lĩnh vực ưu tiên, có thể bao gồm:

a. Hội nhập kinh tế khu vực và phấn đấu đạt Các mục tiêu Bogor, bao gồm các công ty vừa và nhỏ, tài chính vi mô, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, cải cách cơ cấu, các chuỗi cung ứng đáng tin cậy, xây dựng năng lực, v.v.

b. Tăng trưởng bền vững và công bằng, bao gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, quản lý nước, chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp, giảm thiểu khoảng cách phát triển, thanh niên và việc làm, sự tham gia của nữ giới vào hoạt động kinh tế, môi trường, v.v.

c. Phát triển nguồn nhân lực và Giáo dục.

d. Các vấn đề chính liên quan đến đại dương.

e. Các vấn đề cùng quan tâm khác.

Điều 4.

Khi có thể và phù hợp, các Bên dành cho nhau sự ủng hộ trong việc:

1. Phổ biến hình ảnh, chương trình và hoạt động của năm APEC tại Việt Nam 2006, năm APEC tại Pê-ru 2008, năm APEC tại Pê-ru 2016 và năm APEC tại Việt Nam 2017 ở cấp độ quốc gia và khu vực.

2. Xác định các lĩnh vực tiềm năng cho việc hợp tác chung với các thành viên APEC khác, nhằm đóng góp cho các nội dung ưu tiên khi Cộng hòa Pê-ru và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Chủ tịch tương ứng các năm 2016 và 2017.

3. Tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy các chương trình và hoạt động cùng có lợi trong khuôn khổ APEC.

Điều 5.

Các Bên sẽ chỉ thị cho các Quan chức cao cấp của mỗi nước tại APEC dành cho nhau sự hỗ trợ trong quá trình áp dụng thông tin và ủng hộ trong việc tham gia, dự thảo và đàm phán các văn kiện của APEC, đặc biệt khi Pê-ru đảm nhiệm cương vị Chủ tịch APEC năm 2016 và Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch APEC năm 2017.

Điều 6.

Các Bên nhất trí ủng hộ sự tham gia của các tổ chức công cộng và tư nhân, bao gồm các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học trong việc triển khai các chương trình và dự án cùng quan tâm liên quan đến APEC.

Điều 7.

Các Bên chỉ định các quan chức cao cấp của mình làm đầu mối nhằm bảo đảm thực hiện Bản ghi nhớ này vì lợi ích chung của hai nước.

Theo yêu cầu bằng văn bản của bất kỳ một Bên nào, hai Bên nhất trí cùng xem xét lại Bản ghi nhớ này.

Điều 8.

Bản ghi nhớ này không tạo ra các ràng buộc pháp lý quốc tế cho Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pê-ru và thể hiện ý chí chính trị chung thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ APEC.

Điều 9.

1. Bản ghi nhớ này có hiệu lực từ ngày ký và có thời hạn không xác định.

2. Bản ghi nhớ này có thể được sửa đổi bằng văn bản theo sự thống nhất của các Bên. Việc sửa đổi sẽ là một bộ phận không tách rời của Bản ghi nhớ.

3. Các Bên có thể, vào bất cứ thời điểm nào, bày tỏ bằng văn bản ý định của mình chấm dứt hiệu lực của Bản ghi nhớ này thông qua các kênh ngoại giao trước 60 ngày.

Làm tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a, ngày 07 tháng 10 năm 2013 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, tất cả các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự khác biệt về giải thích, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ đối chiếu.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO




Phạm Bình Minh

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA PÊ-RU
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO





Eda Adriana Rivas Franchini

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Bản Ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) giữa Việt Nam và Pê-ru

  • Số hiệu: 52/2013/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 07/10/2013
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Pêru
  • Người ký: Phạm Bình Minh, Eda Adriana Rivas Franchini
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 781 đến số 782
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản