Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ  
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 388/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC “DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương (văn bản số 0214/BCT-VP ngày 07/01/2010); ý kiến của các cơ quan: Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (văn bản số 16/BCĐTNB ngày 21/01/2010); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 525/BKH-KHĐP< ngày 26/01/2010); Bộ Tài chính (văn bản số 1245/BTC-TCDN ngày 27/01/2010); Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế (văn bản số 009/UBQG-VP ngày 27/01/2010),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – The Mekong Delta Economic Cooperation (gọi tắt là MDEC) hàng năm với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu của MDEC:

a) Mục tiêu chung: MDEC là một hoạt động liên kết mở nhằm tăng tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (sau đây gọi tắt là các tỉnh, thành phố trong vùng); hợp tác và liên kết giữa vùng với các Bộ, ngành; hợp tác và liên kết giữa vùng với các địa phương ở trong nước; liên kết giữa vùng với các tổ chức quốc tế và các nước, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng, kinh tế to lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tăng cường hợp tác kinh tế, xây dựng các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với các Bộ, ngành Trung ương. Khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có của từng địa phương và vùng, đem lại sự tăng trưởng bền vững.

- Tăng cường hợp tác với nước ngoài, hợp tác với các nước có lợi ích liên quan trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên sông Mê Công; hợp tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và du lịch.

- Tập hợp những sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý của Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng và các nhà doanh nghiệp theo từng chủ đề; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vùng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

2. Ban Chỉ đạo MDEC.

Thành viên Ban chỉ đạo MDEC gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và các tỉnh, thành phố trong vùng. Trong đó, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm Trưởng ban Chỉ đạo; Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế - Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo MDEC làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Hàng năm, tùy theo tình hình thực tế và nội dung của MDEC sẽ mời bổ sung lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia thành viên Ban Chỉ đạo.

3. Ban Tổ chức MDEC.

Ban tổ chức MDEC do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong vùng đăng cai tổ chức MDEC quyết định thành lập. Ban Tổ chức MDEC có trách nhiệm phối hợp với Ban Thư ký MDEC tổ chức các hoạt động, sự kiện trong khuôn khổ MDEC đã được Ban Chỉ đạo MDEC hàng năm thống nhất.

4. Ban Thư ký MDEC

Ban Thư ký MDEC là đầu mối Thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo MDEC và phối hợp với Ban tổ chức MDEC, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức và dự trù kinh phí tổ chức MDEC hàng năm, trình Ban Chỉ đạo MDEC xem xét, quyết định; phối hợp với Ban Tổ chức MDEC tổ chức các hoạt động, các sự kiện trong khuôn khổ MDEC; theo dõi, đôn đốc thực hiện các nội dung đã được Ban Chỉ đạo MDEC thông qua.

5. Phân công trách nhiệm trong Ban Chỉ đạo MDEC.

a) Trưởng Ban Chỉ đạo MDEC có trách nhiệm:

- Triệu tập, chủ trì các cuộc họp của MDEC, thông báo kết luận về các vấn đề được thống nhất trong các cuộc họp;

- Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo MDEC hàng năm, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ và thành phần Ban Thư ký MDEC;

- Phân công nhiệm vụ cho Phó Trưởng ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo MDEC hàng năm và Trưởng ban Thư ký MDEC;

- Duyệt, quyết định nội dung, chương trình tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ MDEC hàng năm;

- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện của MDEC hàng năm;

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của MDEC hàng năm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chỉ đạo.

b) Phó trưởng Ban Chỉ đạo MDEC trách nhiệm:

- Giúp Trưởng ban Chỉ đạo MDEC thực hiện các nhiệm vụ của MDEC; giải quyết các công việc của Trưởng ban Chỉ đạo MDEC khi Trưởng ban Chỉ đạo đi công tác hoặc được ủy quyền;

- Là đầu mối quan hệ với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế trong việc tổ chức MDEC hàng năm;

c) Các thành viên Ban Chỉ đạo MDEC hàng năm có trách nhiệm:

- Thay mặt Bộ, ngành, địa phương và cùng tập thể lãnh đạo Ban Chỉ đạo MDEC xem xét, quyết định nội dung, chương trình hoạt động trong khuôn khổ MDEC hàng năm;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ MDEC liên quan đến Bộ, ngành, địa phương mình.

- Cử đơn vị làm đầu mối phối hợp và tham gia triển khai các nội dung đã được thống nhất tại MDEC.

- Phổ biến chương trình, nội dung MDEC hàng năm đến các đối tượng liên quan để thực hiện và tham gia, báo cáo kết quả cho Ban Chỉ đạo MDEC.

6. Nguyên tắc hoạt động của MDEC

- MDEC làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; hỗ trợ và tạo điều kiện trong quá trình tổ chức thực hiện và điều hành MDEC.

- Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC định kỳ tổ chức hàng năm, đưa ra các quyết định cao nhất trong khuôn khổ của MDEC, bao gồm các nội dung: sơ kết công tác thực hiện các kiến nghị của MDEC hàng năm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chỉ đạo; thống nhất các nội dung, chương trình và hoạt động trong khuôn khổ MDEC hàng năm và những vấn đề hợp tác khác.

Điều 2. Kinh phí hoạt động của MDEC hàng năm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ từ nguồn chi cho xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch theo kế hoạch hàng năm sau khi được Quốc hội thông qua và huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp dự toán kinh phí tổ chức MDEC hàng năm.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế;
- TT Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: KTTH, KTN, ĐP, TH; Cổng TTĐT
- Lưu: VT, NC (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 388/QĐ-TTg năm 2010 về tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 388/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/03/2010
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/03/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản